| Hotline: 0983.970.780

'Thương cảng Vân Đồn' hướng đến Khu kinh tế tri thức

Thứ Bảy 24/09/2022 , 09:27 (GMT+7)

QUẢNG NINH Tỉnh Quảng Ninh mong muốn Vân Đồn sớm trở thành Khu kinh tế tri thức có trình độ khoa học và công nghệ cao, một đô thị biển thông minh, xanh, sạch.

Sáng 24/9/2022, tại tại Trung tâm hội nghị Vân Đồn, xã Đông Xá (huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh) tổ chức Hội thảo khoa học "Nhận diện giá trị, bảo tồn và phát huy Quần thể di tích Thương cảng Vân Đồn".

Quang cảnh hội thảo

Quang cảnh hội thảo

Hội thảo với sự tham gia của hơn 100 đại biểu đại diện cho các cơ quan nghiên cứu, chuyên gia, nhà khoa học Trung ương; Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Quảng Ninh; Lãnh đạo các Ban Xây dựng Đảng của Tỉnh ủy; đại diện các sở, ban, ngành của tỉnh; Lãnh đạo huyện Vân Đồn và các xã có di tích trên địa bàn huyện Vân Đồn; đại diện các nhà đầu tư, doanh nghiệp và các cơ quan thông tấn, báo chí.

Nội dung Hội thảo công bố các kết quả, thành tựu nghiên cứu về Quần thể di tích Thương cảng Vân Đồn từ kết quả các dự án khai quật khảo cổ học, điền dã và hợp tác quốc tế. Thảo luận, đánh giá giá trị toàn diện của Quần thể di tích Thương cảng Vân Đồn (các vấn đề về cảnh quan và môi trường, lịch sử, giao thương hàng hải, giao lưu kinh tế, văn hóa và tài nguyên thiên nhiên, vị trí địa lý, các vấn đề liên quan đến con đường giao thương hàng hải, kinh tế biển, quân sự...) để xác định các tiềm năng phát triển của địa phương gắn với các giá trị di sản, góp phần phát triển du lịch nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội địa phương nói chung. Nghiên cứu, xác định phạm vi không gian di tích.

Hội thảo tập hợp 34 bài viết tham luận về các chủ đề trên trong đó có 04 bài tham luận của nhóm chuyên gia, chuyên gia quốc tế (Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ); 28 bài tham luận của cơ quan nghiên cứu Trung ương, các chuyên gia, nhà khoa học và 02 bài tham luận của địa phương.

Hội thảo đã đánh giá toàn diện về vị trí, vai trò, quy mô, ý nghĩa, giá trị của Quần thể di tích Thương cảng Vân Đồn qua các thời kỳ lịch sử; Bổ sung căn cứ khoa học phục vụ cho việc nghiên cứu xây dựng hồ sơ khoa học Quần thể di tích lịch sử Thương cảng Vân Đồn đề nghị xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt.

Hoạt động buôn bán tại thương cảng cổ Vân Đồn. Ảnh: Tư liệu

Hoạt động buôn bán tại thương cảng cổ Vân Đồn. Ảnh: Tư liệu

Kết quả chuyên môn của Hội thảo khoa học sẽ góp phần tuyên truyền giáo dục truyền thống lịch sử và những giá trị văn hóa tiêu biểu của Quảng Ninh - vùng đất "địa linh, nhân kiệt" và thương cảng quốc tế Vân Đồn - một trung tâm kinh tế, đối ngoại quan trọng hàng đầu của đất nước; đồng thời tiếp tục làm sáng tỏ các luận cứ khoa học, tạo hành lang pháp lý cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản; rút ra những tri thức, kinh nghiệm quý cho công tác quy hoạch, xây dựng các kế hoạch, chiến lược phát triển và phát huy được các tiềm năng sẵn có.

Cảng Cái Rồng Vân Đồn ngày nay

Cảng Cái Rồng Vân Đồn ngày nay

Định hướng phát triển của tỉnh Quảng Ninh gắn với các giá trị di sản; đồng thời đưa Khu kinh tế Vân Đồn - một trong hai mũi đột phá của Quảng Ninh, sớm trở thành Khu kinh tế tri thức có trình độ khoa học và công nghệ cao, một đô thị biển thông minh, xanh, sạch; một không gian sinh thái văn hóa tiêu biểu, là vùng động lực phát triển của Quảng Ninh, vùng duyên hải Đông Bắc và đất nước; gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với bảo tồn, phát triển văn hóa, xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh.

Ông Cao Tường Huy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh phát biểu tại hội thảo

Ông Cao Tường Huy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh phát biểu tại hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, ông Cao Tường Huy - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh, Trưởng Ban quản lý Khu Kinh tế Vân Đồn, cho biết từ chỗ khẳng định vai trò, ý nghĩa lịch sử to lớn của thương cảng; xác định phạm vi, quy mô của khu thương cảng cổ, tỉnh Quảng Ninh rất mong muốn các nhà khoa học làm sáng tỏ vai trò của các cấp chính quyền Trung ương, địa phương trong nhận thức về tiềm năng, vị trí của biển đối với sự phát triển đất nước; quá trình khai thác, xác lập chủ quyền, đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo của các triều đại quân chủ trước đây cũng như các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam hiện nay về phát triển kinh tế, văn hóa biển trong đó có vùng biển Quảng Ninh và Khu kinh tế Vân Đồn.

Ông Huy cho rằng các phương án quy hoạch, bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị của Quần thể di tích Thương cảng Vân Đồn phải được đặt trong tầm nhìn và chủ trương đó. Để từ đó xây dựng luận cứ khoa học, tạo hành lang pháp lý cho công tác bảo tồn văn hóa, đồng thời có thể rút ra những tri thức, kinh nghiệm quý cho công tác quy hoạch, xây dựng các kế hoạch, chiến lược phát triển, đặc biệt là chủ trương phát triển Kinh tế biển xanh mà Quảng Ninh đang thực hiện hiện nay và định hướng phát triển cảng biển Vân Đồn trong giai đoạn tới.

Xem thêm
Yên Bái giảm 5 sở, 11 ban chỉ đạo

Yên Bái chỉ duy trì 3 Ban chỉ đạo gồm: Ban Chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng, lãng phí tiêu cực, Ban Chỉ đạo 35 và Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 18.

Ông Lại Thế Nguyên nêu vấn đề 'căn cốt' để phát triển nông nghiệp Thanh Hóa

Năm 2024, dù gặp nhiều khó khăn trong sản xuất do thiên tai liên tiếp xảy ra, nhưng ngành nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa vẫn gặt hái được nhiều thành quả đáng ghi nhận.

Nậm Tông hồi sinh giữa lòng núi rừng

Lào Cai Giữa sương mai bồng bềnh, Nậm Tông thức giấc trong ánh vàng dịu nhẹ, những mái nhà mới khoác màu đất ấm áp vẽ nên bức tranh hồi sinh kỳ diệu.