Anh Quan Văn Tiệp ở tổ 3, phường Tân Hà, TP Tuyên Quang (Tuyên Quang) vốn là kỹ sư làm việc tại Công ty Lâm sản Tuyên Quang. Tuy nhiên, do mê nuôi hươu nên anh đã từ bỏ công việc bàn giấy quyết tâm làm giàu từ nông nghiệp.
Tiệp nhớ lại, năm 2009 để có giống anh đã vào Hà Tĩnh mua 3 con hươu giống về nuôi. Giai đoạn đầu khởi nghiệp với anh cũng không ít gian nan. Không có tiền, anh phải bán cả chiếc xe Wave Alpha, phương tiện đi lại duy nhất của cả nhà. Lại thêm chuyện gia đình phản đối vì đây là mô hình mới ở Tuyên Quang.
Mẹ anh bảo: “Dân làng đang bảo đầu mày có vấn đề. Hươu người ta chỉ nuôi ở vườn bách thú làm cảnh chứ có ai nuôi ở nhà”. Khi Tiệp mời thợ đến nhà làm chuồng, mẹ anh đuổi không cho thợ làm. Tuy nhiên, trước quyết tâm của con trai, bà đành nghe theo.
Để học hỏi kỹ thuật nuôi hươu, anh thường xuyên gọi điện liên hệ với nơi bán giống. Có lần 3 con hươu cứ gầy còm không lớn được, Tiệp phải vào tận Hà Tĩnh để lấy thuốc chữa.
Theo anh Tiệp, hươu thường mắc bệnh đầy hơi, tiêu chảy, nếu biết cách thì chữa rất dễ, không tốn chi phí mà bảo đảm sức khỏe cho hươu. Bệnh đầy hơi là do hươu ăn phải thức ăn không bảo đảm vệ sinh, nếu phát hiện muộn, chỉ sau 2 tiếng là hươu sẽ chết.
Do vậy, khi có dấu hiệu bụng hươu chướng lên bất thường phải lấy tỏi giã cho hươu uống. Chỉ cần bài thuốc đơn giản này là hươu khỏi ngay. Để hươu phát triển tốt, khỏe mạnh phải chú trọng nguồn thức ăn sạch, khi cho hươu ăn phải để ý xem lá cây có sâu cuốn lá, trứng sâu hay không, nếu ăn phải những thứ này, hươu rất dễ bị đầy hơi, tiêu chảy.
So với nhiều loài vật khác thì hươu là động vật không cần đòi hỏi môi trường sống và chăm sóc quá cao. Thức ăn chủ yếu là các loại lá cây và các phụ phẩm nông nghiệp, ít mắc dịch bệnh. Hiện nay, khu chuồng chăn nuôi hươu của anh thường xuyên duy trì từ 70 - 100 con hươu. Ngoài bán hươu giống, đàn hươu còn cho khai thác nhung.
10 năm lăn lộn với hươu, cơ sở chăn nuôi của anh trở thành địa chỉ cũng cấp giống và tư vấn kỹ thuật có uy tín. Vì vậy, nhiều hộ chăn nuôi ở các tỉnh Thái Nguyên, Phú Thọ, Lai Châu, Yên Bái và thành phố Hà Nội đều nhập hươu giống của nhà anh.
Với những cơ sở đến mua giống, anh đều hướng dẫn tỷ mỉ cách dựng chuồng, bỏ nền bê tông để áp dụng đệm lót sinh học cho đến cách chăm sóc, vệ sinh, phòng bệnh cho hươu; kỹ thuật chăm sóc đảm bảo hươu sinh trưởng, phát triển ít dịch bệnh.
Anh Tiệp cho biết, sau 2 năm tuổi, hươu bắt đầu cho thu nhung. Con trưởng thành từ 45 kg trở lên cho khai thác nhung ổn định, mỗi năm thu được trung bình từ 0,4 - 0,9 kg nhung. Với giá nhung hươu trên thị trường hiện nay khoảng từ 2,3 - 2,5 triệu đồng/lạng thì mỗi năm một con hươu cho thu nhập từ 10 đến 23 triệu đồng tiền nhung.
Sản phẩm nhung hươu, hươu thịt, hươu giống của gia đình anh không đủ để bán vì nhu cầu của thị trường còn khá lớn. Mỗi năm trừ chi phí, đàn hươu cho anh thu lãi khoảng 500 triệu đồng.
Cùng với nuôi hươu, Tiệp còn chăn nuôi gần 100 con vịt bầu Minh Hương và 5 ao cá, diện tích hơn 1 mẫu. Trừ chi phí, những mô hình này mỗi năm anh thu lãi gần 100 triệu đồng.
Tiệp bảo: “So với làm văn phòng, nghề nông vất vả hơn nhưng cũng lắm thú vui. Dù làm ở đâu, làm công việc gì cũng cần tinh thần nhiệt huyết và cống hiến thì sẽ có quả ngọt”.
Anh Nguyễn Mạnh Cường, Trưởng Ban Thanh niên nông thôn Tỉnh đoàn Tuyên Quang cho biết, hiện toàn tỉnh có hơn 800 mô hình thanh niên làm kinh tế giỏi mỗi năm thu lãi từ 80 triệu đến hơn 1 tỷ đồng. Trong đó mô hình nuôi hươu của anh Quan Văn Tiệp là một trong những điển hình tiêu biểu.