| Hotline: 0983.970.780

Tận thu rơm, có thêm thu nhập 3 triệu đồng/ha

Thứ Ba 07/05/2024 , 07:00 (GMT+7)

QUẢNG BÌNH Lúa sau khi thu hoạch được máy cuộn rơm vào thu gom, cho bà con nông dân thêm thu nhập hơn 3 triệu đồng mỗi ha…

Gần trưa, trên cánh đồng ngoài của xã Hàm Ninh (huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình), nắng đã lên gắt, đổ cái nóng xuống hầm hập. Trên cánh đồng vừa gặt xong hôm trước vẫn thấy chiếc máy cuộn rơm cần mẫn chạy xuôi ngược. Thêm mấy vòng chạy, chiếc máy quay hướn, trèo lên đường nội đồng chạy lên đường bê tông liên xã. Lên đường bê tông, máy xoay dọc theo đường và nhấc ben đổ ào ào hàng chục cuộn rơm xuống đường.

Máy cuộn rơm hoạt động trên đồng ruộng xã Hàm Ninh. Ảnh: T. Phùng.

Máy cuộn rơm hoạt động trên đồng ruộng xã Hàm Ninh. Ảnh: T. Phùng.

Chị Nguyễn Thị Kiều (xã Hàm Ninh) đi đến đếm mấy chục cuộn rơm, ghi vào sổ rồi quay sang nói chuyện với chúng tôi. Chị cho hay, lúa sau khi gặt xong chờ tới ngày hôm sau cho rơm khô là thu hoạch rơm. “Máy cuộn rơm như vậy mỗi ha được từ 180 - 200 cuộn, bán cho người mua với giá từ 15 - 20 ngàn đồng mỗi cuộn tùy theo chất lượng rơm ướt hay khô. Tính trung bình mỗi ha cũng thu về được hơn 3 triệu đồng tiền bán rơm", chị Kiều cho biết.

Chị Kiều cũng cho hay, người mua rơm chủ yếu là thương lái ở các tỉnh phía Bắc vào đặt mua theo từng đơn hàng. Nghe họ bảo mua về để phục vụ chăn nuôi và làm nấm. “Cũng có nhiều nhà vườn mua với số lượng lớn để tủ gốc cây chống hạn và sau này rơm hoai mục thì thành phân bón cho cây luôn. Nói chung là cũng không có đủ rơm cuộn cho nhu cầu của người mua. Rơm bán chạy, có giá cao có lẽ do thời tiết nắng nóng, rơm khô nên người ta chuộng”, chị Kiều nói thêm.

Rơm được cuộn chặt và đùn ra phía sau thùng ben. Ảnh: T. Phùng.

Rơm được cuộn chặt và đùn ra phía sau thùng ben. Ảnh: T. Phùng.

Tôi theo máy cuộn rơm ra ruộng. Do máy di chuyển bằng bánh xích cao su nên cũng khá êm và dù ruộng có lầy cũng chạy được. Khi máy chạy, anh Nguyễn Quang Phon điều khiển lưỡi cuốn rơm hạ sát mặt ruộng. Rơm được cuốn vào guồng, cuộn chắc lại và được quấn quanh bằng dây gai. Máy cuộn xong mỗi cuộn rơm thì đùn ra phía sau thùng ben. Anh Nguyễn Tây phụ máy đứng sau xếp những cuộn rơm chồng lên nhau. Khi rơm được chất đầy phía thùng ben thì anh Tây báo hiệu cho anh Phon chạy về đường lớn để đổ rơm cuộn tập kết ở đó. Khi rơm đủ chuyến, chị Kiều gọi ô tô tải lớn đến vận chuyển đếm điểm tập kết để bốc lên ô tô tải nặng vận chuyển đi.

Hai anh em Phon và Tây quê ở tận tỉnh Sóc Trắng. Anh Phon bảo ở quê cũng làm nghề này. Khi trong đó hết mùa thì đi làm các tỉnh khác. Anh Phon cho hay: "Tôi làm công cho chủ máy. Cứ mỗi cuộn rơm thì được trả ba ngàn rưỡi đồng. Tính trung bình hai anh em tôi có mức thu nhập sau khi trừ đi ăn uống cũng còn lại khoảng 10 triệu đồng/tháng. Vụ rơm ở Quảng Bình cũng kéo dài được 3 tháng. Sau đó thì chúng tôi quay vào và đến những địa phương đang thu hoạch”.

Chị Kiều, chủ máy cho hay, bà con trong vùng thu hoạch lúa xong thì quay sang đốt rơm vừa lãng phí vừa gây ô nhiễm môi trường. Thậm chí có vụ đốt rơm ngoài đồng, khói bay dày đặc làm người đi đường mất phương hướng nên đã xảy ra tai nạn thương tâm. Thấy nhu cầu người sử dụng rơm cũng nhiều nên chị Kiều đã đầu tư mua máy cuộn rơm bánh cao su hiện đại để thu gom rơm. Chị Kiều tính: “Nếu là ruộng của gia đình mình thì cũng thu nhập thêm được 3 triệu đồng/ha tiền bán rơm. Nếu là ruộng của bà con thì phải trả tiền công vận hành máy, trả tiền mua rơm cho bà con, còn lại cũng có lãi khoảng 7 - 10 ngàn đồng mỗi cuộn”.

Cũng theo chị Kiều, vụ nào được mùa thì giá bán rơm cũng cao. Vì khi mùa được, người mua rơm cũng đánh giá chất lượng rơm tốt, nếu dự trữ thì để được lâu hay làm nấm cũng năng suất và ít sâu bệnh. “Được mùa như năm nay thì bà con nông dân cũng có lãi lớn và người thu hoạch rơm cũng có đồng lãi dồi dào”, chị Kiều phấn khởi.

Rơm cuộn được 'đổ hàng' ven đường lớn để vận chuyển đến nơi tập kết. Ảnh: T. Phùng.

Rơm cuộn được "đổ hàng" ven đường lớn để vận chuyển đến nơi tập kết. Ảnh: T. Phùng.

Theo ông Trần Đình Hiệp, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Bình, sử dụng máy cuộn rơm hiện đại để thu hoạch rơm sau khi gặt lúa là giải pháp rất tốt cho sản xuất nông nghiệp. “Việc này đã giải quyết bài toán tăng thu nhập cho bà con, hạn chế việc đốt rơm rạ trên đồng. Đồng thời mang lại nguồn phân bón cho nhà vườn, hỗ trợ phát triển chăn nuôi và ngành nghề khác phù hợp”, ông Hiệp chia sẻ.

Xem thêm
Tăng năng suất, chất lượng bò thịt bằng nguồn giống và công nghệ

TP. HCM Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng, ngành chăn nuôi chú trọng tăng chất lượng, sản lượng đàn bò thịt trong thời gian tới nhằm đáp ứng thị trường trong nước và xuất khẩu.

Bắt 584kg nội tạng động vật hôi thối chuẩn bị vào nhà hàng

PHÚ THỌ 584kg nội tạng động vật bốc mùi hôi thối được mua gom trôi nổi trên thị trường để bán cho các cửa hàng, quán ăn trên địa bàn tỉnh Phú Thọ.

Khuyến nông cộng đồng kết nối phát triển chuỗi giá trị lúa gạo bền vững

HẬU GIANG Khuyến nông cộng đồng là lực lượng nòng cốt, đồng thời là cánh tay đặc lực kết nối doanh nghiệp với tổ chức nông dân phát triển chuỗi giá trị lúa gạo bền vững.

Bình luận mới nhất