| Hotline: 0983.970.780

Thủ phủ khoáng sản Quỳ Hợp: Hàng loạt mối hiểm họa tiềm tàng

Thứ Ba 25/02/2020 , 17:00 (GMT+7)

Nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú giúp huyện miền núi Quỳ Hợp (Nghệ An) thay da đổi thịt chóng vánh, tuy nhiên đằng sau đó là muôn vàn hệ lụy đi kèm.

Những gì đang diễn ra tại xã Đồng Hợp là ví dụ điển hình. Ảnh: Việt Khánh.

Những gì đang diễn ra tại xã Đồng Hợp là ví dụ điển hình. Ảnh: Việt Khánh.

Bức tranh màu xám

Hàng loạt doanh nghiệp và các cá nhân trên địa bàn huyện Quỳ Hợp đã rót tiền của, huy động kinh phí đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh và chế biến đá các loại.

Hiển nhiên với ngành nghề đặc thù có yếu tố nhạy cảm như thế này, nội dung "cam kết bảo vệ môi trường” được xác định phải đặt lên hàng đầu.

Mặt khác, theo Thông tư 31/2016/TT-BTNMT về “Bảo vệ môi trường cụm công nghiệp, khu kinh doanh, dịch vụ tập trung, làng nghề và cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ” của Bộ TN-MT cũng nhấn mạnh đến trách nhiệm của chủ đầu tư là “phải đầu tư hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường”.

Trên cơ sở này, ngành chức năng huyện Quỳ Hợp đã triển khai phương án, tập trung truyền tải thông điệp đến các đơn vị liên quan, yêu cầu họ phải thực hiện rốt ráo. Tuy nhiên từ lý thuyết đến thực tiễn là 2 phạm trù hoàn toàn khác biệt, điều này được chứng thực rõ nét qua tình hình thực tế diễn ra lâu nay.

Điển hình là thực trạng tại xã Đồng Hợp nơi ó làng nghề chế biến đá phát triển, lúc này đã hình thành nhiều cụm chế biến tập trung (Đồng Sòng, 5 xóm Quỳnh Hợp, Khoai Chuối, Đồng Lèn…) với tổng quy mô hơn 32 ha.

Ghi nhận đến tháng 7/2019 toàn xã có 4 công ty, 25 cơ sở chế biến đá và 13 hộ gia đình duy trì hoạt động thường xuyên, liên tục.

Qua rà soát, mặc dù các đơn vị đã tiến hành xây dựng hệ thống lắng lọc nước thải nhưng cơ bản không đảm bảo theo quy định. Triển khai lấp liếm theo hình thức đối phó nên việc quá tải là điều khó tránh, đồng nghĩa kéo theo tình trạng ô nhiễm do nước thải và bột đá đến môi trường xung quanh.

Số lượng lớn chất thải đổ ngay ra đường. Ảnh: Việt Khánh.

Số lượng lớn chất thải đổ ngay ra đường. Ảnh: Việt Khánh.

Thực trạng tại Đồng Hợp cũng chính là câu trả lời tổng quan nhất đối với ngành nghề kinh doanh khoáng sản toàn huyện lúc này.

Ông Lê Sỹ Hào, Trưởng phòng TN-MT khẳng định lực lượng cán bộ chuyên trách hiện tại không đủ để đảm đương, giám sát tình hình 24/24h, chưa kể phải đảm đương các nhiệm vụ chuyên môn đơn thuần khác. Từ cơ sở thực tế nhất thiết cần phân cấp phân quyền, khi phát hiện sai phạm cấp xã phải chủ động xử lý, trường hợp vượt quá thẩm quyền thì báo cáo lên huyện để có phương án giải quyết phù hợp.

Phần lớn hệ thống lắng lọc của các đơn vị không đảm bảo. Ảnh: Việt Khánh.

Phần lớn hệ thống lắng lọc của các đơn vị không đảm bảo. Ảnh: Việt Khánh.

Không phủ nhận công tác quản lý khoáng sản trên địa bàn huyện Quỳ Hợp đã có những chuyển biến nhất định, tuy nhiên đánh giá tổng quan vẫn đầy rẫy mối hiểm họa tiềm tàng. Lo ngại hơn cả là vấn nạn tai nạn lao động tại các hầm mỏ, những sự vụ tang thương xảy đến trong năm 2019 chính là lời khẳng định đanh thép nhất.

Không ngẫu nhiên, tháng 5/2019 UBND tỉnh Nghệ An ban hành Quyết định số 1950/QĐ-UBND về việc đóng cửa mỏ khoáng sản đối với 10 khu vực mỏ trên địa bàn huyện Quỳ Hợp.Trong số này, riêng xã Châu Lộc có 4 điểm (mỏ đá xây dựng Kiền Kiền của Hợp tác xã Hợp Thành; mỏ đá xây dựng Thung Na Nhân của Công ty CP khai thác khoáng sản Quang Sơn; mỏ đá xây dựng Thung Lũng của Hợp tác xã Hợp Thành và mỏ đá xây dựng Thung Kền Kền của Hợp tác xã Liên Hợp)…

“Điểm đen” Trung Hải

Xét riêng lĩnh vực khoáng sản thì quy mô tại xã Đồng Hợp chỉ là “muỗi” so với xã Châu Quang. Cụm công nghiệp nơi đây thuộc diện hoành tráng nhất huyện Quỳ Hợp với hàng loạt doanh nghiêp tham gia đầu tư, nổi bật phải kể đến “ông lớn” - Công ty CP Khoáng sản và thương mại Trung Hải – Nghệ An (Group).

Với tiềm lực kinh tế lớn mạnh, công ty không ngần ngại xây dựng dây chuyền sản xuất hiện đại bậc nhất, trong đó có nhà máy nghiền bột đá siêu mịn số 2. Hệ thống này chính thức đi vào vận hành vào đầu năm 2019, trùng với thời điểm cuộc sống của gần 100 hộ dân tại xóm bản Cà, xã Châu Quang bị… đảo lộn tứ tung.

"Ông lớn" Trung Hải là một trong những doanh nghiệp bị chỉ mặt đặt tên. Ảnh: Việt Khánh.

Chẳng hề giấu diếm, nhiều gia đình nói thẳng: “Quá trình vận hành của Công ty Trung Hải gây ra nhiều hệ lụy, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống, gây phiền nhiễu đến sinh hoạt thường ngày của chúng tôi. Hệ thống máy móc của công ty hoạt động suốt ngày đêm, tiếng động phát ra đinh tai nhức óc, chưa kể độ rung lắc quá lớn trực tiếp làm nứt nẻ nhiều nhà dân. Không khí ngày càng bị ô nhiễm trầm trọng, tất cả bắt nguồn từ việc xả thải của họ mà ra”.

Được biết, Công ty CP Khoáng sản và thương mại Trung Hải – Nghệ An được thành lập theo giấy đăng ký kinh doanh số 2900806318 ngày 18/5/2007, đến nay đơn vị này đã đăng ký thay đổi đến 3 lần.

Tại Cụm công nghiệp Châu Quang, Công ty Trung Hải xây dựng 3 nhà xưởng với 2 nhà máy chế biến đá trắng siêu mịn và 1 xưởng chế biến đá. Điều đáng nói, vị trí của nhà máy nằm giáp đường dân sinh và gần với khu vực dân cư của xóm Bản Cà, xã Châu Quang.

Trước làn sóng phản đối dâng cao, ngày 17/4/2019 UBND huyện Quỳ Hợp đã thành lập đoàn kiểm tra để xác minh.

Tại thời điểm này nhà máy chế biến bột đá trắng siêu mịn số 2 đang trong quá trình xây dựng, đã lắp đặt máy nghiền, nhà xưởng, nhà kho trên khu đất của chính đơn vị và trên diện tích của Công ty TNHH Phú Quang (Công ty Trung Hải mua lại vào cuối năm 2018).

Sau quá trình làm việc, Đoàn kiểm tra yêu cầu chủ đầu tư phải thực hiện nghiêm túc các quy định về bảo vệ môi trường, đồng thời khẩn trương hoàn thành lắp đặt hệ thống chống ồn theo quy định.

Theo người dân, doanh nghiệp này vẫn ngang nhiên xả nước thải và bột đá ra đường dân sinh. Ảnh: Việt Khánh.

Theo người dân, doanh nghiệp này vẫn ngang nhiên xả nước thải và bột đá ra đường dân sinh. Ảnh: Việt Khánh.

Không rõ Trung Hải đã chủ động đến đâu nhưng qua theo dõi thực tế việc khắc phục chưa đến nơi đến chốn. Theo ghi nhận của PV NNVN, quá trình vận hành của đơn vị này vẫn gây ra nhiều phiền toái, nhất là việc xả nước thải tràn làn ra đường dân sinh.

Sau khi tiếp nhận thông tin, cơ quan chức năng huyện Quỳ Hợp phản hồi với điệp khúc cũ mèm: “Sẽ đấu mối với chính quyền địa phương nắm bắt tình hình ngay lập tức, tùy theo mức độ vi phạm (nếu có) sẽ đưa ra phương án xử lý nghiêm khắc”.

Doanh nghiệp đóng vai trò then chốt đến nhiệm vụ phát triển chung, đặc biệt là với một huyện sở hữu nhiềm tiềm năng, lợi thế như Quỳ Hợp. Tuy nhiên với những điều “mắt thấy tai nghe” dư luận đặc biệt lo ngại về những mối nguy tiềm tàng ngay trước mắt, dưới góc độ tổng quan nếu bất chấp đánh đổi môi trường lấy kinh tế bằng mọi giá đồng nghĩa hiểm họa khôn lường luôn rình rập.

Xem thêm
Đổi đất sau 30 năm thành mất đất

Đổi đất không thông qua chính quyền, bà Nguyễn Thị Tới ở tổ 12, phường Tân Bình, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình được 'chỉ' mảnh đất không có giấy tờ chứng minh...

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.