| Hotline: 0983.970.780

'Thủ phủ' chuối Khoái Châu đìu hiu ngày cận Tết

Thứ Tư 11/01/2023 , 16:18 (GMT+7)

HƯNG YÊN Bệnh vàng lá hoành hành, thời tiết bất lợi, chi phí đầu tư cao, giá bán lại không tăng nên vụ chuối Tết năm nay ở vựa chuối Khoái Châu (Hưng Yên) buồn thiu.

Xã Tứ Dân được xem là nơi khởi đầu và là địa phương trồng chuối tiêu hồng trọng điểm của huyện Khoái Châu (Hưng Yên). Theo ghi nhận, chỉ hơn 10 ngày nữa là đến Nguyên đán Qúy Mão 2023, tuy nhiên, người trồng chuối ở đây vẫn đứng ngồi không yên vì chuối đã đến kỳ thu hoạch mà vắng bóng thương lái về hỏi mua.

IMG_8512

Gia đình chị Nguyễn Thị Luân, thôn Phương Trù, xã Tứ Dân (Khoái Châu, Hưng Yên) đang đứng ngồi không yên khi vắng bóng thương lái tới hỏi mua chuối. Ảnh: Trung Quân.

Đang tất bật bơm nước dưỡng cây cho 10 mẫu chuối (7 mẫu chuối tiêu hồng, 3 mẫu chuối tây), chị Nguyễn Thị Luân, thôn Phương Trù, xã Tứ Dân chia sẻ: Mọi năm, thời điểm này hầu hết chuối của gia đình đã được thương lái đặt cọc thu mua hết nhưng năm nay vẫn phải phải treo biển bán mà không thấy ai hỏi han.

“Dịp Tết năm nay gia đình dự tính bán cả nghìn buồng chuối mà giờ mới bán được mấy trăm buồng. Mấy ngày trước có khách đến đặt mua 300 buồng, lựa chọn, chấm sơn đánh dấu rồi nhưng không đặt tiền, giờ vẫn chưa thấy phản hồi gì. Còn hơn 1 tuần nữa là đến Tết, nếu chuối không bán được thì năm nay coi như mất Tết”, chị Luân than thở.

Theo chị Luân, giá chuối Tết năm nay có nhiều mức khác nhau tùy từng buồng, nhưng nhìn chung năm nay có phần thấp hơn so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, buồng chuối tiêu “hàng tuyển” có giá từ 300.000 - 350.000 đồng/buồng (năm trước bán tới 400.000 đồng/buồng); chuối tiêu thông thường có giá từ 200.000 đồng/buồng trở lên (vẫn có những vườn xấu chỉ bán được 170.000 - 180.000 đồng/buồng). Chuối tây số lượng ít nên bán giá tương đối cao, từ 200.000 - 250.000 đồng/buồng.

IMG_20230109_134524

Tại xã Tứ Dân, đầu mối thu mua lớn ở các tỉnh xa về rất ít, chủ yếu là thương lái địa phương thu mua với số lượng nhỏ đưa đi tiêu thụ tại các chợ đầu mối. Ảnh: Trung Quân.

Cách vườn nhà chị Luân không xa, bà Nguyễn Thị Bảy, người cùng thôn Phương Trù cũng không thể vui nổi khi 6 sào chuối của gia đình chỉ thu được khoảng 40 buồng bán dịp Tết.

Bà Bảy cho hay, ngoài việc chuối bị nhiễm bệnh vàng lá, héo rũ, gãy ngọn, nứt gốc, thối thân (người dân gọi là bệnh vàng lá), năm nay do ảnh hưởng của thời tiết mưa nhiều nên nhiều diện tích bị nhỡ vụ thu hoạch bán Tết, trong khi, chỉ có dịp Tết chuối mới bán được giá cao, còn ngày thường chỉ có giá từ 70.000 - 80.000 đồng/buồng, thậm chí 40.000 - 500.000 đồng/buồng.

“Có mấy chục buồng chuối mà mãi vẫn chưa bán hết, từ giờ tới ngày 23 âm lịch mà không có thương lái vào vườn hỏi mua thì đành phải cắt, dùng xe máy chở đi chợ đầu mối Đông Tảo bán”, bà Bảy buồn bã.

Cũng theo bà Bảy, cây chuối dễ trồng, nhưng để cho ra được nải chuối đẹp, sáng mã, chất lượng để bán Tết thì người trồng phải tốn rất nhiều chi phí, công sức. Hiện tại, dịch bệnh trên chuối đang hoành hành; thời tiết, mưa, bão diễn biến khó lường, thậm chí chuối sắp được thu hoạch, buồng rất nặng dễ gãy, gặp trận gió to nếu không được chằng buộc cẩn thận là coi như mất trắng.

Bà Nguyễn Thị Bảy,  thôn Phương Trù (Tứ Dân, Khoái Châu) kém vui khi 6 sào chuối chỉ thu được 40 buồn bán Tết. Ảnh: Trung Quân.

Bà Nguyễn Thị Bảy, thôn Phương Trù (Tứ Dân, Khoái Châu) kém vui khi 6 sào chuối chỉ thu được 40 buồng bán Tết. Ảnh: Trung Quân.

Thương lái đặt mua chuối bán dịp Tết chỉ quyết định trong vòng mấy ngày nên người trồng phải cân đối làm sao để chuối ra hoa, đậu quả, thu hoạch đúng thời điểm thì mới thuận lợi tiêu thụ, giá bán cao.

“Nghe 300.000 - 400.000 đồng/buồng chuối nhiều người cho là lớn nhưng so với chi phí, công chăm sóc thì chẳng thấm vào đâu. Gía phân bón, thuốc BVTV tăng cao vùn vụt, chưa nói mỗi vụ trung bình phải tốn thêm khoảng 4kg vôi và 1 bao phân gà cho 1 cây chuối. Những diện tích hết chu kỳ khai thác, sau khi thu hoạch phải dùng phân gà rải đều, dùng máy đánh tơi để tăng dinh dưỡng cho đất. Để diệt mầm bệnh, thậm chí phải dùng vôi cục tung ra khắp vườn, bơm nước vào cho vôi tự tôi, sôi sùng sục trên mặt ruộng, sau đó bơm nước rửa đi mà bệnh vẫn không hết. Nói chung, nếu để kể hết những khó khăn thì chắc ít người dám trồng chuối”, bà Bảy phân trần.

Anh Đặng Văn Tuân, thương lái địa phương thu mua chuối đánh giá: Trước đây, vào dịp Tết, khu vực Tứ Dân và nhiều xã ở huyện Khoái Châu tấp nập người mua kẻ bán. Người trồng hay thương lái ai nấy cũng đều phấn khởi vì chuối rất dễ tiêu thụ. Tuy nhiên, từ khi bệnh vàng lá xuất hiện đến nay, mọi hoạt động lại trở nên ảm đạm.

IMG_8440

Nhiều hộ dân sử dụng vôi bột vệ sinh vườn sau thu hoạch, chuyển đổi trồng cây khác nhưng vẫn không thể "cắt" được bệnh vàng lá trên cây chuối. Ảnh: Trung Quân.

Theo anh Tuân, lý do mà các đầu mối thu mua lớn ở các tỉnh xa dần vắng bóng không phải vì chất lượng chuối của Tứ Dân có vấn đề hay giá bán cao vì giá chuối các nơi đều sàn sàn như nhau, mà chủ yếu do tỷ lệ chuối mắc bệnh vàng lá ngày càng nhiều, trong khi không có cách nào phòng trị. Người trồng chuối chịu lỗ liên tiếp nên nhiều hộ đã không còn mặn mà, một số thì để cây phát triển tự nhiên “được đâu ăn đấy”, một số đã chuyển sang trồng cây khác với hi vọng sẽ cắt được mầm bệnh trước khi quay lại trồng chuối, nhưng cách làm này cũng không ăn thua.

Diện tích chuối Tứ Dân, nhất là chuối tiêu hồng vì thê ngày càng giảm, cộng thêm việc ruộng canh tác của các hộ nhỏ lẻ, sản lượng tạo ra không đều, trong khi thương lái ở xa muốn mua số lượng lớn để vừa tiết kiệm thời gian, chi phí thu gom, vừa có được giá tốt. Do đó, nhiều thương lái đã chuyển hướng tìm tới những vựa chuối mới, lớn hơn như Vĩnh Tuy (Hà Nội), Bắc Ninh… để thu mua.

Ngoài ra, thị trường các tỉnh miền Trung chủ yếu chuộng sử dụng chuối tây để thờ cúng, trong khi ở Tứ Dân số lượng này rất ít. Chuối tiêu hồng chủ yếu tiêu thụ ở miền Bắc, tuy nhiên, với những bất lợi như hiện tại thì khả năng cạnh tranh với các vựa chuối lớn khác ở miền Bắc sẽ rất khó khăn.

Xem thêm
Người mở đầu cho nông nghiệp công nghệ cao ở Thụy Lâm

Ông Nguyễn Đình Chung (xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, TP Hà Nội) năm nay đã gần 70 tuổi nhưng cử chỉ, phong thái còn nhanh nhẹn và giọng nói vẫn mạnh mẽ.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Hợp tác nông nghiệp công nghệ cao hỗ trợ nông dân và hợp tác xã

Còn nhiều dư địa để phát triển hợp tác nông nghiệp thông minh, ứng dụng công nghệ cao và trí tuệ nhân tạo tương thích với mô hình sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam.