Chế biến cá tra xuất khẩu. Ảnh: Minh Sáng. |
Theo Tổng cục Hải quan, 11 tháng đầu năm nay, xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc tăng 19,7% so với cùng kỳ 2018 và đạt 1,1 tỷ USD.
Như vậy, đây là lần thứ 2, xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc đạt trên 1 tỷ USD trong 1 năm (lần đầu tiên xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc đạt hơn 1 tỷ USD là năm 2017). Đồng thời, giá trị xuất khẩu trong 11 tháng qua đã giúp cho xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc trong năm nay vượt kỷ lục về giá trị của năm 2017 (đạt 1,085 tỷ USD).
Và cũng với giá trị xuất khẩu như trên, Trung Quốc tiếp tục là thị trường lớn thứ 4 của thủy sản Việt Nam, sau Mỹ, Nhật Bản và EU.
Nhưng có một điều đáng chú ý là giá trị xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc đã tiệm cận với giá trị xuất sang EU (1,1 tỷ USD so với 1,15 tỷ USD trong 11 tháng năm 2019). Do đó, với đà tăng trưởng tốt, Trung Quốc hoàn toàn có thể vượt qua EU để đứng vào Top 3 thị trường lớn nhất của thủy sản Việt Nam trong thời gian ngắn sắp tới.
Năm 2020, xuất khẩu sang Trung Quốc được đánh giá là vẫn có nhiều cơ hội tăng trưởng tốt cho thủy sản Việt Nam. Trước hết là nhu cầu ngày càng tăng cao ở thị trường này.
Chẳng hạn, năm 2018 Trung Quốc đã nhập khẩu tới 5,2 triệu tấn thủy sản, tăng 7% so với năm 2017. Nửa đầu năm nay, Trung Quốc nhập khẩu 7,03 tỷ USD thủy sản, tăng tới 32% so với cùng kỳ năm 2018…
Hai sản phẩm được kỳ vọng nhất của thủy sản Việt Nam tại thị trường Trung Quốc năm 2020, vẫn sẽ là cá tra và tôm.
Xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc – Hồng Kông trong năm 2019 đã đạt được mức tăng trưởng tốt là 19,3% (đạt 552, 4 triệu USD).
Với đà tăng trưởng tốt của nửa cuối năm 2019 nhờ đã thích ứng với các quy định mới, Trung Quốc sẽ tiếp tục là điểm đến đầy hứa hẹn của cá tra trong năm 2020.
Theo Công ty Chứng khoán KIS, Trung Quốc đang có nhiều khả năng trở thành thị trường dẫn dắt cho cá tra trong những năm tới.
Trước hếy là do quy mô dân số lớn với hơn tỷ người, sẽ hỗ trợ cho ngành dịch vụ ăn uống nội địa ở Trung Quốc phát triển.
Tiêu thụ cá tra trên đầu người ở Trung Quốc hiện còn thấp (0,14 kg/người) so với 0,32 kg/người của thị trường Mỹ. Vì vậy, dư địa để đẩy mạnh xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc còn rất lớn
Sự tham gia mạnh mẽ của các nhà xuất khẩu cá tra Việt Nam vào các kênh thương mại điện tử ở Trung Quốc, nhất là kênh Alibaba, sẽ giúp cho cá tra Việt Nam có cơ hội đi sâu vào nội địa Trung Quốc và đa dạng hóa sản phẩm, nhất là sản phẩm giá trị gia tăng.
Xuất khẩu tôm sang Trung Quốc những tháng cuối năm 2019 tăng. Ảnh: Minh Sáng. |
Với con tôm, cũng nhờ đã đáp ứng được những quy định mới của Trung Quốc, mà từ tháng 5 đến nay, đã tăng trưởng trở lại ở thị trường này. Trong 10 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu tôm sang Trung Quốc đạt 438,6 triệu USD, tăng 8,7% so với cùng kỳ 2018.
Những tháng cuối năm 2019, tôm Việt Nam xuất sang Trung Quốc từng có thời điểm tăng mạnh, nhờ hưởng lợi từ việc Trung Quốc ban hành lệnh cấm tạm thời với 4 công ty xuất khẩu tôm của Ecuador.
Tuy nhiên, vừa qua, lệnh cấm này đã được phía Trung Quốc dỡ bỏ hồi cuối tháng 11, đồng nghĩa với việc tôm Việt Nam không còn lợi thế này nữa.
Trong khi đó, tôm Việt Nam vẫn chưa cạnh tranh được về giá so với tôm Ecuador và Ấn Độ. Vì vậy, lợi thế lớn nhất của tôm Việt Nam khi xuất sang Trung Quốc là vị trí địa lý gần gũi và nhu cầu ngày càng cao của thị trường lớn này về tôm nhập khẩu.
Năm 2019, một số dự báo quốc tế cho hay, nhu cầu nhập khẩu tôm của Trung Quốc lên tới 800 ngàn tấn và sẽ tiếp tục tăng trong những năm tới, qua đó sẽ đưa Trung Quốc vượt qua Mỹ trở thành thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất.
Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP, trong bối cảnh biên mậu đã bị siết chặt, để gia tăng được giá trị xuất khẩu tôm sang Trung Quốc, ngành tôm phải chú trọng nâng cao chất lượng. Đã đến lúc cũng phải coi Trung Quốc là thị trường có yêu cầu cao về an toàn thực phẩm, chất lượng… như nhiều thị trường khác.