| Hotline: 0983.970.780

Thứ Tư 06/06/2012 , 10:15 (GMT+7)

10:15 - 06/06/2012

Thừa 6 triệu tấn xi măng làm gì?

Tại cuộc đối thoại hôm qua, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đã bị chất vấn về trách nhiệm giải quyết xi măng đang “khủng hoảng thừa” do quy hoạch.

Tại cuộc đối thoại hôm qua, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đã bị chất vấn về trách nhiệm giải quyết xi măng đang “khủng hoảng thừa” do quy hoạch.

Bộ trưởng đã phải thừa nhận năm 2011 lượng tiêu thụ đạt 64 triệu tấn, chỉ bằng 86% công suất thiết kế hiện có. “Hiện nay, tiêu thụ xi măng đang giảm so với thời gian trước, tồn kho cũng nhiều hơn trước. Đây là hiện tượng bất bình thường trong thời gian tạm thời” – Bộ trưởng nói. Dự kiến của Bộ năm 2012 lượng tiêu thụ cũng chỉ vào khoảng 55-56 triệu tấn sản phẩm xi măng, đạt 80% công suất thiết kế hiện có.


Ảnh minh họa

Còn trước đó, theo ý kiến ông Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Vụ Thống kê Công nghiệp (Tổng cục Thống kê) công bố tại cuộc họp giao ban ngành công nghiệp cuối tháng 5 vừa qua thì chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tại thời điểm đó vẫn tăng 29,4% so với cùng kì. Ông Thúy nói thẳng: “Một số ngành như xi măng có số lượng doanh nghiệp phá sản rất nhiều…” trong khi “thị trường này đang rất khó khăn, cung vượt quá cầu, tồn đọng xi măng hiện nay đã lên tới 6 triệu tấn”.

Vậy giải pháp tháo gỡ là gì?

Theo Nghị quyết phiên họp Chính phủ tháng 5 vừa công bố sẽ có hàng trăm ngàn tỷ đồng đầu tư công sẽ được “tháo”. Bộ Tài chính được chỉ thị “linh hoạt chính sách tài khóa phù hợp với chính sách tiền tệ để tăng tổng cầu của nền kinh tế; tập trung đẩy nhanh việc giải ngân vốn đầu tư công; thúc đẩy giải ngân vốn ODA, FDI; triển khai nhanh việc cho vay đầu tư kiên cố hoá kênh mương, phát triển giao thông nông thôn”.

Đặc biệt, Bộ Giao thông vận tải được giao “phối hợp với Bộ Xây dựng và các Bộ, cơ quan liên quan đề xuất cơ chế để triển khai mạnh mẽ việc xây dựng đường bê tông thay thế đường nhựa, kể cả việc xây dựng đường giao thông nông thôn theo cơ chế nhà nước và nhân dân cùng làm”.

Đến đây có lẽ lời đáp cho bài toán tồn kho 6 triệu tấn xi măng sẽ được tháo?

Tuy nhiên nếu xem lại thời kỳ suy giảm kinh tế năm 2009 Chính phủ từng phải tung ra cả tỷ USD để “kích cầu” thì giải pháp xây dựng đường bê tông thay đường nhựa đã được nhấn mạnh và trở thành chủ trương hẳn hoi. Thế nhưng sau 3 năm không có con số nào về số km đường bê tông xây dựng mới từ nguồn kích cầu được công bố (ngoài số liệu về đường liên thôn do dân tự nguyện đóng góp làm).

Ai cũng biết đường bê tông tuy có giá thành cao gấp 3 lần đường nhựa, có một vài nhược điểm như ồn hơn, bụi hơn… nhưng độ bền và mức tiết kiệm chi phí bảo dưỡng thì gấp nhiều lần đường nhựa. Nếu sang Trung Quốc sẽ thấy nhiều con đường cao tốc đi qua các vùng hẻo lánh đều được trải bê tông với các khe kỹ thuật thoát nước, giảm ồn rất hiệu quả, song ở Việt Nam lâu nay ngành giao thông chỉ “khoái” đường nhựa, thậm chí có mấy cái mặt cầu bản thép (như cầu Thăng Long, Thanh Trì) cứ chi trăm tỷ rải nhựa xuống, bóc lên như không mà không tính đến giải pháp đổ bê tông?!

Như vậy làm đường bê tông là mũi tên trúng nhiều đích. Vậy mà lần đối thoại này bộ trưởng Xây dựng lại chẳng nói gì về việc phối hợp với ngành giao thông cả!

Không khéo tình cảnh 2009 mạnh ai nấy làm lại tái diễn và xi măng tồn kho lại vẫn… tồn kho?