| Hotline: 0983.970.780

Vụ đông 2021 với trọng trách đặc biệt

Thứ Năm 09/09/2021 , 08:00 (GMT+7)

Với mục tiêu tổng giá trị 34 nghìn tỉ đồng, vụ đông 2021 có ý nghĩa hết sức quan trọng nhằm đảm bảo nguồn cung thực phẩm, tạo việc làm, nhất là dịp cuối năm.

Xuống giống càng sớm càng tốt

Ngày 8/9, Bộ NN-PTNT đã tổ chức hội nghị trực tuyến đánh giá kết quả sản xuất vụ đông 2020 và triển khai kế hoạch vụ đông 2021 các tỉnh phía Bắc. 

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh phát biểu chỉ đạo tại hội nghị ngày 8/9. Ảnh: Bảo Thắng.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh phát biểu chỉ đạo tại hội nghị ngày 8/9. Ảnh: Bảo Thắng.

Năm 2020, các tỉnh phía Bắc gieo trồng 375.000 ha cây vụ đông, giảm diện tích so với năm 2019, nhưng lại tăng sản lượng thêm 110.000 tấn. Tổng giá trị cây vụ đông ước đạt 32.628 tỷ đồng, tăng mạnh về giá trị sản xuất trên mỗi hecta lên thêm 3,1 triệu đồng, đạt mức 84,3 triệu đồng/ha. 

Một trong những nguyên nhân chính giúp giá trị, thu nhập từ cây vụ đông 2020 cao hơn hẳn là sự chuyển dịch cơ cấu cây trồng. Đó cũng là ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh cho kế hoạch vụ đông 2021. Theo đó, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh yêu cầu các tỉnh, thành phố tập trung tối ưu hóa giá trị sản xuất, giảm dần sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, hiệu quả kinh tế thấp.

Phó Chủ tịch UBND Nghệ An, ông Hoàng Nghĩa Hiếu cho biết, vụ đông 2021, tỉnh sẽ đón hơn 75.000 lao động, vốn là công nhân từ các khu vực bị ảnh hưởng bởi Covid-19 trở về. Theo ông Hiếu, đây sẽ là yếu tố giúp tỉnh giải quyết vấn đề nhân công, cũng như đẩy mạnh thâm canh sản xuất. 

Với phương châm "2 sớm 4 sát" (xây dựng đề án sớm, triển khai sớm; cơ cấu cây trồng sát với điều kiện tự nhiên; thời vụ sát với thủy văn; sản phẩm sát với thị trường; chỉ đạo sát cơ sở), Nghệ An đã bắt đầu vụ đông rất sớm từ 15/7, và hiện gieo trồng được 14% diện tích cây vụ đông. Đây là bước đệm để tỉnh có diện tích lớn nhất cả nước giải quyết 3 khó khăn, là lũ lụt, các chuỗi cung ứng bị đứt gãy, và hạ tầng thủy lợi thiếu đồng bộ.

Vụ đông 2021 không chỉ giải quyết nguồn cung thực phẩm dịp cuối năm, mà còn có ý nghĩa đặc biệt nhằm giải quyết việc làm cho người dân trong bối cảnh khó khăn do dịch bệnh Covid-19. Ảnh: Trung Quân.

Vụ đông 2021 không chỉ giải quyết nguồn cung thực phẩm dịp cuối năm, mà còn có ý nghĩa đặc biệt nhằm giải quyết việc làm cho người dân trong bối cảnh khó khăn do dịch bệnh Covid-19. Ảnh: Trung Quân.

"Nghệ An sẽ tiếp đà thắng lợi của vụ hè thu, phấn đấu được cả năng suất, diện tích, giữ vững đà tăng trưởng những năm qua", ông Hiếu nhấn mạnh. 

Nếu Nghệ An có lực lượng sản xuất mới, Thái Bình lại đẩy mạnh các mô hình cây vụ đông giá trị cao, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Phó Chủ tịch UBND Thái Bình, ông Lại Văn Hoàn thông tin, các chương trình cơ giới hóa sản xuất khoai, trồng rau hữu cơ, cà rốt, và trồng ớt trên đất lúa đang cho nhiều tín hiệu lạc quan. 

Được ví là "quê lúa", nhưng Thái Bình những năm gần đây đã đa dạng hóa cây vụ đông. Tỉnh đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng, gắn chặt với nhu cầu thị trường. Bên cạnh các mô hình trình diễn, khảo nghiệm, tỉnh còn đồng ý cho nông dân xóa bỏ bờ ngăn trên thực địa, đẩy mạnh cánh đồng lớn; đồng thời xây dựng cơ chế hỗ trợ về kho lạnh, cơ giới hóa đồng bộ, và bảo quản sau thu hoạch cho cây vụ đông.

"Tổng giá trị cây vụ đông của tỉnh năm 2020 tăng 3% so với năm trước. Năm nay, tỉnh gieo trồng khoảng 76.000 ha. Hiện lúa mùa hiện đang sinh trưởng tốt. Trà sớm sắp trỗ bông, trà chính vụ đã làm đòng", ông Hoàn cho biết.

Cục Trồng trọt đề nghị các địa phương cần tập trung xuống giống các cây vụ đông ưa ấm trong thời gian sớm nhất có thể sau khi thu hoạch lúa mùa. Ảnh: Trung Quân.

Cục Trồng trọt đề nghị các địa phương cần tập trung xuống giống các cây vụ đông ưa ấm trong thời gian sớm nhất có thể sau khi thu hoạch lúa mùa. Ảnh: Trung Quân.

Những chuyển dịch của Nghệ An, Thái Bình cũng là định hướng của Cục Trồng trọt trong kế hoạch sản xuất vụ đông 2021. Do là vụ sản xuất quan trọng không chỉ cho năm 2021 mà còn đóng góp cho tăng trưởng của toàn ngành năm 2022, Cục đề nghị các địa phương thực hiện triệt để các chỉ đạo của Thủ tướng về vận chuyển, lưu thông hàng hóa. 

Với những nhóm cây trồng chủ lực như ngô, đậu tương, khoai, rau đậu, Cục Trồng trọt đặt mục tiêu ổn định diện tích vụ đông 2021 toàn miền Bắc đạt khoảng 400.000 ha, sản lượng 4,6 triệu tấn, tổng giá trị 34 - 35 nghìn tỷ đồng, và giá trị sản xuất tăng lên 85 triệu đồng/ha.

Do dự báo năm nay rét sớm, Cục Trồng trọt đề xuất tỷ lệ nhóm cây ưa ấm chiếm khoảng 55% diện tích gieo trồng. Cụ thể, gieo trồng cây ưa ấm trước ngày 10/10, cây ưa lạnh sau 10/10, riêng khoai tây tập trung trồng từ 25/10 đến 15/11, và trồng rải vụ các loại rau.

"Năm nay, có nhiều cái khác mọi năm. Thứ nhất là dịch bệnh Covid-19. Thứ hai là thời tiết, giờ trời đã vào thu, nhưng chưa có nhiều bão như mọi năm. Chúng ta cần dự báo chính xác, đẩy nhanh tiến độ thu hoạch lúa mùa, đồng thời bố trí nhiều hơn các cây vụ đông ưa ấm để sớm đạt tốc độ sinh trưởng. Mục tiêu số một là đảm bảo lương thực, thực phẩm cho 100 triệu dân trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, nhất là vào dịp cuối năm 2021", Thứ trưởng Doanh lưu ý.

Ba nhiệm vụ trọng tâm 

Một trong những tỉnh đi đầu cả nước về cả sản lượng, năng suất và giá trị rau vụ đông là Hải Dương. Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND Trần Văn Quân cho biết, trong vụ đông 2020, giá trị sản xuất trên mỗi hecta rau màu của tỉnh cao gấp 3 lần so với trồng lúa, và hơn 2,5 lần mức trung bình của các tỉnh phía Bắc. 

Hải Dương vẫn chủ động tăng diện tích vụ đông 2021 ngay cả khi dịch bệnh Covid-19 vẫn đang gây nhiều khó khăn cho sản xuất, tiêu thụ nông sản. Ảnh: Lê Bền.

Hải Dương vẫn chủ động tăng diện tích vụ đông 2021 ngay cả khi dịch bệnh Covid-19 vẫn đang gây nhiều khó khăn cho sản xuất, tiêu thụ nông sản. Ảnh: Lê Bền.

Kinh nghiệm của Hải Dương, là lên kịch bản sớm và chú trọng kỹ thuật canh tác. Ông Quân cho biết: Nắm bắt được tình hình phía Trung Quốc bị mưa lũ trong tháng 7 - 8/2020, và miền Trung nước ta sẽ vào mùa mưa lũ vào tháng 9/2021, mặc dù trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, Hải Dương vẫn sớm chủ động lên phương án tăng diện tích trồng rau vụ đông thêm 600 ha. Thường vụ, UBND và Sở NN-PTNT tỉnh nhất trí đẩy mạnh cây vụ đông, đặc biệt là cà rốt, bởi đây là những cây trồng cho hiệu quả kinh tế. 

Về kỹ thuật, Hải Dương có nhiều sáng kiến, chẳng hạn như việc trồng cà rốt. Nông dân trên địa bàn, sau khi trộn đều hạt cà rốt với vôi bột, sẽ gieo thành hàng theo chiều dọc luống, tưới ẩm, rồi phủ kín rơm rạ lên mặt luống. Cách làm này vừa giúp giữ ẩm, lại giúp sạch cỏ trên vườn trồng. Vụ đông 2021, Hải Dương đặt mục tiêu thu hoạch 85.000 tấn cà rốt.

"Mỗi lần về Hải Dương, tôi đều tin rằng công nghệ cao là đây, trên những mảnh ruộng, thửa vườn của người dân. Bà con không cần nhà kính, vẫn gieo trồng trên cánh đồng mở, nhưng tạo được quy trình canh tác sạch sẽ, hiệu quả, dựa trên rơm, rạ sẵn có ngoài đồng. Nếu có thể quay vòng, rải vụ, tập trung vào rau ăn lá ngắn ngày, Hải Dương có thể thu hoạch 2 - 3 vụ rau trong mùa đông này", Thứ trưởng Lê Quốc Doanh chia sẻ.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh đề nghị các địa phương chủ động, linh hoạt trong việc đưa ra các gói giải pháp kỹ thuật cho vụ đông 2021. Ảnh: TL.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh đề nghị các địa phương chủ động, linh hoạt trong việc đưa ra các gói giải pháp kỹ thuật cho vụ đông 2021. Ảnh: TL.

Tại hội nghị, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đề nghị các tỉnh, thành phố phía Bắc đẩy mạnh 3 nhiệm vụ trọng tâm từ giờ đến cuối năm 2021. Một là tận dụng triệt để các sản phẩm vụ đông. Thứ trưởng Lê Quốc Doanh gợi mở ý tưởng, sử dụng rau màu làm thức ăn gia súc, hoặc chuyển dịch sang những loại cây như ngô sinh khối để chủ động về thời vụ.

Hai là kết hợp giữa lý thuyết với kiến thức bản địa của người dân để cải thiện các biện pháp kỹ thuật. Theo Thứ trưởng, một số địa phương như Vĩnh Phúc có những cách làm hay như trồng cây ngô bầu, hay Hưng Yên trồng nối ngô, bí trên ruộng lúa.

Cuối cùng, là xây dựng mã số vùng trồng cho cả thị trường nội địa. Quan điểm của Bộ NN-PTNT, là xây dựng một nền sản xuất trách nhiệm, truy xuất được nguồn gốc nông sản. Thứ trưởng giao Cục Trồng trọt, Cục Bảo vệ thực vật và Sở NN-PTNT các tỉnh, thành nghiên cứu sâu, chi tiết, trước khi Bộ thí điểm ngoài thực tế.

Thời tiết thuận lợi

Ông Nguyễn Văn Tỉnh, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi cho biết, thời tiết vụ đông năm nay nhìn chung thuận lợi và có ít biến động. Điểm duy nhất người đứng đầu ngành thủy lợi lưu ý nông dân là biên độ mưa. Theo dự báo, tháng 9, 10/2021 sẽ cao hơn trung bình mọi năm; tháng 11, 12 giảm; và tháng 1, 2/2022 sẽ trở lại đà tăng.

Ông Nguyễn Văn Tỉnh, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi. Ảnh: Bảo Thắng.

Ông Nguyễn Văn Tỉnh, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi. Ảnh: Bảo Thắng.

"Dựa vào dự báo, bà con cần chuẩn bị kế hoạch làm đất, gieo trồng sớm hơn so với năm ngoái, vừa thích ứng với thời tiết, vừa đề phòng mưa trái mùa", ông Tỉnh nói.

Bên cạnh thời tiết, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi cũng khuyến cáo vấn đề lượng nước. Do một tổ máy của Thủy điện Hòa Bình sửa, mức nước cao nhất tại Hà Nội trong vụ đông chỉ dao động trong ngưỡng từ 1,8 - 1,9 mét.

Theo kinh nghiệm của ông Tỉnh, để vụ đông và vụ đông xuân sang năm đảm bảo lượng nước tưới, mực nước trung bình tại sông Hồng phải trên 2 mét. Do đó, để ứng phó với lượng nước thấp hơn, các tỉnh, thành phố cần tập trung lấy nước đồng bộ. Ngoài ra, địa phương phải chủ động đầu tư, kiên cố hóa hạ tầng thủy lợi.

Xem thêm
Màu đỏ may mắn của giống gà Mía số 1

Trong lịch sử mảng gà lông màu tại Việt Nam, chưa khi nào gam màu xám dài đến vậy, người chăn nuôi hy vọng, thất vọng rồi hy vọng và lại thất vọng...

Còn 400 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, Bình Định lên lộ trình nâng cấp

Ngành chức năng Bình Định yêu cầu các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ phải đảm bảo vệ sinh thú y để cung cấp nguồn thịt sạch cho thị trường ngày Tết.

Triển vọng kinh tế xanh từ phế phụ phẩm ngành sắn

TÂY NINH Tây Ninh là thủ phủ cây sắn của cả nước, các phế phụ phẩm ngành sắn đang được địa phương này tận dụng triệt để, hướng tới kinh tế xanh và tuần hoàn, bền vững.