| Hotline: 0983.970.780

Đốt rơm rạ là... đốt tiền

Thứ Sáu 19/04/2024 , 07:05 (GMT+7)

ĐỒNG THÁP Chưa khi nào nông dân thấy giá trị của rơm rạ như bây giờ, thu hoạch xong không đốt bỏ mà bán cho hợp tác xã, xử lý thành các sản phẩm đa dụng...

Biến rơm rạ thành sản phẩm đa dụng

Thay vì đốt rơm rạ sau thu hoạch, từ vụ lúa hè thu muộn - thu đông năm 2023, Trung tâm Nghiên cứu Chuyển giao tiến bộ Kỹ thuật nông nghiệp (Viện Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam) và Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp đã triển khai dự án xây dựng mô hình ứng dụng dịch vụ cơ giới hóa trong thu gom rơm rạ làm nguyên liệu sản xuất nấm, thức ăn chăn nuôi và phân bón hữu cơ.

Dự án đã giúp nông dân huyện Lai Vung (tỉnh Đồng Tháp) biết cách thu gom rơm rạ bán hoặc sử dụng chế phẩm vi sinh để xử lý rơm rạ trên đồng ruộng.

Dự án xây dựng mô hình ứng dụng dịch vụ cơ giới hóa thu gom rơm rạ làm nguyên liệu sản xuất nấm, thức ăn chăn nuôi và phân bón hữu cơ. Ảnh: MS.

Dự án xây dựng mô hình ứng dụng dịch vụ cơ giới hóa thu gom rơm rạ làm nguyên liệu sản xuất nấm, thức ăn chăn nuôi và phân bón hữu cơ. Ảnh: MS.

Gia đình ông Lê Võ Tường Vy ở xã Long Hòa (huyện Lai Vung) đã trồng nấm rơm được hơn 10 năm. Nguồn rơm ông thu mua về để trồng nấm được tận dụng bán lại cho HTX Hòa Long để xử lý ủ làm phân hữu cơ. “Ở đây hợp tác xã thu mua rơm rạ để làm nguyên liệu sản xuất phân bón hữu cơ và làm thức ăn chăn nuôi. Cứ sau mỗi vụ thu hoạch nấm xong tôi bán lại rơm đã qua sử dụng cho HTX, thay vì phải bỏ đi rất lãng phí”, ông Vy cho biết.

Theo ông Vy, gia đình ông trồng 1ha nấm rơm, từ khi tham gia dự án, ông đươc tập huấn kỹ thuật làm phân hữu cơ, xử lý rơm rạ sau thu hoạch. Nguồn rơm đã sử dụng trồng nấm xong ông tận dụng bán lại cũng lợi được 6 triệu đồng/ghe rơm.

Anh Phan Văn Tý ở ấp Long Thành (xã Hòa Long) cuối năm rồi cũng tham gia dự án, được tập huấn kỹ thuật xử lý ủ rơm rạ làm phân hữu cơ và áp dụng rất hiệu quả. Hiện anh Tý chuyên thu gom rơm rạ để xử lý ủ làm phân hữu cơ bán cho người dân trong vùng ĐBSCL. “Chưa khi nào bà con thấy giá trị của rơm rạ như hiện nay. Sau mỗi vụ thu hoạch lúa, rơm rạ không vứt bỏ đi mà được thu gom lại bán để tăng thêm thu nhập. Bây giờ bà con mới thấy đốt rơm chính là đốt tiền”, anh Tý chia sẻ.    

Ông Phạm Quốc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Long phấn khởi cho biết: “Trước kia cứ thu hoạch lúa xong thì đa số bà con nông dân chỉ quen chất đống rơm rạ rồi đốt bỏ để tranh thủ dọn đất sạ cho vụ sau. Điều này không những gây lãng phí mà còn gây ô nhiễm môi trường vì khói bụi. Khi dự án triển khai hỗ trợ tập huấn kỹ thuật xử lý rơm rạ trên đồng ruộng tại địa phương đã giúp bà con áp dụng mang lại hiệu quả rõ rệt”.

Theo ông Tuấn, xã Hòa Long có 1.125ha lúa, việc triển khai dự án này rất phù hợp với địa phương, tạo điều kiện cho bà con tăng thêm thu nhập. Bà con nông dân hiện đã có ý thức thu gom rơm rạ, xử lý ngay trên đồng ruộng hay bán cho các mô hình trồng nấm, ủ phân hữu cơ, làm thức ăn chăn nuôi rất hữu ích. Chính quyền xã cũng tích cực tuyên truyền về lợi ích của việc thu gom, xử lý rơm rạ nhằm giúp cho bà con hiểu thêm và tích cực áp dụng, nhân rộng cách làm hay.  

Triển khai dự án đã tạo điều kiện cho bà con tăng thêm thu nhập, không lãng phí rơm rạ. Ảnh: MS.

Triển khai dự án đã tạo điều kiện cho bà con tăng thêm thu nhập, không lãng phí rơm rạ. Ảnh: MS.

Hướng đi này vừa giúp hoàn trả lại nguồn hữu cơ, tăng độ phì cho đất, vừa giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Đồng thời, hạn chế sử dụng phân, thuốc hóa học trên đồng ruộng, góp phần nâng cao năng suất, giá trị sản phẩm lúa gạo theo hướng bền vững.

Hàng năm, lượng rơm rạ sau khi thu hoạch trên địa bàn huyện Lai Vung khá lớn. Sau mỗi vụ thu hoạch lúa, do nhu cầu sử dụng ít và thời gian chuyển giao mỗi vụ rất ngắn (khoảng 20 ngày) nên phần lớn nông dân chọn cách cày vùi hoặc đốt rơm rạ tại ruộng. Thực trạng này đã gây ô nhiễm môi trường, làm tăng phát thải khí nhà kính, đặc biệt gây mất cân bằng hệ sinh thái đồng ruộng.

Xử lý rơm rạ góp phần “hồi sinh” ruộng đồng

Vùng ĐBSCL với lượng rơm rạ thu được khoảng 30 triệu tấn/năm, cùng với tỷ lệ đốt rơm rạ tại khu vực này khoảng 70% là lượng phát thải khí gây ô nhiễm môi trường rất lớn. Do vậy, xây dựng và phát triển chuỗi cung ứng dịch vụ cơ giới hóa thu gom và xử lý rơm rạ làm nguyên liệu sản xuất nấm rơm, dùng làm thức ăn chăn nuôi, phân bón hữu cơ sẽ góp phần bảo vệ môi trường, nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất lúa tại một số tỉnh vùng ĐBSCL.

Dự án đã hỗ trợ bà con xây dựng và phát triển chuỗi cung ứng dịch vụ cơ giới hóa thu gom và xử lý rơm rạ làm nguyên liệu sản xuất nấm rơm, sử dụng làm thức ăn chăn nuôi hoặc phân bón hữu cơ. Ảnh: MS.

Dự án đã hỗ trợ bà con xây dựng và phát triển chuỗi cung ứng dịch vụ cơ giới hóa thu gom và xử lý rơm rạ làm nguyên liệu sản xuất nấm rơm, sử dụng làm thức ăn chăn nuôi hoặc phân bón hữu cơ. Ảnh: MS.

Theo Ban quản lý dự án, trong năm 2023, khi triển khai các mô hình đã có 35 hộ dân của các xã Hòa Long, Long Thắng, Tân Hòa, Định Hòa (huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp) đủ điều kiện tham gia. Tổng diện tích thực hiện mô hình trên 100ha lúa. Sau thu hoạch lúa, rơm được thu gom bằng máy cuộn, mỗi ha thu được khoảng gần 200 cuộn rơm. Bình quân mỗi ha lúa nông dân có thêm nguồn thu hơn 500.000 đồng từ bán rơm tươi, giúp người trồng lúa tăng thêm thu nhập. Không chỉ giúp bà con có thêm thu nhập, việc thu gom rơm rạ cũng đã làm giảm đáng kể lượng khí phát thải gây ô nhiễm môi trường do việc đốt rơm ngoài đồng.

Theo tính toán của các chuyên gia trong ngành nông nghiệp, 1 tấn rơm sẽ chứa khoảng 7kg đạm, 1,2kg lân, 20kg kali, 40kg silic và 400kg carbon. Do vậy, việc đốt bỏ rơm rạ đồng nghĩa sẽ bỏ đi một lượng phân bón, chất dinh dưỡng cần thiết cho cây trồng.

Anh Mai Bá Nghĩa, Chủ nhiệm dự án cho biết: "Dự án sẽ thực hiện trong 3 năm. Năm đầu tiên chúng tôi chọn triển khai tại tỉnh Đồng Tháp vì tỉnh này có vùng quýt hồng Lai Vung và nhu cầu của nhà vườn cần sử dụng phân hữu cơ vi sinh rất lớn. Các năm tiếp theo, dự án sẽ tiếp tục mở rộng thực hiện tại các tỉnh Hậu Giang và Tiền Giang”. 

Theo anh Nghĩa, dự án triển khai nhằm tập huấn kỹ thuật cho các HTX thu gom rơm và phương pháp bảo quản rơm tốt nhất, đồng thời giúp các HTX phát triển trồng nấm rơm, chăn nuôi và sản xuất phân bón hữu cơ. Tất cả các sản phẩm của dự án như nấm rơm, phân hữu cơ đã được HTX Hòa Long liên kết tiêu thụ 100%, đồng thời các hộ dân còn sử dụng bón cho ruộng và vườn cây rất hiệu quả.

Tất cả các sản phẩm của dự án như nấm rơm, phân hữu cơ đã được HTX Hòa Long liên kết tiêu thụ 100%, đồng thời các hộ dân còn sử dụng bón cho ruộng và vườn cây rất hiệu quả. Ảnh: MBN.

Tất cả các sản phẩm của dự án như nấm rơm, phân hữu cơ đã được HTX Hòa Long liên kết tiêu thụ 100%, đồng thời các hộ dân còn sử dụng bón cho ruộng và vườn cây rất hiệu quả. Ảnh: MBN.

Ngoài ra, các sản phẩm của mô hình trồng nấm rơm, sản xuất phân hữu cơ từ rơm rạ đã được các đơn vị kinh doanh ở địa phương thương mại hóa và được đánh giá cao tại Festival Quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam – Hậu Giang năm 2023, được nhiều bạn hàng trong nước và quốc tế biết đến.

Ông Ngô Xuân Chinh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chuyển giao tiến bộ kỹ thuật nông nghiệp (Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam) cho biết, dự án được triển khai gắn với đề án phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL. Trong chuỗi sản xuất lúa hiện nay, để giảm phát thải thì rơm rạ cần được xử lý theo đúng quy trình và khi tạo ra sản phẩm phân bón hữu cơ bón lại cho đất sẽ góp phần làm “hồi sinh” đồng ruộng.

Theo ông Chinh, rơm rạ là nguồn sinh khối chứa chất hữu cơ và dinh dưỡng chưa được tận dụng triệt để khi ở ĐBSCL ước có tới 70% đang bị đốt bỏ hoặc cày vùi, vừa lãng phí, vừa gây phát thải khí nhà kính rất lớn. Khó khăn trong việc thu gom, xử lý rơm rạ hiện nay đó là tập quán của nông dân vẫn quen đốt đồng, hoặc cày vùi vào ruộng ngập nước làm tăng phát thải khí nhà kính, gây ngộ độc hữu cơ cho lúa vụ sau. Do vậy, việc thu gom rơm rạ để xử lý làm phân bón còn rất hạn chế, cần phải được tuyên truyền mạnh để bà con dần thay đổi ý thức, thói quen.

"Trung tâm hiện đã ban hành được quy trình xử lý rơm rạ theo ba hướng: Thứ nhất, rơm rạ được thu gom trên đồng ruộng tốt sẽ chế biến để làm thức ăn chăn nuôi. Thứ hai là xử lý để trồng nấm rơm và các phụ phẩm từ trồng nấm rơm sẽ được xử lý tiếp để làm phân bón hữu cơ. Thứ ba, nếu rơm rạ trong quá trình thu gom bị ẩm ướt hoặc bị mục mà không thể xử lý làm nấm rơm hay làm thức ăn chăn nuôi thì sẽ được xử lý làm phân bón hữu cơ để bón ngược lại cho đồng ruộng, giúp tăng độ màu mỡ cho đồng ruộng", ông Ngô Xuân Chinh cho biết.

Xem thêm
Chăn nuôi hướng đến hiệu quả bền vững tại Sóc Trăng

Gói giải pháp chăn nuôi toàn diện từ con giống, thức ăn, thuốc thú y và hỗ trợ kỹ thuật của nhà phân phối Bích Phúc giúp nhiều nông hộ đạt lợi nhuận tốt.

Bí quyết để TP.HCM đạt tỷ lệ tiêm phòng dại trên 90%

Từ đầu năm đến nay, TP.HCM vẫn chưa xuất hiện một ổ bệnh dại nào nhờ tỷ lệ tiêm phòng dại cho chó mèo luôn ở mức rất cao trong những năm qua.

Cao điểm phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ hại lúa xuân vào dịp nghỉ lễ 30/4

Theo Trung tâm BVTV phía Bắc, thời điểm phòng trừ tập trung sâu cuốn lá nhỏ từ 25/4 - 5/5. Sau khi phun lần 1, nếu mật độ còn cao tổ chức phun trừ lần 2.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm