| Hotline: 0983.970.780

Chủ Nhật 30/07/2023 , 17:52 (GMT+7)
Lê Thiếu Nhơn

Lê Thiếu Nhơn

Nhà thơ 17:52 - 30/07/2023

Thực trạng cả họ làm quan sẽ sớm chấm dứt

Thực trạng cả họ làm quan đã và đang gây nhiều nhức nhối trong dư luận xã hội, sẽ được khống chế bằng Quy định 114 của Bộ Chính trị vừa ban hành.

Thực trạng cả họ làm quan, cứ ngỡ là chuyện đùa, mà lại phổ biến ở một số địa phương và một số tổ chức trên cả nước trong những năm vừa qua. Thực trạng cả họ làm quan như một kiểu biến tướng của tệ nạn “một người làm quan, cả họ được nhờ”. Bởi lẽ, không chỉ ban phát lợi ích vật chất cho những người có quan hệ gần gũi, một số quan chức còn tạo cơ hội để bà con thân thích nắm giữ nhiều vị trí có quyền lực ở các cơ quan.

Thực trạng cả họ làm quan có thể lấy ví dụ, cha làm Bí thư Tỉnh ủy thì con làm Bí thư thành phố trực thuộc tỉnh hoặc giám đốc sở, anh làm Chủ tịch UBND tỉnh thì em làm Chủ tịch UBND huyện hoặc cấp tương đương.

Để chấn chỉnh thực trạng lạm dụng công tác cán bộ nhằm thiết lập đường dây cả họ làm quan, Bộ Chính trị vừa ban hành Quy định 114 thay thế cho Quy định 205/2019 về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền. Quy định 114 nhấn mạnh mục đích triệt tiêu sự thao túng cả họ làm quan là không bố trí người có quan hệ gia đình đồng thời đảm nhiệm các chức danh liên quan như thành viên trong cùng ban thường vụ cấp ủy, ban cán sự Đảng, đảng đoàn, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị.

Cụ thể, có quan hệ ruột thịt, thì không chấp nhận người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu trong cùng địa phương, cơ quan, đơn vị. Ngoài ra, những ai có quan hệ ruột thịt với người đứng đầu cấp ủy đảng hoặc người đứng đầu cơ quan hành chính, thì không được quy hoạch và bổ nhiệm làm người đứng đầu các cơ quan như nội vụ, thanh tra, tài chính, ngân hàng, thuế, hải quan, công thương, kế hoạch đầu tư, tài nguyên môi trường, quân đội, công an, tòa án, viện kiểm sát ở trung ương hoặc cùng cấp ở một địa phương.

Quy định 114 của Bộ Chính trị vừa ban hành là một thái độ dứt khoát với thực trạng cả họ làm quan từng gây ra nhiều tiếng bấc tiếng chì trong đời sống nhân dân. Lâu nay, một số người đứng đầu vẫn nhân danh tình thương của cha dành cho con, trách nhiệm của chồng dành cho vợ, nghĩa vụ của anh dành cho em hoặc của chú dành cho cháu, mà có sự thiên lệch trong bố trí nhân sự.

Chính vì kém tự trọng và chưa được kiểm soát, mà nhiều quan chức luôn tranh thủ tạo cơ hội thăng tiến lắt léo cho người nhà. Hệ lụy tất yếu là hình thành thói quen dựa dẫm và khuynh loát các hoạt động kinh tế xã hội. Bên cạnh đó, thực trạng cả họ làm quan cũng gián tiếp mở đường cho các kiểu chạy chức chạy quyền thị phi và éo le.

Khi áp dụng đầy đủ, Quy định 114 của Bộ Chính trị sẽ ngăn chặn những chiêu trò kéo bè kết cánh theo lợi ích nhóm, được ngụy trang ỡm ờ bằng khái niệm “đúng quy trình” hoặc “nâng đỡ trong sáng”. Nếu công tác cán bộ không lành mạnh, thì thực trạng cả họ làm quan sẽ thui chột chí hướng cống hiến của nhân tài đích thực cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước hôm nay và ngày mai.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm