| Hotline: 0983.970.780

Thủ tướng gửi công điện chỉ đạo khắc phục hậu quả mưa lũ

Chủ Nhật 02/08/2015 , 12:44 (GMT+7)

Thủ tướng yêu cầu cụ thể 9 nội dung các địa phương, Bộ ngành và cơ quan chức năng phải thực hiện gấp rút để hạn chế, khắc phục hậu quả mưa lũ./ [video] Lũ ống kinh hoàng càn quét thị trấn Tuần Giáo, Điện Biên / Vỡ đập ở Điện Biên: Nỗ lực trục vớt tài sản giúp dân/ Rừng Tuần Giáo và nỗi đau tận diệt

Trước tình hình mưa lớn kéo dài đã gây sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, ngập lụt tại nhiều địa phương, dẫn đến thiệt hại lớn về người và tài sản, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sinh hoạt của người dân; Thủ tướng Chính phủ đã gửi công điện đến các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Hà Nội, Hà Nam, Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Bắc Kạn, Cao Bằng, Hà Giang, Tuyên Quang, Yên Bái, Lào Cai, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên; nhiều Bộ, ngành chức năng. Công điện nêu rõ:

Trong tuần vừa qua, mưa lớn kéo dài đã gây sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, ngập lụt tại nhiều địa phương khu vực Bắc Bộ, thiệt hại lớn về người và tài sản của Nhà nước và nhân dân ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sinh hoạt của người dân, đặc biệt là tại tỉnh Quảng Ninh và một số tỉnh khu vực miền núi phía Bắc. Các Bộ, ngành, cơ quan, Chính quyền và nhân dân các địa phương đã có nhiều nỗ lực trong việc phòng chống và khắc phục hậu quả. Thủ tướng Chính phủ gửi lời thăm hỏi, chia buồn sâu sắc tới thân nhân các gia đình có người bị thiệt mạng, chia sẻ những khó khăn, mất mát của đồng bào, chính quyền các địa phương.

Theo dự báo, trong những ngày tới, mưa lũ còn diễn biến phức tạp, nguy cơ cao tiếp tục xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, ngập úng tại các tỉnh miền núi, nhất là những khu vực đã bị ảnh hưởng do mưa lớn kéo dài trong những ngày qua. Để chủ động ứng phó, khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:

1. Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các Bộ, ngành, cơ quan liên quan tập trung chỉ đạo ứng phó, khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ; tổ chức tìm kiếm người mất tích, mai táng người bị thiệt mạng, cứu chữa người bị thương, thăm hỏi, động viên, hỗ trợ kịp thời các gia đình bị thiệt hại; cứu trợ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho các hộ dân bị thiếu đói, hộ còn bị cô lập, chia cắt, nhất là các hộ bị mất nhà cửa, hộ nghèo, gia đình chính sách, không để người dân bị đói, khát. Tiếp tục kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét để chủ động sơ tán, di dời dân cư bảo đảm an toàn. Tăng cường thông tin truyền thông, cảnh báo, hướng dẫn người dân chủ động ứng phó; cử người canh gác, hướng dẫn giao thông tại các khu vực có nguy cơ bị sạt lở, ngập sâu, nước chảy xiết, nhất là qua các ngầm, tràn. Chỉ đạo lực lượng y tế cơ sở triển khai công tác bảo đảm vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh, huy động lực lượng quân đội, công an, thanh niên hỗ trợ người dân dựng lại nhà cửa, dọn vệ sinh môi trường ngay sau khi lũ rút.

2. Uỷ ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chỉ đạo các lực lượng đóng quân trên địa bàn chủ động tham gia hỗ trợ nhân dân phòng chống, khắc phục hậu quả mưa lũ.

3. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục chỉ đạo các địa phương chủ động rà soát, kiểm tra, vận hành bảo đảm an toàn đê điều, hồ đập, kể cả các hồ đập do người dân tự đắp để bảo đảm an toàn công trình và tính mạng, tài sản của người dân vùng hạ du; chỉ đạo chủ động tiêu thoát nước chống ngập úng, bảo vệ sản xuất nông nghiệp.

4. Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra, khắc phục nhanh các sự cố sạt lở, bảo đảm giao thông thông suốt trên các tuyến quốc lộ, kịp thời hỗ trợ địa phương khắc phục sự cố trên các trục giao thông chính.

5. Bộ Công Thương chỉ đạo Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam có phương án phòng chống sạt lở, nhất là các bãi xỉ thải; phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các Bộ, cơ quan liên quan chỉ đạo Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam khẩn trương có phương án hỗ trợ người lao động ổn định đời sống, nhanh chóng khôi phục sản xuất, bảo đảm kế hoạch cung ứng than.

6. Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia tiếp tục theo dõi diễn biến của mưa lũ; thường xuyên cập nhật, thông tin để chủ động phòng, tránh.

7. Các Bộ, ngành khác theo chức năng, nhiệm vụ có trách nhiệm chỉ đạo, phối hợp, hướng dẫn các địa phương triển khai ngay các phương án ứng phó với mưa lũ; đồng thời chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật tư cần thiết để chủ động tham gia khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ.

8. Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Báo Nhân dân, Thông tấn xã Việt Nam và các cơ quan thông tin đại chúng ở Trung ương và địa phương tăng thời lượng phát sóng; thường xuyên thông báo diễn biến tình hình mưa lũ; làm tốt công tác thông tin truyền thông để các Bộ, ngành, cơ quan và nhân dân chủ động phòng, tránh.

9. Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai tổ chức thường trực theo dõi, tổng hợp diễn biến mưa lũ, đôn đốc, chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện các biện pháp cụ thể ứng phó với mưa lũ; đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo kịp thời những vấn đề vượt thẩm quyền.

Xem thêm
Nông nghiệp góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng cho Nghệ An

Năm 2024, ngành nông nghiệp Nghệ An tiếp đà thắng lợi toàn diện, đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, kế hoạch được giao.

Tình nguyện hiến đất làm kè chống sạt lở bờ sông

Hà Tĩnh Hơn 30 hộ dân ở huyện Hương Khê đã tình nguyện hiến hàng nghìn m2 đất làm dự án kè chống sạt lở bờ sông Ngàn Sâu, góp phần phòng chống thiên tai hiệu quả.

Nậm Tông hồi sinh giữa lòng núi rừng

Lào Cai Giữa sương mai bồng bềnh, Nậm Tông thức giấc trong ánh vàng dịu nhẹ, những mái nhà mới khoác màu đất ấm áp vẽ nên bức tranh hồi sinh kỳ diệu.