| Hotline: 0983.970.780

Thủy điện ở Tây Nguyên là 'thủ phạm' làm mất rừng, gây khô hạn

Thứ Tư 17/08/2016 , 09:45 (GMT+7)

Rừng bị tàn phá với tốc độ chóng mặt khiến độ che phủ suy giảm nhanh, mất đi khả năng sinh thủy và giữ nước; đời sống người dân đảo lộn...

Rừng bị tàn phá với tốc độ chóng mặt khiến độ che phủ suy giảm nhanh, mất đi khả năng sinh thủy và giữ nước; đời sống người dân đảo lộn; hệ sinh thái, cảnh quan Tây Nguyên đang thay đổi theo chiều hướng thiếu bền vững... Đó là nguy cơ lớn với khu vực này.

 

Những con số giật mình

Chỉ trong vòng 7 năm (từ 2008 đến 2015), Tây Nguyên mất gần 360 nghìn ha rừng. Đó là con số đáng để giật mình, được các nhà khoa học đưa ra tại hội thảo "An ninh nguồn nước phục vụ phát triển KT- XH vùng Tây Nguyên", tổ chức tại tỉnh Gia Lai vừa qua.

Nhìn xa hơn về trước, trong vòng 30 năm qua, đã có 1/3 diện tích rừng Tây Nguyên bị tàn phá với hơn 1,5 triệu ha. Các công trình thủy điện chuyển nước sang lưu vực khác làm cho Tây Nguyên mất 2,9 tỷ m3 nước/năm, gây thiếu hụt nguồn nước, tăng nguy cơ thiếu nước vào mùa khô.

 Chính vì vậy, thời gian qua Tây Nguyên phải hứng chịu đợt khô hạn lịch sử trong hơn 20 năm qua. Tính đến tháng 6/2016, toàn vùng đã có gần 180.000 ha cây trồng bị hạn hán, ước tổng thiệt hại hơn 5.000 tỷ đồng.

Việc phát triển thủy điện ồ ạt đang “giết” các dòng sông lớn ở Tây Nguyên. Theo tiến sĩ Đào Trọng Tứ, một chuyên gia tài nguyên nước thì 4 hệ thống sông chính của Tây Nguyên là Sê San, Sêrêpốk, sông Ba và sông Đồng Nai có tài nguyên nước dồi dào, điều kiện địa hình, địa chất thuận lợi với tiềm năng lớn về phát triển thủy điện. 

"Tận dụng" thuận lợi trên, toàn vùng Tây Nguyên đến năm 2015 đã có 190 công trình thủy điện lớn nhỏ đã và đang được xây dựng.

Tiến sĩ Tứ phân tích, trên dòng sông chính Sêrêpốk hiện có 7 công trình thủy điện lớn và hàng chục công trình thủy điện nhỏ. Thủy điện Srêpốk 4A đã ngăn dòng, chuyển nước qua kênh đào lớn xuống đoạn sông 20km hạ lưu thủy điện Sêrêpốk 4 làm cho khúc sông từ sau đập thủy điện Sêrêpốk 4 và Sêrêpôk 4A bị cạn kiệt, nguy cơ trở thành đoạn sông “chết”. 

Tương tự, sông Sê San cũng có tới 7 công trình thủy điện lớn đã được xây dựng, vận hành. Đặc biệt, thủy điện Thượng Kon Tum trên sông Sê San không trả nước về dòng chính mà trả về sông Trà Khúc (tỉnh Quảng Ngãi).

Thủy điện An Khê-Kanak trên Sông Ba chuyển nước sang sông Kôn (tỉnh Bình Định). Sông Đồng Nai với hàng loạt các thủy điện lớn cũng đang đặt tài nguyên nước và đa dạng sinh học vùng đầu nguồn sông Đồng Nai trong tình trạng báo động.

 

1MW Tủy điện, mất đi 14,5 ha đất

Theo đánh giá của các nhà khoa học tại hội thảo, 25 công trình thủy điện lớn tại Tây Nguyên đã chiếm dụng 68.195 ha đất, ảnh hưởng đến 25.712 hộ dân. Tây Nguyên đã phải cái giá cực đắt, là chuyển trên 80.000 ha đất các loại cho thủy điện. Tính trung bình 1MW thủy điện lớn đã chiếm tới 14,5 ha đất các loại, làm ảnh hưởng 5,5 hộ dân, trong đó 1,5 hộ phải di dời. Tuy nhiên, việc trồng rừng thay thế là quá nhỏ so với diện tích rừng phải “hy sinh” để phục vụ thủy điện.

Thống kê chưa đầy đủ cho thấy, mới chỉ có 757,3 ha rừng được trồng so với khoảng 22.770 ha đất rừng các loại đã chuyển đổi mục đích sử dụng cho các dự án thủy điện. Tại Đăk Lăk, các dự án thủy điện phải trồng mới hơn 845 ha, nhưng hiện chỉ mới trồng được 63 ha. Tại tỉnh Lâm Đồng, hầu hết các thủy điện chưa bố trí được đất để trồng rừng thay thế.

Những hệ lụy do thủy điện gây ra còn là thay đổi tập quán văn hóa, sản xuất lâu đời của người dân bản địa Tây Nguyên. Việc chậm trễ trong đền bù, tái định cư cũng gián tiếp đẩy người dân đi phá rừng...

Trước những hệ lụy do thủy điện gây ra, đến nay cả nước đã dừng hơn 400 thủy điện. Trong đó Lâm Đồng 28, Kon Tum 2, Gia Lai 19, Đắk Lắk 20... Những động thái trên tuy muộn, nhưng cũng rất đáng làm, nhằm cứu vãn phần nào những cánh rừng Tây Nguyên đang dần bị ngập chìm trong thủy điện.

Việc phát triển thủy điện ồ ạt trên các dòng sông Tây Nguyên đã gây ảnh hưởng nặng nề đến môi trường sinh thái các dòng sông. Bài toán đánh đổi và cái giá phải trả được nhìn thấy từ nhiều góc độ.

 

Xem thêm
Giải bài toán nguồn thức ăn cho ngành chăn nuôi

GIA LAI Thu hút đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi là chủ trương đang được tỉnh Gia Lai hướng đến.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Tạm thời không xuống giống lúa do xâm nhập mặn

BẠC LIÊU Do tình hình xâm nhập mặn, UBND huyện Vĩnh Lợi (Bạc Liêu) có công văn gửi các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đề nghị tạm thời không xuống giống lúa vụ hè thu.