Ngày 13/07/2018, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Quyết định về việc phê duyệt Quy hoạch chi tiết xây dựng tỉ lệ 1/500 phân khu B8 thuộc Dự án Con đường di sản Vân Đồn, tạo điều kiện cho nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công siêu dự án này.
Dự án "Con đường Di sản Vân Đồn" được coi là một dự án trọng điểm về du lịch của tỉnh Quảng Ninh, do Công ty Cổ phần Vân Đồn Heritage Road làm chủ đầu tư. Dự án có quy mô hơn 3.300 ha, thuộc địa phận các xã Hạ Long, Đoàn Kết, Vạn Yên - huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh và được chia làm 09 phân khu.
Trong đó, phân khu B8 mặt biển có diện tích 109ha, được quy hoạch các khu chức năng gồm: Khu ở (biệt thự nghỉ dưỡng hướng biển, trên biển và trên mặt nước), Khu nghỉ dưỡng (các khách sạn, căn hộ khách sạn có chiều cao từ 18 đến 43 tầng. Đặc biệt, điểm nhấn của dự án là tòa tháp hỗn hợp biểu tượng cao 88 tầng, quy mô 3.061 phòng, là tòa nhà cao nhất tại dự án cũng như tại tỉnh Quảng Ninh.
Sau khi được phê duyệt Quy hoạch chi tiết xây dựng tỉ lệ 1/500 phân khu B8, nhà đầu tư đã đề xuất điều chỉnh một số nội dung, như: Diện tích giai đoạn 1 của phân khu B8 điều chỉnh từ 26,3ha lên 30ha; điều chỉnh quy mô đầu tư, tiến độ thực hiện hoàn thành vào năm 2023, thời gian thuê đất trong 50 năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Trước đề xuất của Công ty Cổ phần Vân Đồn Heritage Road, tháng 4/2019, UBND tỉnh Quảng Ninh có cuộc họp, thẩm định chủ trương điều chỉnh Tổ hợp khách sạn nghỉ dưỡng cao cấp Vân Cảng thuộc Dự án "Con đường di sản Vân Đồn".
Tại cuộc họp, đại diện một số sở, ngành đã tham gia ý kiến, yêu cầu nhà đầu tư làm rõ thêm một số nội dung liên quan đến công tác huy động vốn; cơ sở pháp lý để điều chỉnh diện tích; tác động của dự án đến môi trường sinh thái trong khu vực…
Kết luận buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh nhấn mạnh: Để triển khai dự án, nhà đầu tư cần khẩn trương thực hiện các bước hoàn thiện hồ sơ, cơ sở pháp lý theo đúng quy định của pháp luật. Cần đảm bảo phương án tài chính, huy động vốn cũng như cam kết về vốn từ phía ngân hàng để sớm hoàn tất thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư. Đối với đề xuất về tiến độ thực hiện, thời gian thuê đất sẽ đồng ý trên cơ sở đề xuất của nhà đầu tư.
Tuy nhiên, nhiều năm trôi qua, dự án vẫn chưa thấy có "động tĩnh" gì trong việc khiển khai xây dựng. Mới đây, trao đổi với PV Báo Nông nghiệp Việt Nam, lãnh đạo huyện Vân Đồn, thông tin: Dự án Con đường di sản nằm chủ yếu trong phân khu đồi núi, đảo Cái Bầu. Hiện nay Ban Quản lý Khu Kinh tế Vân Đồn đang triển khai lập Quy hoạch phân khu 1/2000. Sau khi có điều chỉnh quy hoạch chung Khu kinh tế Vân Đồn.
"Sau khi Quy hoạch phân khu 1/2000 được phê duyệt, Quy hoạch chi tiết 1/500 dự án này sẽ phải điều chỉnh lại trước khi lựa chọn nhà đầu tư", vị lãnh đạo huyện cho hay.
Lý giải thêm về việc này, lãnh đạo huyện Vân Đồn cho biết: "Trong phạm vi dự án chủ yếu là đất trồng rừng của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Vân Đồn và có cả đất của dân. Về nguyên tắc, nếu đất chưa sạch thì sẽ đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư".
Chủ thực sự của Công ty Vân Đồn Heritage Road là ai?
Theo thông tin trên báo chí, Công ty Cổ phần Vân Đồn Heritage Road được thành lập ngày 16/10/2017, có trụ sở tại huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh. Tức là nó chưa đầy một tuổi, khi nhận phê duyệt quy hoạch 1/500 cho Dự án "Con đường di sản Vân Đồn".
Vân Đồn Heritage Road có vốn điều lệ là 980 tỷ đồng, được góp vốn bởi 3 cổ đông sáng lập là: Công ty Cổ phần Heritage Holdings (sở hữu 68%), Công ty TNHH MTV Du lịch Mai Quyền (sở hữu 30%), và cá nhân Tạ Nguyễn Quỳnh Mai (sở hữu 2%).
Người đại diện theo pháp luật là ông Tạ Đức Quyết - Chủ tịch Hội đồng Quản trị và ông Lê Đình Vinh - Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị. Ngoài ra, ông Vinh còn là cổ đông sáng lập của CTCP Heritage Holdings (Heritage Holdings), công ty mẹ của Vân Đồn Heritage Road.
Điều đáng chú ý là Heritage Holdings cũng chỉ được thành lập trước Vân Đồn Heritage Road có 6 ngày, tức ngày 10/10/2017, trụ sở ở quận Thanh Xuân, Hà Nội. Công ty này có vốn điều lệ 868 tỷ đồng, trong đó: ông Lê Đình Vinh góp 22% vốn điều lệ; Công ty TNHH GID Holding góp 12% và phần còn lại, 66% vốn điều lệ được góp bởi Công ty Cổ phần Crystal Bay (Crystal Bay).
Người đại diện theo pháp luật của Heritage Holdings là ông Nguyễn Đức Chi - Chủ tịch Hội đồng Quản trị và bên cạnh ông Lê Đình Vinh với vai trò là Tổng giám đốc.
Công ty mẹ của Heritage Holdings, Crystal Bay có thời gian hoạt động lâu hơn, khi được thành lập vào 23/7/2016, trụ sở chính tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.
Cổ đông lớn nhất của Crystal Bay, ông Nguyễn Đức Chi lại là một trong những đại gia bất động sản có tiếng tại tỉnh Khánh Hòa với mối lương duyên đầy "chông gai" với dự án Nàng Tiên Cá - Rusalka.
Theo đó, ông Nguyễn Đức Chi nguyên là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty RIT, chủ đầu tư dự án Rusalka tại thành phố Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa), với tổng vốn đầu tư 15 triệu USD. Sau 5 năm triển khai (2005), ông Chi vướng vòng lao lý về tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và bị kết án 5 năm 6 tháng tù.
Dự án Rusalka dở dang và sau đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư ra quyết định chấm dứt hoạt động, thu hồi giấy phép đầu tư của Công ty RIT. UBND tỉnh Khánh Hòa cũng ra quyết định thu hồi giấy chứng nhận sử dụng đất của dự án này.
Đến năm 2010, ông Chi được ra tù trước hạn và xin tiếp tục được thực hiện dự án Rusalka, đồng thời đổi tên dự án này thành Champarama Resort & Spa (chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Khu Du lịch Champarama).
Sau khi hoàn thành, dự án vẫn còn vướng mắc một số lùm xùm xoay quanh quyết định xử phạt vi phạm hành chính 105 triệu đồng của UBND tỉnh Khánh Hòa đối với Công ty Cổ phần Khu Du lịch Champarama (nơi ông Chi đang giữ vị trí Thành viên Hội đồng Quản trị). Nguyên nhân là do công ty này đã lấn chiếm đất, sử dụng trái phép di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh quốc gia khi thực hiện dự án.
Tới năm 2018, dự án tiếp tục được Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình chỉ đạo UBND tỉnh Khánh Hòa kiểm tra làm rõ bên cạnh các dự án khác, về hoạt động lấn biển, ảnh hưởng đến vịnh Nha Trang.