Hàng loạt dự án thủy điện tại Thanh Hóa thi nhau mọc lên |
Thủy điện cũng chính là nội dung trọng tâm tại Kỳ họp thứ sáu HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVII mới đây. Theo nhận định chung của phần lớn các cử tri, “việc quy hoạch và xây dựng các công trình thủy điện trên địa bàn các huyện miền núi còn nhiều bất cập, ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống của nhân dân, nhất là vùng ven sông, suối. Việc bố trí và đầu tư các khu tái định cư chưa phù hợp, tiến độ thực hiện chậm…”.
Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 2 quy hoạch thủy điện do Bộ Công thương phê duyệt (quy hoạch thủy điện bậc thang sông Mã và quy hoạch thủy điện nhỏ) với 21 dự án, tổng công suất 825MW. Đến nay có 6 dự án đã hoàn thành đi vào phát điện, 7 dự án đang thi công, 8 dự án đang ở bước lập hồ sơ dự án đầu tư để trình xem xét chấp thuận.
Đánh giá tổng quan, phía Sở Công thương Thanh Hóa khẳng định, các dự án thủy điện đã góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, đóng góp cho quá trình tăng trưởng kinh tế và thu ngân sách nhà nước. Ngược lại, việc quy hoạch và đầu tư nhìn chung còn tồn tại nhiều bất cập đã ảnh hưởng đến môi trường và đời sống của nhân dân vùng dự án. Trong công tác quy hoạch, do ngân sách hạn chế nên Nhà nước chỉ thực hiện nghiên cứu những thủy điện lớn (Trung Sơn, Cửa Đạt, Hồi Xuân…), còn lại các doanh nghiệp tự bỏ kinh phí khảo sát, điều tra nên quy hoạch chưa được xây dựng đồng bộ, toàn diện. Bên cạnh đó, các chính sách, quy định của nhà nước trước đây chưa đầy đủ, thiếu chặt chẽ, thiếu các tiêu chí đánh giá về môi trường xã hội.
Ảnh: V.K |
Đi sâu vào chi tiết, ông Lê Tiến Lam, Giám đốc Sở Công thương chỉ ra một loạt vấn đề: Dự án thủy điện làm mất đất sản xuất, ảnh hưởng đến sinh kế của người dân, nhất là đồng bào vùng cao sống ven sông, suối; làm mất diện tích rừng, kéo theo suy giảm nguồn sinh thủy, thay đổi chế độ dòng chảy; các thủy điện tích nước, xả lũ không đúng quy trình, ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt của người dân vùng hạ du; các dự án có hồ chứa dung tích lớn như Cửa Đạt (1,4 tỷ m3), Trung Sơn (360 triệu m3) có thể gây nên mất ổn định địa chất, dẫn đến sạt trượt, sói lở ở những nơi nền địa chất yếu…
Qua rà soát thực tế, phải thừa nhận việc quy hoạch các dự án thủy điện trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa thực sự có vấn đề. Thay vì tiến hành thận trọng, chặt chẽ, đánh giá tổng thể các yếu tố để đưa ra phương án khai thác phát triển bền vững tài nguyên nước, qua đó mang lại hiệu quả tổng hợp về kinh tế - xã hội - môi trường thì dường như các đơn vị chỉ chăm chăm vào nhiệm vụ chính là… khai thác nguồn thủy năng.
Thật sự giật mình khi biết rằng, chỉ riêng tại huyện Thường Xuân đã mọc lên 4 dự án thủy điện, ngoài Cửa Đạt là Xuân Minh, Dốc Cáy và Bái Thượng. Ít hơn 1 thủy điện là huyện Quan Hóa, nhưng trong phạm vi chừng 65km đã có đến 3 dự án quy mô được chấp thuận, bao gồm Trung Sơn, Thành Sơn và Hồi Xuân, đáng chú ý khoảng cách giữa 2 thủy điện Trung Sơn và Thành Sơn chỉ khoảng… 7km.
Theo số liệu thống kê, quỹ đất phục vụ xây dựng các công trình thủy điện trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa lên đến hàng ngàn ha, trong đó riêng diện tích đất rừng chiếm trên 4.000ha, một con số đáng quan ngại. Đành rằng chủ đầu tư thực hiện triển khai phương án trồng rừng thay thế nhưng chắc chắn không thể đảm bảo như lúc nguyên sinh, chưa kể mất rất nhiều thời gian mới có thể tái tạo, phục hồi. Nhiều chuyên gia cảnh báo, diện tích rừng suy giảm mạnh dẫn đến bất ổn tầng địa chất, cộng thêm chế độ dòng chảy bị thay đổi sẽ kéo theo muôn vàn hiểm họa.
Diện tích lòng hồ của thủy điện Cửa Đạt là 3.600ha, trong đó đất lâm nghiệp chiếm đến 2.346ha |
Các công trình thủy điện tăng nhanh dường như đang tỷ lệ thuận với mức độ tàn phá của thiên tai. Nói có sách mách có chứng, mới đây thôi một vụ lũ quét kinh hoàng đã tàn phá tan hoang bản Hắc (xã Trí Nang, huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa) khiến 4 người chết và mất tích, nhiều ngôi nhà, diện tích ruộng nương bị san phẳng. Chứng kiến thảm họa kinh hoàng, bà con bản nghèo không khỏi thất kinh, nhiều nhân chứng thừa nhận trận lũ lần này vượt quá sức tưởng tượng của họ.
Ông Trịnh Văn Chiến - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa khẳng định việc xây dựng các nhà máy thủy điện phải đi đôi với tái định cư cho bà con bị ảnh hưởng. Những dự án công suất nhỏ, cỡ 10MW trở xuống không nên làm vì không thể kiểm tra hết được, trong khi tiềm ẩn nhiều hậu quả. Đối với những dự án lớn, nếu không đảm bảo tiêu chí theo quy định cũng nên loại bỏ. Những dự án hiện đã chấp thuận chủ trương đầu tư, lập quy hoạch cũng phải đánh giá kỹ lưỡng, nếu chưa cần thiết, chưa đảm bảo các quy định của pháp luật phải xem xét kỹ, nếu cần sẽ rút chủ trương đầu tư. |