Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết, thời gian qua, mức độ trang bị động lực cho nông nghiệp của Việt Nam trung bình đạt 1,6 mã lực (HP)/ha canh tác, thấp hơn nhiều so với Thái Lan (4 HP/ha), Trung Quốc (8 HA/ha).
Hiện nay, Việt Nam phải nhập khẩu gần 70% số máy móc phục vụ nông nghiệp, phần lớn trong số đó có nguồn gốc từ Trung Quốc. Máy nông nghiệp Việt Nam mới chỉ chiếm khoảng gần 30% thị phần; 60% là máy nhập khẩu từ Trung Quốc, còn lại là Nhật Bản và Hàn Quốc.
Tại đồng bằng sông Cửu Long, việc cơ giới hóa canh tác được thực hiện chủ yếu trong ngành trồng lúa, mía đường.
Ngược lại, tỷ lệ này còn rất thấp với các cây trồng cạn khác ở vùng Tây Bắc, Tây Nguyên. Trên thực tế, có rất nhiều loại máy móc nông nghiệp, phụ thuộc vào quy trình canh tác, thu hoạch các loại cây trồng khác nhau, điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu của từng vùng miền.
Theo Bộ Công thương, những điều kiện của Việt Nam như dân số lên tới 95 triệu người và một nền kinh tế tăng trưởng nhanh khiến quy mô thị trường nội địa của Việt Nam trở nên rất đáng kể.
60% dân số ở độ tuổi dưới 30 và thế hệ những người trẻ được kỳ vọng sẽ tạo nên 1 nền tảng tiêu dùng quan trọng trong vòng 10 năm tới.
Người dân Việt Nam chi trả 1 phần đáng kể thu nhập của họ cho lương thực thực phẩm và đang có xu hướng mua các thực phẩm ăn sẵn và các sản phẩm thực phẩm cao cấp nhiều hơn do sự gia tăng thu nhập của các hộ gia đình sống ở thành phố và chế độ làm việc 5 ngày trong tuần.
Do đó, tiềm năng phát triển của ngành công nghiệp thực phẩm, chế biến nông lâm thủy sản cũng như áp dụng cơ giới hóa nông nghiệp để nâng cao giá trị chế biến là rất lớn.