| Hotline: 0983.970.780

Thủy điện sinh sôi, sông chết từ từ bởi cả triệu m3 nước thải

Thứ Năm 09/06/2016 , 06:30 (GMT+7)

Tại huyện Cát Tiên, nơi từ bao đời nay trực tiếp hưởng lợi dòng sông Đồng Nai, từ việc tưới tiêu đến mưu sinh của người dân, nay cũng đang gặp khó khăn. 

Với hơn 600km, sông Đồng Nai là con sông nội địa dài nhất Việt Nam, chảy qua 11 tỉnh thành, liên quan trực tiếp đến đời sống của khoảng 20 triệu người ở lưu vực. Nhưng từ nhiều năm nay, hàng chục công trình thủy điện ở thượng nguồn gây không ít hệ lụy. Còn phía hạ lưu, tình trạng ô nhiễm cứ tăng theo thời gian, đã đến mức báo động.

Thủy điện sinh sôi, sông chết từ từ

Sông Đồng Nai bắt nguồn từ cao nguyên Lang Biang, tỉnh Lâm Đồng với hai nhánh Đa Nhim, huyện Di Linh và nhánh Đạ Dâng, huyện Đức Trọng hợp lưu phía sau thủy điện Đại Ninh thành sông mẹ.

Nhánh chính của sông Đồng Nai có tới 9 bậc thủy điện là Đa Nhim, Đại Ninh, Đồng Nai 2, 3, 4, 5, 6, 8 và thủy điện Trị An.

Nhánh sông La Ngà bắt nguồn từ TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng có 3 bậc thủy điện là Bảo Lộc, Hàm Thuận, Đa My.

Nhánh sông Bé bắt nguồn từ tỉnh Bình Phước hợp lưu với sông Đồng Nai sau hồ Trị An cũng có 3 bậc thủy điện là Thác Mơ, Cần Đơn và Srốk - Phu Miêng.

Đến nay, có 14 bậc thủy điện đã đi vào hoạt động, đem lại công suất điện hàng năm lên tới 2.632MW, sản lượng lên tới 10,5 tỷ kWh. Bên cạnh đó, hệ thống hồ tích nước của công trình cũng góp phần giải quyết tình trạng khô hạn ở 2 tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận.

Tuy nhiên, bên cạnh những yếu tố tích cực mà các công trình thủy điện mang lại, là những hệ lụy không hề nhỏ, đó là tạo ra những đoạn sông “chết” phía sau đập.

Tại thủy điện Đồng Nai 3 (huyện Đắk Glong, Đắc Nông), một đoạn sông dài phía sau đập cạn khô do nước đã bị nắn dòng vào hệ thống đường ngầm dài hơn 1 cây số rồi mới trả về sông chính.

11-05-48_nh-1
Sông phía sau đập công trình thủy điện Đồng Nai 3, 4 cạn khô, trơ đáy

 

Còn sau con đập thủy điện Đồng Nai 4 (huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng), đoạn sông dài vài cây số cũng chết hẳn do nước bị chuyển qua lòng núi. Phía dưới chỉ là một con rạch nhỏ, nước đục ngầu.

Ngoài thủy điện Đồng Nai 3 và 4, công trình thủy điện Đa M’bri nằm trên nhánh sông Đồng Nai với tên địa phương là sông Đa M'bri thuộc địa bàn 3 huyện Bảo Lâm, Đạ Huoai, Đạ Tẻh của tỉnh Lâm Đồng cũng tạo ra 5km sông không có nước vào mùa khô.

Tương tự, sau đập thuỷ điện Đa Dâng 2 có 4km, thuỷ điện Đa Siat 4km sông không có nước. Còn dưới lòng hồ thủy điện Đồng Nai 3, chìm trong lòng nước là 2.600ha rừng đặc dụng thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng, huyện Đắk G’long, Đắk Nông và hơn 2.000ha rừng thuộc địa phận Lâm Đồng.

Tại huyện Cát Tiên, nơi từ bao đời nay trực tiếp hưởng lợi dòng sông Đồng Nai, từ việc tưới tiêu đến mưu sinh của người dân, nay cũng đang gặp khó khăn. Tại đây, từng có dự án thủy điện Đồng Nai 6 ở xã Đồng Nai Thượng, huyện Cát Tiên. Tuy nhiên, sau đó công trình này và công trình thủy điện 6A ở xã Đồng Nai, huyện Bù Đăng, Bình Phước, cách đó chừng chục cây số, đã không thực hiện.

11-05-48_nh-5
Mực nước trên nhiều đoạn sông Đồng Nai chảy qua địa phận tỉnh Lâm Đồng thường xuyên thấp như thế này

 

Ông Huỳnh Ngọc Hưng, một lão nông kỳ cựu ở xã Phước Cát 1, huyện Cát Tiên, chở tôi bằng chiếc xe đi rừng cà tàng xuống lòng sông cạn, cho biết: “Ngày xưa Cát Tiên vẫn được gọi là vùng “rốn” lũ. Năm nào lũ cũng về, cũng có năm gây ngập úng, thiệt hại cây trồng, nhưng chúng tôi vẫn thích, vì trên bờ thì hoa màu tươi tốt, dưới sông cá rất nhiều. Nhưng từ khi có các công trình thủy điện phía trên, chúng tôi không còn thấy dòng sông dâng cao, chảy ầm ầm nữa”.

Chỉ những cánh đồng lúa mênh mông dọc 2 bên tỉnh lộ 721 nối Cát Tiên và thị trấn Đạ Tẻh, ông Hưng nói tiếp: “Cát Tiên từng được người ta ví là đồng bằng trên cao nguyên. Nhưng từ chục năm nay, mực nước tụt xuống thấp hơn cả 2m. Ruộng đồng không còn phù sa của sông Đồng Nai bồi đắp, nên năng suất cũng vì vậy mà ngày càng thấp”.

11-05-48_nh-6
Ông Huỳnh Ngọc Hưng kể về sông Đồng Nai tại Cát Tiên trong quá khứ

 

Theo báo cáo tổng kết cuối năm 2015 của Ủy ban Bảo vệ môi trường hệ thống sông Đồng Nai, hiện lưu vực sông Đồng Nai có hơn 4.500 điểm xả thải đổ vào các sông, suối, sau đó hợp lưu vào sông Đồng Nai. Mỗi ngày, lưu vực sông này tiếp nhận trên 480.000m3 nước thải từ các KCN và các cơ sở sản xuất. 
Dọc lưu vực sông có hơn 220 bệnh viện nhưng nhiều nơi không có hệ thống xử lý nước thải tập trung, hơn 400 làng nghề, hàng ngàn cơ sở chăn nuôi dọc lưu vực sông mỗi ngày xả ra khoảng 150.000m3 nước thải, gần 1 triệu m3 nước thải sinh hoạt. Riêng tỉnh Đồng Nai, chỉ số quan trắc về chất lượng nước tại hơn 100 điểm ở các sông, suối, hồ trên địa bàn đều bị ô nhiễm nặng.

Trao đổi với chúng tôi, một cán bộ Sở TN-MT Lâm Đồng nêu quan điểm: “Việc xây dựng quá nhiều công trình thủy điện trên cùng một lưu vực sông sẽ làm mất đi dòng chảy sinh thái, ảnh hưởng đến hệ động thực vật xung quanh lưu vực và hạ lưu, thay đổi chế độ thủy văn, lượng phù sa bị lòng hồ giữ lại, làm giảm độ màu mỡ của đất”. 

Hứng cả triệu m3 nước thải mỗi ngày

Trong khi ở thượng nguồn, sông Đồng Nai phải gánh hàng chục công trình, thì dưới hạ lưu, dòng sông lại “hứng” cả triệu m3 nước ô nhiễm.

Mỗi ngày, từ hàng trăm nhà máy, bệnh viện, cơ sở chế biến, chăn nuôi đến người dân, cứ vô tư xả nước thải trực tiếp ra sông, khiến lâu lâu cá lại chết nổi trắng mặt nước.

Một trong những điểm nóng gây ô nhiễm sông Đồng Nai là TP Biên Hòa, nơi tập trung đông dân cư, nhiều khu công nghiệp (KCN), bệnh viện, cơ sở chế biến.

Tất cả hoạt động sinh hoạt của người dân, sản xuất công nghiệp, nước thải y tế cũng đều được tập trung xả xuống sông Đồng Nai.

Với tuổi đời hơn 50 năm, KCN Biên Hòa 1 bị chính quyền tỉnh Đồng Nai xác định là một trong những “thủ phạm” chính gây ô nhiễm sông Đồng Nai và có kế hoạch di dời.

KCN này hiện có 52 cơ sở phát sinh khí thải, khói, bụi, gây ảnh hưởng đến môi trường, có cơ sở vượt tiêu chuẩn tới hơn 11 lần.

Mỗi ngày, 97 DN đang hoạt động tại KCN xả ra hơn 9.000m3 nước thải, trong đó chỉ có 1.100m3 được đấu nối qua KCN Biên Hòa II để xử lý, phần còn lại được các DN tự xử lý rồi xả trực tiếp ra sông Đồng Nai.

Bên trong KCN Biên Hòa 1, hàng trăm nhà máy nằm sát sông với tường rào kín đáo. Nhưng khi tới gần, rất nhiều ống xả thải kích thước lớn, đặt nửa lộ thiên, dẫn thẳng xuống sông.

Ngoài các nhà máy, trong KCN Biên Hòa 1 còn có hàng ngàn hộ dân sinh sống xen lẫn, toàn bộ nước thải sinh hoạt cũng được xả ra sông theo đường mương, ống dẫn ven đường chính.

11-05-48_nh-9
Hiện trường vụ lấp sông Đồng Nai

 

Đến khu vực bờ sông Đồng Nai, phường Quyết Thắng, TP Biên Hòa, nơi cách đây hơn một năm diễn ra việc lấp sông, chúng tôi thấy một đoạn dài bờ sông nhô ra, các loại rác thải trôi đến đây bị giữ lại. Trên bờ, cỏ dại mọc um tùm, hoang phế. Nhiều người bắt đầu “tiện đường” đi ngang, vứt rác thải sinh hoạt.

Ông Lý Văn Hòa, nhà ở sát khu vực bờ sông bị lấp, than: “Sông Đồng Nai bị ô nhiễm từ lâu, nhưng từ hồi họ lấp sông xong bỏ ngang, khu vực này ô nhiễm kinh khủng. Không hiểu họ có ý muốn làm tiếp hay sao mà máy móc, sắt thép, vật liệu xây dựng họ không thu dọn, vẫn còn nguyên đó. Họ lấp ra một đoạn, tạo thành một cái vịnh nhỏ, các loại rác, chất thải, cả xác động vật trôi theo dòng chảy, đến đây bị giữ lại”.

Xem thêm
Giảm số dự án đầu tư công trung hạn 2026-2030 xuống dưới 3.000

Đây là nhiệm vụ trọng tâm năm 2025 được Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu tại Hội nghị tổng kết ngành kế hoạch - đầu tư, nhằm giúp nền kinh tế bứt phá hơn nữa.

Ông Lại Thế Nguyên nêu vấn đề 'căn cốt' để phát triển nông nghiệp Thanh Hóa

Năm 2024, dù gặp nhiều khó khăn trong sản xuất do thiên tai liên tiếp xảy ra, nhưng ngành nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa vẫn gặt hái được nhiều thành quả đáng ghi nhận.

Quy định mới về BHYT tạo thuận lợi cho người dân từ 1/1/2025

Từ 1/1/2025, thêm 3 quy định mới về BHYT tạo thuận lợi cho người dân. Một số trường hợp bệnh hiếm, hiểm nghèo… được lên thẳng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp chuyên sâu.