| Hotline: 0983.970.780

Thú y cơ sở còn nhiều trăn trở

Thứ Ba 22/11/2022 , 11:56 (GMT+7)

Việc thu gọn đầu mối hoạt động trên phạm vi toàn tỉnh Quảng Ninh đã trực tiếp và gián tiếp dẫn đến những khó khăn, trăn trở của cán bộ thú y cơ sở.

z3778298231316_b489ca6a31516a1be9e75960196c9543

Hiện lực lượng cán bộ thú y cơ sở tại Quảng Ninh rất mỏng, địa bàn rộng nhưng mỗi xã chỉ có một người. Ảnh: Nguyễn Thành.

Tâm tư cán bộ thú y cơ sở

Anh Nịnh Văn Bình làm cán bộ thú y tại xã Thanh Sơn (huyện Ba Chẽ) từ năm 2017. Nhắc đến khó khăn của công việc, theo anh Bình, trợ cấp của cán bộ thú y hiện không đảm bảo đối với công việc tiềm ẩn nguy cơ gây ảnh hưởng đến sức khỏe, môi trường làm việc tiếp xúc với nhiều dịch bệnh nguy hiểm, độc hại.

“Hiện tôi chỉ được gần 1,4 triệu đồng/tháng. Vì vậy, để trang trải cuộc sống, tôi phải kết hợp làm thuê, ai có công việc gì thì làm cái đấy, kết hợp với chăn nuôi trồng trọt tại gia đình”, anh Bình tâm sự.

Tuy nhiên, thời gian làm thêm không được thoải mái vì anh Bình vẫn đảm bảo có mặt mỗi khi có dịch bệnh xuất hiện hoặc đến đợt tiêm phòng. “Tôi có các đội anh em chuyên đi rừng làm keo hoặc đi phụ hồ, xây dựng, nhưng vì đang là cán bộ thú y duy nhất tại xã nên nhiều khi muốn đi làm cùng anh em rất khó. Họ sợ tôi đang làm lại bỏ dở việc để đi tiêm phòng vật nuôi nên không nhận vào làm cùng”, anh Bình chia sẻ.

Dù đã có 5 năm làm cán bộ thú y xã nhưng anh Bình chưa khi nào yên tâm công tác khi mức thu nhập từ công việc này quá thấp. Theo anh Bình, công việc nàycần có trách nhiệm cao nhưng thu nhập bấp bênh, không đủ sống, nhiều khi anh hay nói vui với mọi người là làm vì yêu nghề.

Anh Bình luôn tâm niệm rằng, làm tốt công việc này sẽ giúp bà con phát triển chăn nuôi, nhưng với số tiền lương ít ỏi, anh không thể ngày nào cũng tập trung, duy trì, theo dõi tình hình dịch bệnh trên địa bàn hoặc giám sát cơ sở, khi mỗi thôn cách nhau 5-6km, xa nhất là cách trung tâm xã 10km.

“Công tác tiêm phòng gặp nhiều khó khăn khi không phải cứ đi một lượt là tiêm hết được vật nuôi. Nhiều thôn đi tiêm 2-3 lượt vào ngày chính sau đó phải tiêm vét. Khi phát sinh vật nuôi lại đi tiêm lần nữa, tiền trợ cấp còn không đủ tiền xăng xe đi lại”, anh Bình cho biết.

Đối với công tác tiêm phòng, đồ bảo hộ được Trung tâm Dịch vụ Kỹ thuật Nông nghiệp huyện cung cấp nhưng khi tiêm cho trâu bò vẫn rất nguy hiểm. Bò có thể đá, trâu có cặp sừng nên khi tiêm các cán bộ thú y luôn phải đề phòng. Nhiều khi cán bộ phải hướng dẫn bà con quây chuồng trại thật cẩn thận mới bắt đầu tiêm.

Vào đợt tiêm phòng cho vật nuôi, người dân hẹn lúc nào thì anh có mặt lúc ấy, có khi là sáng sớm, có lúc lại tối muộn. Đa phần bà con chăn thả rông nên nhiều lúc đi tiêm phải vào rừng, leo đồi đến chỗ vật nuôi để tiêm, có những đàn đi cách nhà 4-5km.

“Tôi mong muốn nghề thú y có mức lương đảm bảo hơn mặc dù không phải lúc nào cũng có chiến dịch tiêm. Ngoài ra, để đảm bảo công tác phòng bệnh cũng như giúp bà con phát triển chăn nuôi thì tôi mong là sẽ có sự thay đổi ngành, nghề này thành chuyên trách chứ không phải bán chuyên trách nữa và có thêm phụ cấp tiền độc hại cho cán bộ thú y cơ sở”, anh Bình bộc bạch.

Làm cán bộ thú y tại xã Vô Ngại (huyện Bình Liêu) được hơn 3 năm, anh Lã Quảng Hiền cũng có những khó khăn chung như nhiều cán bộ thú y xã khác như mức phụ cấp thấp, không đủ trang trải cuộc sống hàng ngày. Hiện trên địa bàn huyện Bình Liêu, mỗi xã chỉ có một cán bộ thú y, ngoài công tác tiêm phòng, anh Hiền cũng làm thêm các công việc ở nhà như trồng lúa, hoa màu.

z3778276630786_d8594350ca70dd682f14c7ea88ad5f5f

Việc tiêm phòng vật nuôi đầy đủ góp phần phát triển ngành chăn nuôi bền vững. Ảnh: Viết Cường.

Ngoài ra, công tác vận động người dân tiêm phòng vật nuôi vẫn tồn tại khó khăn, do ý thức cũng như sự hiểu biết của người dân, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số về tầm quan trọng của việc tiêm vắc-xin phòng bệnh chưa cao nên vẫn có tình trạng một số hộ chưa có nhu cầu tiêm. Vì vậy, cán bộ thú y xã phải vừa đi tiêm phòng vừa cùng trưởng thôn vận động, tuyên truyền người dân tiêm đầy đủ cho vật nuôi để giảm rủi ro cũng như ảnh hưởng đến kinh tế gia đình.

Công việc vất vả, đi tiêm từ sáng sớm đến tối muộn, tiền phụ cấp thấp, huyện hỗ trợ không được bao nhiêu, anh Hiền mong muốn nhà nước tạo điều kiện quan tâm hơn, có thể cho cán bộ thú y vào công chức nhà nước, tăng phụ cấp do công việc tiêm vắc xin vật nuôi thường xuyên tiếp xúc dịch bệnh, hóa chất cũng gây ảnh hưởng đến sức khỏe.

Ông Đặng Văn Minh, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Kỹ thuật nông nghiệp huyện Ba Chẽ cho biết, hiện nay, việc chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn có dấu hiệu giảm dần, do đất rừng giao khoán cho người dân nên hoạt động chăn thả không nhiều như trước, không có diện tích đất để chăn thả.

Đặc biệt ở các xã như Lương Mông, Minh Cầm, Đạp Thanh, Thanh Lâm, Trung tâm Trung tâm Dịch vụ Kỹ thuật nông nghiệp huyện Ba Chẽ phải cử cán bộ xuống hỗ trợ tiêm. Có thời điểm ở xã Đạp Thanh đã phải thuê người tiêm thời vụ vào 2 đợt tiêm phòng dịch trong năm, nhưng nhiều khi không thuê được vì tiền công thấp hơn so với việc đi rừng làm keo.

Tại huyện Ba Chẽ, cũng như các địa phương khác ở Quảng Ninh, mỗi xã chỉ có một cán bộ thú y với mức phụ cấp 1,0 mức lương cơ sở theo Nghị định số 35/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ về Quy định chi tiết một số điều của Luật Thú y. Ngoài ra, cán bộ thú y còn kiêm nhiệm nhiều công việc khác nhau, nhiều địa phương tình trạng nhân sự thay đổi liên tục dẫn đến chuyên môn không cao, nhiều lúc tiêm không đạt tiến độ đề ra.

Cần cơ chế, chính sách hỗ trợ thú y cơ sở

Thời gian qua, hoạt động sản xuất chăn nuôi tại tỉnh Quảng Ninh nhìn chung thuận lợi, các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên gia súc, gia cầm được kiểm soát tốt, số ổ dịch giảm 90% so với cùng kỳ năm 2021, một số bệnh truyền nhiễm vẫn xảy ra nhỏ lẻ và không phát sinh thành dịch.

Hiện nay, các Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp cấp huyện được hình thành trên cơ sở hợp nhất trạm thú y, trạm bảo vệ thực vật và bộ phận khuyến nông, thực hiện việc bổ sung chức danh nhân viên thú y xã, phường vào danh sách cán bộ không chuyên trách cấp xã, làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, theo Nghị quyết số 55/2016/NQ-HĐND ngày 7/12/2016 của HĐND tỉnh Quảng Ninh.

Cụ thể, tổ chức bộ máy được sắp xếp theo hướng tinh gọn, giảm đầu mối. Đội ngũ nhân viên thú y cấp xã đảm nhiệm cùng lúc công tác chăn nuôi và thú y tại địa phương về xây dựng kế hoạch phòng chống bệnh dịch, tiêm phòng, phun khử trùng tiêu độc.

Họ cũng là đầu mối thực hiện hành nghề và làm dịch vụ thú y theo quy định của pháp luật, triển khai công tác hỗ trợ theo chính sách... Cơ bản các cán bộ thú y đều có trình độ chuyên môn, đảm nhận và hoàn thành các nhiệm vụ được giao.

Theo ông Trần Xuân Đông, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi Thú y tỉnh Quảng Ninh, lực lượng thú y cơ sở, thú y cấp huyện hiện nay rất mỏng, chế độ phụ cấp thấp, địa bàn quản lý lĩnh vực rất rộng nên gặp rất nhiều khó khăn trong khi làm nhiệm vụ.

Bên cạnh đó, kinh phí cấp để triển khai công tác phòng chống dịch bệnh còn chậm và thiếu, đặc biệt kinh phí đầu tư cho công tác phòng chống dịch bệnh tại nhiều địa phương chưa được quan tâm dẫn đến còn nhiều hạn chế trong công tác xử lý ổ dịch, ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

Theo thống kê của Sở NN-PTNT, toàn tỉnh Quảng Ninh hiện có 169 nhân viên thú y tại cấp xã, trong đó có 11 người làm kiêm nhiệm. Với mức phụ cấp ít ỏi đã gây ra không ít khó khăn cho các cán bộ thú y cơ sở. Có thể nói, việc sớm có cơ chế, biện pháp giải quyết dứt điểm những hạn chế trên sẽ giúp nâng cao hiệu quả các hoạt động về chăn nuôi thú y trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi Thú y tỉnh Quảng Ninh, việc tiêm phòng vắc xin tính đến 14/11/2022 đạt kết quả khiêm tốn. Cụ thể, vắc xin lở mồm long móng trâu, bò 80.000 liều (đạt 53% kế hoạch); tụ huyết trùng trâu, bò 40.300 liều (đạt 67% kế hoạch); vắc xin cúm gia cầm trên 3,7 triệu liều (đạt 74% kế hoạch).

Xem thêm
Ngành chăn nuôi vẫn canh cánh nỗi lo 'xuất khẩu'

HÀ NỘI Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, ngành chăn nuôi Việt Nam vẫn đang canh cánh việc chưa thể xuất khẩu được nhiều sản phẩm.

Thủ phủ hoa cúc miền Trung sẵn sàng cho thị trường Tết

Quảng Ngãi Năm nay thời tiết không có mưa lũ lớn nên các vườn hoa phát triển tốt. Người dân kỳ vọng sắp tới thị trường, giá cả ổn định để có một cái Tết đầm ấm.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.