| Hotline: 0983.970.780

Nghệ An lợi thế về thủy sản, cần hoàn thiện để gỡ thẻ phạt của EC

Thứ Tư 24/03/2021 , 08:02 (GMT+7)

Hệ thống bờ biển trải dài, phương tiện nghề cá khá hùng hậu cùng đội ngũ ngư dân kinh nghiệm dạn dày, Nghệ An hội tụ tiềm năng để phát triển ngành nghề thủy sản.

Thủy sản Nghệ An đã có bước chuyển rõ nét trong những năm gần đây. Ảnh: Việt Khánh.

Thủy sản Nghệ An đã có bước chuyển rõ nét trong những năm gần đây. Ảnh: Việt Khánh.

Trù phú nhờ biển cả

Ngư dân khắp các vùng biển đất Nghệ, từ Cửa Lò, Nghi Lộc, Diễn Châu kéo đến Quỳnh Lưu, Hoàng Mai hiểu rõ hơn ai hết nguồn tài nguyên quý giá được thiên nhiên ưu ái ban tặng, biết gìn giữ, nuôi nấng thì có cơm ăn áo mặc, có cuộc sống đủ đầy sung túc, bằng không sớm muộn cũng rơi vào tình cảnh suy kiệt.

Ngành thủy sản Nghệ An thời gian qua có sự chuyển biến hết sức toàn diện, từ sản lượng đánh bắt, diện tích nuôi trồng và sản xuất giống thủy sản, tất thảy đều có bước đột phá vượt bậc.

Nhận thức của những người trong cuộc có bước chuyển rõ rệt, lại được thụ hưởng những chính sách thiết thực của Đảng và Nhà nước, đông đảo ngư dân đã mạnh dạn đầu tư nâng cấp, sắm sang thuyền to máy lớn nhằm đáp ứng nhu cầu vươn khơi.

Qua khảo sát, Nghệ An có bờ biển dài trên 82 km, có 4 cảng cá lớn cùng nhiều bến cá nhân dân, có đến 6 khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá được phân bổ tại 6 cửa lạch. Đặc biệt toàn tỉnh sở hữu đội ngũ tàu thuyền hùng hậu với khoảng 3.500 chiếc, trong đó số lượng tàu dài từ 15m trở lên chiếm khoảng 1/3.

“Phương tiện, máy móc được nâng cấp theo hướng hiện đại, kỹ thuật đánh bắt được nâng tầm rõ rệt so với trước kia tự khắc sẽ mang lại hiệu quả kinh tế biển vượt trội”, lời này được thốt lên từ chính những người con đất biển.

Đội ngũ tàu cá ngày càng được nâng cấp theo hướng quy mô lớn. Ảnh: Việt Khánh.

Đội ngũ tàu cá ngày càng được nâng cấp theo hướng quy mô lớn. Ảnh: Việt Khánh.

Theo số liệu thống kê của cơ quan chuyên ngành, tổng sản lượng thủy sản năm 2020 của Nghệ An đạt 244.000/KH232.000 tấn, tăng 9,04% so với năm 2019. Hiệu quả kinh tế chuyển dịch nhanh góp phần cải thiện rõ rệt đời sống của dân đi biển. Lúc này đây bữa cơm thường nhật không còn là đích đến, nhà nào nhà nấy cũng khấm khá thấy rõ, số hộ tích lũy được tiền trăm bạc tỷ không hiếm. Khi cái bụng đã no, bà con giờ toàn tâm toàn ý bám biển vươn khơi.

Nằm phía đông bắc thị xã Hoàng Mai, biết vận dụng hiệu quả các cơ chế chính sách của Nhà nước để phát huy lợi thế sẵn có, diện mạo phường Quỳnh Phương thực sự có bước chuyển mình kinh ngạc.

Trước người dân nơi đây chủ yếu dùng thuyền nhỏ, dài 6-10m, buồm nâu hình cánh én chuyên đánh bắt vùng ven. Công cụ thô sơ, sức người có hạn thành thử chỉ thu về được một phần nhỏ lợi nhuận, tính ra chẳng thấm tháp vào đâu.

Nếu chỉ “quẩn quanh” ven bờ thì đói nghèo mãi không dứt, muốn khấm khá buộc phải thay đổi tư duy, phải đầu tư đóng mới tàu thuyền, cải hoán nâng cao công suất, phải mua sắm ngư cụ hiện đại để vươn ra khơi xa, phải đánh bắt những con cá lớn, cho giá trị cao.

Để đổi lấy thành quả tương xứng không thể chỉ “hô khẩu hiệu”, ngược lại phải xắn tay vào làm, tiến tới hình thành những chuỗi hoạt động liên kết bền vững, ở đó mỗi cá thể phải bổ trợ, phối hợp nhuần nhuyễn cùng nhau.

Tại Quỳnh Phương, dựa vào mức độ quy mô cùng từng phương tiện khai thác sẽ bố trí số lượng lao động phù hợp, thông thường những tàu cá công suất vừa cần 6-7 lao động, với thuyền lớn tăng lên 12-13 người, thậm chí 15 – 20 người.

Áp dụng cách trên, tiềm năng đất biển Quỳnh Phương không còn là lý thuyết. Với khoảng 700 phương tiện nghề cá các loại, trên 40 tổ hợp tác, hơn 2.000 hộ thường xuyên bám biển, tất thảy khắc họa lên nét trù phù, ấm no.

Chung tay gỡ thẻ vàng

Thực thi Luật Thủy sản và các khuyến nghị của EC về chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của Chính phủ và các Bộ ngành Trung ương, UBND tỉnh Nghệ An đã trình HĐND tỉnh ban hành 2 Nghị quyết về chính sách hỗ trợ kinh phí mua, lắp đặt, vận hành thiết bị giám sát hành trình và cước phí thuê bao dịch vụ cho thiết bị giám sát hành trình tàu cá.

Kinh tế biển Nghệ An đã được nâng tầm thấy rõ. Ảnh: Việt Khánh.

Kinh tế biển Nghệ An đã được nâng tầm thấy rõ. Ảnh: Việt Khánh.

Cùng với đó, UBND tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo IUU và Văn phòng đại diện thanh tra, kiểm soát nghề cá tại các cảng (Lạch Hội, Lạch Vạn, Lạch Quèn, Lạch Cờn). Đồng thời ban hành quy chế phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong quá trình thanh, kiểm tra, kiểm soát…

Các Tổ công tác liên ngành nghề cá tiến hành thanh tra, kiểm soát 100% tàu cá chiều dài lớn nhất từ 24m trở lên; 5 – 10% tàu cá có chiều dài lớn nhất dưới 24m mỗi khi phương tiện cập, rời cảng, đạt yêu cầu theo quy định tại Thông tư 21/2018/TT-BNNPTNT.

Đánh giá tình hình, Giám đốc Sở NN-PTNT Nguyễn Văn Đệ cho biết, qua 3 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 45/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và khuyến nghị của EC, Nghệ An đã bám sát tình hình thực tiễn để chỉ đạo quyết liệt, qua đó đạt được nhiều kết quả tích cực, đến nay cơ bản khắc phục được các vấn đề, tồn tại mà các Đoàn công tác đã chỉ ra trong các đợt kiểm tra.

Trên thực tế, phần lớn ngư dân trên địa bàn đã chủ động lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, tuân thủ tốt các quy định trong lĩnh vực khai thác thủy sản, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng. Tình trạng vi phạm khai thác vùng biển nước ngoài giảm mạnh, công tác giám sát tàu cá từng bước được cải thiện, sản lượng bốc dỡ thủy sản qua cảng tăng nhanh (năm 2019 đạt 30 – 40%, năm 2020 đạt 50 – 60%).

Đền thời điểm này Nghệ An đã nâng cấp hoàn chỉnh Trạm bờ, qua đó đảm bảo kết nối đồng bộ với hệ thống Trạm bờ Trung tâm (thuộc Tổng cục Thủy sản), quản lý chặt chẽ đội tàu hoạt động trên các vùng biển thông qua báo cáo vị trí bằng tin nhắn.

Hệ thống nghề cá tại Nghệ An đang có bước chuyển tích cực. Ảnh: Việt Khánh.

Hệ thống nghề cá tại Nghệ An đang có bước chuyển tích cực. Ảnh: Việt Khánh.

Đáng chú ý, trong năm 2020 HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 02/2020/NQ-HĐND tạo điều kiện, hỗ trợ ngư dân 50% kinh phí mua và lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, hỗ trợ tiếp 50% cước phí duy trì hoạt động cho thiết bị giám sát hành trì tàu cá, định mức không quá 120.000đ/ tàu/ tháng, áp dụng đến năm 2025…

Kết quả đạt được là điều không thể phủ nhận, dù vậy tổng quan ngành thủy sản Nghệ An vẫn đang tồn tại một số vấn đề nhất định. Trước tiên, việc ghi chép và nộp nhật ký khai thác của ngư dân chưa đầy đủ, ít nhiều vẫn mang tính đối phó. Vấn nạn sử dụng xung điện, khai thác tận diệt vẫn còn…

Khách quan mà nói, một phần nguyên nhân bắt nguồn từ việc hệ thống thiết bị giám sát hành trình chưa ổn định, thường xuyên mất kết nối. Hai nữa là hạ tầng nghề cá chưa được đầu tư đúng mức, một số luồng lạch ra vào bị bồi lắng nghiêm trọng buộc các chủ phương tiện phải ưu tiên phương án rời cảng tập trung. Nhu cầu tàu thuyền ra vào lớn, trong khi nhân lực tại cảng cá quá mỏng nên kết quả giám sát bị ảnh hưởng thấy rõ.

Một vấn đề hóc búa nữa là vùng biển quản lý rộng nhưng nguồn kinh phí phân bổ cho nội dung này lại khá hạn chế, thành thử việc thực thi pháp luật khá ngắt quãng. Đáng lo không kèm là đội tàu kiểm ngư trên địa bàn đã quá cũ kỹ, tốc độ di chuyển không đảm bảo…

Dẫu khó nhưng không thể viện vào đó để buông xuôi, xác định “gỡ thẻ vàng của EC” là nhiệm vụ sống còn, thời gian tới Nghệ An sẽ tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống khai thác thủy sản bất hợp pháp trên diện rộng.

Mấu chốt là tuyên truyền hiệu quả Luật Thủy sản 2017 cùng cá quy định về IUU cho các tổ chức, cá nhân có liên quan, qua đây sớm hoàn thiện 4 mục tiêu trọng tâm: khung pháp lý; hệ thống theo dõi, giám sát và kiểm soát; thực thi pháp luật; truy xuất nguồn gốc từ khai thác.

Xem thêm
Một số nơi phát triển nóng nuôi cá nước lạnh

Cá nước lạnh đang có lợi thế phát triển mạnh ở nước ta. Tuy nhiên, việc sản xuất gặp không ít khó khăn về môi trường, dịch bệnh..., một số nơi phát triển nóng.

Tập huấn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản

CÀ MAU Ngày 19/12 tại TP Cà Mau, Cục Kiểm ngư phối hợp với Sở NN-PTNT Cà Mau tổ chức tập huấn hướng dẫn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Xây dựng nông thôn mới ở các làng, nơi ven biển thành nơi đáng sống

Đây là mục tiêu mà Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng ven biển.