| Hotline: 0983.970.780

Thủ tướng: Mọi thành phần kinh tế bình đẳng, không phân biệt công - tư

Thứ Tư 17/05/2017 , 19:45 (GMT+7)

Việc người đứng đầu Chính phủ trực tiếp đối thoại với doanh nghiệp thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo cấp cao, là sự động viên lớn đối với doanh nghiệp, đồng hành cùng doanh nghiệp, nhất là khu vực doanh nghiệp tư nhân...

Sáng 17/5, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị “Đồng hành cùng doanh nghiệp”. Mong muốn được lắng nghe các ý kiến thẳng thắn, cởi mở, chân thành, trách nhiệm xây dựng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp cùng với Chính phủ đoàn kết, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để xây dựng đất nước.

18-01-10_thu-tuong-cm-ket-moi-thnh-phn-kinh-te-deu-binh-dng
Thủ tướng cam kết mọi thành phần kinh tế đều bình đẳng, không phân biệt công hay tư

Với việc “đặt bài” của Thủ tướng, các ý kiến phát biểu của cộng đồng doanh nghiệp đều đi thẳng vào những vấn đề lớn cần được tháo gỡ từ chủ trương, chính sách, đất đai… đồng thời hiến kế các giải pháp giúp Chính phủ đưa ra các quyết sách thúc đẩy sự phát triển đất nước.

Nhiều ý kiến của doanh nhân hết sức tâm huyết, thẳng thắn đặt ra cụ thể cho từng ngành, lĩnh vực, chỉ đích danh địa phương. Lãnh đạo Chính phủ, các Bộ trưởng, trưởng ngành cũng lần lượt đăng đàn làm rõ các kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp. Theo chỉ đạo của Thủ tướng, ngay sau hội nghị kết thúc, Thủ tướng sẽ họp với các Phó Thủ tướng và thành viên Chính phủ nhằm quyết định các vấn đề mà cộng đồng doanh nghiệp nêu kiến nghị, đề xuất.

Tại hội nghị lúc 13h, Thủ tướng đã ký ngay một Chỉ thị không được thanh tra, kiểm tra 1 năm quá 1 lần đối với doanh nghiệp, thanh tra đột xuất khi vi phạm thì không được mở rộng. Thủ tướng dứt lời cả hội nghị đồng loạt dành một tràng pháo tay.

Tiếp tục phát biểu, Thủ tướng nói, Chính phủ kiến tạo không chỉ có tự do kinh doanh, tự do sáng tạo mà còn an toàn với người đầu tư; không chỉ độc quyền kinh doanh được kiểm soát mà còn chống hàng giả, hàng nhái để bảo đảm môi trường kinh doanh công bằng, hiệu quả; các nhà đầu tư, doanh nghiệp không chỉ được tôn trọng mà còn được vinh danh; môi trường kinh doanh có độ tin cậy.

Trong một năm qua, Chính phủ và các địa phương đã “gãi đúng chỗ” chứ không phải “ngứa trên đầu, gãi dưới chân". Những kết quả bước đầu theo Thủ tướng là đáng được động viên, khích lệ nhưng cũng thấy rõ còn nhiều rào cản cho phát triển doanh nghiệp.

Đây chính là cơ sở quan trọng giúp Chính phủ định hình giải pháp, chương trình hành động đáp ứng nhu cầu thực tế của doanh nghiệp trong thời gian tới. Chính phủ cam kết sẽ tập trung giải quyết 2 vấn đề then chốt:

Một là, tiếp tục kiến tạo môi trường kinh doanh công bằng, thân thiện, môi trường chính trị và vĩ mô ổn định, bảo đảm tinh thần thượng tôn pháp luật từ Trung ương đến địa phương, phải chuyển biến thực thi công vụ nghiêm túc, không được gây nhũng nhiễu, khó khăn cho doanh nghiệp. Suy đến cùng là Chủ tịch, Bí thư ở các địa phương, Bộ trưởng phải lo trực tiếp công việc này.

Theo đuổi mục tiêu phát triển bao trùm một cách xuyên suốt, nhất quán trên nền tảng cải cách thể chế theo hướng cởi mở, thân thiện, trao cơ hội cho mọi thành phần kinh tế đóng góp và hưởng lợi một cách bình đẳng, công bằng từ những thành quả tăng trưởng thương mại.

“Tôi xin khẳng định một lần nữa rằng mọi thành phần kinh tế đều bình đẳng, không phân biệt công hay tư”, Thủ tướng khẳng định.

Tiếp tục hoàn thiện các dự án luật, đẩy nhanh việc rà soát, sửa đổi quy định các loại thuế, hải quan theo hướng liên thông giữa các bộ, cơ quan liên quan để giảm thủ tục, giảm thời gian và chi phí thực hiện. Xóa bỏ sự ưu ái, thu hồi nguồn lực và các tài nguyên đang được sử dụng kém hiệu quả, lãng phí để tái phân bổ lại cho mọi chủ thể, đối tượng dựa trên hiệu quả cạnh tranh, và khả năng cải thiện năng suất. Thúc đẩy tiến trình cổ phần hóa, chuyển nguồn lực cho mọi đối tượng, thành phần kinh tế có tiềm năng sử dụng, tối ưu hóa nguồn lực mà chúng ta đang có chứ không phải chỉ ưu tiên cho doanh nghiệp Nhà nước.

Chính phủ tiếp tục rà soát các quy định và thực hiện quyết liệt các giải pháp nhằm giảm bớt gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp. Có đồng chí đề nghị năm nay đặt tên là “Năm giảm phí cho doanh nghiệp”.

Hai là nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam, tối ưu hóa các thành tựu công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Xây dựng kiến tạo các yếu tố để tạo lợi thế cạnh tranh cho nền kinh tế như cơ sở hạ tầng thông minh, phát triển hệ thống tài chính, cải cách giáo dục, nâng cao trình độ nghề nghiệp, cải thiện chất lượng đào tạo nhân lực, nâng cao chất lượng các ngành dịch vụ và hệ thống phúc lợi xã hội.

Đồng thời xây dựng thương hiệu sản phẩm Việt Nam. Muốn vậy thì không cho phép những tồn tại yếu kém về năng lực quản trị kìm hãm sự năng động của nền kinh tế, tạo nên những trì trệ trong phát triển kinh tế và giải phóng nguồn lực xã hội. Quản trị phải đáp ứng yêu cầu mới, quản lý theo yêu cầu công nghệ.

Để giải quyết những vấn đề đó, cần có sự đồng lòng, đồng tâm của tất cả các doanh nghiệp, doanh nhân của chúng ta đang hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam, cùng với quyết tâm của hệ thống chính trị, trong đó yếu tố con người đóng vai trò quyết định.

“Tôi nghĩ rằng bình minh đang đến đất nước ta, tôi tin tưởng các bạn, những doanh nghiệp sẽ đóng góp cho bình minh rực sáng trên Tổ quốc Việt Nam thân yêu. Với tinh thần đó, tôi tin tưởng rằng chúng ta sẽ xây dựng một hệ sinh thái lành mạnh, mà ở đó tất cả các thành phần kinh tế đều phát triển bình đẳng, kết nối và hỗ trợ nhau, đem lại sự thịnh vượng và phát triển kinh tế chung cho Việt Nam. Đó chính là tinh thần đồng hành mà tôi muốn nói đến ngày hôm nay”, Thủ tướng tin tưởng và kỳ vọng.

Hãy tự cứu mình trước khi trời cứu

Thủ tướng nhớ lại câu nói của nguyên Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh rằng “Hãy tự cứu mình trước khi trời cứu” và nhấn mạnh, chúng ta phải tự đổi mới, tự cải cách, tự phát triển trong xu thế, trong môi trường đầu tư kinh doanh mà Chính phủ đang đặt ra, là tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế phát triển ở Việt Nam.

Thủ tướng lưu ý, dân cường thì nước thịnh, muốn đất nước giàu mạnh thì dân phải giàu. Đất nước không thể giàu mạnh nếu cộng đồng doanh nghiệp yếu kém. Trên tinh thần ấy, các cơ quan chức năng ở các địa phương trên cả nước cần có chương trình phát triển, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển.

 

Xem thêm
Siết chặt khai thác nước ngầm, bảo vệ 'túi' nước ngọt ở ĐBSCL

Nước ngầm - nguồn nước ngọt dự trữ lớn cho ĐBSCL đang đứng trước nguy cơ bị nhiễm mặn. Giải pháp lâu dài kiểm soát, ngăn chặn khai thác nước ngầm cần được tính toán.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Khát vọng Huổi Khon

13 năm trước, bản vùng cao này là một điểm nóng về trật tự xã hội, nhưng giờ thay da đổi thịt như một lời hứa nguyện theo Đảng, theo chính quyền của bà con.