| Hotline: 0983.970.780

Thu tiền tỷ từ những con ruồi lính đen nhỏ bé

Thứ Sáu 19/07/2024 , 12:33 (GMT+7)

THANH HÓA Sử dụng các sản phẩm của ruồi lính đen làm thức ăn chăn nuôi, nuôi thủy sản giúp trang trại tuần hoàn của ông Lê Minh Tới mỗi năm thu về hàng tỷ đồng.

Trại ruồi lính đen của ông Lê Minh Tới. Ảnh: Quốc Toản. 

Trại ruồi lính đen của ông Lê Minh Tới. Ảnh: Quốc Toản. 

Ông Lê Minh Tới quê xã Thiệu Duy (Thiệu Hóa, Thanh Hóa) nghỉ công tác trong ngành viễn thông để về quê nuôi… ruồi.

Ông bảo: “Làm nhà nước đến tuổi phải nghỉ hưu, nhưng làm nông làm đến khi nào chán thì thôi. Bởi vậy, tôi trở về với làng quê, đồng ruộng để tìm kiếm niềm vui và thực hiện đam mê của bản thân”. 

Năm 2014, ông Tới trở về quê với một khoản tiền kha khá, đồng thời thuê thầu 4,5ha đất tại xã Thiệu Duy để làm trang trại nuôi ruồi lính đen kết hợp đào ao thả vịt, nuôi ốc, cua, trạch...

Để có được cơ ngơi như ngày hôm nay, ông Tới đã đầu tư cả chục tỷ đồng và tự mình mày mò, nghiên cứu kỹ thuật, quy trình nuôi ruồi lính đen. Ngót 10 năm “chân lấm, tay bùn” ông Tới gần như không có đồng lãi. 

Ông Tới cho biết: “Mô hình nuôi ruồi lính đen lấy ấu trùng hay nuôi giun quế làm thức ăn cho vật nuôi khá phổ biến trên thế giới, giúp giảm chi phí thức ăn, đem lại năng suất và chất lượng vật nuôi. Tuy nhiên, đây là loài vật có tuổi thọ thấp, sau khi đẻ trứng ruồi sẽ chết. Do đó, khó khăn lớn nhất khi nuôi ruồi lính đen là quá trình nghiên cứu sinh lý hóa, tập tính, khí hậu và nhiệt độ chuồng nuôi để đảm bảo hiệu quả sinh trưởng, sinh sản của chúng”.

Sau khi thử nghiệm nuôi ruồi lính đen thành công, ông Tới đã đầu tư lắp đặt 2 nhà màng với tổng chi phí gần 2 tỷ đồng, trên diện tích 1.000m2. Kế bên các ao nuôi cá chê, cua, ốc, trạch, vịt, để thuận tiện cho việc cung cấp, vận chuyển thức ăn cho vật nuôi.

Cũng theo ông Tới, ruồi lính đen có thể xử lý được tất cả các loại phế phẩm nông nghiệp, thức ăn thừa, giúp bảo vệ môi trường xung quanh. Hiện nay, chủ trang trại này đã ký kết với các công ty chế biến nông sản để thu mua nguyên liệu về làm thức ăn cho ruồi. 

Ông Tới cho biết, nuôi ruồi lính đen lấy ấu trùng làm thức ăn cho vật nuôi giúp tiết kiệm khoảng 20% chi phí thức ăn, ấu trùng giàu đạm, vật nuôi phát triển nhanh.

"Ấu trùng ruồi lính đen được trộn với cám công nghiệp, làm thức ăn cho vịt, trạch, cua trong trang trại. Phân ruồi được sử dụng ủ men vi sinh nuôi ốc, cá trê. Thức ăn từ ấu trùng đảm bảo an toàn vệ sinh mà vẫn tiết kiệm được chi phí, đáp ứng tiêu chí kinh tế tuần hoàn, nâng cao hiệu quả, sức đề kháng cho vật nuôi", ông Tới chia sẻ.

Ấu trùng ruồi lính đen được sử dụng làm thức ăn cho vật nuôi trong trang trại. Ảnh: Quốc Toản. 

Ấu trùng ruồi lính đen được sử dụng làm thức ăn cho vật nuôi trong trang trại. Ảnh: Quốc Toản. 

Làm chủ được nguồn thức ăn chính, ông Tới thành lập hợp tác xã và tập trung xây dựng mô hình trang trại tổng hợp với nhiều vật nuôi. Đến nay, ông Tới đã có 7 ao nuôi, thả, hệ thống nhà màng phục vụ chăn nuôi theo hướng bán tự đồng được đầu tư khá đồng bộ, hiện đại.

Hiện trang trại đang nuôi 5.000 vịt, 12 vạn cá trê vàng, 10 tấn ốc dạ, trạch và 3 tạ cua đồng... Dự kiến, ông Tới sẽ thu về từ 3-5 tỷ đồng sau khi xuất bán các sản phẩm từ chăn nuôi.

Trại ruồi lính đen của ông Lê Minh Tới là mô hình nuôi ruồi lính đen lấy ấu trùng làm thức ăn cho vật nuôi đầu tiên tại Thanh Hóa, hoạt động theo mô hình tuần hoàn. Bên cạnh đó, mô hình trang trại này không gây ảnh hưởng tới môi trường, an toàn với vật nuôi, đồng thời tận dụng và xử lý được các nguồn rác thải hữu cơ có ích, phục vụ chăn nuôi.

Đây là một lợi thế rất lớn trong chăn nuôi, giúp nông dân nâng cao hiệu quả và thu nhập. Hiện nay, mô hình trang trại tuần hoàn, an toàn, thân thiện với môi trường của ông Tới đang trở thành điểm đến tham quan, học tập của nhiều người có chung đam mê làm nông nghiệp.

Xem thêm
Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Giảng viên IPHM là đầu tàu dẫn dắt nông dân sản xuất bền vững

Các giảng viên đã được trang bị kiến thức về IPHM sẽ giúp nông dân thấy được sức khỏe đất đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bảo vệ đất là việc cần phải làm ngay.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.