| Hotline: 0983.970.780

Để Hải Phòng trở thành trung tâm logistics quốc tế hiện đại

Thứ Sáu 16/06/2023 , 13:57 (GMT+7)

HẢI PHÒNG Nhiều vấn đề phải bàn để Hải Phòng khai thác hiệu quả ưu thế vượt trội về cảng biển, trở thành trung tâm kinh tế dịch vụ hiện đại, trọng điểm kinh tế phía Bắc.

Khai thác ưu thế vượt trội

TP Cảng Hải Phòng có đầy đủ yếu tố để phát triển ngành dịch vụ logistics và trở thành trung tâm logistics của khu vực phía Bắc với đầy đủ 5 phương thức vận tải là: đường biển, đường sông, đường sắt, đường bộ và hàng không cùng hệ thống cảng biển thuận lợi.

Hải Phòng có nhiều ưu thế vượt trội về cảng biển. Ảnh: Đinh Mười.

Hải Phòng có nhiều ưu thế vượt trội về cảng biển. Ảnh: Đinh Mười.

Trong đó, một trong những lợi thế hàng đầu, vượt trội đó là hệ thống cảng biển, với 50 bến cảng, chiếm 17,5% số bến cảng của Việt Nam, chiếm 73% cảng biển của Vùng đồng bằng sông Hồng.

Các bến số 1 và 2 của cảng nước sâu tại Lạch Huyện được đưa vào khai thác, sử dụng từ năm 2018, có khả năng đón tàu hơn 130.000 tấn, đưa hàng hóa từ Hải Phòng đến thẳng các châu lục.

Dự kiến trong năm 2023, sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển khu vực Hải Phòng ước đạt trên 180 triệu tấn. Hiện tại, tỷ trọng đóng góp vào GDP của thành phố Cảng của lĩnh vực này ước đạt từ 10% - 15%.

Mới đây dự án đầu tư xây dựng bến số 7, số 8 Khu bến cảng Lạch Huyện thuộc Cảng biển Hải Phòng, đưa số lượng bến cảng nước sâu tại khu vực này lên 8 bến trong tương lai.

Trong những năm gần đây, hoạt động dịch vụ logistics trên địa bàn thành phố Hải Phòng được quan tâm, xác định vai trò chủ lực, có những bước phát triển mạnh về số lượng, chất lượng, thu hút và huy động được các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư.

Được quan tâm, các ngành dịch vụ truyền thống, có lợi thế của thành phố như dịch vụ cảng biển, dịch vụ logistics đã có những bước phát triển mạnh mẽ, đóng góp tích cực đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố nói riêng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.

Hạ tầng cảng biển được quan tâm đầu tư thông qua các dự án lớn. Ảnh: Đinh Mười.

Hạ tầng cảng biển được quan tâm đầu tư thông qua các dự án lớn. Ảnh: Đinh Mười.

Tốc độ tăng trưởng dịch vụ logistics trên địa bàn thành phố Hải Phòng đạt khoảng 20-23%/năm và tỷ trọng đóng góp vào GRDP thành phố Cảng đạt từ 13-15%. Sản lượng hàng hóa qua cảng tăng trưởng mạnh, chiếm thị phần ngày càng lớn trong hệ thống cảng biển của cả nước.

Cùng với đó, hạ tầng cảng biển được nâng cấp và đầu tư xây dựng theo hướng đồng bộ, hiện đại, phù hợp với xu hướng phát triển vận tải biển khu vực và quốc tế; hệ thống giao thông kết nối được cải thiện, đồng bộ hơn.

Hiện tại, toàn thành phố Hải Phòng có khoảng 250 doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ logistics, trong đó có khoảng 30 công ty, tập đoàn logistics đa quốc gia như DHL, UPS, FedEX.

Lượng nhân công hoạt động trong lĩnh vực logistics chiếm xấp xỉ 20% nguồn lao động logistics trên cả nước với khoảng 175.000 người và diện tích kho, bãi trên địa bàn cũng rất lớn, khoảng 701,14 ha với hơn 60 kho, bãi chính.

Bên cạnh đó, cảng Hải Phòng là cảng có lưu lượng hàng thông qua lớn nhất ở phía Bắc Việt Nam hệ thống thiết bị hiện đại và cơ sở hạ tầng đầy đủ, an toàn, phù hợp các phương thức vận tải, thương mại quốc tế.

Dự kiến trong năm 2023, sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển khu vực Hải Phòng ước đạt trên 180 triệu tấn. Ảnh: Đinh Mười.

Dự kiến trong năm 2023, sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển khu vực Hải Phòng ước đạt trên 180 triệu tấn. Ảnh: Đinh Mười.

Phát huy những ưu thế này, thành phố Hải Phòng đã và đang đẩy nhanh hoàn thiện thủ tục đầu tư xây dựng và khởi công các bến tiếp theo, góp phần đưa thành phố Cảng trở thành trung tâm kinh tế dịch vụ lớn và hiện đại, xứng đáng là một trọng điểm kinh tế của cả nước, cửa chính ra biển của các tỉnh phía Bắc, một mắt xích quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế và tham gia vào chuỗi các cảng biển quốc tế và khu vực.

“Hải Phòng quyết tâm, phấn đấu vươn lên mạnh mẽ, khẳng định vai trò cửa ngõ ra biển lớn của quốc gia, trung tâm kinh tế biển, công nghiệp hiện đại của cả nước; phấn đấu xây dựng và phát triển Thành phố không chỉ là một cực phát triển quan trọng trong Tam giác phát triển Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, mà còn là động lực phát triển của vùng Bắc Bộ và của cả nước theo đúng quan điểm đã được xác định tại Nghị quyết số 45-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP. Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, một lãnh đạo UBND thành phố Hải Phòng chia sẻ.

Những việc cần làm ngay

Mặc dù Hải Phòng có nhiều thuận lợi về cảng biển, nhưng trong giai đoạn hiện nay, ngành logistics của Hải Phòng đang phải đối mặt với nhiều bất cập tồn tại như: Chi phí vận tải cao do tổ chức vận tải chưa hợp lý (chủ yếu bằng đường bộ); tổ chức giao nhận, các thủ tục hành chính còn rườm rà; chất lượng dịch vụ kho bãi thấp; hạ tầng giao thông thiếu đồng bộ, chưa xứng tầm,…

Phần lớn các doanh nghiệp logistics trong nước nói chung và Hải Phòng nói riêng là những mô hình nhỏ lẻ, hoạt động chủ yếu ở những công đoạn cuối như: bốc xếp, vận chuyển, lưu kho…, có giá trị gia tăng thấp nhất trong chuỗi cung ứng.

Thủ tướng Chính phủ khảo sát dự án mở rộng sân bay Cát Bi. Ảnh: Đàm Thanh.

Thủ tướng Chính phủ khảo sát dự án mở rộng sân bay Cát Bi. Ảnh: Đàm Thanh.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp thiếu đoàn kết, thống nhất về giá dịch vụ, dẫn đến thực tế là mức giá bốc xếp, vận tải, lưu kho hàng hóa tại Hải Phòng cũng như Việt Nam hiện rất thấp so với khu vực Đông Nam Á.

Ngoài ra, Hải Phòng có đủ 5 phương thức vận chuyển, thế nhưng có tới hơn 80% lượng hàng hóa thông qua cảng biển Hải Phòng lưu chuyển bằng đường bộ. Trong khi vận tải thủy nội địa với nhiều ưu điểm, đặc biệt giúp giảm chi phí 20-25% lại chưa được phát huy.

Để Hải Phòng đưa ngành logistics phát triển mạnh mẽ, tương xứng với tiềm năng, trong thời gian tới, bên cạnh việc các doanh nghiệp cần nâng cao năng lực nội tại, rất cần sự quan tâm, hỗ trợ của hệ thống quản lý nhà nước.

Trong đó, cần kịp thời ban hành những chủ trương, chính sách, cơ chế phù hợp với thực tiễn và xu thế phát triển của lĩnh vực logistics cũng như tập trung nguồn lực đầu tư cho cả hạ tầng cứng, hạ tầng mềm, cho đào tạo phát triển nguồn nhân lực,…

Trên thực tế, Hải Phòng đã thực sự bứt phá, đóng góp quan trọng vào sự phát triển của đất nước. Ảnh: Quốc Nam.

Trên thực tế, Hải Phòng đã thực sự bứt phá, đóng góp quan trọng vào sự phát triển của đất nước. Ảnh: Quốc Nam.

Bên cạnh đó, Hải Phòng cũng cần sớm đầu tư nâng cấp tuyến đường sắt tiêu chuẩn quốc tế kết nối các cảng với hệ thống đường sắt quốc gia, quốc tế. Chú trọng đầu tư, phát triển hệ thống giao thông thủy nội địa từ Hải Phòng đến các địa phương trong khu vực…

Hải Phòng cần tăng cường thu hút đầu tư, hình thành các chuỗi dịch vụ logistics chuyên sâu, có giá trị gia tăng cao và liên kết vùng. Đồng thời tiến hành xây dựng các khu logistics tập trung, quy mô lớn, gắn với hệ thống cảng biển cũng như đào tạo nhân lực là các giải pháp lớn để Hải Phòng đẩy mạnh phát triển dịch vụ logistics trong thời gian tới.

Được biết, nguồn vốn đầu tư công năm 2023 do TP. Hải Phòng quản lý là 22.335,828 tỷ đồng, trong đó, các nguồn vốn của Trung ương là 1.358,970 tỷ đồng và các nguồn vốn của Thành phố là 20.976,858 tỷ đồng (cao hơn gần 3.000 tỷ đồng so với năm 2022).

Sở Kế hoạch và Đầu tư khẳng định, Hải Phòng có đủ cơ sở, nguồn lực để phát triển, trên thực tế, thành phố Cảng đã thực sự bứt phá, đóng góp quan trọng vào sự phát triển của đất nước, chiếm 3,84% GDP của cả nước trong năm 2022.

Trong năm 2023, Hải Phòng sẽ tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư, mời gọi các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng kết cấu hạ tầng tại các khu công nghiệp Tiên Thanh, Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng, Nam Đình Vũ khu 1, Nam Đình Vũ khu 2, VSIP, Cầu Kiền... Đồng thời hoàn thành các thủ tục thành lập 4 khu công nghiệp mới, gồm Nam Tràng Cát, Thủy Nguyên, Tràng Duệ 3, Giang Biên 2, cũng như triển khai thủ tục đầu tư các khu công nghiệp Vinh Quang, An Hòa và Tân Trào.

Nghị quyết số 45 của Bộ Chính trị đã xác định “đến năm 2025, xây dựng và phát triển Hải Phòng trở thành trung tâm dịch vụ logistics quốc gia” và “đến năm 2030, thành phố Hải Phòng trở thành trung tâm dịch vụ logistics quốc tế hiện đại bằng cả đường biển, đường hàng không, đường bộ cao tốc, đường sắt tốc độ cao”. Đây là mục tiêu đồng thời là nhiệm vụ lớn đặt ra cho Hải Phòng trong thời gian tới.

Xem thêm
Xuất khẩu cà phê Việt Nam quý II sẽ tăng do nhu cầu thế giới tăng?

Trong 4 tháng đầu năm 2024, Việt Nam xuất khẩu 756.000 tấn cà phê, trị giá 2,57 tỷ USD, tăng 5,4% về lượng và 57,9% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Liên doanh DHN với mô hình kinh tế xanh trong nông nghiệp tại Tây Ninh

Chủ tịch Hùng Nhơn Group Vũ Mạnh Hùng chia sẻ định hướng đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao tại Lễ công bố Quyết định phê duyệt quy hoạch tỉnh Tây Ninh, chiều nay.

Những gương mặt 'vàng' trong danh sách trả nợ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản

Năm 2024, hơn 90 doanh nghiệp bất động sản có trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn với tổng nợ vay gần 100.000 tỷ đồng. Trong đó, nhiều 'ông lớn' có nợ tới hàng nghìn tỷ.