| Hotline: 0983.970.780

Thủy điện chồng lên nhau, xé toạc dòng Tà Lơi, 'là kẻ nuốt lời'

Thứ Sáu 03/08/2018 , 09:40 (GMT+7)

Dòng suối Tà Lơi - bắt nguồn từ huyện Tam Đường (Lai Châu) chảy qua địa phận các xã Trung Lèng Hồ, Mường Hum, Bản Xèo của huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai vốn trong xanh, thơ mộng. Quá khứ đó chấm dứt từ khi một loạt công trình thủy điện mọc chồng lên nhau, xé toạc dòng Tà Lơi. 

Người dân địa phương gọi đó là những kẻ nuốt lời.
 

Triệt kế sinh nhai

Dòng Tà Lơi đáng thương đó, hiện gánh một loạt các nhà máy thủy điện Tà Lơi 1, 2, 3, Nậm Pung, Pờ Hồ đều thuộc sở hữu của Cty CP Đầu tư Xây dựng Hạ tầng và Giao thông (INTRACOM). Trụ sở tại phường Phúc Diễn, quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội). Tiền thân của INTRACOM là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, cổ phần hóa từ năm 2006.

07-44-33_1
Đập thủy điện Tà Lơi 3 như nhát đao cắt ngang cuống họng dòng Tà Lơi

Hồi 14h30 ngày 26/11/2012, nhà máy thủy điện Tà Lơi 3 với 2 tổ máy, công suất lắp đặt 7,5MW (khởi công năm 2010) tại xã Mường Hum, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai, chính thức đóng điện. Chuỗi ngày đau khổ của dòng Tà Lơi kéo dài từ đây.

Chẳng hiểu vô tình hay hữu ý, đập thủy điện Tà Lơi 3 được thiết kế, xây dựng ngay trên hệ thống thủy lợi Pin Cai - xây từ năm 2005 tại thôn Piềng Láo, xã Mường Hum. Công trình thủy lợi này hàng chục năm là nguồn tưới tiêu cho cả trăm ha lúa của người dân các thôn Piềng Láo, Séo Pờ Hồ, Ky Quan San, Mường Hum (xã Mường Hum). Con đập án ngữ, như nhát dao cắt ngang cuống họng dòng Tà Lơi, cũng chặn luôn nguồn sinh kế của người dân.

Ông Sần A Lù ở thôn Piềng Láo, là hộ có diện tích ruộng gần như lớn nhất vùng. Ruộng lúa nhà ông Lù trải dài hết tầm mắt. Nhưng từ khi thủy lợi bị chặn dòng, vào mùa khô, ruộng nương nứt nẻ chẳng thể canh tác. Mùa mưa, đập lại xả tràn tự do, nước lênh láng, lúa ngập úng. Qua từng vụ, năng suất lúa giảm dần, ông Lù đã bán bớt ruộng cho mấy hộ khác thôn để đỡ nặng mình. “Mùa cạn, thủy điện tích nước, suối Tà Lơi cạn trơ toàn đá sỏi. Bọn trẻ con cứ thế lội qua như trên đường bê tông. Còn mùa mưa, ruộng đã ngập lại càng ngập hơn”, con trai ông Lù thở dài.

07-44-33_2
Sau nhiều năm kiến nghị, Tà Lơi 3 “xí” cho người dân một đường ống nước dẫn vào mương thủy lợi

Bà Lý Thị Nam, Chủ tịch MTTQ xã Mường Hum cho biết, từ khi nhà máy thủy điện Tà Lơi 3 đi vào vận hành, vụ nào người dân cũng thiếu nước sản xuất. Mỗi năm, 2 - 3 lần đi tiếp xúc cử tri tại các thôn, lại được một phen “thủng màng nhĩ” vì người dân đua nhau phản đối thủy điện. Với chức trách của mình, xã chỉ biết ghi nhận ý kiến, phản ánh lên lãnh đạo huyện. Nhưng điệp khúc “mùa khô thiếu nước, mùa mưa úng ngập” cứ lặp lại qua từng năm ở Mường Hum một cách dai dẳng. “Mường Hum xưa nay nổi tiếng với món cá suối, ai đến một lần cũng muốn được thưởng thức. Trước đây, nước trong xanh, đứng trên tảng đá nhìn xuống cũng thấy cá bơi từng đàn. Giờ thì suối lúc cạn trơ đáy, lúc lại đục ngầu, cá tôm chẳng còn…”, bà Nam ngán ngẩm.

Chưa dừng lại ở đó, ở bậc trên của Tà Lơi 3 là nhà máy thủy điện Tà Lơi 2, công suất 10,5MW, đóng điện vào tháng 6/2016. Tương tự, Tà Lơi 2 cũng xé toạc dòng suối, một lần nữa “vô tình” chặn mất đường nước dẫn về ruộng của người dân. Tuy đứng chân trên xã Trung Lèng Hồ, nhưng Tà Lơi 2 lại gây ảnh hưởng dòng chảy vùng hạ du là xã Mường Hum. Riêng nhà máy thủy điện Tà Lơi 1 và Pờ Hồ vẫn đang thi công dở dang trong nỗi phập phồng lo sợ của người dân.
 

Kẻ nuốt lời

Trở lại cái tên chẳng mấy hay ho người dân đặt cho chuỗi nhà máy thủy điện của INTRACOM, chúng tôi chỉ nhận được cái lắc đầu đầy chán nản của lãnh đạo xã Mường Hum. “Có lẽ lãnh đạo doanh nghiệp này họ Hứa nên chẳng mấy khi giữ lời”, một cán bộ chua chát nói.

07-44-33_3
Đường điện 110KV kéo xẹt qua ngay sát ruộng người dân

Riêng ông Lù Sào Dín, Chủ tịch UBND xã Mường Hum bảo, chúng tôi rất đau đầu vì những lời hứa của doanh nghiệp này. Lời hứa thứ nhất là khắc phục, đấu nối lại nguồn nước cho người dân tại hệ thống thủy lợi Pin Cai.

Ông Dín về nhận công tác ở Mường Hum từ 1/1/2018 nhưng cũng đủ thời gian để đau đầu, rát tai về những kiến nghị của người dân. Nhưng đó là những kiến nghị chính đáng, đúng ra phải thực hiện từ lâu nhưng doanh nghiệp “già mù, giả điếc”. Trong khi, chính quyền sở tại chưa thực sự quyết liệt vì người dân.

Theo ông Dín, đầu năm 2018, dù đã dùng kinh phí của xã để duy tu, nạo vét hệ thống thủy lợi nhưng nước vẫn không đủ cho dân sản xuất. “Chúng tôi đã tổ chức đối thoại, trong đó mời cả người dân, đại diện nhà máy, ban ngành của huyện để làm việc. Tại đây, chúng tôi khẳng định, phải ưu tiên số một nguồn nước cho người dân. Đề nghị INTRACOM sớm có biện pháp xử lý. Nếu như diện tích lúa của người dân bị thiệt hại, doanh nghiệp phải đứng ra đền bù”, ông Dín kể.

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Thanh Thảo, Phó BQL dự án thủy điện INTRACOM đã ký vào biên bản, đồng ý với kiến nghị, sẽ cho xử lý hệ thống thủy lợi trong tháng 4/2018. Tuy nhiên, chữ ký đó đã trôi theo dòng Tà Lơi. Và niềm tin của người dân Mường Hum cứ vơi như suối Tà Lơi mùa cạn.

07-44-33_4
Nước rò rỉ từ mương dẫn của thủy điện làm chết lúa nhưng nhà máy phủi trách nhiệm

Ngày 1/8, khi chúng tôi vào Mường Hum tìm hiểu, ông Dín cho biết, doanh nghiệp này mới xử lý xong như cam kết cách đây đúng một tuần. Biện pháp là dùng ống thép, chiết nguồn nước từ mương thủy điện dẫn ra hệ thống thủy lợi Pin Cai. Nói chung, vấn để nước tưới tiêu cơ bản tạm ổn dù lời hứa hết… hạn bảo hành 3 tháng.

Lời hứa thứ 2, lời hứa của Tà Lơi 3 với một người dân - bà Tẩn Tả Mẩy ở thôn Ky Quan San, xã Mường Hum. Từ khi đi vào hoạt động, hệ thống cột và đường dây 110KV đã đi vắt qua ngay sát mảnh ruộng của gia đình bà Mẩy. Nó gần đến nỗi, mấy ngọn cây chó đẻ mọc vươn lên gần chạm tới dây điện. Bà Mẩy không dám lại gần, chỉ tay bảo, từ mép ruộng lên tới dây điện chắc chỉ hơn 2m. “Hôm rồi, mấy đứa trẻ con vác gậy đi bắt ve sầu ngay sát đường điện. Tôi sợ quá la lên bảo chúng mày không sợ chết à rồi đuổi hết lên đường. Chúng nó trẻ con biết gì đâu, lỡ may điện giật thì chết cả lũ”, bà Mẩy thảng thốt kể lại.

Sau nhiều lần kiến nghị, nhà máy đồng ý dùng máy cào thêm một đoạn đồi đổi mặt bằng để bà Mẩy trồng lúa và rào chỗ sát đường điện 110KV. Tuy nhiên, máy cào ra rồi để đó, không xúc đất tạo mặt bằng nên bà Mẩy không nhận. Và rồi cũng chẳng có hàng rào nào đảm bảo tính mạng cho người dân. “Nước từ mương dẫn thủy điện quanh năm thấm vào ruộng của tôi, nhiều chỗ lúa chết, rồi sâu bệnh, năng suất giảm theo từng năm. Kiến nghị mãi, nhà máy xuống đo đạc thiệt hại xong cũng bỏ về, không đền bù”.

Giữa mùa mưa, nhiều đoạn trên suối Tà Lơi vẫn cạn trơ đá sỏi

Và lời hứa thứ 3, lời hứa của Tà Lơi 3 với chính quyền xã Mường Hum. Nhà máy này có hứa sẽ đóng góp 9.000 viên gạch giúp hoàn thiện nhà văn hóa của hai thôn trong xã Mường Hum. “Đợt đầu, họ đưa đến 500 viên gạch ba banh, chúng tôi liền lấy xây tường bao chôn móng. Nhưng gạch đểu, xây vào tới đâu vỡ tới đó. Chúng tôi có nói, gạch làm móng phải là loại tốt, lỡ công trình bị sụp đổ, ảnh hưởng tính mạng người dân thì sao”, ông Dín kể. Nhưng chẳng ai trả lời, lời hứa thứ 3 dần vào quên lãng. Tháng 4/2018, nhà văn hóa hoàn thành, may sao không dính viên gạch đểu nào của nhà máy, ai nấy thở phào.

Cùng trên dòng Tà Lơi, 2 nhà máy thủy điện là Tà Lơi 1 và Pờ Hồ cũng sẽ sớm đi vào hoạt động. Người dân đang lo sợ, vào mùa khô nếu Tà Lơi 1 đóng đập tích nước, rồi tiếp là Tà Lơi 2, 3 thì một giọt nước cũng chẳng thể lọt vào đồng ruộng. Trong khi, theo quy định, thủy điện phải đảm bảo ít nhất 10% dòng chảy cho hạ du.

 

Xem thêm
Nuôi bò 3B thâm canh, tăng trọng gần 1kg/ngày

QUẢNG TRỊ Qua theo dõi, bò lai BBB nuôi theo hình thức thâm canh tăng trọng trung bình 0,9kg/con/ngày, tương ứng 27kg/con/tháng.

Cam kết giảm 10% tỷ lệ tử vong liên quan đến kháng thuốc

HÀ NỘI Tại Đại hội đồng Liên hợp quốc năm 2024 về kháng thuốc đặt mục tiêu đến 2030, các quốc gia cam kết giảm 10% tỷ lệ tử vong liên quan đến kháng thuốc.

Lãi hàng trăm triệu đồng nhờ trồng đào Tết

Quảng Ninh Nhờ cây đào Tết, nhiều hộ dân tại xã Quảng Minh (huyện Hải Hà, Quảng Ninh) lãi hàng trăm triệu đồng mỗi năm, vươn lên khá giả.