| Hotline: 0983.970.780

Thủy sản cầm cự chờ thị trường hồi phục

Thứ Sáu 27/03/2020 , 13:10 (GMT+7)

VASEP vừa có công văn gửi Bộ trưởng Bộ NN-PTNT báo cáo tình hình xuất khẩu thủy sản trong bối cảnh dịch Covid-19, khó khăn của doanh nghiệp và dự báo trong thời gian tới.

Chế biến cá tra xuất khẩu. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Chế biến cá tra xuất khẩu. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Xuất khẩu giảm do Covid-19

Theo số liệu thống kê của Hải quan, trong 2 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản của cả nước đạt trên 991 triệu USD, giảm gần 11% so với cùng kỳ năm ngoái.

Dịch Covid-19 ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, xuất khẩu. Trong đó, dịch đã ảnh hưởng nhiều nhất đến thị trường Trung Quốc, khiến kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này giảm mạnh tới 44% trong 2 tháng qua. Xuất khẩu thủy sản sang EU cũng giảm mạnh 20%. Một số thị trường quan trọng khác như ASEAN, Hàn Quốc giảm lần lượt 4% và 9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP, cho hay, đại dịch Covid-19 đã và đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến rất nhiều lĩnh vực kinh tế như giao thông vận tải, du lịch, bán lẻ, thị trường chứng khoán, chuyển phát nhanh, logistics. Do vậy, hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu thủy sản cũng không tránh khỏi ảnh hưởng, ít nhất cho đến hết nửa đầu năm 2020.

Về từng mặt hàng cụ thể, trong 2 tháng đầu năm, xuất khẩu tôm vẫn tăng nhẹ 2,6% đạt 383 triệu USD. Tăng trưởng xuất khẩu tôm chủ yếu nhờ thị trường Nhật Bản tăng 16%. Trong khi đó, xuất tôm sang Trung Quốc giảm 37%, sang EU giảm 15%.

Với cá tra, giá trị xuất khẩu trong 2 tháng qua chỉ đạt 210 triệu US, giảm 32%. Trong đó, Trung Quốc giảm mạnh nhất, tới 52%; EU giảm 40%; Mỹ giảm 27%, ASEAN giảm 19% ....

Xuất khẩu hải sản 2 tháng đầu năm giảm 7%. Trong đó, giảm mạnh nhất là mực bạch tuộc, cá ngừ, chủ yếu do thiếu nguyên liệu chế biến xuất khẩu. Dịch covid-19 ảnh hưởng mạnh đến sản xuất, xuất khẩu của doanh nghiệp hải sản. Nhiều doanh nghiệp hải sản hiện nay chỉ hoạt động cầm chừng để duy trì công ăn việc làm cho công nhân, vì đơn hàng xuất khẩu bị giảm đáng kể hoặc bị hủy.

Doanh nghiệp gặp khó khăn lớn

Theo khảo sát của VASEP, do ảnh hưởng của Covid-19, tỷ lệ các đơn hàng vẫn được giao bình thường theo hợp đồng đã ký của các doanh nghiệp thủy sản hiện chỉ chiếm 30-50%.

Trong khi đó, tỷ lệ các đơn hàng bị khách yêu cầu tạm hoãn và tỷ lệ các đơn hàng bị khách yêu cầu dừng hoặc hủy khá cao (lần lượt 20-40% và 20-30%). Nguyên nhân chính được khách hàng đưa ra là do Chính phủ các nước đóng cửa biên giới vì dịch Covid-19. Khách hàng không bán được hàng nên không nhập hàng tiếp, các cửa hàng dịch vụ thực phẩm (food service) cũng ngừng hoạt động.

Thu hoạch thủy sản ở ĐBSCL. Ảnh: Thanh Sơn.

Thu hoạch thủy sản ở ĐBSCL. Ảnh: Thanh Sơn.

Các thị trường có tỷ lệ khách hàng yêu cầu hoãn giao hàng hoặc hủy đơn hàng nhiều là châu Âu, Hàn Quốc và Trung Quốc. Các thị trường khác như Nhật Bản, Mỹ, Nga ... cũng có đơn hàng bị hoãn và hủy nhưng không nhiều như nhóm thị trường kể trên. Đặc biệt tại thị trường Châu Âu phần lớn các đơn hàng tôm bị yêu cầu hoãn hoặc hủy đơn hàng, mặt hàng cá tra chịu tác động ít hơn do giá tiêu thụ rẻ hơn và chủ yếu bán cho các hệ thống siêu thị.

Không chỉ bị hoãn, hủy đơn hàng, các doanh nghiệp thủy sản đang bị ảnh hưởng không nhỏ do các hãng tàu biển thu hẹp lượng tàu (các tàu thường ăn hàng tại các cảng Trung Quốc) và bỏ chuyến. Do đó, hành trình của tàu về Việt Nam hoặc đi từ Việt Nam sang các nước khác (kể cả đi Mỹ hay EU...) bị kéo dài, đã ảnh hưởng nhiều đến kế hoạch giao hàng và làm tăng đáng kể chi phí của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, do lệnh phong tỏa của nhiều nước, một số nước không cấp được chứng từ gốc (như H/C gốc, C/O gốc ...) nên nhiều khi các container hàng nguyên liệu đã về cảng nhưng doanh nghiệp không đưa được hàng về vì chưa nhận được chứng từ gốc của nhà xuất khẩu gửi. Quá trình xuất khẩu hàng sang các nước cũng bị ảnh hưởng tương tự vì nguyên nhân chứng từ gốc đến chậm hơn các container hàng …

Ngoài ra, cũng do Covid-19, doanh nghiệp thu hồi tiền hàng từ khách hàng chậm và rất chậm. Doanh thu xuất khẩu lại giảm mạnh. Vì vậy, doanh nghiệp không xoay vòng được vốn, không có tiền trả các khoản vay ngân hàng.

Cầm cự chờ thị trường hồi phục

Theo VASEP, trong bối cảnh sản xuất, xuất khẩu thủy sản đang gặp khó khăn lớn do Covid-19, các doanh nghiệp thủy sản đang thực hiện nhiều giải pháp để cầm cự, chờ cơ hội thị trường.

Chẳng hạn, các doanh nghiệp tôm hiện đang tập trung vào 2 giải pháp căn bản: Phân bổ tài chính, nguồn lực để có thể vượt qua thời gian cầm cự này cùng người nuôi, khách hàng, đảm bảo đơn hàng; cân đối lại cơ cấu thị trường, không tập trung vào một số thị trường như trước đây, đặc biệt là thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc.

Theo VASEP, ngành hàng cá tra không lo ngại nhiều về nguyên liệu, nhưng chúng ta nên tiếp cận việc đánh số vùng nuôi hoặc đưa ra các điều kiện nuôi cá tra hoàn chỉnh hơn để chuẩn bị cho năm 2021 tốt hơn, đặc biệt liên quan đến chương trình thanh tra của FSIS. Vì hiện nay, chúng ta phải làm việc với Mỹ về cơ sở nuôi đủ điều kiện, đảm bảo khi xuất sang Mỹ sau dịch vẫn tốt. Việc xuất khẩu sang Trung Quốc thông qua thương lái, gia công sẽ phải hạn chế, để thị trường này được ổn hơn thông qua xuất khẩu chính ngạch.

Năm 2020 chắc chắn không thiếu nguyên liệu cá tra, nhưng năm 2021 có thể thiếu, nên phải tập trung từ năm nay để ổn định thị trường.

Thực tế cho thấy vẫn đang có những cơ hội thị trường cho ngành thủy sản, nhất là khi dịch bệnh lắng xuống ở các thị trường quan trọng.

Chẳng hạn, từ tháng 3 này, thị trường Trung Quốc đã bắt đầu có dần các đơn hàng trở lại.

Theo dự đoán của một số doanh nghiệp cá tra, sang tháng 4, xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc có thể phục hồi 50%, tháng 5 hồi phục 70% và đến tháng 6 mới có thể hồi phục hoàn toàn 100%.

Cá tra xuất sang EU chủ yếu bán cho hệ thống bán lẻ chứ không phải là phân khúc dịch vụ thực phẩm. Do đó thị trường này là cơ hội cho ngành cá tra khôi phục lại về xuất khẩu, nhất là sau khi EVFTA có hiệu lực.

Ngành cá tra có thể tận dụng thời cơ cá loại cá thịt trắng khác như cá minh thái, pollock tăng giá mạnh, khiến cho các nhà máy chế biến EU có thể sẽ cân nhắc thay thế một phần bằng cá tra, nhất là khi mà thuế nhập khẩu cá tra từ Việt Nam vào EU giảm từ 5% xuống 0% nhờ EVFTA.

Ngoài ra, nếu sản phẩm cá tra được kiểm soát chất lượng tốt, đẩy mạnh chế biến hàng giá trị gia tăng thì vẫn có thể có giá tốt trên thị trường châu Âu, khi kênh tiêu thụ tại một số thị trường hồi phục lại.

Ở thị trường Mỹ, giá cá tra bị ảnh hưởng do giá nguyên liệu xuống nhưng sản lượng tiêu thụ năm nay dự báo sẽ tốt hơn 2019 vì tồn kho đã hết. Dịch bệnh ở Mỹ dù lan rộng, nhưng cá tra vẫn có thể đứng vững trên thị trường này.

Các nhà máy chế biến cá thị trắng ở Trung Quốc bị đóng cửa do dịch bệnh, khiến cho sản lượng cá pollock từ Trung Quốc đưa sang Mỹ giảm, cũng là cơ hội cho cá tra.

Với ngành tôm, nếu người nuôi tôm cùng doanh nghiệp duy trì nuôi ở mức độ nào đó, để cầm cự đến tháng 6, tháng 7 khi thị trường hồi phục, thì ngành tôm vẫn có nguyên liệu để chế biến và xuất khẩu, bù đắp sụt giảm những tháng đầu năm.

Ngành hải sản vốn có nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ, nếu cầm cự được phải có phương án tài chính tốt hơn.

Vì vậy doanh nghiệp hải sản khai thác nói riêng, doanh nghiệp thủy sản nói chung rất cần sự hỗ trợ của Chính phủ, đặc biệt về nhu cầu về vốn: hỗ trợ cho kéo giãn thời gian nợ, giảm lãi suất, hỗ trợ dự trữ nguyên liệu, các quy định nhập khẩu nguyên liệu cũng như giảm tải các thủ tục hành chính cho doanh nghiệp…

Xem thêm
Bức tranh thị trường chè thế giới, Việt Nam có ghi dấu?

Đổi mới và 'cao cấp hóa' là chìa khóa mở rộng thị trường vì người tiêu dùng đang thay đổi nhu cầu theo hướng chè đặc sản và các sản phẩm chất lượng cao.

Xét tuyển công chức làm việc tại Cục Bảo vệ thực vật và Cục Thú y

Bộ NN-PTNT thông báo xét tuyển công chức làm việc tại Cục Bảo vệ thực vật và Cục Thú y thuộc Bộ, như sau:

Phân bón Lâm Thao và VinFast hợp tác vì tương lai xanh Việt Nam

Phân hón Lâm Thao và VinFast cùng hợp tác tổ chức chương trình 'Mãnh liệt tinh thần Việt Nam, phủ xanh Việt Nam' nhằm lan tỏa tinh thần xanh, thúc đẩy phát triển bền vững.

Dự án căn hộ Conic Boulevard có giá khoảng 37 triệu đồng/m2

Dự án Conic Boulevard gồm khu dân cư và căn hộ cao tầng với quy mô 5,3ha, tọa lạc tại đường Huỳnh Bá Chánh, thị trấn Tân Kiên, Bình Chánh, TP.HCM.

Bình luận mới nhất