| Hotline: 0983.970.780

Thủy điện không phép 'bóp chết' du lịch Sa Pa, hủy hoại môi trường

Thứ Ba 07/08/2018 , 07:40 (GMT+7)

Sa Pa - Khu du lịch Quốc gia vốn yên bình, nhỏ bé là vậy nhưng cũng đang oằn mình cõng hàng chục dự án thủy điện lớn, nhỏ. Đi tới đâu, những thủy điện này tàn phá môi trường, phá hủy ngành du lịch đến đấy. 

Thủy điện Bản Hồ, huyện Sa Pa là một ví dụ điển hình, nơi bị gọi là nghĩa địa của Homestay.
 

Vùi dập Homestay

Ngược về quá khứ, những năm 2000, Bản Hồ là điểm đến lý tưởng cho du khách khi tới Sa Pa - thành phố trong sương. Thời điểm đó, Bản Hồ có gần 30 homestay nhưng không đủ đáp ứng nhu cầu ăn nghỉ của khách du lịch.

Những người làm du lịch đã đánh giá, du lịch cộng đồng ở Bản Hồ có tiềm năng lớn nhất ở vùng thấp huyện Sa Pa. Bản Hồ là nơi có phong cảnh nguyên sơ và nét văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc. Nhưng nay mọi chuyện chỉ còn trong ký ức người dân Bản Hồ. Dòng suối Mường Hoa, thác La Ve từng tấp nập du khách “check in”, nay chỉ còn trơ đá sỏi. Phía thượng nguồn, những cỗ máy thủy điện như loài thuồng luồng hút cạn nước.

11-01-43_1
2 du khách hiếm hoi ở Bản Hồ (Sa Pa)

Ông Đào A Khởi, Chủ tịch UBND xã Bản Hồ cho biết, trên địa bàn hiện có một loạt thủy điện như Sử Pán 1, 2, Nậm Toóng, Séo Chong Hô và một thủy điện đang xây dựng dở dang mang tên Bản Hồ. Không chỉ làm mất đi sự bình yên vốn có, các nhà máy thủy điện còn phá vỡ cảnh quan du lịch nơi đây. Sườn núi lở loét như người bị bệnh phong, suối Mường Hoa ngổn ngang đất đá như bãi chiến trường. Nếu tính cả các dự án đang được nghiên cứu, Sa Pa có tới 20 dự án thủy điện với tổng công suất 345,6MW.

Anh Lồ A Quỳnh ở thôn Bản Dền, xã Bản Hồ, một trong những người còn gắn bó với dịch vụ homestay cho biết, năm ngoái du khách đã bắt đầu quay trở lại Bản Hồ nhưng cũng chẳng đáng là bao so với trước kia. Gia đình anh sẵn có mối quan hệ với một số đơn vị kinh doanh du lịch nên việc đón khách đến ăn nghỉ khá thuận lợi, nhưng cũng chỉ được vài lượt khách mỗi tuần.

Do du khách quay lưng, nên nhiều hộ không còn mặn mà kinh doanh dịch vụ homestay mà đóng cửa đi làm thuê. Hiện trên địa bàn xã chỉ còn vài ba hộ kinh doanh dịch vụ này.

11-01-43_2
Những homestay với con đường vắng hoe

Chị Đào Thị Tem, nhà ở ven con đường dẫn vào thác La Ve. Tận dụng căn nhà mình có hướng nhìn đẹp, lại tiện hành trình vào thăm thác, chị Tem đã vay mượn tiền xây dựng căn nhà khang trang để đón khách và phục vụ nhu cầu tắm lá thuốc người Dao truyền thống. Nhưng từ khi nhà máy thủy điện Nậm Toóng xuất hiện, dòng nước từ thác La Ve đã khô cạn.

Một cán bộ xã Bản Hồ thở dài, trước đây, thủy điện Sử Pán 2 đã làm mất đi suối nước nóng, giờ thủy điện Nậm Toóng lại làm hỏng thác nước thì du lịch Bản Hồ gần như chẳng còn gì nữa.
 

Nghênh ngang không phép

Người ta thường nói “Con voi chui lọt lỗ kim”, nhưng ở Lào Cai, có những nhà máy thủy điện không phép vẫn chui lọt. Đương nhiên, một trụ móng vai đập của thủy điện to hơn nhiều so với con voi. Một trong số đó là công trình thủy điện Bản Hồ, sở hữu thuộc về Cty CP Công nghiệp Việt Long, trụ sở tại tầng 2, Tòa nhà Hội trường, số 12 Đào Tấn, thành phố Hà Nội. Người đại diện cho doanh nghiệp là ông Phạm Hải Hà - Giám đốc. Đơn vị thi công là Cty CP Sông Đà 6.

Theo ông Đào A Khởi, ngày 1/12/2017, xã nhận được công văn số 2479 của Sở KH-ĐT tỉnh Lào Cai về việc xin kiến hồ sơ quyết định chủ trương đầu tư dự án thủy điện Bản Hồ. Đến ngày 8/12, chính quyền xã Bản Hồ đã họp bàn, sau đó đã có văn bản trả lời việc xin ý kiến. “Cả người dân và chính quyền xã đều không đồng ý, hạn chế đầu tư xây dựng thêm thủy điện Bản Hồ. Vì trên địa bàn đã có rất nhiều nhà máy thủy điện rồi. Các dự án này tác động tới môi trường và nhiều hộ gia đình đã mất đất sản xuất dẫn đến đói nghèo”, ông Khởi kể.

11-01-43_3
Đại công trường không phép vẫn rộn tiếng ca của dự án nhà máy thủy điện Bản Hồ

Ông Khởi kể tiếp, vào khoảng giữa tháng 12/2017, do có lịch đi công tác vài ngày nên bị nhà máy thủy điện “đánh úp”. “Hôm tôi đi họp về, đi qua thấy máy móc kéo đến đang khoan cắt ầm ầm giữa dòng suối. Tôi huy động lực lượng dân quân, công an xã ra làm việc, đề nghị dừng thi công nhưng không được. Sau đó tôi xin số điện thoại gọi cho giám đốc Phạm Hải Hà trao đổi nhưng vị này nói thông cảm”.

Không còn cách nào khác, xã gửi thông tin lên huyện Sa Pa. Đáng buồn thay, những ngày sau đó, ông Khởi vài lần nhận được điện thoại chỉ đạo mồm của một Phó Chủ tịch huyện Sa Pa, đại loại là “Tạo điều kiện cho anh em thi công”.

Cũng theo ông Khởi, không chỉ đánh úp địa phương, chủ đầu tư này còn luồn lách dự án, vừa thi công vừa xin nâng công suất dự án.

11-01-43_4
Mặc dù không phép, bị người dân kịch liệt phản đối, thủy điện vẫn mọc lên như nấm

Theo đó, Cty CP Công nghiệp Việt Long xin nâng công suất nhà máy từ 5MW lên thành 9MW. Điều này đồng nghĩa với việc, khoảng gần 30ha đất của xã Bản Hồ sẽ bị lấy đi, nhiều hộ bỗng dưng trở thành cư dân vùng lòng hồ. Khi hỏi về thông tin cũng như tiến độ dự án, ông Khởi chỉ lắc đầu bảo: “Chịu!”.
 

“Vượt quá thẩm quyền của huyện”

Khi trao đổi với PV NNVN về dự án nhà máy thủy điện Bản Hồ, ông Lê Tân Phong, Phó Chủ tịch UBND huyện Sa Pa cho biết “Đã kiểm tra và phát hiện một loạt sai phạm ở dự án này nhưng do vượt quá thẩm quyền xử lý của huyện nên đã trình lên tỉnh giải quyết. Còn tỉnh xử lý ra sao chúng tôi chưa rõ”.

Vào hồi 10h ngày 25/12/2017, Phòng TN-MT huyện Sa Pa đã tiến hành kiểm tra việc bảo vệ môi trường tại dự án thủy điện Bản Hồ. Tại thời điểm này, chủ đầu tư đang đào kênh dẫn dòng, đắp quai đê nắn suối Mường Hoa để thi công hố móng. Khoảng 500m3 đất đã bị đổ xuống suối Mường Hoa gây bồi lấp, cản trở dòng chảy, ô nhiễm môi trường. Đơn vị này cũng ngang nhiên tận thu 100m3 khoáng sản mà không hề xin giấy phép.

11-01-43_5
Vùng đất này sẽ sớm trở thành vùng lòng hồ thủy điện
Bên cạnh dự án thủy điện Bản Hồ, Cty CP Công nghiệp Việt Long đang tiếp tục thi công nhà máy thủy điện Nậm Sài. Công trình này “ăn” tới hơn 30ha đất của 3 xã là Nậm Sài, Bản Hồ, Thanh Phú (cùng huyện Sa Pa). Trong đó, chủ yếu là đất lúa, rừng SX và cả đất rừng đặc dụng… Mặc dù bị người dân phản đối quyết liệt, không hiểu sao những công trình này vẫn mọc lên như nấm sau mưa.

Nghiêm trọng hơn, dự án này chưa hề được UBND tỉnh Lào Cai cấp quyết định chủ trương đầu tư; chưa có kế hoạch bảo vệ môi trường được phê duyệt; chưa có đăng ký chủ nguồn thải nguy hại; chưa có giấy phép đăng ký khai thác thu hồi khoáng sản trong phạm vi diện tích đất dự án.

Ông Phong khẳng định, những việc làm này của Cty CP Công nghiệp Việt Long vi phạm Luật đầu tư, Luật bảo vệ môi trường, Luật khoáng sản và tài nguyên nước…

Các hành vi này vượt quá thẩm quyền xử lý của huyện Sa Pa. Tổng mức xử phạt các lỗi này có thể ở mức 400 - 500 triệu đồng.

Huyện này kiến nghị UBND tỉnh, Sở TN-MT Lào Cai kiểm tra, xử phạt Cty này.

Cũng theo ông Phong, do thiếu hồ sơ pháp lý, chủ đầu tư này đã cho dự án “khởi công chui”.

Khởi công ngày nào, tiến độ, khối lượng xây dựng ra sao… huyện Sa Pa hoàn toàn không được báo cáo nên không nắm được.

“Hiện nhà máy chưa thực hiện việc GPMB, chưa tiến hành đền bù cho người dân. Một lần chủ đầu tư và Sở TN-MT xuống làm việc về dự án, người dân kéo đến phản đối ầm ầm dẫn tới mất an ninh trật tự. Là người đứng đầu xã, tôi đã “mời” tất cả đoàn làm việc ra khỏi trụ sở vì gây ồn ào, mất trật tự”, ông Đào A Khởi, Chủ tịch UBND xã Bản Hồ bức xúc.

 

Xem thêm
Nuôi bò 3B thâm canh, tăng trọng gần 1kg/ngày

QUẢNG TRỊ Qua theo dõi, bò lai BBB nuôi theo hình thức thâm canh tăng trọng trung bình 0,9kg/con/ngày, tương ứng 27kg/con/tháng.

Cam kết giảm 10% tỷ lệ tử vong liên quan đến kháng thuốc

HÀ NỘI Tại Đại hội đồng Liên hợp quốc năm 2024 về kháng thuốc đặt mục tiêu đến 2030, các quốc gia cam kết giảm 10% tỷ lệ tử vong liên quan đến kháng thuốc.

Lãi hàng trăm triệu đồng nhờ trồng đào Tết

Quảng Ninh Nhờ cây đào Tết, nhiều hộ dân tại xã Quảng Minh (huyện Hải Hà, Quảng Ninh) lãi hàng trăm triệu đồng mỗi năm, vươn lên khá giả.