| Hotline: 0983.970.780

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự công bố quy hoạch tỉnh Long An

Thứ Ba 25/07/2023 , 16:19 (GMT+7)

Ngày 25/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và gần 600 đại biểu đã tham dự 'Hội nghị công bố Quy hoạch và xúc tiến đầu tư tỉnh Long An'.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Long An hội tụ nhiều tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh để phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững. Ảnh: Nhật Bắc.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Long An hội tụ nhiều tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh để phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững. Ảnh: Nhật Bắc.

Địa phương đầu tiên của phía Nam được phê duyệt quy hoạch

Ông Nguyễn Văn Được, Bí thư Tỉnh ủy Long An cho biết, Long An là địa phương thứ 10 của cả nước và là địa phương đầu tiên của khu vực phía Nam được phê duyệt quy hoạch.

Theo Quyết định 686/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 13/6/2023 về phê duyệt quy hoạch tỉnh Long An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, phấn đấu đến năm 2030 tỉnh Long An là trung tâm phát triển kinh tế năng động, hiệu quả, bền vững của khu vực phía Nam và trở thành cửa ngõ trên tuyến hành lang kinh tế đô thị - công nghiệp của vùng ĐBSCL.

Bên cạnh đó, địa phương còn là nơi kết nối chặt chẽ với TP HCM và vùng Đông Nam bộ, là đầu mối hợp tác, giao thương quan trọng với Campuchia. Hình thành được các hành lang kinh tế, vùng, trung tâm phát triển và đô thị động lực, thích ứng với biến đổi khí hậu. Quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Người dân có cuộc sống phồn vinh, văn minh và hạnh phúc.

Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân 9%/năm, GRDP bình quân đầu người (giá hiện hành) đạt trên 180 triệu đồng. Tỷ trọng trong GRDP của khu vực nông, lâm, thủy sản khoảng 7,5%, khu vực công nghiệp - xây dựng khoảng 61,8%, khu vực dịch vụ khoảng 24,2%...

Tầm nhìn đến năm 2050, Long An là tỉnh công nghiệp phát triển hàng đầu cả nước, trở thành một trong những cực tăng trưởng kinh tế quan trọng của vùng ĐBSCL, có trình độ phát triển tương đương các tỉnh, thành phát triển khá của vùng Đông Nam bộ. Xã hội trật tự, kỷ cương, an ninh, an toàn và văn minh, con người phát triển toàn diện, môi trường sống trong lành và chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng (thứ 2 từ phải sang) trao quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Long An thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cho tỉnh Long An. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng (thứ 2 từ phải sang) trao quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Long An thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cho tỉnh Long An. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

"Tỉnh Long An cam kết luôn "mở rộng cửa" để chào đón và đồng hành với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Quan điểm của tỉnh là luôn xem người dân và doanh nghiệp là chủ thể, là trung tâm phục vụ, doanh nghiệp là động lực, nguồn lực cho quá trình phát triển. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Long An sẽ luôn đồng hành cùng với sự phát triển của các nhà đầu tư và doanh nghiệp. Các nhà đầu tư, doanh nghiệp sẽ được tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất, để thực hiện thành công dự án và phát triển bền vững tại tỉnh Long An", ông Được nhấn mạnh.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, thu hút đầu tư FDI của tỉnh năm 2022 đứng trong tốp 10 các tỉnh, thành phố và đứng đầu khu vực ĐBSCL. Đến hết tháng 6/2023, thu hút đầu tư FDI của Long An vượt lên đứng thứ 5/63 tỉnh, thành phố trong cả nước (sau Bắc Giang, Nghệ An, Bình Phước, Bắc Ninh) và tiếp tục đứng đầu khu vực ĐBSCL. Hiện nay, có gần 40 quốc gia, vùng lãnh thổ có dự án đầu tư vào Long An.

Thủ tướng Phạm Minh Chính khảo sát tiến độ thi công dự án đường Vành đai 3 tại tỉnh Long An. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính khảo sát tiến độ thi công dự án đường Vành đai 3 tại tỉnh Long An. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Tại hội nghị, Long An còn giới thiệu 13 dự án ưu đãi đầu tư gồm: Khu kinh tế cửa khẩu Long An; khu công nghiệp Phú An Thạnh; khu công nghiệp Việt Phát; khu công nghiệp Prodezi; khu phức hợp giải trí Khang Thông; khu đô thị Nam Long VCD; trung tâm công nghệ sinh học vùng Đồng Tháp Mười; khu vực tiếp nhận kho vận, logistics - cảng Long An; xây dựng trung tâm kho vận lương thực tại vùng Đồng Tháp Mười; trung tâm kho vận và dịch vụ logistics; phát triển chăn nuôi bò thịt; đầu tư sản xuất và xây dựng các nhà máy chế biến khoai mỡ; nhà máy chế biến thanh long…

Nhân dịp này, UBND tỉnh Long An đã trao chủ trương, giấy chứng nhận đầu tư cho 9 dự án với tổng vốn đăng ký đầu tư trên 40.400 tỷ đồng (tương đương 1,7 tỷ USD), trao biên bản quan tâm ghi nhớ đầu tư cho 10 dự án.

Long An cần biến tiềm lực thành nguồn lực phát triển

Thủ tướng Phạm Minh Chính chúc mừng, đánh giá cao Long An đã khẩn trương xây dựng, hoàn thành, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành và công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Thủ tướng nêu rõ, có quy hoạch tốt thì mới có chương trình, dự án tốt, có chương trình, dự án tốt thì mới có nhà đầu tư tốt. Đây là sự kiện quan trọng được tổ chức nhằm tiếp tục cụ thể hóa các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển vùng ĐBSCL nói chung và tỉnh Long An nói riêng, mới nhất là Nghị quyết 13-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế- xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Đến năm 2050, Long An là tỉnh công nghiệp phát triển hàng đầu cả nước, trở thành một trong những cực tăng trưởng kinh tế quan trọng của vùng ĐBSCL. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Đến năm 2050, Long An là tỉnh công nghiệp phát triển hàng đầu cả nước, trở thành một trong những cực tăng trưởng kinh tế quan trọng của vùng ĐBSCL. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Về tiềm năng, thế mạnh của tỉnh Long An, Thủ tướng cơ bản đồng tình với ý kiến của các đại biểu và nhấn mạnh, Long An là vùng đất địa linh, nhân kiệt, thời kỳ nào người Long An cũng có những đóng góp quan trọng cho sự nghiệp bảo vệ và phát triển của đất nước.

Long An còn có truyền thống lịch sử hào hùng, có nhiều đổi mới là nơi hội tụ, giao thoa của nhiều vùng văn hóa. Cũng là nơi trung tâm kết nối giữa miền Đông Nam bộ và miền Tây Nam bộ, hành lang kinh tế từ Bắc vào Nam, hành lang kinh tế Đông - Tây và hành lang kinh tế ven biển.

Như vậy, Long An hội tụ nhiều tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh để phát triển kinh tế- xã hội nhanh và bền vững, là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong nước và quốc tế, tạo động lực phát triển không chỉ cho Long An, mà còn lan tỏa cho vùng ĐBSCL và cả nước.

Thủ tướng nhấn mạnh, Long An phải biết biến tiềm lực này thành nguồn lực thật sự để phát triển. Đồng thời, phải hóa giải được những cái mâu thuẫn và thách thức tồn tại yếu kém của mình. Qua đó, phát huy lợi thế là tỉnh trung tâm của hành lang và vành đai kinh tế phía Nam. Ngoài ra, Long An cũng cần cải thiện môi trường đầu tư làm sao cho tốt hơn nữa.

Xem thêm
Kỷ luật ông Vương Đình Huệ, chưa xem xét kỷ luật ông Võ Văn Thưởng

Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật Cảnh cáo ông Vương Đình Huệ, chưa xem xét, xử lý kỷ luật ông Võ Văn Thưởng do đang điều trị bệnh.

Hậu Giang: 200ha diện tích nông nghiệp được xác nhận an toàn thực phẩm

Hậu Giang khẳng định vị thế phát triển nông nghiệp an toàn với hơn 200ha được xác nhận an toàn thực phẩm, gồm chuỗi giá trị cây ăn trái, lúa gạo, thủy sản, rau màu.

Cập nhật bảng giá xe Mazda 6 mới nhất tháng 11/2024

Cập nhật bảng giá xe Mazda 6 mới nhất tháng 11/2024. Mazda6 cũng giống Mazda3, có kiểu dáng đẹp, nhiều trang bị, giá bán hợp lý trong phân khúc

Viện Cây ăn quả miền Nam đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất

Tiền Giang Viện Cây ăn quả miền Nam (Sofri) vừa tổ chức lễ đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất và kỷ niệm 30 năm thành lập Viện 1994 - 2024.