Thực hiện rốt ráo ý kiến chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ và kết luận của Ban chỉ đạo quốc gia về IUU, Nghệ An đã triển khai nhiều giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo thẻ vàng của Ủy ban Châu Âu (EC). Sau hơn 3 năm, kết quả thu về rất đáng ghi nhận.
Còn nhớ, khi Ủy ban Châu Âu rút "thẻ vàng" đối với thủy sản khai thác của VN xuất khẩu vào EU cuối năm 2017 tình hình thực sự gian nan. Nghệ An, một tỉnh có bờ biển trải dài cùng đội ngũ phương tiện đánh bắt khá hùng hậu đã nghiêm túc nhìn lại mình bắng cách hoạch định, triển khai phương án phù hợp để sớm khắc phục vấn đề này.
Có định hướng từ Trung ương, sự chỉ đạo quyết liệt từ UBND tỉnh, có sự nhập cuộc kịp thời của cơ quan chuyên ngành (Sở NN-PTNT, Chi cục Thủy sản…), chính quyền sở tại, sau hơn 3 năm thực hiện nghiêm túc dễ thấy nhận thức của các bên liên quan, đặc biệt là chủ tàu và số đông ngư dân đã cải thiện thấy rõ, với họ khái niệm “đánh bắt hợp pháp” giờ không còn lạ lẫm.
Thời gian qua ngành thủy sản Nghệ An ưu tiên thực hiện nhiều nội dung mang tính “then chốt”, điển hình như: Triển khai quyết liệt các nội dung theo yêu cầu của Bộ NN-PTNT về các giải pháp chống khai thác IUU; tiếp tục rà soát, bổ sung và khắc phục các nội dung còn tồn tại đã được Đoàn kiểm tra của Sở NN-PTNT nêu tại Thông báo số 152/TB-SNN-TS ngày 22/4/2021 về kiểm tra thực hiện các quy định tại các cảng cá, hoạt động thực thi nhiệm vụ của Tổ Công tác liên ngành và tàu cá hoạt động khai thác thủy sản.
Điểm nhấn nữa đến từ việc giải quyết, hỗ trợ kinh phí mua, lắp đặt, vận hành thiết bị giám sát hành trình và cước phí thuê bao dịch vụ cho thiết bị giám sát hành trình lắp đặt đối với những tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên… riêng năm 2020 kinh phí thực hiện đạt trên 6.270.000.000 đồng, rất đáng ghi nhận trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 bủa vây.
Theo ghi nhận của Nông nghiệp Việt Nam, 6 tháng đầu năm 2021, Sở NN-PTNT đã chỉ đạo Chi cục Thủy sản phối hợp với các Đồn Biên phòng tuyến biển thực hiện tuần tra, kiểm soát 170 ngày, đã tiến hành kiểm tra 1.611 lượt phương tiện. Cơ quan chuyên môn đã phát hiện và xử lý 47 vụ, xử phạt vi phạm hành chính 393 triệu đồng. Với hệ thống đường biển trải dài, lực lượng tham gia đánh bắt lại dàn trải, con số trên cho thấy tình trạng khai thác thủy sản bất hợp pháp đã giảm thiểu rõ rệt.
Bên cạnh những mặt tích cực, công tác khắc phục thẻ vàng của EC vẫn tồn tại một số vấn đề nhất định, trong đó xen lẫn cả chủ quan lẫn khách quan, như: Việc ghi và nộp nhật ký của ngư dân chưa đầy đủ, một số ngư dân chưa thực hiện nghiêm túc việc thông báo trước khi cập/rời cảng; thiết bị giám sát hành trình tàu cá hay bị mất tín hiệu kết nối, các chủ tàu cá thiếu kinh nghiệm sử dụng thiết bị; tình trạng vi phạm trong hoạt động khai thác thủy sản vẫn còn diễn ra…
Từ đòi hỏi thực tế, ngành thủy sản Nghệ An xác định phải tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, phổ biến các quy định pháp luật về hoạt động thủy sản, Luật Thủy sản 2017, quy định về khai thác IUU.
Duy trì thường xuyên hoạt động của các Tổ công tác liên ngành kiểm tra, kiểm soát tại các cảng cá; kiên quyết không cho các tàu cá ra khơi khi chưa đáp ứng đầy đủ các thủ tục, đồng thời xử lý nghiêm đối với các trường hợp cố tình vi phạm…
Sở NN-PTNT kiến nghị Bộ NN-PTNT sớm có văn bản đề nghị Bộ Tài chính điều chuyển tàu Kiểm ngư KN-101-VN thuộc Chi cục Kiểm ngư Vùng I cho Chi cục Thủy sản Nghệ An để thực hiện tốt Kế hoạch chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, khắc phục cảnh báo thẻ vàng của Ủy ban Châu Âu trong thời gian tới,