Ngày 5/2 (27 tháng Chạp), Thứ trưởng Bộ Công thương Phan Thị Thắng dẫn đầu đoàn công tác gồm đại diện Vụ Thị trường trong nước, Tổng cục Quản lý thị trường, Sở Công Thương TP.HCM, Sở NN-PTNT TP.HCM đã có buổi kiểm tra công tác chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết tại siêu thị Co.op Mart Lý Thường Kiệt (quận 10) và chợ Bến Thành (quận 1).
Ghi nhận tại siêu thị Co.op Mart Lý Thường Kiệt, lượng khách đổ về mua sắm khá đông đúc, nhiều người dân xếp hàng dài chờ đến lượt mua sắm những thực phẩm thiết yếu như thịt gia súc, gia cầm, hải sản, bánh chưng, trứng, bánh, kẹo, trái cây, hoa...
Tổng Giám đốc Saigon Co.op Nguyễn Anh Đức cho hay, sức mua của toàn hệ thống tăng từ 15% – 20% theo từng tuần kinh doanh Tết. Cụ thể, từ 5 đến 9-2 (ngày 26 đến 30 tháng Chạp) bước vào cao điểm mua sắm Tết nên hệ thống siêu thị tập trung nguồn lực, liên tục đưa hàng Tết lên quầy kệ.
Ghi nhận vào trưa cùng ngày, tại chợ Bến Thành (quận 1), lượng khách trong và ngoài nước tham quan, mua sắm nhộn nhịp và tấp nập hơn ngày thường.
Theo ông Ngô Văn Hà, Trưởng ban quản lý chợ Bến Thành, nguồn hàng dồi dào, đa dạng với giá cả ổn định. Trong những ngày giáp Tết, sức mua tăng hơn so với ngày thường, trong đó chủ yếu là nhóm hàng tiêu dùng thiết yếu như trái cây, hàng tươi sống, mặt hàng khô, bánh kẹo… Một số mặt hàng tăng 10-15% như tôm khô, mực khô.
Để đảm bảo an toàn về nguồn hàng phục vụ người tiêu dùng, đội kiểm tra của chợ Bến Thành kiểm tra chứng từ, hóa đơn, niêm yết giá, thời hạn sử dụng, xuất xứ từng sản phẩm của từng quầy sạp. Đặc biệt, người bán phải cam kết đảm bảo không vi phạm nội quy chợ.
Sau khi kiểm tra tại các siêu thị, chợ truyền thống, Thứ trưởng Bộ Công thương Phan Thị Thắng ghi nhận siêu thị đã chuẩn bị nguồn hàng hóa phong phú, chất lượng, mẫu mã đẹp, nhiều mặt hàng chế biến sẵn để người tiêu dùng có thể sử dụng được ngay mà không mất nhiều thời gian chế biến. Đây là xu hướng tiêu dùng.
Ngoài ra, hệ thống siêu thị cũng chăm chút, tăng cường giảm giá nhằm chia sẻ với người tiêu dùng trong giai đoạn hiện nay. "Qua khảo sát cho thấy, người tiêu dùng có xu hướng mua các mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết như thực phẩm, trứng, thịt, đồ chưng Tết, bánh, kẹo. Đến 27 Tết, các siêu thị đầy ắp hàng, người dân mua sắm với giá cả bình ổn, phải chăng. Sức mua đến thời điểm hiện nay rất ổn", bà Thắng nói.
Bà Thắng cũng ghi nhận sự nỗ lực của tiểu thương, Ban Quản lý chợ Bến Thành trong việc đồng hành cùng ngành công thương phục vụ hàng tết đa kênh, tiện lợi đến khách hàng.
Lãnh đạo Bộ Công thương cũng mong muốn TP.HCM và Ban quản lý chợ Bến Thành nghiên cứu mô hình phù hợp để thu hút khách du lịch và phát triển kinh tế đêm tại khu vực này.
TP.HCM có 45 doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán như Vissan, C.P Việt Nam, Ba Huân, Vĩnh Thành Đạt... Tổng nguồn vốn chuẩn bị phục vụ 2 tháng Tết Giáp Thìn, doanh nghiệp bình ổn thị trường chuẩn bị hơn 22.000 tỷ đồng, trong đó, hơn 8.500 tỷ đồng chuẩn bị hàng bình ổn thị trường.
Về lượng hàng, các mặt hàng bình ổn thị trường chiếm thị phần từ 25% đến 43% trên thị trường. Về giá cả, các doanh nghiệp tham gia Chương trình Bình ổn thị trường cam kết giữ ổn định giá, không điều chỉnh tăng giá bán trong 1 tháng trước Tết và 1 tháng sau Tết; đồng thời thực hiện giảm giá sâu trong 2 ngày cận Tết đối với các mặt hàng thiết yếu.