| Hotline: 0983.970.780

Thứ trưởng Hoàng Trung và những kỳ vọng với ngành chè

Thứ Ba 10/09/2024 , 10:30 (GMT+7)

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Trung chia sẻ tâm huyết với Báo Nông nghiệp Việt Nam về những trăn trở với vấn đề nâng cao giá trị ngành hàng chè.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Trung chia sẻ về những kỳ vọng với ngành chè. Ảnh: Hoàng Anh. 

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Trung chia sẻ về những kỳ vọng với ngành chè. Ảnh: Hoàng Anh. 

1 trong 6 cây công nghiệp chủ lực

Theo Thứ trưởng Hoàng Trung, cây chè có vai trò rất quan trọng, đóng góp vào tăng trưởng chung của ngành nông nghiệp. Chè cũng là cây trồng chủ lực giúp nhiều địa phương tăng trưởng kinh tế, giúp bà con nông dân có sinh kế, thu nhập bền vững.

Trong thời gian qua Bộ NN–PTNT đã rất quan tâm và có nhiều đề án, chính sách liên quan đến cây chè, cùng với nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã, đặc biệt là bà con nông dân xây dựng ngành chè Việt Nam đạt được nhiều thành tựu đáng khích lệ.

Với diện tích xấp xỉ 130 ngàn ha, phân bố tại 34 tỉnh thành trên cả nước, sản lượng chè Việt Nam hằng năm tương đối lớn với gần 1,2 triệu tấn, sản phẩm ngày càng đa dạng, chất lượng không ngừng được cải thiện để cung ứng cho thị trường tiêu dùng trong nước và đóng góp vào thị trường xuất khẩu tới hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ khắp thế giới.  Bình quân kim ngạch xuất khẩu chè Việt Nam hơn 200 triệu USD/năm.

Tuy nhiên, để tiếp tục phát triển ngành chè Việt Nam thực sự hiệu quả, bền vững, với giá trị cốt lõi là mang lại thu nhập cao hơn cho nông dân, Bộ NN–PTNT xác định cần phải tái cơ cấu lại ngành chè theo hướng bền vững hơn, hiệu quả hơn. Trong đó Đề án phát triển cây công nghiệp chủ lực đến năm 2030 xác định chè là 1 trong 6 cây công nghiệp chủ lực, cây trồng trọng điểm, có nhiều đóng góp cho ngành NN-PTNT. Chính vì vậy, tất cả vấn đề từ giải pháp kỹ thuật, định hướng phát triển cho từng vùng và các chính sách kèm theo đều nhằm mục tiêu phát triển ngành chè ổn định và bền vững.

Ngành hàng chè Việt Nam có tiềm năng, dư địa lớn, song giá trị còn thấp, chưa xây dựng được thương hiệu lớn trên thị trường quốc tế. Ảnh: NNVN.

Ngành hàng chè Việt Nam có tiềm năng, dư địa lớn, song giá trị còn thấp, chưa xây dựng được thương hiệu lớn trên thị trường quốc tế. Ảnh: NNVN.

Bộ NN–PTNT đã chỉ đạo Cục Trồng trọt xây dựng kế hoạch cụ thể, phối hợp với các tỉnh trồng chè căn cứ vào đặc điểm cụ thể của từng vùng để có kế hoạch phát triển phù hợp.

Mục tiêu đến năm 2030, diện tích trồng chè cả nước ổn định khoảng 120 - 125 nghìn ha, trong đó vùng Trung du miền núi phía Bắc khoảng 98 - 100 nghìn ha, vùng Bắc Trung Bộ khoảng 10 - 12 nghìn ha, vùng Tây Nguyên khoảng 8 - 10 nghìn ha, còn lại được trồng tại một số tỉnh Quảng Ninh, Hà Nội, Quảng Nam… Sản lượng chè hàng năm đạt từ 1,4 đến 1,5 triệu tấn.

Song song với đó là các giải pháp áp dụng đồng bộ tiến bộ khoa học kỹ thuật mới như trồng cây che bóng; tưới nước tiết kiệm; cơ giới hóa khâu đốn, thu hoạch búp chè; sử dụng đúng thuốc bảo vệ thực vật... Mục tiêu đến năm 2030, diện tích chè áp dụng quy trình sản xuất GAP và tương đương đạt khoảng trên 70%, được cấp mã số vùng trồng đạt trên 70%...

Với diện tích chè già cỗi, cần trồng tái canh bằng những giống chè mới có năng suất, chất lượng cao; 100% diện tích chè trồng mới được sử dụng giống đạt tiêu chuẩn. Ở những nơi có điện kiện, gắn phát triển vùng trồng chè với phát triển văn hóa, du lịch, dịch vụ (Thái Nguyên, Hà Giang, Yên Bái, Sơn La, Phú Thọ, Nghệ An, Lâm Đồng...).

Theo Thứ trưởng Hoàng Trung, muốn đạt được mục tiêu nói trên, trước hết cần phải ổn định diện tích trồng chè. Xây dựng bộ giống chất lượng cao, cơ cấu giống phù hợp với từng địa phương, từng vùng sinh thái trồng chè nhằm đảm bảo Việt Nam có vùng nguyên liệu đáp ứng được nhu cầu chế biến, tiêu chuẩn thị trường, phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng ngày càng đa dạng.

Liên kết sản xuất trong ngành hàng chè Việt Nam hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế. Ảnh: NNVN.

Liên kết sản xuất trong ngành hàng chè Việt Nam hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế. Ảnh: NNVN.

Hiện nay, chúng ta có khoảng 260 nhà máy, cơ sở chế biến các loại chè khác nhau nên bài toán đặt ra cần phải có đủ nguyên liệu để phục vụ chế biến, tạo ra các sản phẩm đa dạng nhất, mang lại giá trị cao nhất cho ngành chè. Cần tiếp tục khuyến khích doanh nghiệp đầu tư hơn nữa vào công nghệ chế biến chè, nắm bắt nhiều hơn nữa thị hiếu của người tiêu dùng, yêu cầu của thị trường, đặc biệt là thị trường nước ngoài để có định hướng phát triển sản phẩm bài bản.

Thứ hai, vấn đề rất quan trọng là ngành chè cần phải có chiến lược, định hướng phát triển đa dạng hoá hơn nữa thị trường xuất khẩu. Bộ NN–PTNT và các đơn vị trực thuộc sẽ phối hợp với Hiệp hội Chè Việt Nam tìm kiếm thị trường mới. Đồng thời tổ chức sản xuất, chế biến thực sự bài bản và căn cơ để đảm bảo chất lượng sản phẩm, đặc biệt là vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm (VSATTP), dư lượng thuốc BVTV để đáp ứng tiêu chuẩn từng thị trường.

Bài học trong thời gian qua cho thấy, các thông báo vi phạm liên quan đến các lô hàng chè xuất khẩu chủ yếu là vấn đề ATVSTP, dư lượng thuốc BVTV… Chính vì vậy, song song với kế hoạch tổ chức sản xuất, các chương trình giám sát liên quan đến ATVSTP và dư lượng thuốc BVTV phải đặc biệt quan tâm.

Xây dựng ngành chè phát triển bền vững, hiệu quả đang là nhiệm vụ mà ngành nông nghiệp đang đặt ra. Ảnh: Hoàng Anh. 

Xây dựng ngành chè phát triển bền vững, hiệu quả đang là nhiệm vụ mà ngành nông nghiệp đang đặt ra. Ảnh: Hoàng Anh. 

Thứ ba là tập trung nghiên cứu, chế biến nhằm đa dạng hoá sản phẩm, đa dạng hóa mẫu mã và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm chè của Việt Nam. Gắn xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất chè bền vững với nhiệm vụ phát triển du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm để vừa quảng bá chất lượng sản phẩm vừa tạo không gian văn hóa thưởng thức trà.

“Đề án đã nó, chiến lược, định hướng phát triển đã được hoạch định rõ ràng, không phải 1 - 2 năm mà tầm nhìn đến năm 2030 và xa hơn nữa”, Thứ trưởng Hoàng Trung nhấn mạnh.

Sản xuất chè theo hướng hữu cơ, sinh thái, bền vững

Cũng theo Thứ trưởng Hoàng Trung, để ngành chè Việt Nam phát triển bền vững, hiệu quả và đạt được mục tiêu Đề án đề ra, Bộ NN-PTNT cũng đã giao các cơ quan trực thuộc nghiên cứu sửa đổi các quy định, quy trình phù hợp với điều kiện của ngành chè hiện nay.

Mục tiêu lớn nhất là nhằm đảm bảo trên một diện tích sản xuất, năng suất, sản lượng và chất lượng chè đạt mức cao nhất. Từng bước tái cơ cấu ngành chè theo hướng sản xuất theo quy trình nông nghiệp tuần hoàn, sử dụng các vật tư đầu vào tiết kiệm nhất, ít nhất nhưng vẫn đạt hiệu quả cao nhất. Xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất chè tập trung và bền vững. Liên tục đổi mới quy trình sản xuất, cải thiện chất lượng vật tư đầu vào để vừa bảo vệ được môi trường sản xuất, bảo đảm khả năng phòng trừ các sinh vật gây hại trên cây chè, đồng thời đảm bảo năng suất, chất lượng cao để sản xuất chè theo hướng hữu cơ, sinh thái, bền vững theo hướng tuần hoàn.

Việt Nam có những giống chè quý, chất lượng cao nhưng chưa khẳng định được tên tuổi trên thị trường quốc tế. Ảnh: NNVN.

Việt Nam có những giống chè quý, chất lượng cao nhưng chưa khẳng định được tên tuổi trên thị trường quốc tế. Ảnh: NNVN.

Muốn thực hiện mục tiêu này, vấn đề nâng cao nhận thức, năng lực của người trồng chè về việc sử dụng vật tư đầu vào an toàn đòi hỏi sự quan tâm của các địa phương trong quản lý vật tư đầu vào chặt chẽ, bảo đảm các loại vật tư phục vụ sản xuất chè bảo đảm chất lượng, đúng chủng loại. Cùng với đó, đẩy mạnh hơn nữa mở cửa thị trường, tìm kiếm nhằm đa dạng hoá hơn nữa thị trường xuất khẩu. Phải xác định đây là công việc, nhiệm vụ thường xuyên, liên tục nhằm đảm bảo chuỗi liên kết của ngành chè từ khâu hoạch định tổ chức sản xuất, kế hoạch sản xuất, quy trình sản xuất đến khâu thu hoạch, chế biến để xây dựng thị trường thực sự bền vững và hiệu quả.

Song song với xây dựng vùng nguyên liệu, cần đẩy mạnh hơn nữa khâu chế biến, đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa thị trường. Bộ NN-PTNT cùng các địa phương, Hiệp hội Chè Việt Nam, cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã và bà con nông dân sẽ nghiên cứu thị trường và xử lý các rào cản kỹ thuật, tháo gỡ nút thắt liên quan nhằm nâng cao chất lượng, hình ảnh chè Việt Nam.

“Tôi hi vọng với chiến lược, định hướng phát triển và quyết tâm thực hiện tốt các giải pháp, sự phối hợp nhuần nhuyễn từ trung ương đến địa phương trong chuỗi ngành hàng chè Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu chè những năm tới sẽ đạt được nhiều thành tựu lớn hơn nữa, đóng góp lớn vào sự nghiệp chung của ngành NN-PTNT. Bộ NN-PTNT sẽ luôn đồng hành cùng các địa phương, Hiệp hội Chè Việt Nam và cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã, bà con nông dân để ngành chè đạt được hiệu quả cao nhất”, Thứ trưởng Hoàng Trung kỳ vọng.

(Ghi)

Xem thêm
‘Đòn bẩy’ nuôi gà thả đồi

Mô hình liên kết nuôi gà thịt gắn với tiêu thụ tại Hoài Ân là ‘đòn bẩy’ thúc đẩy chăn nuôi gà thả đồi giai đoạn 2022 - 2026 theo chính sách khuyến khích của Bình Định.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.