Lý do mà VCPMC mạnh dạn triển khai hoạt động này là vì họ đã từng thu được của nhiều khách sạn lớn trên địa bàn TPHCM.
Ai vào khách sạn để thưởng thức âm nhạc? (Ảnh minh họa) |
Theo những chuyên gia luật, VCPMC đã vận dụng Luật Sở hữu trí tuệ theo hướng có lợi cho họ, nên nhìn bề ngoài thì họ hoàn toàn đáng ủng hộ.
Trên thực tế, với mức phí 25 ngàn đồng/năm cho mỗi cái tivi thì chỉ là con số nhỏ so với doanh thu, nên các khách sạn tiêu chuẩn quốc tế đã nộp cho đỡ rách việc.
Cứ mỗi cái tivi đều thu phí bản quyền thì nghe chừng rất buồn cười. Vì có ai vào khách sạn với mục đích thưởng thức âm nhạc đâu. Dịch vụ chính của khách sạn là lưu trú kia mà. Mặt khác không có một điều tra xã hội học hoặc một thống kê thị trường nào chứng minh người dùng tivi trong khách sạn để bật các kênh âm nhạc Việt Nam.
Hiện nay, hệ thống truyền hình cáp có hàng trăm kênh quốc tế, với rất nhiều phim hấp dẫn và nhiều chương trình âm nhạc đẳng cấp thế giới. Không có một kênh âm nhạc nào của Việt Nam có thể cạnh tranh với kênh MTV hoặc kênh nhạc pop Hàn Quốc.
Vậy mà, VCPMC vẫn hồn nhiên đi thu phí thì thật khó hiểu. Hành vi ấy có chút vĩ cuồng, dù đại diện VCPMC gắng gượng phân bua rằng: “Việc thu phí âm nhạc trên tivi trong các phòng nghỉ khách sạn, dù không biết trên tivi phát những chương trình nào, có những tác phẩm âm nhạc của các tác giả nào nhưng chắc chắn là nếu các phòng nghỉ khách sạn có sử dụng tivi thì thế nào cũng có khách mở nhạc và được nghe nhạc thì họ sẽ thấy thú vị hơn khi ở các khách sạn không dùng tivi!”.
Sau những tranh luận mà phần ngây ngô thuộc về VCPMC, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả Bùi Nguyên Hùng cho rằng việc thực hiện bảo vệ quyền tác giả âm nhạc của VCPMC đúng với quy định pháp luật hiện hành về quyền tác giả, quyền liên quan và thông lệ quốc tế.
Tuy nhiên, để thực hiện có hiệu quả và đúng quy định của pháp luật, Cục Bản quyền tác giả đề nghị VCPMC phải thực hiện đúng quy trình và có lộ trình phù hợp với từng hình thức khai thác, sử dụng tác phẩm. VCPMC chỉ được phép đưa ra biểu mức tiền quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc của thành viên mình khi được khai thác, sử dụng tại khách sạn.
Tạm thời, VCPMC tạm ngừng việc thu phí bản quyền tivi trong hệ thống khách sạn, để giải quyết những vướng mắc về… quyền tác giả. Nếu thu phí ở đơn vị sản xuất băng đĩa thì còn nắm rõ bài nào, của ai, chứ thu gộp kiểu 25 ngàn đồng/ tivi thì làm sao thanh toán bản quyền. Hơn nữa, rất nhiều nhạc sĩ không tham gia cùng VCPMC, ví dụ hai nhạc sĩ nổi tiếng Phú Quang và Trần Tiến.
Về vấn đề này, ông Phó Đức Phương - Giám đốc VCPMC biện luận: “Với những tác giả và tác phẩm chưa uỷ thác cho chúng tôi, chúng tôi sẽ không nhận. Đơn vị sử dụng tác phẩm âm nhạc phải đưa cho chúng tôi danh sách tác phẩm đang dùng và chúng tôi sẽ tách ra những tác giả, tác phẩm nào không uỷ quyền cho Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc VN.
Nếu có những tổ chức, cá nhân vì muốn hoàn thành trách nhiệm của mình một cách nhanh gọn, mà yêu cầu bằng văn bản nhờ chúng tôi “trả hộ” thì chúng tôi sẽ cố gắng mạnh dạn chịu trách nhiệm và xin trả hộ. Sau đó chúng tôi sẽ đi tìm để trả lại cho tác giả đó. Dù sao chúng tôi cũng là tổ chức chuyên môn, nên việc đi tìm tác giả cũng dễ hơn là những cá nhân, tổ chức đang sử dụng tác phẩm!”.
Cách nói của ông Phó Đức Phương rất khó thuyết phục. Bởi lẽ, thu phí bản quyền kiểu “khoán” thì xử lý khoản tiền ấy như thế nào? Dù dùng để làm chi phí hoạt động cho VCPMC hoặc chia đều ra cho các tác giả có hợp đồng ủy quyền với VCPMC cũng đều khiên cưỡng. Đại diện VCPMC khẳng định, họ không được quyền giữ tiền đó để tiêu riêng mà phải trả cho các tác giả, nhưng trả ra sao thì chính VCPM cũng… không biết! Thu phí bản quyền không giống như sáng tác ca khúc, không thể tùy hứng và càng không thể tùy tiện! Bản quyền âm nhạc có phải trò đùa đâu, mà cứ làm bừa kiểu “thầy bói xem voi” trong một xã hội văn minh!