Cây bạc hà trên cao nguyên Đồng Văn |
Đây là cây cỏ dại, thân thảo, mọc tự nhiên trên đất nương khô, ở những nơi có độ cao từ 1.000 - 1.500m so với mực nước biển; thường mọc trong giai đoạn tháng 6 - 7 dương lịch, xen lẫn với vụ ngô xuân hè. Hoa bạc hà có màu tím, tím nhạt và trắng, nở vào cuối tháng 10 đến tháng 1 năm sau (trong mùa sinh trưởng gần như không có mưa) và là nguồn thức ăn chủ yếu của ong mật.
Hiện, diện tích cây bạc hà tại 4 huyện vùng cao nguyên đá có trên 4.125,45ha, trong đó Đồng Văn 1.000 ha; Mèo Vạc 1.244ha; Quản Bạ 732ha và Yên Minh 1.149,45ha.
Theo UBND huyện Đồng Văn, tính đến cuối năm 2017, trên địa bàn huyện có tổng số 8.726 đàn ong nội. Các xã có số lượng đàn ong lớn là Thài Phìn Tủng, Sủng Trái, Lũng Phìn, Sà Phìn, Phố Cáo, Lũng Thầu, Hố Quáng Phìn và thị trấn Đồng Văn.
Để phục vụ việc duy trì, phát triển đàn ong nội, huyện Đồng Văn đã quy hoạch 1.712ha đất trồng cây bạc hà/16 xã, thị trấn và có cơ chế hỗ trợ 200 nghìn đồng/ha/vụ để người dân trồng, chăm sóc bảo vệ. Huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn tuyên truyền, vận động nhân dân thu gom cây bạc hà lấy hạt giống (thu gom được 313 bao tải) để nhân rộng, trồng mới.
Ông Giang Đức Hiệp, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Hà Giang cho biết, từ kết quả của dự án, Sở NN-PTNT đã ra quyết định ban hành quy trình tạm thời trồng, chăm sóc cây bạc hà phục vụ nuôi ong lấy mật. Đây là cơ sở để tiếp tục nhân rộng diện tích cây bạc hà. Chi cục đang tiếp tục triển khai các nghiên cứu để đưa ra quy trình chính thức.
Tính đến cuối tháng 3/2018, tổng đàn ong tại 4 huyện vùng cao nguyên đá Đồng Văn là 33.251 tổ, với 2.522 tổ chức, cá nhân nuôi ong; trong đó có 38 tổ hợp tác, nhóm sở thích nuôi ong và 13 HTX, doanh nghiệp tham gia SX, chế biến mật ong bạc hà. Năm 2017, tổng sản lượng mật ong bạc hà đạt 138.519 lít, đem lại giá trị hàng trăm tỷ đồng.
Giám đốc Sở NN-PTNT Hà Giang Nguyễn Đức Vinh cho biết: Để thương hiệu mật ong bạc hà thực sự giữ được uy tín và phát triển bền vững, Sở tiếp tục thực hiện có hiệu quả kế hoạch của tỉnh về bảo tồn và phát triển giống ong nội tại 4 huyện vùng cao đá và kế hoạch đầu tư chiến lược chuỗi giá trị mật ong Hà Giang. Hoàn thiện quy hoạch vùng phát triển nguyên liệu cây bạc hà phục vụ cho phát triển mật ong bạc hà. Khuyến khích mở rộng diện tích đất chưa sử dụng hoặc sử dụng kém hiệu quả để trồng bạc hà và ban hành chính sách hỗ trợ các hộ dân có diện tích bạc hà được hưởng lợi từ việc nuôi ong như Quỹ Môi trường rừng…