| Hotline: 0983.970.780

Sông Ba 'chết' dần, chỉ còn róc rách như dòng suối nhỏ

Thứ Ba 07/06/2016 , 14:30 (GMT+7)

“Tình yêu tôi như dòng sông Ba tuôn trào, không bao giờ khô cạn, không khi nào tàn phai…”. Đó là lời bài hát “Em muốn sống bên anh trọn đời” do nhạc sĩ Nguyễn Cường sáng tác cách đây 27 năm. Nhưng nay đã không còn đúng nữa. 

Sông Ba năm ấy nay đã khô cạn, chỉ còn róc rách như một dòng suối mà thôi.

12-02-13_nh-2
Sông Ba, đoạn chảy qua TX An Khê đã cạn khô, không còn là một dòng sông nữa

 

Đêm mơ thấy nước chảy

Sông Ba đoạn chảy qua TX An Khê (tỉnh Gia Lai) dài khoảng 10 cây số. Trước khi sông cạn nước vì thủy điện, vì ô nhiễm, An Khê có cả chục ngàn hộ dân sống nhờ con sông này.

Nhưng nay, đi dọc sông qua các phường An Bình, Ngô Mây, Tây Sơn… hay các xã Cửu An, Song An, Xuân An… Chúng tôi thấy nhiều ngôi nhà khóa trái cửa, vắng lặng.

Dưới lòng sông cạn, lâu lâu lại bắt gặp những chiếc xuồng nằm ghếch mũi lên bờ, bất động. Ngoài một vài con bò đang nhẩn nha gặm cỏ… dưới sông, tịnh không một bóng người.

Để hiểu rõ hơn về dòng sông Ba trong quá khứ, anh bạn đồng nghiệp là người địa phương đưa chúng tôi đến ngôi nhà nằm sát bờ sông Ba, phường An Bình, TX An Khê của ông Nguyễn Văn Hái.

Năm nay 60 tuổi, thân hình nhỏ thó, làn da tái sạm, khắc khổ, ông Hái được coi là một trong những lão ngư kỳ cựu của sông Ba trong quá khứ. Lúc chúng tôi đến, ông Hái đang ngồi trên chiếc bàn đá, dáng vẻ trầm tư. Trước mặt ông là dòng sông Ba đã cạn đến đáy, sâu hút như vực. Không gian như đặc quánh bởi cái oi nồng quyện với mùi hôi theo gió cuốn từ dưới sông lên.

Rót nước mời chúng tôi, ông Hái nói: “Lâu nay tôi phải mua nước đóng chai về nấu uống. Còn tắm giặt thì có nước giếng. Chứ không dám xuống sông Ba múc nước lên dùng như trước nữa, vì ô nhiễm nặng lắm rồi. Ngay cả nước giếng cũng bị nhiễm mùi hôi, mỗi lần tắm xong là ngứa hết người”.

12-02-13_nh-4
12-02-13_nh-5
Những nhánh suối dẫn ra sông Ba khô nứt

Chúng tôi theo chân ông Hái, lần bước xuống lòng sông. Lối mòn xuống sông đã bị cây mắc cỡ và nhiều loại cây dại khác phủ kín vì lâu rồi không có người đi. Xuống đến giữa lòng sông, chúng tôi ai nấy đều thở hổn hển, phần vì từ bờ xuống khá xa và dốc, phần vì ánh nắng gay gắt như muốn thiêu cháy mọi thứ.

Ngẩng mặt nhìn lên bờ cao, nơi có ngôi nhà nhỏ của gia đình, ông Hái bảo: “Ngày xưa nước sông cao lắm, tận trên bờ kia kìa. Từ nhà, tôi chỉ bước vài bước chân là ra tới mép nước chứ không phải đi bộ bở hơi tai mới chạm vào nước như vậy. N

ước trong vắt, buổi trưa nắng, bơi xuồng ra giữa sông, có thể nhìn thấy cá bơi bên dưới. Hồi đó bà con có ai biết đào giếng là gì, cũng chằng cần nước máy. Ăn uống, tắm giặt đều dùng nước sông hết.

12-02-13_nh-7
Đây là sông Ba, doạn chảy qua huyện Ayun Pa

 

Từ mấy năm nay, chẳng còn thấy nước sông dâng lên nữa. Nhiều đêm tôi nằm mơ, thấy đang bơi xuồng trên sông lớn, nghe rõ cả tiếng sóng vỗ oàm oạp bên mạn thuyền nữa. Tôi mừng quá, hét lên mới giật mình tỉnh giấc. Có lẽ, sông Ba mãi mãi chỉ còn trong giấc mơ như vậy thôi. Mai mốt, con cháu mình sẽ không còn đứa nào biết nơi đây từng có một con sông lớn nhất vùng Tây Nguyên nữa. Tôi buồn lắm”.

Đâu rồi những đàn cá lao xao

Chúng tôi không có đủ thời gian để đi hết sông Ba dài gần 400 cây số, nhưng đoạn sông chảy qua thị xã An Khê dài khoảng 10km, xưa kia có hàng ngàn người sinh sống bằng nghề đánh bắt cá, hàng chục bến đò dập dìu đưa khách qua sông, nay vắng vẻ đìu hiu.

Ông Hái bảo, mấy năm nay, khi sông Ba không còn gì để kiếm sống, người ta bỏ xuồng, gác mái chèo, đi tha hương tìm việc hết rồi. Số không thể đi vì vướng bận gia đình, hay do sức khỏe thì cứ lay lắt với nghề “thợ đụng”, ai kêu gì làm nấy, gặp việc gì cũng làm.

“Hồi sông còn nhiều nước, nhiều cá, chỉ ngồi trước nhà nhìn xuống sông đã thấy vui lắm rồi. xuồng ghe qua lại tấp nập, tiếng mái chèo gõ mạn thuyền đuổi cá là âm thanh quen thuộc nhất, nhiều nhất”.

12-02-13_nh-8
Ông Hái đang kể về dòng sông Ba xưa

 

Từ bao đời nay, hàng triệu người dân sinh sống dọc 2 bên bờ sông Ba, cuộc đời họ gắn liền với dòng nước. Từ ăn uống, tắm giặt đến phục vụ sản xuất, tưới tiêu.

Ông Trần Văn Hòa, 49 tuổi, ở phường An Bình, TX An Khê, từng là một ngư dân kiếm sống trên sông nuôi sống gia đình bao năm, nhưng mấy năm nay đã phải lên bờ xới đất trồng khoai mì, kể: “Ngày xưa đây là vùng chuyên canh dưa hấu lớn nhất Tây Nguyên. Dọc 2 bên bờ sông, địa phận Gia Lai, có hàng ngàn ha dưa hấu. Do phù hợp thổ nhưỡng, lại nằm sát bờ sông, nước sông sạch nên việc chăm sóc rất thuận tiện, dưa ngon có tiếng.

Tôi nhớ hồi còn nhỏ, dưa hấu được vận chuyển đi nhiều nơi bằng xuồng, ghe. Mỗi vụ thu hoạch là bến sông tấp nập, trên sông cũng tấp nập. Từ ngày thủy điện chặn sông, nước đã ít lại bị ô nhiễm nên không trồng được dưa nữa. Ấy là cây trồng. Còn dưới sông, cá nhiều vô kể. Trong đó nhiều loài cá đặc sản như cá đá, cá lăng, cá chình, cá chốt, chạch lấu...

Nhiều làng chài từ đó hình thành, lớp ngư dân trên miền sơn cước này đã sống nhờ nguồn thủy sinh dồi dào của dòng sông mẹ. Nhưng bây giờ, tất cả chỉ còn trong quá khứ thôi”.

Ông Hòa kể, ông Hái được coi là một trong những ngư dân kỳ cựu, sát cá nhất của dòng sông Ba bằng chiêu gọi cá.

“Sau khi thả lưới, người ta thường bơi xuồng ra xa, dùng tay chèo gõ lên mạn thuyền để cá sợ mà chạy về phía lưới. Ông Hái cũng làm vậy, nhưng ông ấy không bơi xuồng ra xa, đậu ngay chỗ lưới để gõ nhẹ. Vậy mà lúc nào lưới ổng cũng nặng nhất. Mọi người bảo ông ấy gõ gọi cá đến chứ không phải đuổi cá. Nhiều người bắt chước mà không được”, ông Hòa nói.

Khi chúng tôi hỏi về điều này, ông Hái bảo: “Không phải tài giỏi gì, chẳng qua là lúc đó sông nhiều cá thôi. Tôi nhớ có những năm lũ về, nước dâng cao, cá nhảy cả lên bờ, nhiều lắm. Chỉ cần một nắm lưới và chiếc xuồng nhỏ, xuống sông một buổi là kiếm vài chục ký cá. Cá nhiều nên bà con cũng dùng lưới mắt to, bắt cá từ vài lạng trở lên chứ không ăn cá nhỏ. Hồi đó tôi bắt những con cá chình, lăng, chép, mè nặng trên dưới 2 chục ký là chuyện bình thường. Bây giờ trên sông chỉ còn loài cá rô phi lưỡng tính là chính”.

12-02-13_nh-9
Đây là một trong rất nhiều ngôi nhà dọc sông Ba khóa trái cửa đi làm ăn xa sau khi sông Ba “chết”

 

Nói về dòng sông Ba, nhà nghiên cứu văn hóa Tây Nguyên - TS Nguyễn Thị Kim Vân cho biết, sông Ba một trong những hiện thân của văn hóa Tây Nguyên từ rất lâu đời. Nhiều di chỉ khảo cổ dọc sông Ba, trên địa phận Gia Lai như Gò Đá, Soi Tre, H’lang… cho thấy xã hội loài người từng có mặt bên bờ sông Ba cách đây 7 - 8 chục vạn năm.

Các nhà khoa học đang chứng minh qua những lớp trầm tích trên triền sông Ba hôm nay về nhận định đây là dấu tích của nhiều tộc người nguyên thủy sống quần cư với phương thức săn, bắn, hái lượm dọc theo bờ sông Ba.

Và sau đó nữa, khi xã hội loài người hình thành đến thời kỳ đồ đá mới rồi thời kỳ đồng thau cho đến khi có các cuộc chiến tranh các bộ tộc và hình thành các vương quốc. Nếu sau này khoa học chứng minh được về một “nền văn minh” sông Ba thì chúng ta phải làm thế nào để bảo vệ dòng sông khi hiện nay nó đang chết?

“Sông Ba không chỉ là nguồn sống bao đời nay của người dân Tây Nguyên, mà còn góp một phần không nhỏ tạo hình nét văn hóa đặc trưng vùng miền.

Khi sông không còn, thì những phong tục, tập quán, những nét đẹp về văn hóa truyền thống của người dân gắn liền với dòng sông cũng sẽ mất đi.

Cứu sông chính là cứu những truyền thống văn hóa, những làng nghề đánh cá và cuộc sống của hàng triệu cư dân địa phương”, TS Nguyễn Thị Kim Vân.

 

Xem thêm
Thái Nguyên có thêm 2 Phó Giám đốc Sở

Sở Lao Động - Thương binh và Xã hội, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Nguyên vừa có tân Phó Giám đốc.

Sóc Trăng thay đổi từ tư duy ứng phó sang thích ứng với hạn mặn

ĐBSCL Dù hạn mặn trong mùa khô 2023 -2024 cao hơn trung bình nhiều năm, Sóc Trăng chưa ghi nhận thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh do hạn mặn gây ra.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cơn mưa bất chợt 'giải nhiệt' ở Bình Dương

Sau nhiều ngày nắng nóng liên tục, cơn mưa bất chợt xuất hiện đã làm dịu đi cái nóng gay gắt cho người dân ở Bình Dương.