| Hotline: 0983.970.780

Thú y cơ sở thiếu thốn trăm bề

Thứ Tư 17/05/2023 , 14:03 (GMT+7)

Địa bàn rộng, số lượng vật nuôi lớn, nhưng lực lượng thú y cơ sở vừa thiếu lại vừa yếu nên công tác phòng chống dịch bệnh ở Lạng Sơn gặp nhiều khó khăn.

Chị Hà Thị Minh tư vấn người dân cách chăm sóc đàn lợn sau dịch tả lợn Châu Phi. Ảnh: Võ Việt.

Chị Hà Thị Minh tư vấn người dân cách chăm sóc đàn lợn sau dịch tả lợn Châu Phi. Ảnh: Võ Việt.

Thiếu cán bộ thú y

Sau gần một năm chăm sóc, con trâu của gia đình anh Lý Văn Chức ở thôn Long Thượng, xã Xuân Long, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn, cũng đến ngày sinh.

Sáng sớm, anh đã chuẩn bị mọi vật dụng cần thiết để đón nghé con nhưng trâu mẹ lại có dấu hiệu khó đẻ. Anh Chức vội vàng gọi cho cán bộ xã xuống hỗ trợ nhưng khi mọi người đến nơi sự việc đã quá muộn.

Cho đến giờ, anh Chức vẫn chưa thể quên được ngày hôm đó. ''Lúc thấy nó không ổn tôi gọi cho chị Minh làm thú y ở xã. Nhưng khi mọi người xuống đến nơi trâu chết rồi. Thời điểm ấy gia đình tôi vẫn còn là hộ nghèo, trông chờ mãi trâu đẻ để làm kinh tế. Cuối cùng mất hết'', anh Chức nghẹn ngào.

Đó là câu chuyện của 3 năm trước, mặc dù mọi việc cũng đã qua nhưng với chị Hà Thị Minh, công chức nông lâm địa chính xã Xuân Long như chỉ mới xảy ra. Ngày ấy, chị Minh cũng chỉ vừa nhận công tác tại xã và cũng là lần đầu tiên chị nhận kiêm nhiệm công tác thú y cơ sở.

"Tôi biết mình không có chuyên môn để đỡ đẻ cho trâu. Gọi lên Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện xuống hỗ trợ. Đường xa quá, lúc chúng tôi đến nơi không kịp. Đến giờ tôi vẫn cảm thấy áy náy vô cùng", chị Minh bồi hồi kể.

Thời điểm xã Xuân Long xảy ra dịch tả lợn Châu Phi, công tác dập dịch của xã gặp nhiều bất cập do vừa thiếu nhân viên chuyên môn lại vừa do địa bàn giao thông đi lại chưa thuận lợi. Thêm vào đó, việc tuyên truyền vận động người dân thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn chưa tốt, nên mấy năm qua dịch bệnh vẫn xảy ra, ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế của bà con ở xã vùng 3 này.

Năm 2021, xã Xuân Long chỉ có 4 hộ ở 2 thôn bị bệnh dịch tả lợn Châu Phi. Tuy nhiên, đến năm 2022, xã có tới 33 hộ của 5/5 thôn đều có dịch tả lợn Châu Phi làm chết 152 con lợn với tổng trọng lượng gần 7 tấn.

Hiện nay, nhiều hộ phát triển kinh tế gia đình theo hướng chăn nuôi cũng chưa mạnh dạn đầu tư tái đàn trở lại.

Ông Trần Quốc Chính, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Xuân Long, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn cho biết: "Qua đợt dịch vừa rồi, chúng tôi nhận thấy rằng nên có cán bộ thú y chuyên trách. Cho dù chúng tôi có nỗ lực như thế nào nhưng không có chuyên môn thì không thể đảm bảo được”.  

Theo chia sẻ của bà Vi Thị Hằng, Phó trưởng Phòng NN-PTNT huyện Cao Lộc, hiện nay huyện còn 4 xã thiếu cán bộ thú y chuyên trách. Bởi vậy, việc phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi đôi lúc chưa được kịp thời.

Trong quý I năm 2023, huyện cũng xảy ra bệnh tụ huyết trùng làm hơn 20 con trâu, bò bị chết. Trong khi số lượng vật nuôi tiêm phòng toàn huyện chưa đạt đến 30% tổng đàn. Hiện nay, huyện có gần 15.400 đàn gia súc, khoảng 265.500 con gia cầm, việc chăn nuôi ngày càng phát triển theo hướng trang trại tập trung.

“Với đặc thù là huyện biên giới, lại có nhiều xã đặc biệt khó khăn, việc thiếu cán bộ thú y không chỉ ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch bệnh mà còn khó khăn trong công tác tuyên truyền, định hướng phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững”, bà Hằng nhấn mạnh.

Theo số liệu thống kê, hiện tỉnh Lạng Sơn có 175/200 xã, thị trấn có thú y cấp cơ sở. Được biết, một số xã do sáp nhập địa giới hành chính cấp xã, địa bàn rộng trong khi phụ cấp nhân viên thú y xã không tăng, một phần do công việc của cán bộ thú vất vả, áp lực nên nhiều người đã bỏ việc.

Vì thiếu nhân viên chuyên trách, một số xã đã giao nhiệm vụ phụ trách thú y cho các cán bộ địa chính nông lâm hay các hội, đoàn thể... không được đào tạo chuyên môn về chăn nuôi và thú y.

Vậy nên, không thực hiện được các biện pháp phòng, chống, báo cáo tình hình dịch bệnh động vật tại tuyến cơ sở như tiêm phòng vắc xin, điều trị bệnh động vật, chuẩn đoán bệnh động vật, hướng dẫn công tác phòng, chống dịch bệnh động vật...

Ông Nguyễn Văn Châm, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Chi Lăng chia sẻ: “Bây giờ họ đi làm công nhân thu nhập thấp một tháng cũng được 5 triệu, chứ làm nghề này áp lực lắm tháng được hơn 1 triệu. Kể có cả làm dịch vụ cũng không đủ chi tiêu cho gia đình. Huyện tôi có 2 người bỏ nghề rồi”.

Cán bộ Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Cao Lộc hướng dẫn phòng chống dịch bệnh đàn vật nuôi. Ảnh: Nguyễn Thành.

Cán bộ Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Cao Lộc hướng dẫn phòng chống dịch bệnh đàn vật nuôi. Ảnh: Nguyễn Thành.

Khó khăn nghề làm dâu trăm họ

Đối với những nhân viên thú y cơ sở đang công tác nghề này cũng “trăm đường vất vả”. Là người mới vào nghề được 3 năm nhưng chị Lý Thị Huệ, nhân viên thú y xã Nhân Lý, huyện Chi Lăng cũng đủ hiểu những khó khăn, vất vả của người cán bộ cơ sở.

Nhanh tay cùng anh trưởng thôn buộc trâu vào hàng rào để tiêm, chị Huệ nói: “Mỗi lần tôi xuống đây may mà có anh trưởng thôn hỗ trợ. Trâu, bò to khỏe, tay tôi kéo không được mà vào chuồng tiêm nó đau lồng lên lại làm mình bị thương”.

Nhưng với chị Huệ, khó khăn lớn nhất không chỉ là thu nhập thấp, địa bàn rộng mà còn là việc thay đổi nhận thức của người dân.

Cho đến nay, chị Huệ cũng không nhớ hết những lần xuống thôn tiêm phòng cho đàn vật nuôi rồi lại về không vì tâm lý e ngại của bà con, sợ tiêm xong con vật nuôi không sinh sản được.

Thấu hiểu sự vất vả của bà con, bởi vậy chị đã đi đến từng nhà để vận động người dân tiêm các loại vắc xin phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi, hướng dẫn bà con các biện pháp chăn nuôi đảm bảo an toàn.

“Cái nghề này cứ như làm dâu trăm họ, khó đủ đường. Mưa dầm thấm lâu, giờ đây bà con cũng đã thay đổi nhiều. Chú trọng đến chăm sóc, vỗ béo đàn vật nuôi. Đến mùa là chủ động gọi cán bộ xuống tiêm rồi. Có lẽ, em mắc nợ với nghề này, thu nhập không đủ tiền xăng xe, ăn sáng nhưng mà không bỏ nghề được”, chị Huệ trải lòng.

Cũng giống như chị Huệ, anh Chu Văn Khang, ở xã Hải Yến làm công tác thú y xã từ năm 2007 đến giờ. Trải qua nhiều lần điều chỉnh lương, phụ cấp, hiện nay, phụ cấp của anh chỉ hơn 1 triệu đồng. Để đảm bảo cuộc sống, anh cùng gia đình hết chăn nuôi lại trồng rừng để có thêm đồng ra đồng vào.

Anh Khang bộc bạch: “Xã tôi thôn nọ cách thôn kia hàng chục cây số, toàn đường đồi. Mỗi lần đi tiêm phải nhắc trưởng thôn thôn báo trước 2 ngày, rồi phải đi từ sớm hoặc đợi đến trưa mới vào thôn tiêm được.

Bà con được dặn nhưng khi mình đi từ nhà nọ sang nhà kia không kịp là bà con thả trâu, bò ra đồng hết. Nghề này khổ lắm, không yêu nghề chắc tôi bỏ từ lâu rồi.”

Và đó cũng là tâm tư của hơn 170 cán bộ đang làm công tác thú y cơ sở ở Lạng Sơn. Mặc dù có nhiều áp lực từ công việc nhưng họ vẫn cố gắng bám trụ để hỗ trợ cơ quan quản lý nhà nước và người dân trong phòng, chống dịch bệnh, hướng đến nền chăn nuôi bền vững.

Theo số liệu của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Lạng Sơn, tổng đàn gia súc khoảng 300.000 con, đàn gia cầm trên 4,4 triệu con. Số lượng đàn vật nuôi ngày một nhiều, tình hình dịch bệnh trên đàn cũng diễn biến ngày càng phức tạp.

Ông Nguyễn Nam Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Lạng Sơn cho biết, hiện Chi cục đang từng bước kiện toàn, củng cố, tăng cường năng lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống thú y, kiểm soát dịch bệnh động vật. Cùng với đó, thông qua các dự án, Chi cục đã hỗ trợ tập huấn cho người làm công tác thú y thôn bản, giúp tăng cường nhân lực cho hệ thống thú y trong việc giám sát, phòng chống dịch bệnh ngay tại cơ sở. 

Xem thêm
‘Đòn bẩy’ nuôi gà thả đồi

Mô hình liên kết nuôi gà thịt gắn với tiêu thụ tại Hoài Ân là ‘đòn bẩy’ thúc đẩy chăn nuôi gà thả đồi giai đoạn 2022 - 2026 theo chính sách khuyến khích của Bình Định.

Dư địa lớn để Sơn La sản xuất nông nghiệp công nghệ cao

Với trên 210 nghìn ha trồng trọt, tỉnh Sơn La mới chỉ có hơn 51ha trồng rau trong nhà màng công nghệ cao, chiếm 0,02% tổng diện tích.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.