| Hotline: 0983.970.780

'Thượng sách' đốt đồng, hiệu suất cơ giới hóa thấp... đang gây khó chuỗi giá trị lúa gạo

Thứ Sáu 07/06/2024 , 17:51 (GMT+7)

Cần Thơ Để xóa tập quán đốt đồng của nông dân, phải thay đổi cách tiếp cận cơ giới hóa, xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn đạt chuẩn, trong chuỗi giá trị lúa gạo ĐBSCL.

Sự kiện quy tụ sự tham gia của các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia, tổ chức quốc tế, đại diện Sở NN-PTNT của 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL, doanh nghiệp và HTX liên quan đến ngành lúa gạo Việt Nam. Ảnh: Kim Anh.

Sự kiện quy tụ sự tham gia của các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia, tổ chức quốc tế, đại diện Sở NN-PTNT của 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL, doanh nghiệp và HTX liên quan đến ngành lúa gạo Việt Nam. Ảnh: Kim Anh.

Ngày 7/6, Viện Nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế (IRRI) phối hợp với Hiệp hội Ngành hàng lúa gạo Việt Nam (VIETRISA) tổ chức Hội thảo “Phát triển kinh tế tuần hoàn trong sản xuất và chế biến lúa gạo”.

Là hợp tác xã (HTX) đầu tiên triển khai thí điểm Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao tại TP Cần Thơ, ông Nguyễn Cao Khải, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Thuận Tiến (xã Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh) trăn trở, khi hiện nay nông dân vẫn còn thói quen đốt đốt rơm rạ ngay trên đồng sau mỗi vụ thu hoạch lúa, với mục đích tiêu hủy nhanh gốc rạ, mầm bệnh hay những hạt lúa bị sót lại trên đồng ruộng.

Đặc thù ở xã Thạnh An là các cánh đồng lúa liền kề nhau, chỉ cần một người đốt sẽ cháy lan ra hầu hết diện tích vài trăm hecta.

Thời gian qua, xã viên đã được tham gia nhiều chương trình tập huấn và khảo sát thực tế các mô hình sản xuất tuần hoàn thu gom rơm rạ. Tuy nhiên, ông Khải cho rằng còn khó khi triển khai tại địa phương. Thứ nhất do máy móc không đáp ứng đủ nhu cầu, thứ hai là chi phí thuê máy và vận chuyển rơm cũng khá cao. Trong khi đó, rơm sau khi được cuộn, đưa ra khỏi đồng ruộng cũng chưa có đầu mối thu mua.

Đốt đồng là tập quán tiêu hủy rơm rạ truyền thống của nông dân sau mỗi vụ thu hoạch lúa. Ảnh: Kim Anh.

Đốt đồng là tập quán tiêu hủy rơm rạ truyền thống của nông dân sau mỗi vụ thu hoạch lúa. Ảnh: Kim Anh.

“Hiện tại, HTX có diện tích 512ha nhưng không bán được bao nhiêu hecta rơm. Một số hộ gom rơm về phủ trong vườn cây ăn trái, nhưng chi phí cho 1 cuộn rơm đưa về đến nhà dao động từ 9.000 - 10.000 đồng. Như vậy, 1 công đất (1.000m2) có khoảng 8 - 12 cuộn rơm, nông dân tốn thêm hơn 100.000 đồng”, lãnh đạo HTX Thuận Tiến cho biết khó khăn.

Với chi phí ông Khải đưa ra, những nông dân có diện tích canh tác lớn từ 1 - 2ha mất khoảng 720.000 - 2.400.000 đồng để đưa rơm về nhà chỉ để phủ gốc cây, lợi nhuận không đáng kể. Do đó, đốt rơm vẫn là “thượng sách” mà bà con lựa chọn.

Thống kê của Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), mỗi năm, sản xuất lúa gạo ở ĐBSCL tạo ra khoảng 24,4 triệu tấn rơm rạ. Tuy nhiên chỉ khoảng 30% rơm (tương đương khoảng 7,4 triệu tấn) được thu gom. 70% rơm rạ bị người dân đốt hoặc vùi vào đồng ruộng, gây ô nhiễm môi trường, tăng phát thải khí nhà kính.

Ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN-PTNT) đánh giá, hiện nay những mặt trái của phát triển kinh tế tuần hoàn chưa được đề cập đầy đủ. Thực trạng và khó khăn của HTX Thuận Tiến đưa ra ở trên là một mặt trái điển hình, phải thay đổi cách tiếp cận cơ giới hóa trong phát triển kinh tế tuần hoàn chuỗi giá trị lúa gạo.

Chỉ có khoảng 30% lượng rơm rạ trên đồng ruộng ở ĐBSCL được thu gom. Ảnh: Kim Anh.

Chỉ có khoảng 30% lượng rơm rạ trên đồng ruộng ở ĐBSCL được thu gom. Ảnh: Kim Anh.

Trong đó, ngành nông nghiệp phải chú trọng thay đổi cách tiếp cận cho bà con nông dân, từ trang bị máy móc ở cấp nông hộ sang sử dụng chung.

Ông Thịnh thống kê, hiện nay các máy móc nông nghiệp ở Việt Nam chỉ sử dụng dưới 2/3 công suất, tức vòng đời sản phẩm mới chỉ đạt khoảng 60% trở lại.

“Giả sử 1 máy có thể sử dụng 5 năm, bây giờ nông dân chỉ sử dụng 3 năm. Điều này đang làm chi phí cơ giới hóa tăng lên gấp khoảng 1,5 lần, thậm chí 2 lần nếu vẫn giữ cách tiếp cận như hiện nay. Nếu máy móc hoạt động hết công suất và được sử dụng chung thì các chi phí sẽ giảm đi rất nhiều”, ông Thịnh lý giải.

Nếu tận dụng được các nguồn phụ, phế phẩm từ sản xuất lúa, đây sẽ là nguyên liệu tạo ra một hệ sinh thái các sản phẩm chất lượng cao.

Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho rằng, với nguồn phụ phẩm dồi dào, Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để phát triển kinh tế tuần hoàn nông nghiệp.

Đó là có thể khuyến khích các doanh nghiệp phát triển các sản phẩm năng lượng, biochar, biosilica, vật liệu cho chế biến công nghiệp từ trấu. Hay tận dụng nguồn phụ phẩm từ rơm để trồng nấm, làm thức ăn và đệm lót sinh học phục vụ chăn nuôi gia súc, phân bón hữu cơ từ rơm.

Quan trọng là phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan, từ nhà hoạch định chính sách, nhà khoa học, doanh nghiệp đến người nông dân để xây dựng thành công những mô hình kinh tế tuần hoàn từ sản xuất và chế biến lúa gạo.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam khẳng định, trong phạm vi Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, vùng ĐBSCL hoàn toàn có thể thực hiện phát triển kinh tế tuần hoàn từ phụ phẩm rơm rạ và trấu. Ảnh: Kim Anh.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam khẳng định, trong phạm vi Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, vùng ĐBSCL hoàn toàn có thể thực hiện phát triển kinh tế tuần hoàn từ phụ phẩm rơm rạ và trấu. Ảnh: Kim Anh.

Để thực hiện được điều này, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam đề nghị VIETRISA kêu gọi các doanh nghiệp sản xuất giống, phân bón, vật tư nông nghiệp, thu mua lúa gạo... cùng tham gia xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn đạt chuẩn. 

Đồng thời, Thứ trưởng kiến nghị IRRI phối hợp với VIETRISA hỗ trợ kỹ thuật xây dựng kế hoạch triển khai một số mô hình kinh tế tuần hoàn trong Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao.

Trên cơ sở đó, Bộ NN-PTNT sẽ xây dựng các cơ chế, chính sách cho mô hình kinh tế tuần hoàn nông nghiệp nói chung và ngành hàng lúa gạo nói riêng.

Đối với Sở NN-PTNT các địa phương vùng ĐBSCL, có trách nhiệm tham mưu UBND tỉnh, thành xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn trên cơ sở Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao để nhân rộng.

Viện Nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế (IRRI) và Công ty Cổ phần Tập đoàn giống cây trồng Việt Nam (Vinaseed) ký kết hợp tác khoa học, kỹ thuật, phát triển và thương mại hóa các công nghệ. Ảnh: Kim Anh.

Viện Nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế (IRRI) và Công ty Cổ phần Tập đoàn giống cây trồng Việt Nam (Vinaseed) ký kết hợp tác khoa học, kỹ thuật, phát triển và thương mại hóa các công nghệ. Ảnh: Kim Anh.

Dịp này, Viện Nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế (IRRI) và Công ty Cổ phần Tập đoàn giống cây trồng Việt Nam (Vinaseed) đã ký kết hợp tác khoa học, kỹ thuật nhằm phát triển và thương mại hóa các công nghệ, giống lúa năng suất cao, thích ứng với biến đổi khí hậu và có lợi hơn cho sức khỏe.

Nội dung hợp tác bao gồm, cung cấp đào tạo và xây dựng năng lực trong lĩnh vực chỉnh sửa gen, gen và nhân giống; chia sẻ các nguồn gen, vật liệu kháng sâu bệnh và dịch bệnh để tiếp tục thử nghiệm, nhân giống và điều chỉnh thích ứng các điều kiện sản xuất tại Việt Nam; nghiên cứu và cải thiện các thuộc tính chưa phù hợp với một vài giống ưu tú; nghiên cứu, chọn tạo các giống lúa mới.

Xem thêm
Bổ nhiệm Tổng Biên tập Báo Thừa Thiên - Huế

THỪA THIÊN - HUẾ Ông Hoàng Đăng Khoa, Phó Tổng Biên tập phụ trách được Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế bổ nhiệm giữ chức Tổng Biên tập báo Thừa Thiên - Huế, kể từ ngày 1/11.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Giữ ổn định phương thức thi tốt nghiệp THPT

Bộ GD-ĐT chuẩn bị các phương án cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025, về cơ bản vẫn giữ nguyên hình thức thi tương tự giai đoạn 2020-2024.

Giấc mơ lớn trên lòng hồ sông Đà: [Bài cuối] Bán tôm cá 'bán' cả câu chuyện sông Đà

Để đảm bảo tính đa mục tiêu của vùng hồ thủy điện, Hòa Bình tập trung khai thác giá trị thương hiệu cá sông Đà, lấy du lịch làm 'đầu kéo' thủy sản lòng hồ.

Bình luận mới nhất