Xác định chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) là một trong những yếu tố quan trọng để thúc đẩy kinh tế, xã hội, văn hóa của địa phương, đồng thời nâng cao đời sống cho người dân nên trong thời gian vừa qua huyện Thường Tín đã có nhiều hành động cụ thể.
Năm 2023, UBND huyện đã chỉ đạo các ban ngành chuyên môn và UBND các xã rà soát, thống kê những mặt hàng tiềm năng, lợi thế để tuyên truyền và hướng dẫn các chủ thể có sản phẩm đăng ký tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP.
Mục tiêu của huyện là tập trung vào các sản phẩm ở nhóm nông sản, thực phẩm, sản phẩm thủ công mỹ nghệ và làng nghề đặc trưng và xây dựng và phát triển thương hiệu, câu chuyện sản phẩm liên quan.
Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín, ông Bùi Công Thản khẳng định: “Thông qua hội nghị đánh giá, chấm điểm phân hạng OCOP, huyện đã lựa chọn được các sản phẩm mang đặc trưng, lợi thế của mình, góp phần nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường trong nước và xuất khẩu. Từ đó thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân, đồng thời sẽ tạo điều kiện mở rộng và phát triển kinh doanh cho các cơ sở, các chủ thể”.
Tham gia chấm điểm, đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP năm 2023 lần này, Thường Tín có 14 sản phẩm đến từ các các chủ thể thuộc cơ sở sản xuất, làng nghề, hợp tác xã đều được đánh giá là khá đa dạng và phong phú, đặc sắc, có mẫu mã đẹp, chất lượng tốt so với những sản phẩm vùng loại. Kết quả chấm điểm, đánh giá có 11 sản phẩm ba sao và 3 sản phẩm tiềm năng bốn sao là sản phẩm cây cảnh của Hợp tác xã hoa cây cảnh và dịch vụ Hồng Vân.
Qua 4 năm triển khai thực hiện chương trình Mỗi xã một sản phẩm, tính đến nay huyện Thường Tín đã 166 sản phẩm được công nhận OCOP trong đó 150 sản phẩm 4 sao và 16 sản phẩm 3 sao. Qua việc đánh giá, xếp hạng nhiều chủ thể OCOP đã có bước tiến vượt bậc trong việc sản xuất, kinh doanh mà Hợp tác xã sản xuất và dịch vụ nông nghiệp Thanh Hà ở xã Ninh Sở là một ví dụ diển hình.
Đây là đơn vị có nhiều sản phẩm rau an toàn được thành phố Hà Nội công nhận đạt OCOP 4 sao. Giám đốc Hợp tác xã sản xuất và dịch vụ nông nghiệp Thanh Hà, chị Bùi Thị Thanh Hà thông tin đơn vị đã xây dựng khu sản xuất rau công nghệ cao trong nhà màng, nhà lưới với diện tích 1,1 ha, với sản phẩm đặc trưng là rau baby, sản lượng cung cấp ra thị trường 200-300 kg/ngày, có dán mã QR code để khách hàng truy xuất nguồn gốc, quy trình canh tác cụ thể.
Kể từ khi được xếp hạng trong chương trình OCOP nông sản của hợp tác xã đã tạo được tiếng vang tốt, được nhiều trung tâm thương mại, siêu thị lớn, chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch tiêu thụ. Nhờ đó, doanh thu của hợp tác xã đã đạt trên 3 tỷ đồng mỗi năm và tạo việc làm cho hàng chục lao động là phụ nữ, người già với mức thu nhập từ 7-9 triệu đồng/người/tháng…
Với mục tiêu đưa sản phẩm OCOP đến người tiêu dùng, đẩy mạnh phát triển thương mại, huyện Thường Tín có 2 điểm bán sản phẩm OCOP tại xã Hồng Vân và chợ Vồi, xã Hà Hồi. Dự kiến, sẽ phát triển thêm 1 điểm tại xã Duyên Thái trong thời gian tới.
Thường Tín vốn có lợi thế làng nghề, toàn huyện có 9 làng nghề được thành phố và huyện hỗ trợ kinh phí xây dựng thương hiệu và xác lập quyền sở hữu nhãn hiệu tập thể; 4 làng xây dựng được thương hiệu chưa được cấp bảo hộ nhãn hiệu tập thể. Để phát triển bền vững hơn, năm 2023, UBND huyện tiếp tục đề nghị Chi cục Phát triển Nông thôn hỗ trợ kinh phí xây dựng thương hiệu và xác lập quyền sở hữu trí tuệ cho 3 làng nghề. Không chỉ thế huyện còn tạo điều kiện, hỗ trợ các cơ sở làng nghề ứng dụng khoa học công nghệ mới, đầu tư trang thiết bị máy móc, dây chuyền tiên tiến vào sản xuất nhằm tăng khả năng cạnh tranh, tiếp cận thị trường.
Song song với đó, huyện đã xây dựng nhiều mô hình về khởi nghiệp như hỗ trợ phụ nữ kinh doanh, câu lạc bộ nữ doanh nhân, thanh niên khởi nghiệp.
Theo Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội Nguyễn Văn Chí, thành phố không chạy theo số lượng sản phẩm OCOP mà nghiêng về chất lượng. Bởi thế, các chủ thể cần có quy trình kiểm soát chất lượng chặt chẽ, tiêu chí rõ ràng, xác minh được nguồn gốc thì các sản phẩm đã được công nhận đạt chuẩn OCOP mới tạo được niềm tin cho người tiêu dùng.
Huyện Thường Tín nói riêng cũng như các quận, huyện khác của Hà Nội cần có hành động cụ thể trong việc duy trì chất lượng ổn định và thường xuyên đối với các sản phẩm OCOP.
Trang thông tin có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới TP Hà Nội