| Hotline: 0983.970.780

Thứ Ba 22/11/2016 , 08:17 (GMT+7)

08:17 - 22/11/2016

Thưởng Tết hay không - cần có luật

Với nhiều lao động phổ thông, mức lương hàng tháng chỉ đủ sinh hoạt thì tiền thưởng thực chất là một khoản quan trọng để chi tiêu trong những ngày “năm tận tháng cùng”.

Nhưng với những quy định hiện hành, số tiền này là bao nhiêu phải tới phút chót mới biết được.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa ban hành Công văn 4577/LĐTBXH-LĐTL gửi các Sở LĐ-TB&XH đề nghị doanh nghiệp phối hợp, trao đổi với tổ chức công đoàn cơ sở xây dựng phương án hỗ trợ người lao động xây dựng các khoản phụ cấp, trợ cấp, phương án tiền thưởng trong dịp Tết Nguyên Đán Đinh Dậu năm 2017 và thông báo cho người lao động trong doanh nghiệp biết.

Bốn nhóm doanh nghiệp được lưu ý xây dựng kế hoạch lương, thưởng Tết 2017 gồm: Cty TNHH một thành viên do nhà nước làm chủ sở hữu; doanh nghiệp có cổ phần, vốn góp của nhà nước; doanh nghiệp tư nhân; doanh nghiệp FDI.

Mục đích của việc ban hành công văn này, thực tế là để người lao động chủ động trong việc lên kế hoạch chi tiêu trong dịp Tết. Nhưng thực tế người lao động vẫn không thể biết chính xác khoản tiền mà mình được nhận cho tới khi được nhận.

Và bởi vậy, khi người lao động nhận được tiền thưởng vào giáp Tết thì một loạt các mặt hàng tiêu dùng đồng loạt tăng giá.

Bởi vì về bản chất, một khi tiền xuất hiện nhiều hơn trong lưu thông so với hàng hóa thì hàng sẽ tăng giá. Và vì thế mà mục đích tốt đẹp ban đầu của thưởng Tết là để người dân có thêm tiền chi tiêu lại vô hình trung không phát huy được giá trị của nó.

Nhìn ra các doanh nghiệp ở nước ngoài, họ hầu như không có chuyện thưởng Tết, Giáng sinh... Các doanh nghiệp này sẽ chỉ thanh toán theo các thỏa thuận đã được ghi nhận trong hợp đồng.

Và bởi vậy, nguồn tiền trong nước được ổn định. Các mặt hàng tiêu dùng vì thế còn có thể khuyến mại, giảm giá vào những ngày này để kích sức mua. Giảm giá nhưng lợi nhuận thậm chí còn tăng. Và rõ ràng với mô hình này, nhiều bên được lợi.

Việc không rõ ràng như đang triển khai khiến cho người lao động thì luôn luôn hy vọng vào tiền thưởng. Còn doanh nghiệp, làm ăn được thì không sao, làm ăn kém lại nơm nớp lo phải chi một khoản tiền lớn đột xuất vào cuối năm.

Những cụm từ như “đề nghị doanh nghiệp phối hợp” hay “lưu ý xây dựng” trong văn bản kia đã đến lúc cần phải thay bằng những cụm từ khác. Bởi vì về bản chất, doanh nghiệp là một tổ chức tạo ra lợi nhuận, và làm việc dựa trên hệ thống pháp luật. Nên với những gì không bắt buộc phải làm, họ có quyền không làm.