| Hotline: 0983.970.780

Thú y cơ sở như con bò què chân

[Bài cuối] Không thể có ngành chăn nuôi bền vững nếu thiếu hệ thống thú y

Thứ Ba 19/04/2022 , 17:47 (GMT+7)

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, không có hệ thống thú y sẽ không có dịch tễ, không có phòng bệnh, không an toàn thực phẩm và không có xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến. Ảnh: Minh Sáng.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến. Ảnh: Minh Sáng.

Chia sẻ với Báo Nông nghiệp Việt Nam, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, các nước phát triển trên thế giới đặc biệt coi trọng hệ thống thú y, bởi liên quan tới công tác kiểm dịch động vật nhập khẩu. Hơn nữa, lịch sử cũng cho thấy, hầu hết mọi dịch bệnh trên con người đều xuất phát lây lan từ động vật.

Do đó, việc Việt Nam suốt thời gian dài để trống hệ thống thú y cơ sở không chỉ bất cập mà còn tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ. Vì vậy, trên cơ sở Quyết định 414 của Chính phủ phê duyệt Đề án tăng cường năng lực hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp, giai đoạn 2021 - 2030, Bộ NN-PTNT đề nghị các địa phương phải sớm khôi phục, củng cố, kiện toàn lại hệ thống thú y cơ sở.

Hiện một số địa phương như Bắc Ninh, Lào Cai, Thái Nguyên, Nghệ An… đã và đang gấp rút triển khai rồi nên những địa phương các cũng cần sớm kiện toàn, bởi nếu Quyết định 414 chỉ dừng ở trên văn bản sẽ không thể triển khai đồng bộ trên toàn quốc.

"Tôi dám khẳng định, nếu không có Quyết định 414 sẽ không có hệ thống thú y. Mà một khi không có hệ thống thú y sẽ không có dịch tễ, không có phòng bệnh, không an toàn thực phẩm, không có vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh và không có xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi. Từ đó, rất khó để có được một ngành chăn nuôi bền vững", Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến.

Hệ thống thú y luôn là giải pháp ưu tiên hàng đầu để phát triển chăn nuôi, thủy sản bền vững. Muốn phát triển bền vững việc phòng, chống dịch bệnh là quan trọng nhất, mà không có hệ thống thú y chắc chắn phòng, chống dịch bệnh sẽ kém hiệu quả.

Trong bối cảnh ngày càng xuất hiện nhiều biến chủng, bệnh dịch mới như: cúm gia cầm, viêm da nổi cục, dịch tả lợn Châu Phi... vai trò của hệ thống thú y càng quan trọng hơn bao giờ hết.

Đơn cử như bệnh cúm gia cầm, với mật độ chăn nuôi quy mô lớn hiện nay, biên giới dài và phức tạp như vậy, thương mại mở cửa, giao thương đi lại như thế, trong khi chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn chiếm tỷ trọng rất lớn, nếu không có đội ngũ hệ thống thú y chắc chắn rất khó khăn trong công tác quản lý.

Gần đây nhất, khi bệnh viêm da nổi cục lần đầu xuất hiện tại nước ta, mặc dù phát hiện rất sớm, nhập khẩu vacxin rút gọn nhanh nhất có thể mà vẫn có khoảng 30.000 con gia súc mắc bệnh. Qua đó để thấy rằng, dù nhận nhận thức tốt nhưng không có kênh để truyền tải kịp thời hiệu quả đến cơ sở, kết quả thu lại cũng không cao.

Thời gian vừa qua, một số địa phương gộp hệ thống thú y cơ sở vào Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện cho thấy rất bất cập và rối rắm. Bởi cứ đúng theo cơ chế hành chính của chúng ta, các bộ phận, đơn vị chuyên môn báo cáo lên Giám đốc Sở đã lằng nhằng rồi, đằng này nếu gặp ông Giám đốc Sở NN-PTNT chuyên ngành trồng trọt làm sao mà hiểu sâu về thú y, dịch tễ được.

Trong khi công tác phòng chống dịch bệnh lúc nào cũng phải đòi hỏi cấp bách, kịp thời, đúng quy trình, đúng thuốc. Thực tế là vậy nên vừa rồi một số địa phương xảy ra dịch bệnh viêm da nổi cục, cán bộ báo cáo Phó Chủ tịch phụ trách kinh tế, ông Phó Chủ tịch lại cân nhắc thời gian rồi báo cáo Ban cán sự Ủy ban nhân dân, rồi Ban cán sự Ủy ban Nhân dân thống nhất xong báo cáo sang Thường vụ, Thường vụ họp và chốt các vấn đề để đưa ra Hội đồng Nhân dân, thủ tục của ta nó là như vậy.

Chính vì đường đi lòng vòng nên dù tuyên truyền, cảnh báo từ rất sớm, nhưng vẫn có tới 30.000 con trâu, bò vừa qua mắc bệnh viêm da nổi cục. Trong khi, giá trị của gia súc hiện rất lớn, rất nhiều gia đình phải đi vay mượn mới tậu được con trâu, con bò hay mấy đôi lợn, giờ không may dính dịch là coi như mất trắng vài chục triệu đồng.

Nhiều địa phương sau khi sáp nhập hệ thống thú y cơ sở vào Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện đã bỏ trống quản lý lĩnh vực giết mổ, vacxin, thuốc thú y. Ảnh: Minh Sáng.

Nhiều địa phương sau khi sáp nhập hệ thống thú y cơ sở vào Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện đã bỏ trống quản lý lĩnh vực giết mổ, vacxin, thuốc thú y. Ảnh: Minh Sáng.

Phải thẳng thắn nhìn nhận, không có lĩnh vực nào ở Bộ NN-PTNT được Đảng, Chính phủ, Quốc hội quan tâm bằng lĩnh vực thú y. Một năm, Thủ tướng có gần chục quyết định liên quan tới lĩnh vực này, tất cả các bệnh nguy hiểm hàng năm đều có kế hoạch quốc gia cả.

Do đó, nếu không nhìn được không gian phát chăn nuôi, thủy sản để chuẩn bị những căn cứ pháp lý hoàn chỉnh theo thông lệ quốc tế cũng như quy định của Tổ chức Thú y thế giới (OIE), ngành chăn nuôi, thủy sản của chúng ta rất khó đáp ứng được đòi hỏi từ thực tiễn. Như vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh, hệ thống thú y mà không đủ năng lực ứng phó thì lấy đâu ra tăng trưởng 2,5 - 2,7%/năm.

Đặc biệt, như chúng ta biết, một đất nước đi lên công nghiệp hoá, hiện đại hoá không thể không có nguồn thực phẩm an toàn và truy xuất nguồn gốc, vì sẽ ảnh hưởng đến chiều cao, trí tuệ, tầm vóc của người Việt Nam. Bên cạnh đo, bây giờ chúng ta đã tham gia tới 16 Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới đi vào chuỗi phân phối toàn cầu và hiệp định nào cũng quy định rất chặt chẽ, rất cao về kiểm dịch động vật, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm.

Hiện chúng ta đang có 434 cơ sở giết mổ tập trung, 24.000 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, 16.000 mã hàng thuốc thú y. Hai lĩnh vực quan trọng này nhiều năm trước được quan tâm sát sao, nhưng những năm gần đây thì không được quan tâm.

Nguyên nhân, do nhiều tỉnh thành đã bỏ hệ thống thú y. Trong khi đó, Điều 6, Luật Thú y đã quy định rõ là Trung ương có Cục Thú y, tỉnh có Chi cục Thú y, huyện có Trạm thú y và xã có nhân viên thú y.

Lực lượng thú y cơ sở này sẽ có trách nhiệm quản lý dịch bệnh, vacxin, thuốc thú y, giết mổ, nhưng hiện nhiều nơi đang bỏ trống do Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp chưa được phân công hoặc bị bỏ quên chức các năng này.

Ông Nguyễn Công Vinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, địa phương xác định, để quản lý tốt hoạt động giết mổ, buôn bán thuốc thú y, cũng như phòng, chống hiệu quả dịch bệnh trên động vật, việc củng cố lực lượng thú y cơ sở, đặc biệt là các trạm thú y ở cấp xã, phường thị trấn là ưu tiên hàng đầu trong thời gian tới của Bà Rịa - Vũng Tàu, bởi đội ngũ thú y cơ sở có vai trò quan trọng và quyết định tới hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.

Còn theo ông Phạm Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú y: Thực tế cho thấy, đối với các tỉnh chưa sáp nhập hệ thống thú y, công tác kiểm soát thuốc thú y tương đối tốt. Nhưng với những tỉnh đã sáp nhập vào Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp hay chuyển chức năng cho Phòng NN-PTNT huyện phải thừa nhận nhiều khi cán bộ kiêm nhiệm cũng không biết cơ sở kinh doanh thuốc thú y ở đâu.

Vừa qua, trong quá trình thanh, kiểm tra, chúng tôi nhận thấy rất nhiều bất cập, như bán thuốc thú y ngoài danh mục, thuốc hết hạn, thậm chí trên các kệ thuốc thú y có cả thuốc BVTV, thuốc chuột, các loại hạt giống. Nhiều nơi còn tổ chức tiêm phòng ngay tại cửa hàng thuốc. Có khi vacxin hôm nay tiêm không hết, bọc túi nilong lại, cất vào tủ lạnh để những ngày sau tiêm tiếp, thậm chí tiêm cho cả lứa sau. Rồi một cái xilanh cắm hàng chục loại thuốc khác nhau, thuốc chữa cho lợn, cho chó, cho gà lộn tùng phèo. Đây chính là một trong những yếu tố làm lây lan dịch bệnh.

Không có thú y cơ sở các hoạt động đều bị buông lỏng

"Đối với tổ chức hệ thống thú y, Lào Cai thí điểm sáp nhập Trạm Thú y vào Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp cấp huyện từ năm 2017. Từ đó trở đi gặp nhiều vấn đề không thể nêu hết được. Hầu như việc kiểm soát vận chuyển, kiểm soát giết mổ, giám sát dịch bệnh địa phương từ cấp huyện trở xuống bị buông lỏng, rất khó quản lý, không có hệ thống chỉ đạo chuyên ngành sâu và không có kinh phí để thực hiện.

Phát hiện những vấn đề đó, từ năm 2019 chúng tôi đã bắt đầu báo cáo, trao đổi, đề xuất. Đến đầu năm 2022 đã xây dựng Đề án tái lập lại các Trạm Thú y, cố gắng đến tháng 5/2022 sẽ phê duyệt đề án tái lập lại hệ thống thú y cấp huyện. Từ quý I/2021, chúng tôi đã tham mưu HĐND ban hành nghị quyết về kiện toàn hệ thống thú y cấp xã".

(Ông Lê Tấn Phong, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Lào Cai)

Phạm Hiếu

Xem thêm
Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Giảng viên IPHM là đầu tàu dẫn dắt nông dân sản xuất bền vững

Các giảng viên đã được trang bị kiến thức về IPHM sẽ giúp nông dân thấy được sức khỏe đất đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bảo vệ đất là việc cần phải làm ngay.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.