Thời điểm vàng để thủy sản tăng tốc
Theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến, 2020 là một năm ngành nông nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. Ngoài sự bùng phát của dịch Covid-19, Việt Nam còn bị ảnh hưởng bởi bão chồng bão, lũ chồng lũ ở miền Trung, xâm ngập mặn, biến đổi khí hậu, mưa đá, dông lốc gây thiệt hại nặng nề đến ngành thủy sản. Tuy vậy nông nghiệp Việt Nam vẫn đạt được những chỉ tiêu đề ra.
Đại dịch Covid-19 bùng phát gây ra những ảnh hưởng hết sức nghiêm trọng, tác động tiêu cực đến nền kinh tế toàn thế giới. Trong bối cảnh đó, nhiều nước trên thế giới đã tiến hành tiêm vacxin Covid-19 và mang lại kết quả tốt. Nhiều quốc gia đã phục hồi và có tốc độ tăng trưởng kinh tế rất nhanh.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến phân tích: “Trong thời gian dịch Covid-19 bùng phát, nhiều chuỗi cung ứng sản xuất đứt gãy, các nước cạnh tranh thủy sản với Việt Nam cũng đang gặp nhiều khó khăn. Việc Việt Nam phòng chống Covid-19 tốt chính là cơ hội để chúng ta chuẩn bị tổ chức sản xuất, sẵn sàng xuất khẩu thủy sản tới những thị trường lớn như chúng ta đã làm được trong nhiều năm qua.”
“Thời điểm các chuỗi sản xuất lương thực thực phẩm của thế giới đứt gãy cũng là lúc Việt Nam dần khống chế được dịch Covid-19. Đó là điều kiện thuận lợi để ngành thủy sản tăng tốc, là cơ hội mà chúng ta phải nhận định đúng tình hình và triển khai nhanh chóng mang lại kết quả tốt”, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT nhấn mạnh.
Năm 2020, đại dịch Covid-19 ảnh hưởng đến giao thương thủy sản với tất cả các thị trường. Tuy nhiên, một số thị trường vẫn tăng nhập khẩu thủy sản từ Việt Nam, bao gồm Mỹ tăng gần 10%, Anh tăng 23%, Canada tăng 14%, Nga tăng 32% và Australia tăng 10%. Sự ổn định nguồn cung, đa dạng sản phẩm đã đáp ứng được thị hiếu thay đổi của người tiêu dùng các nước trong bối cảnh Covid-19.
Chiếm lĩnh thị trường nội địa
Trước ảnh hưởng của dịch Covid-19 tới hoạt động khai thác thủy sản, Tổng cục thủy sản (Bộ NN-PTNT) đã thường xuyên theo dõi tình hình sản xuất của các địa phương, qua đó chỉ đạo tăng cường kiểm soát tàu cá tại cảng, đảm bảo công tác phòng chống dịch nhưng không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất khai thác.
Ngoài định hướng chế biến, tiêu thụ xuất khẩu những năm gần đây, trước việc dịch Covid-19 làm cho xuất khẩu lưu thông khó khăn, thủy hải sản đã chứng kiến nhu cầu chế biến, tiêu thụ nội địa các mặt hàng thủy hải sản tăng mạnh.
Đặc biệt các sản phẩm tươi sống đóng góp quan trọng trong việc đảm bảo nhu cầu thực phẩm sạch trong nước, cung cấp nguồn dinh dưỡng chất lượng cho người dân. Giúp ngư dân thay đổi thói quen khai thác, quan tâm đến khâu bảo quản và rút ngắn ngày khai thác để có sản phẩm tươi ngon phục vụ tại chỗ, tiêu thụ nội địa.
Theo Tổng cục thủy sản, trong năm 2020, với sự chỉ đạo của lãnh đạo Bộ NN-PTNT, các ngành hàng, hiệp hội trong lĩnh vực thủy sản đã tổ chức thúc đẩy tiêu thụ trong nước. Từ những kết nối này, sản phẩm cá tra đã được được thị trường trong nước đón nhận tốt, nhất là các thị trường ở phía Bắc.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp đã xây dựng chiến lược sản xuất và phát triển thị trường trong nước. Đây là giải pháp quan trọng để giúp cân đối giữa xuất khẩu và tiêu thụ trong nước.
Ngoài ra, ngành thủy sản cũng rất linh hoạt trong những sản phẩm xuất khẩu truyền thống. Việt Nam đã chỉ đạo các cơ sở chế biến xuất khẩu có sản phẩm phục vụ trực tiếp cho các hộ gia đình và có thể sử dụng được ngay trong bối cảnh giãn cách xã hội.
Đây chính là những định hướng, kinh nghiệm mà ngành thủy sản có thể thích ứng với những biến động trong tình hình mới đối với trong nước và quốc tế, để từ đó phát huy lợi thế và tranh thủ được thị trường nội địa.
Năm 2020, Việt Nam đã đạt được 8,45 triệu tấn sản lượng thủy sản, trong đó khai thác đạt 3,85 triệu tấn, nuôi trồng đạt 4,6 triệu tấn. Xuất khẩu thủy sản đạt 8,5 tỷ USD.
Năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 339/QĐ-TTg phê duyệt chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Mục tiêu đến năm 2030 sản lượng sẽ đạt 9,8 triệu tấn, trong đó khai thác đạt 2,8 triệu tấn, nuôi trồng đạt 7 triệu tấn. Xuất khẩu thủy sản đạt 14 - 16 tỷ USD.