| Hotline: 0983.970.780

Sử dụng phân bón, thuốc BVTV hiệu quả:

Viên gạch đầu tiên trong việc xây dựng nền nông nghiệp bền vững

Thứ Sáu 17/12/2021 , 15:49 (GMT+7)

Để ĐBSCL hướng đến nền nông nghiệp bền vững, thực trạng lạm dụng phân bón và thuốc BVTV hóa học trong sản xuất nông nghiệp phải được quan tâm giải quyết hiệu quả.

Nhiều nơi tại ĐBSCL vẫn đang lạm dung phân bón và thuốc BVTV hóa học. Ảnh: Phạm Hiếu.

Nhiều nơi tại ĐBSCL vẫn đang lạm dung phân bón và thuốc BVTV hóa học. Ảnh: Phạm Hiếu.

Lạm dụng phân bón, thuốc BVTV hóa học

Thực trạng lạm dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) hóa học ở ĐBSCL đã được báo động từ nhiều năm qua nhưng trên thực tế, sự thay đổi diễn ra rất chậm chạp. Trong khi đó, thực trạng lạm dụng càng khiến nguy cơ ô nhiễm tài nguyên đất, nước, mất vệ sinh an toàn thực phẩm, hệ sinh thái tự nhiên bị suy thoái ngày càng hiện hữu.

Theo báo cáo mới đây của Cục BVTV (Bộ NN-PTNT), so với các vùng, miền trong cả nước, lượng phân bón sử dụng ở ĐBSCL cao hơn 42%; lượng thuốc BVTV hóa học sử dụng cao hơn 72%.

Việc sử dụng phân bón ở ĐBSCL cũng đáng lo ngại, lượng phân bón vô cơ cao hơn 35%, trong khi lượng phân hữu cơ sử dụng chỉ bằng 27% so với cả nước. Các tỉnh Bến Tre, Tiền Giang, Đồng Tháp đều có mức sử dụng phân bón, thuốc BVTV hóa học cao gấp nhiều lần so với các địa phương trong cả nước.

Trên thực tế, bà con nông dân là những người cảm nhận rõ nhất những hệ lụy của việc lạm dụng phân bón, thuốc BVTV hóa học. Tất cả những ai được hỏi đều có chung nhận định: Độ màu mỡ và chất dinh dưỡng trong đất đã suy giảm rất nhiều; để bảo đảm năng suất cây trồng, trước mắt buộc phải duy trì và tăng liều lượng sử dụng, đều đó càng làm phát sinh thêm chi phí chứ không thể “cải tạo” được đất.

Đối với hệ sinh thái tự nhiên, người dân ĐBSCL ở vùng nông thôn đều nhận ra sự phong phú trước đây đã ngày càng biến mất. Trong vườn, ngoài ruộng đều khó kiếm con cá, con tôm cho bữa ăn hằng ngày. Nhiều loại cây hoang dại trong tự nhiên trước đây mọc bạt ngàn như cây ô rô, cây chuối nước, cây rau choại giờ cũng hiếm có khó tìm do phun, xịt quá nhiều loại thuốc hóa học.

Sự phong phú của hệ sinh thái trước đây đang dần biến mất. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Sự phong phú của hệ sinh thái trước đây đang dần biến mất. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Theo tính toán của ngành nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng, riêng trên địa bàn tỉnh, mỗi năm nông dân sử dụng hơn 2.400 tấn thuốc BVTV, thải ra khoảng 366 tấn bao gói, chai lọ đựng thuốc. Số thuốc còn sót lại trên bao bì lên đến 6,7 tấn cộng với số bao bì thất thoát ra môi trường đã trở thành nguồn chất thải độc hại, gây tác động xấu đến môi trường và sức khỏe con người.

Để người nông dân dừng sử dụng phân bón, thuốc BVTV hóa học theo “kinh nghiệm” và cảm tính, các địa phương ở ĐBSCL đã xây dựng và phát động các mô hình nông nghiệp sạch, đổi mới công tác khuyến nông. Thế nhưng, phần lớn nông dân khó theo kịp vì thiếu vốn, thiếu năng lực sản xuất; sản phẩm nông nghiệp sạch, có đưa ra thị trường cũng dễ bị đánh đồng với sản phẩm cùng loại do không có gì bảo chứng.

ĐBSCL hướng đến một nền nông nghiệp bền vững

Đầu tháng 12 vừa qua, Cục BVTV, Sở NN-PTNT Đồng Tháp và Hiệp hội CropLife Việt Nam đã ký kết triển khai Chương trình hợp tác sử dụng thuốc BVTV an toàn, hiệu quả.

Chương trình hướng dẫn sử dụng thuốc BVTV an toàn hiệu quả tại Đồng Tháp được thực hiện trong 5 năm, từ 2021 đến 2025, với mục tiêu hỗ trợ nông dân địa phương tiếp cận và được tập huấn về các nguyên tắc sử dụng thuốc BVTV an toàn, hiệu quả, có trách nhiệm.

Mục tiêu Chương trình là hỗ trợ nông dân địa phương tiếp cận và được tập huấn về các nguyên tắc sử dụng thuốc BVTV an toàn, hiệu quả, có trách nhiệm. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Mục tiêu Chương trình là hỗ trợ nông dân địa phương tiếp cận và được tập huấn về các nguyên tắc sử dụng thuốc BVTV an toàn, hiệu quả, có trách nhiệm. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Các nội dung chính của chương trình gồm: Tập huấn sử dụng thuốc BVTV an toàn và hiệu quả cho nông dân và cán bộ tại địa phương, tập trung vào các nguyên tắc sử dụng thuốc, kỹ thuật pha thuốc, phun thuốc và xử lý thuốc, nguyên tắc trong quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), hướng dẫn sử dụng thiết bị bảo hộ lao động khi tiếp xúc với thuốc và hướng dẫn thu gom, xử lý bao gói thuốc sau sử dụng.

Đồng thời, xây dựng các mô hình sử dụng thuốc BVTV tiết kiệm, an toàn và hiệu quả, và mô hình cùng nông dân bảo vệ môi trường (xây dựng các bể chứa, phát động ngày thu gom) và thanh tra, kiểm tra việc buôn bán, sử dụng thuốc BVTV tại địa phương.

Giai đoạn đầu, chương trình sẽ tập trung vào các cây chủ lực của tỉnh Đồng Tháp như lúa gạo và cây ăn quả.

Chương trình đặt mục tiêu đến năm 2025, 100% cán bộ được tập huấn chuyên môn sâu về sử dụng thuốc BVTV tiết kiệm, an toàn và hiệu quả; 70% cơ sở buôn bán thuốc BVTV, nông dân tại các vùng trồng trọng điểm về sử dụng thuốc an toàn và hiệu quả; 100% các bao gói thuốc được thu gom đúng quy định; xây dựng 8 mô hình bảo vệ môi trường tại các vùng chuyên canh.

Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục BVTV cam kết, Cục sẽ chủ trì, phối hợp các bên xây dựng bộ tài liệu, video về hướng dẫn sử dụng thuốc an toàn và hiệu quả; tài liệu thu gom và xử lý bao gói thuốc sau sử dụng.

Giải quyết được thực trạng lạm dụng phân bón và thuốc BVTV hóa học, ĐBSCL sẽ có thể hướng đến một nền nông nghiệp bền vững. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Giải quyết được thực trạng lạm dụng phân bón và thuốc BVTV hóa học, ĐBSCL sẽ có thể hướng đến một nền nông nghiệp bền vững. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Bên cạnh đó, Cục BVTV sẽ tổ chức tập huấn cho cán bộ kỹ thuật của Sở NN-PTNT về các quy định liên quan đến quản lý thuốc BVTV, đôn đốc các bên thực hiện theo kế hoạch. "Chúng tôi tin tưởng, chương trình sẽ góp phần nâng cao trách nhiệm của những người làm nông nghiệp, từ đó nâng cao giá trị nông sản của tỉnh Đồng Tháp nói riêng và vị thể nông sản Việt Nam nói chung", ông Hoàng Trung nhấn mạnh.

Các địa phương vùng ĐBSCL đang bước vào giai đoạn triển khai thực hiện mạnh mẽ Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, trong đó có chỉ tiêu nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp.

Đây là cơ hội mới để ĐBSCL hướng đến nền nông nghiệp bền vững. Muốn vậy, ngay từ bây giờ, thực trạng lạm dụng phân bón và thuốc BVTV hóa học trong sản xuất nông nghiệp phải được quan tâm giải quyết hiệu quả.

Xem thêm
Thị trường Trung Quốc - 'Át chủ bài' xuất khẩu trái cây

Kim ngạch xuất khẩu trái cây Việt Nam sang Trung Quốc ngày càng tăng và ước tính, năm 2024 sẽ đạt gần 5 tỷ USD.

Xét tuyển công chức làm việc tại Cục Bảo vệ thực vật và Cục Thú y

Bộ NN-PTNT thông báo xét tuyển công chức làm việc tại Cục Bảo vệ thực vật và Cục Thú y thuộc Bộ, như sau:

Thương hiệu quốc gia Việt Nam 'Vươn mình tiến vào kỷ nguyên Xanh'

Tối 4/11, tại Hà Nội diễn ra Lễ công bố sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2024 với chủ đề ‘Vươn mình tiến vào kỷ nguyên Xanh’.

Dự án căn hộ duy nhất ở Tây Nam Linh Đàm đang được săn đón

Không ngạc nhiên khi dự án căn hộ duy nhất đang triển khai tại Tây Nam Linh Đàm, thuộc quận Hoàng Mai, Hà Nội là Hanoi Melody Residences đang được thị trường săn đón...