Việt Nam được mệnh danh là đất nước của những dòng sông. Những con sông đã đi vào lịch sử, trở thành huyền thoại. Những dòng sông quá đỗi đẹp trong những vần thơ, điệu nhạc. Những dòng sông như dòng sữa mẹ nuôi nấng bao lớp người... Vậy nhưng, giờ đây rất nhiều những "sông trăng, sông lụa" ấy đang bị giết chết, hoặc hấp hối.
Đã từ lâu sông Đáy (Hà Nội) trở thành một dòng sông chết bởi không có nước từ sông Hồng chảy vào. Nhiều đoạn sông do bồi lắng dòng chảy co lại chỉ bé như một con mương nhỏ, nước đen kịt, đặc quánh rác.
Hơn 10 năm cấp cứu
Hơn 10 năm trước, người ta đã khởi công dự án khổng lồ làm sống lại sông Đáy trị giá hàng ngàn tỉ đồng với tự tin mùa vụ khô hạn nước sông Hồng tự chảy vào sông Đáy qua cống Cẩm Đình tạo nguồn nước mát lành cho một lưu vực dài hàng trăm cây số.
Cửa cống Cẩm Đình cạn khô nước
Nay tôi quay lại, dáng hình một dòng sông vẫn còn quá xa xôi! Ông Trần Văn Ninh, Phó Phòng quản lý vận hành hệ thống Vân Cốc - Cẩm Đình, cho hay: Công trình đưa vào sử dụng năm 2008 với thiết kế lấy nước thường xuyên. Thiết kế là thế, nhưng thực tế lại khác.
Trong cuốn nhật ký vận hành ghi từ 24/9/2015 - 13/5/2016 chỉ có 8 lần cống mở cửa lấy nước từ sông Hồng vào còn lại đóng im để bảo dưỡng. Đáy cống cao dương 3m nên mực nước dẫn vào phải trên 3m mới chảy được.
Bởi thế, mùa lũ từ tháng 4 đến tháng 9 dương lịch là còn khả dĩ nhưng từ năm 2009 - tức lúc ông Ninh nhận bàn giao đến nay chưa có lũ cấp 1, ngấn bùn đất chưa bao giờ chạm vào vạch 12,15m trên cột thủy chí. Đầu cống, đoạn dẫn nước từ sông Hồng vào đã bị bồi lắng một phần.
Cảnh tiêu điều ở một làng chài
Thiết kế của cống giúp cho tàu thuyền 100 tấn đi lại dễ dàng nhưng chẳng cái nào dám mạo hiểm vào để rồi chịu mắc cạn. Lỗi này do đâu? Một cách khách quan là từ chủ trương lấy cao trình mực nước cách đây mấy chục năm để chọn cao trình cửa cống lấy nước. Người ta vẫn nghĩ mực nước sông Hồng là cố định nhưng không ngờ rằng từ 2004 đến nay càng ngày càng xuống. Xuống đến mức Bộ NN-PTNT phải kêu lên rằng đáy sông Hồng đã tụt xuống tới hơn 1m, thậm chí hạ du có chỗ tụt xuống tới 2,1m.
Chỉ vì không dự báo được nên mới rơi vào cảnh trớ trêu này. Hơn 10 năm đối với quy hoạch dòng sông là quá nhỏ trong khi phải tính hàng trăm năm, thậm chí vài trăm năm. Lòng kênh từ Cẩm Đình đến đập Đáy dài khoảng 12km hiện đã hoàn thiện, còn lại vẫn đang trong quá trình nạo vét. Ngay sau cống là dày đặc bèo tây, là đen kịt nước thối.
Thỉnh thoảng cũng có một người đánh cá, họ đều trông có vẻ xác xơ. Anh Thái - người kéo vó bè ở xã Ngọc Tảo khoe với tôi hai con cá nhỏ trên tay. Đó là thành quả đánh bắt của anh ngày hôm ấy.
Nhà cửa lấn dần đang lấp bớt lòng sông
Tôi lại lần tìm đến Hát Môn (huyện Phúc Thọ, Hà Nội) - điểm bắt nguồn của con sông Đáy cổ nối với dòng sông mẹ. Nơi đây năm 39, Trưng Trắc và Trưng Nhị đã tập hợp các tướng lĩnh cùng nhau dự Hội thề: "Một xin rửa sạch nước thù. Hai xin dựng lại nghiệp xưa họ Hùng. Ba kêu oan ức lòng chồng. Bốn xin vẻn vẹn sở công lênh này" rồi phát động khởi nghĩa.
Phần lớn các tướng lĩnh của Hai Bà là phụ nữ như Man Thiện, Diệu Tiên, Bát Nàn, Đào Kỳ, Lê Hoa, Lê Chân, Phương Dung, Trinh Thục, Thánh Thiên… Nhờ thu phục lòng dân, nhờ địa hình hiểm yếu sông sâu làm cứ, rừng xanh làm nhà, từ cửa sông Hát nghĩa quân tiến dọc sông Hồng, thế mạnh như chẻ tre vây hãm thành Luy Lâu khiến cho Thái thú Tô Định phải bỏ ấn tín, cạo râu, cắt tóc giả làm người “man di” mới đào thoát được.
Nền độc lập được phục hồi, Hai Bà lập vương triều mới với xưng hiệu Trưng vương. Hai năm sau, cũng trên khúc sông này, Hai Bà bị tướng Mã Viện cùng hai vạn hùng binh đuổi đánh nên núng thế đã gieo mình tuẫn tiết.
Sông Hát chảy qua làng Hát, dân cư từng quần tụ trù mật, trên bến, dưới thuyền. Trong "Vũ trung tùy bút" của Phạm Đình Hổ có miêu tả ông đứng trên đồi Viên Sơn (Sơn Tây) nhìn thấy: “Sông Hát vòng quanh phía đông như một giải lụa trắng, lại vòng từ phía bắc sang phía đông nước chảy uốn éo, quanh co. Lác đác giống như lá tre điểm xuyết trên tấm lụa, ấy là những chiếc thuyền đi lại trên mặt sông”.
Đền Hát
Tôi cứ đi men theo bờ sông dù nhiều đoạn không hề có đường mà chỉ toàn cây cối, lều vịt, chuồng lợn chắn lối ngược từ Cẩm Đình về đập Đáy. Cầu 1, cầu 2, cầu 3, cầu 4, cầu 5, cầu 6 rồi cầu 7. Càng đi, lòng sông càng cạn nước, bèo tây càng đan dầy, nước càng đặc quánh. Có những đoạn bèo nhiều đến nỗi cỏ chân đê xanh, bèo tây cũng xanh gây ảo giác có thể dễ dàng đi qua giữa đôi bờ. |
Đứng từ xa mà nhìn thấy chứng tỏ sông rất to. Trong "Bảo Lâm tự ký" của Hữu Đạo cũng tả: “Lên cao mà nhìn xuống thấy sông Hát giang biêng biếc uốn lượn, một tòa điện lưu ly nổi lên dòng nước mênh mông”.
Ông Nguyễn Văn Kịch - Phó Ban tổ chức đền Hai Bà Trưng kể hồi mình còn trẻ mỗi năm nước sông dâng to một lần nên dân chúng phải làm nhà tạm ngự để rước đồ lễ trong đền ra tránh ngập.
1964, 1969, 1971, 1986 là những năm nước sông Hát tràn mênh mông. Thế mà vật đổi, sao dời, dòng sông lớn xưa nay co lại chỉ là một con lạch nhỏ, quanh năm cạn nước. Thượng nguồn sông là một con ngòi rộng khoảng 2m chảy mất hút vào bờ ngô, ruộng lúa, hạ nguồn sông cũng chỉ rộng chừng 5 - 7m, nước ngập ngang bắp đùi.
Bởi thế vào dịp làng Hát rước hội Hai Bà mồng 5, 6 tháng ba âm lịch người ta phải bơm thêm nước vào sông tạo bối cảnh cho hậu bối còn đôi chút tưởng tượng chuyện Hai Bà tuẫn tiết thế nào.
52 người chết thảm
Khi thực hiện loạt bài về thực trạng những dòng sông, chúng tôi đã tìm gặp GS.TS Vũ Trọng Hồng - nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam. GS Hồng kể nhiều chuyện khiến chúng tôi giật mình, trong đó có câu chuyện xảy ra ở Mường Lay (Điện Biên), dẫu đã từ năm 1997 nhưng tính cảnh báo thì chưa khi nào cũ.
Sau nhiều ngày mưa tầm tã, nửa đêm bỗng có một tiếng nổ rất lớn. Từ lưng chừng núi nước phụt ra. Một tảng đá đường kính 5m rơi hẳn xuống đồng bằng. Lũ đổ xuống. Chỉ nghe thấy những tiếng động ầm ầm đã thấy đất đá trào vào nhà. Trúng ai là người ấy chết, không chạy được.
Sông Hát
Một người công an dũng cảm đã đứng giữa đường để chỉ cho dân chạy rồi anh dũng hi sinh. Bùn lấp dần anh từ chân, gối rồi đến ngực. Một cô giáo can đảm đứng ở giữa dòng suối để đưa các học sinh sang bên kia bờ cũng hi sinh. 52 người bị vùi trong sỏi đá mà không thể lấy lên được. Cả huyện lỵ Mường Lay hoàn toàn bị xóa sổ, phải di chuyển sang một địa điểm mới là xã Na Pheo. Đất đá bồi lấp hết ruộng đồng, nguồn nước ô nhiễm vì xác người, còn dân chúng thì sợ hãi.
Nguyên nhân sâu xa là có một dòng suối do khô nước lâu ngày bị lấp lại nay tìm về dòng cũ. Dòng suối chết khi phục hồi trở lại báo thù đã vậy những dòng sông chết đến một lúc nào đó tìm lại cội nguồn còn khủng khiếp đến mức nào?
Ông Hồng kể rằng trong một chuyến công tác Quảng Ngãi cứ thấy nước ở trong núi thúc ra. Dân bảo đấy là cái miệng của dòng sông cũ. Một cụ già 80 tuổi nói rằng, chính cụ đã nhìn thấy đoạn sông đó nhưng nay dòng sông đã biến mất. Ông Hồng đã chỉ đạo không được bố trí nhà dân ở địa điểm đó nữa bởi sợ có một lúc nào thảm kịch Mường Lay lại tái diễn...