| Hotline: 0983.970.780

Thủy sản Nghệ An kiên trì gỡ khó

Chủ Nhật 05/09/2021 , 08:59 (GMT+7)

Trong bối cảnh nguồn lực không mấy dư dả, để thực hiện chống khai thác IUU hiệu quả, ngành thủy sản Nghệ An cần áp dụng sách lược bài bản…

Muốn hướng đến mục tiêu phát triển bền vững ngành thủy sản Nghệ An, nhất thiết phải truyền tải quy định pháp luật đến cho ngư dân. Ảnh: Anh Khôi.

Muốn hướng đến mục tiêu phát triển bền vững ngành thủy sản Nghệ An, nhất thiết phải truyền tải quy định pháp luật đến cho ngư dân. Ảnh: Anh Khôi.

Đúng trọng tâm

Ngày 23/10/2017, Ủy ban Châu Âu (EC) cảnh báo “Thẻ vàng” đối với hoạt động khai thác IUU, đồng thời đưa ra 9 khuyến nghị yêu cầu Việt Nam cần phải thực hiện.

Bắt tay khắc phục cảnh báo với bộn bề lo toan, áp lực đặt ra vô cùng lớn, nhất là với một tỉnh có quy mô nghề biển khá dàn trải như Nghệ An. Tuy nhiên nhờ định hướng sát sao từ Trung ương, từ Bộ NN-PTNT, kết hợp với sự chủ động cần thiết trong quá trình triển khai, sau 4 năm ngành thủy sản địa phương đã từng bước gỡ nút thắt.

Lựa chọn đúng trọng tâm, nhập cuộc quyết liệt là mấu chốt của thành công. Ảnh: Việt Khánh.

Lựa chọn đúng trọng tâm, nhập cuộc quyết liệt là mấu chốt của thành công. Ảnh: Việt Khánh.

Trong tổng thể bức tranh với khá nhiều gam màu trầm, cộng thêm nguồn lực không mấy dư dả hiển nhiên không thể triển khai theo hình thức vơ bèo gạt tép. Muốn hướng đến mục tiêu phát triển bền vững nhất thiết phải có sách lược bài bản, trong đó ưu tiên đến những nội dung mang tính trọng tâm.

Quá trình thực hiện, vai trò của Sở NN-PTNT và Chi cục Thủy sản nhanh chóng được phát huy rõ nét. Bằng sự quyết liệt và trách nhiệm cần có, chỉ trong thời gian ngắn công tác tuyên truyền Luật Thủy sản 2017, các nghị đinh, thông tư, văn bản hướng dẫn về khai thác IUU đã được phổ biến sâu rộng, toàn diện đến các đối tượng liên quan, đặc biệt là ngư dân trực tiếp tham gia đánh bắt, khai thác.

Phải thấy rằng, ý thức của số đông đã được cải thiện rõ rệt trên nhiều phương diện, tình hình chung lúc này dần đi vào quy củ, nề nếp. Bằng chứng là việc ghi chép, nộp nhật ký, khai thác đúng ngư trường, lắp đặt thiết bị giám sát, duy trì hoạt động VMS cơ bản đều đảm bảo, chính vì thế áp lực dồn lên vai cơ quan chức năng cũng giảm tải đi nhiều.

Tình trạng khai thác thủy sản bất hợp pháp đã giảm thiểu rõ rệt trong thời gian gần đây. Ảnh: Việt Khánh.

Tình trạng khai thác thủy sản bất hợp pháp đã giảm thiểu rõ rệt trong thời gian gần đây. Ảnh: Việt Khánh.

Thời gian qua, ngành thủy sản Nghệ An tập trung vào nội dung kiểm tra, kiểm soát tàu thuyền và thẩm định, cấp giấy xác nhận nguồn gốc thủy sản. Trong tháng 8/2021, các tổ liên ngành nghề cá tại các cảng Cửa Hội, Lạch Vạn, Lạch Quèn, Quỳnh Phương đã kiểm tra tổng cộng hơn 400 lượt phương tiện ra vào.

Qua ghi nhận có trên 249 tấn sản lượng thủy sản được bốc dỡ, trong đó cảng Lạch Quèn lớn nhất với 179 tấn, tiếp theo là Quỳnh Phương 37 tấn, Cửa Hội 19 tấn và Lạch Vạn 14 tấn.

Tính rộng ra, 8 tháng đầu năm 2021, cơ quan chuyên ngành đã kiểm tra hơn 4.000 lượt tàu rời, cập cảng với hơn 3.525 tấn thủy sản các loại.

Ở khía cạnh khác, tính đến 18/8 toàn tỉnh Nghệ An có 1.205 tàu cá đáp ứng chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên. Đáng nói, số phương tiện đã lắp đặt hệ thống giám sát hành trình lên đến 1.136 chiếc, chiếm 94,27%, tỷ lệ rất cao.

Ưu tiên, cấp bách

Từ 2018 đến 2020 có 30 trường hợp xâm phạm vùng biển nước ngoài, qua kiểm tra, xác minh cho thấy yếu tố khách quan chiếm phần đa. Thực tế một số tàu gặp sự cố hỏng máy, trong thời gian sửa chữa phương tiện bị trôi sang vùng cấm. Ngoài ra, trong quá trình đánh bắt tàu di chuyển theo đàn cá nhưng không kiểm soát được tọa độ nên đã vô tình tiến vào vùng biển nước ngoài lúc nào không hay.

Để khắc phục các tồn tại, Sở NN- PTNT đã chỉ đạo Chi cục Thủy sản tăng cường theo dõi, kiểm soát hoạt động trên biển, lập danh sách các tàu cá có dấu hiệu vi phạm khai thác IUU, đặc biệt là vượt ranh giới vùng biển Việt Nam để kịp thời có phương án chấn chỉnh.

Trong quá trình thực hiện, vai trò của cơ quan chuyên ngành thủy sản Nghệ An được thể hiện rõ nét. Ảnh: Quý An.

Trong quá trình thực hiện, vai trò của cơ quan chuyên ngành thủy sản Nghệ An được thể hiện rõ nét. Ảnh: Quý An.

“Trên cơ sở danh sách có dấu hiệu vi phạm khai thác IUU, các Sở, ban, ngành, chính quyền địa phương đã tổ chức thanh tra, kiểm tra, xử lý theo quy định”, ông Trần Xuân Học, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Nghệ An cho biết.

Nhằm đảm đương và hoàn thành tốt khối lượng công việc trong thời gian tới, Nghệ An sẽ sớm ban hành quyết định kiện toàn Ban chỉ đạo tỉnh về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định.

Trên tinh thần đó, người đứng đầu của các Sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị ven biển phải đề cao trách nhiệm, trực tiếp chỉ đạo quyết liệt, sâu sát hơn nữa nhằm đạt kết quả cao theo chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư, của Thủ tướng Chính phủ, của Ban Chỉ đạo quốc gia, Ban chỉ đạo IUU tỉnh. Tất cả phải xem đây là nhiệm vụ ưu tiên, cấp bách.

Xem thêm
Một số nơi phát triển nóng nuôi cá nước lạnh

Cá nước lạnh đang có lợi thế phát triển mạnh ở nước ta. Tuy nhiên, việc sản xuất gặp không ít khó khăn về môi trường, dịch bệnh..., một số nơi phát triển nóng.

Tập huấn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản

CÀ MAU Ngày 19/12 tại TP Cà Mau, Cục Kiểm ngư phối hợp với Sở NN-PTNT Cà Mau tổ chức tập huấn hướng dẫn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Xây dựng nông thôn mới ở các làng, nơi ven biển thành nơi đáng sống

Đây là mục tiêu mà Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng ven biển.