| Hotline: 0983.970.780

Đồng Nai căng mình phòng bệnh dại:

Mầm bệnh ngoài cộng đồng rất cao

Thứ Hai 04/11/2024 , 18:06 (GMT+7)

Đồng Nai hiện là tỉnh đứng đầu cả nước về số xã phường có ca bệnh dại. Đây là thách thức lớn của ngành nông nghiệp và các địa phương trong kiểm soát dịch bệnh.

Đồng Nai là tỉnh có số xã ghi nhận bệnh dại đứng đầu cả nước. Ảnh: Lê Bình.

Đồng Nai là tỉnh có số xã ghi nhận bệnh dại đứng đầu cả nước. Ảnh: Lê Bình.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai, huyện Vĩnh Cửu ngày 27/10 vừa ghi nhận thêm 1 trường hợp bị chó dại cắn. Như vậy, đây là ổ bệnh dại trên chó thứ 32 của Đồng Nai kể từ đầu năm cho đến nay.

Cụ thể, con chó hoang không rõ nguồn gốc chạy vào cắn nhau với chó nuôi trong Ban chỉ huy quân sự huyện Vĩnh Cửu, rồi quay sang cắn anh L.G.H. Con chó này sau đó đã chết. Nhân viên thú y thị trấn Vĩnh An, huyện Vĩnh Cửu đã phối hợp với Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện, UBND thị trấn Vĩnh An tiến hành lấy mẫu và xét nghiệm.

Kết quả xét nghiệm cho thấy, con chó dương tính với virus dại, người bị chó cắn cũng đã được tiêm vacxin phòng dại và huyết thanh kháng dại. Cơ quan chức năng đã điều tra và theo dõi 4 con chó trong khu vực.

Theo BS.CK1 Phan Văn Phúc, Trưởng Khoa phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai, từ đầu năm đến nay, tỉnh ghi nhận 3 ca tử vong trên người vì bệnh dại.

“Tất cả các trường hợp này đều bị chó, mèo cắn nhưng do chủ quan, mặc dù đã được địa phương, cán bộ chuyên môn và người nhà khuyên nhưng không đi tiêm vacxin ngừa dại. Cả 3 bệnh nhân đều khởi phát bệnh dại và tử vong sau đó vài tháng”, bác sĩ Phúc cho hay.

Theo ông Nguyễn Trường Giang, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Đồng Nai, dịch bệnh dại trên động vật trên địa bàn tỉnh đang tăng rất mạnh so với cùng kỳ năm 2023. Đồng Nai hiện đứng đầu cả nước về số ổ dịch dại trên động vật.

“Việc xuất hiện các ca bệnh dại trong thời gian qua tại Đồng Nai là bất thường. Từ 2014 đến tháng 12/2022, toàn tỉnh không ghi nhận ca bệnh dại nào trên động vật và người. Tuy nhiên, số ổ dịch dại năm 2023 tăng đột biến, với hơn 20 ổ dịch tại 7 huyện, thành phố”, ông Giang cho hay.

Đồng Nai đang tăng cường bộ 3 biện pháp: Tuyên truyền, bắt chó thả rông và chích ngừa cho đàn vật nuôi để sớm khống chế dịch bệnh dại trên địa bàn. Ảnh: Lê Bình.

Đồng Nai đang tăng cường bộ 3 biện pháp: Tuyên truyền, bắt chó thả rông và chích ngừa cho đàn vật nuôi để sớm khống chế dịch bệnh dại trên địa bàn. Ảnh: Lê Bình.

Hiện, tổng đàn chó, mèo tại Đồng Nai được thống kê chưa đầy đủ là khoảng 300.000 con. Tỉ lệ tiêm ngừa dại trên đàn chó, mèo cũng mới chỉ đạt hơn 40%. Do đó, còn rất nhiều cá thể chó, mèo chưa được tiêm vacxin ngừa dại, điều này làm tăng nguy cơ mầm bệnh tiếp tục lây lan âm thầm trên diện rộng.

“Hơn nữa, đa số người nuôi còn rất chủ quan, còn thả rông chó, mèo khá nhiều và vật nuôi cũng không được rọ mõm. Khi một con bị chó dại cắn sẽ lây lan nhanh mầm bệnh dại trong cộng đồng”, ông Giang chia sẻ thêm.

Chưa kể, do tập tính nên tình trạng người dân trên địa bàn tỉnh còn làm thịt, chế biến và sử dụng các nguồn thực phẩm từ chó còn khá phổ biến. Hành động này tiềm ẩn nhiều nguy cơ vì không thể đánh giá liệu con chó, mèo có khả năng nhiễm bệnh dại hay không.

Trước nguy cơ bệnh dại bùng phát và lan rộng, các ngành chức năng tỉnh Đồng Nai đang nỗ lực thực hiện các giải pháp chủ động phòng, chống dịch bệnh. Với chiến lược "kiềng ba chân" bao gồm: tuyên truyền, bắt chó thả rông và phụ rộng vacxin, Đồng Nai kỳ vọng sẽ sớm khống chế được dịch bệnh trong vài năm tới.

Mới đây, 3 Sở của Đồng Nai gồm: NN-PTNT, Giáo dục và Đào tạo, Y tế bắt tay đẩy mạnh tuyên truyền phòng, chống bệnh dại cho đối tượng học sinh. Điều này kỳ vọng sẽ xây dựng ý thức phòng, chống dịch bệnh thường xuyên cho trẻ, rồi sẽ tác động ngược đến ông bà, cha mẹ là những người trực tiếp nuôi chó, mèo.

Đến nay, bệnh dại vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên 100% bệnh nhân đã lên cơn dại đều tử vong nên việc phòng bệnh dại rất quan trọng, người dân nên chủ động tiêm ngừa sau khi bị chó, mèo cào, cắn.

Xem thêm
‘Đòn bẩy’ nuôi gà thả đồi

Mô hình liên kết nuôi gà thịt gắn với tiêu thụ tại Hoài Ân là ‘đòn bẩy’ thúc đẩy chăn nuôi gà thả đồi giai đoạn 2022 - 2026 theo chính sách khuyến khích của Bình Định.

Lão nông tự tạo chế phẩm tăng độ bám dính thuốc bảo vệ thực vật

Trong bối cảnh nhiều hộ trồng cam tại Cao Phong, Hòa Bình đang lao đao vì dịch bệnh thì vườn cam của ông Phạm Văn Cường lại xanh tốt, gây ấn tượng mạnh cho tôi.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.