Nông nghiệp là bệ đỡ của nền kinh tế
UBND tỉnh Long An vừa phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức diễn đàn phát triển nông nghiệp Việt Nam năm 2023 với chủ đề: Thu hút doanh nghiệp đầu tư cho nông nghiệp bền vững. Đến dự có Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan và lãnh đạo TP.HCM và các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL cùng các chuyên gia, doanh nghiệp trong và ngoài nước tham dự.
Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Phạm Tấn Công cho biết: Theo thống kê của Bộ NN-PTNT, cả nước hiện có trên 900.000 doanh nghiệp đang hoạt động nhưng chỉ có khoảng 50.000 doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. So với dư địa thực tế thì việc doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp chưa xứng tầm để tạo nên cuộc bứt phá cho phát triển bền vững.
Trong khi đó, mục tiêu của ngành nông nghiệp là phát triển nền nông nghiệp thông minh, hội nhập quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng và bền vững, nông thôn mới phồn vinh và văn minh, nông dân giàu có.
Ông Phạm Tấn Công đề nghị các doanh nhân, doanh nghiệp đầu tư vào ngành nông nghiệp, ngành nghề gặp nhiều rủi ro và khó khăn, lợi nhuận mỏng, bấp bênh nhưng việc đầu tư vào nông nghiệp cũng chính là phát huy thế mạnh nổi bật của nước ta. Cơ hội thành công vì thế cũng rất lớn và đặc biệt hơn, là tạo sinh kế, tăng thu nhập cho nông dân, góp phần xây dựng nông thôn hiện đại, phồn vinh, hạnh phúc. Đầu tư vào nông nghiệp và nông thôn là cách để doanh nhân góp phần thực hiện khát vọng đưa nước ta trở thành quốc gia phát triển, văn minh. Đây cũng là sứ mệnh của doanh nhân Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.
Để đạt được mục tiêu này, ông Phạm Tấn Công còn khẳng định, vai trò của các doanh nghiệp đầu tư cho nông nghiệp sẽ là những người đầu tàu mở đường để ngành nông nghiệp Việt Nam từng bước tiến lên. Từ đó khẳng định vị thế trên thế giới để mang lại hiệu quả sản xuất, gia tăng thu nhập cho người nông dân.
Ông Nguyễn Văn Út, Chủ tịch UBND tỉnh Long An cho biết: Địa phương luôn xác định nông nghiệp là bệ đỡ của nền kinh tế. Theo đó, Long An tập trung chỉ đạo mạnh mẽ, quyết liệt và đồng bộ các giải pháp nhằm triển khai hiệu quả chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tạo bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Từ đó góp phần từng bước chuẩn hóa vùng nguyên liệu, hình thành các chuỗi giá trị trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản sạch, an toàn đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu thị trường. Lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh có sự tăng trưởng vượt bậc, nhiều sản phẩm chủ lực như chuối, chanh, thanh long, lúa gạo... xuất khẩu sang các thị trường như Mỹ, Úc, châu Âu, Hàn Quốc, Nhật, Trung Quốc...
Theo ông Nguyễn Văn Út, đối với việc thu hút đầu tư lĩnh vực nông nghiệp của Long An đã có sự phát triển, tuy nhiên sự tăng trưởng còn thiếu bền vững, mô hình tăng trưởng nông nghiệp mới chỉ tạo ra được khối lượng nhưng giá trị chưa cao, hiệu quả sử dụng đất và tài nguyên chưa cao. Đây là thực trạng chung không chỉ riêng của Long An, mà còn là khó khăn chung của vùng ĐBSCL.
Hài hòa giữa doanh nghiệp và nông dân
Năm 2023, ngành nông nghiệp được Thủ tướng Chính phủ giao chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu là 55 tỷ USD. Để đạt được chỉ tiêu này ngành nông nghiệp phải chủ động nắm bắt biến động thị trường, có giải pháp linh hoạt ứng phó để đạt được mục tiêu đề ra. Theo đó, phát triển nông nghiệp công nghệ cao là xu hướng tất yếu cho ngành nông nghiệp Việt Nam nhưng thực tế lĩnh vực này đang kém hấp dẫn doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển.
Tại diễn đàn, các chuyên gia cho rằng, các tỉnh, thành cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế, chính sách đặc thù, thu hút đầu tư vào sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Các cơ quan quản lý cần quan tâm đến những cơ chế, chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp và hộ nông dân sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, kịp thời tháo gỡ các vướng mắc, tạo thuận lợi cho quá trình tích tụ ruộng đất, có chính sách để nông dân góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất cho doanh nghiệp. Rà soát, hoàn thiện chính sách ưu đãi về đất đai để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
Đồng thời, diễn đàn cũng thảo luận các giải pháp thu hút doanh nghiệp đầu tư vào chuỗi giá trị nông nghiệp bền vững, với trọng tâm là các giải pháp nâng cao giá trị nông sản chiếm lĩnh các thị trường xuất khẩu, tận dụng lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do (FTA). Cơ chế khuyến khích ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, thu hoạch và chế biến, hạ tầng logistics cho chuỗi giá trị nông sản. Các đại biểu cũng đề xuất, kiến nghị tháo gỡ khó khăn trong thu hút đầu tư vào nông nghiệp, xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp bền vững, liên kết các nhà (nhà nước, nhà đầu tư, nhà nông, nhà băng (ngân hàng), nhà khoa học và nhà phân phối trong nghiên cứu, ứng dụng, đưa sản phẩm ra thị trường).
Theo ông Võ Quan Huy, Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An, mặc dù nông nghiệp đang phát triển nhưng đâu đó vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn về giá vật tư đầu vào, đầu ra sản phẩm không ổn định. Ông Võ Quan Huy kỳ vọng diễn đàn sẽ đấu nối đầu tư từ cấp 1, cấp 2, cấp 3 để sao cho việc tiêu thụ nông sản được tốt hơn.
Ông Đoàn Quốc Quân, Phó trưởng Ban Tiếp thị truyền thông, Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất dầu khí đề nghị: Như các doanh nghiệp trong lĩnh vực phân bón nhiều lần kiến nghị là chỉ cần chuyển các sản phẩm phân bón và ngành phân bón nói chung từ đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng sang chịu thuế giá trị gia tăng, thuế suất 5%, khi đó mang lại rất nhiều lợi ích, đảm bảo sự bình đẳng giữa hàng trong nước và hàng nước ngoài. Thứ hai giúp cho người nông dân có thể mua được sản phẩm với giá thấp hơn. Thứ ba là giúp doanh nghiệp trong nước tăng sức cạnh tranh và có thể dành nhiều nguồn lực cho các dự án đầu tư phát triển mới.
Tại diễn đàn, Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ về tư duy phát triển thay thế tư duy tăng trưởng, trong đó vừa đầu tư mở cửa chuỗi ngành hàng, vừa quan tâm đến HTX và đời sống nông dân để sản xuất bền vững và ổn định xã hội. Tất cả thế hệ hôm nay đừng vì lý do sinh tồn mà lấy đi những gì lẽ ra là của thế hệ tương lai, hay nói cách khác đừng để "đời cha ăn mặn, đời con khát nước. Chúng ta phát triển nóng, chạy theo tăng trưởng sản lượng, đánh đổi tài nguyên, môi trường, đa dạng sinh học, hệ sinh thái, lẽ ra tất cả cái đó phải là của thế hệ mai sau. Nếu không giải quyết được bài toán hài hòa, cân đối giữa doanh nghiệp và nông dân sẽ không thể phát triển bền vững.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị, chính quyền các địa phương cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện quy hoạch phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng mở, có chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp đầu tư vào các khu nông nghiệp công nghệ cao, khuyến khích nông dân áp dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Các tỉnh, thành và cộng đồng doanh nghiệp cần tiếp thu những hiến kế của các chuyên gia, nhà khoa học để có thêm nhiều hướng đi mới giúp cho nông nghiệp có thêm những thành tựu đột phá, đạt được giá trị bền vững.