| Hotline: 0983.970.780

Cải tạo vườn tạp trồng tre điền trúc, thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm

Thứ Hai 04/11/2024 , 07:00 (GMT+7)

BÌNH ĐỊNH Tre điền trúc được ông Dũng chọn trồng sau khi cải tạo khu vườn tạp rộng 10.000m2. Sau 2 năm, những búp măng đã cho ông thu nhập trên 100 triệu đồng/năm.

Dễ chăm sóc, cho thu nhập cao

Ông Trần Ngọc Dũng (sinh năm 1960) ở khu phố Tăng Long 1, phường Tam Quan Nam (thị xã Hoài Nhơn, Bình Định) sở hữu khu vườn rộng 10.000m2. Trước đây, khu vườn này là vườn tạp, được trồng nhiều loại cây ăn quả như mít, xoài, mãng cầu… nhưng cho hiệu quả kinh tế rất kém.

Trước năm 2018, ông Dũng là cán bộ lãnh đạo của xã Tam Quan Nam phụ trách kinh tế nên có dịp tham quan nhiều mô hình điển hình về phát triển kinh tế trong và ngoài tỉnh. Mô hình mà ông Dũng mê nhất là trồng tre điền trúc lấy măng.

Mỗi ngày ông Trần Ngọc Dũng thu hoạch từ 15 - 20 búp măng tre điền trúc. Ảnh: V.Đ.T.

Mỗi ngày ông Trần Ngọc Dũng thu hoạch từ 15 - 20 búp măng tre điền trúc. Ảnh: V.Đ.T.

Năm 2019 ông Dũng nghỉ chế độ. Về hưu, ông bắt đầu công cuộc làm kinh tế bằng nghề nông trên khu vườn của gia đình. Sẵn "máu mê” tre điền trúc, ông không ngần ngại đầu tư 100 triệu đồng để cải tạo khu vườn tạp. Ông phá bỏ toàn bộ những cây ăn quả không cho hiệu quả để chuyển sang trồng tre điền trúc.

Để mô hình đạt hiệu quả, ông Dũng vào tận Tiền Giang học hỏi quy trình chăm sóc tre điền trúc và mua 300 gốc tre giống về trồng trên diện tích 5.000m2 đất vườn tạp đã được cải tạo. Tre điền trúc được trồng trong hố, mỗi hố trồng 3 cây theo quy cách cây cách cây 5m, hàng cách hàng 4m. Chỉ sau 2 năm trồng, 300 gốc tre điền trúc của ông Dũng đã bắt đầu cho thu hoạch.

“Mỗi ngày tôi thu hoạch từ 15 - 20 búp măng, mỗi búp măng 2 - 3kg, giá bán sỉ cho thương lái tại vườn dao động từ 8.000 - 10.000đ/kg, dịp Tết măng tăng giá gấp đôi, đến 15.000 - 20.000đ/kg. Tôi có nhiều bạn hàng là chủ tàu cá. Mỗi lần ra khơi, các chủ tàu mua măng rất nhiều để dự trữ cho thuyền viên ăn. Sau mùa trăng hằng tháng là tàu cá tấp nập ra khơi, mỗi ngày tôi cắt đến 70 - 80kg măng để cung cấp cho các tàu cá tại địa phương. Bình quân mỗi tháng tôi thu nhập từ 10 - 15 triệu đồng từ bán măng điền trúc”, ông Dũng bộc bạch.

Măng tre điền trúc của ông Dũng có trọng lượng bình quân 2 - 3kg/búp. Ảnh: V.Đ.T.

Măng tre điền trúc của ông Dũng có trọng lượng bình quân 2 - 3kg/búp. Ảnh: V.Đ.T.

Tiến tới chế biến măng khô, măng chua

Sau 4 năm trồng, đến nay, mô hình trồng tre điền trúc lấy măng của ông Trần Ngọc Dũng đã được nhân rộng ra 500 gốc, trong đó có 350 gốc đang cho thu hoạch măng. Theo ông Dũng, trồng tre điền trúc không khó, vốn đầu tư thấp, thời gian cho thu hoạch kéo dài đến 10 năm. Mỗi bụi tre, bên cạnh 2 - 3 cây mẹ đã được 3 năm tuổi, nên dưỡng thêm 2 - 3 cây tre loại 1 năm tuổi để có măng thu hoạch liên tục.

“Nếu trồng trên nền đất tơi xốp, đủ độ ẩm, chỉ khoảng 18 tháng là tre bắt đầu cho măng, từ năm thứ hai trở đi sẽ cho măng nhiều hơn. Vào mùa hè hay gặp thời tiết hạn hán, để tre liên tục cho măng, người trồng cần tập trung chăm sóc, dọn dẹp vườn tre, cắt tỉa cành lá, xới gốc, bón phân và cứ cách một ngày tưới nước cho vườn tre một lần. Khi chồi măng nhú lên, cần lấy cỏ, rơm ủ lại để tránh bị côn trùng phá hỏng”, ông Dũng chia sẻ.

Mỗi tháng ông Dũng thu nhập 10 - 15 triệu đồng từ bán măng tre điền trúc. Ảnh: V.Đ.T.

Mỗi tháng ông Dũng thu nhập 10 - 15 triệu đồng từ bán măng tre điền trúc. Ảnh: V.Đ.T.

Ngoài nguồn thu nhập chính từ măng, vườn tre điền trúc của ông Dũng còn cho thêm khoản thu không nhỏ nhờ việc bán thân tre già làm giàn phơi bún, bánh tráng, làm nguyên liệu đan lát và cung cấp cho các làng chài ven biển làm mành, chồ đăng. Nhờ đó, mỗi năm ông Dũng có thu nhập trên 100 triệu đồng.

“Trong thời gian tới, khi 500 gốc tre cho măng đồng loạt, ngoài việc chiết cành ươm giống bán cho người dân có nhu cầu, tôi sẽ chế biến sản phẩm măng khô và măng chua để tăng thêm giá trị”, ông Dũng cho hay.

“Mô hình làm giàu nhờ trồng tre điền trúc lấy măng của ông Dũng là duy nhất tại địa phương. Bởi không đụng hàng nên măng tre điền trúc của ông Dũng có đầu ra thênh thang, cho thu nhập cao”, ông Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Hội Nông dân phường Tam Quan Nam nhận xét.

Xem thêm
Xây dựng kế hoạch phòng, chống Dịch tả lợn châu Phi cho Đông Nam Á

Dù đã có vacxin thương mại cho bệnh Dịch tả lợn châu Phi (DTLCP), các chuyên gia đều cho rằng cần có một chương trình tổng thể ở cấp khu vực cho vấn đề này.

Khống chế dịch tả lợn Châu Phi trong diện hẹp

HÀ TĨNH Từ đầu năm đến nay, dịch tả lợn Châu Phi tại Hà Tĩnh cơ bản được khống chế diện hẹp, tạo môi trường thuận lợi cho người chăn nuôi tái đàn.

Khám tổng thể sức khỏe đất: [Bài 1] Cần 'khám chuyên khoa' cho đất để xây dựng bộ cơ sở dữ liệu

Gần đây, đã có khoảng 20 tỉnh, thành tiến hành kiểm tra chất lượng đất nông nghiệp phục vụ cho việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng sản lượng, chất lượng nông sản.