| Hotline: 0983.970.780

Thủy sản Tây Ninh-[Bài 3]-Đánh thức tiềm năng

Thứ Năm 24/03/2022 , 11:47 (GMT+7)

Tây Ninh không giáp biển nhưng dư địa phát triển ngành thủy sản là rất lớn, bởi có hai con sông lớn chảy qua, cùng hệ thống kênh mương thủy lợi tương đối hoàn thiện.

Dư địa lớn

Theo Sở NN-PTNT Tây Ninh, hồ Dầu Tiếng rộng 27.000 ha với dung tích khoảng 1,5 tỷ m3 nước, ngoài việc cung cấp nước tưới cho nông nghiệp thì nguồn lợi thủy sản trong hồ rất lớn. Để sản lượng đánh bắt thủy sản tăng theo từng năm, tỉnh Tây Ninh cũng đã và đang làm tốt công tác bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản ở các địa phương, qua đó, sản lượng thủy sản đã tăng đáng kể.

Người dân nuôi thủy sản cạnh tuyến kênh TN17 đoạn chảy qua địa phận huyện Châu Thành (Tây Ninh). Ảnh: Trần Trung.

Người dân nuôi thủy sản cạnh tuyến kênh TN17 đoạn chảy qua địa phận huyện Châu Thành (Tây Ninh). Ảnh: Trần Trung.

Đặc biệt, trước đây, hệ thống thuỷ lợi Dầu Tiếng chủ yếu phục vụ nước tưới tiêu sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, những năm gần đây, nhiều diện tích đất dọc các tuyến kênh đã chuyển đổi sang mô hình nuôi trồng thuỷ sản. Ngoài ra, nghề nuôi thả thủy sản ở Tây Ninh cũng rất phát triển ở những địa phương có sông Vàm Cỏ Đông đi qua, tại đây đã thành lập ra các HTX nuôi trồng thủy sản. Ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn Tây Ninh cũng đã mở nhiều lớp tập huấn, nhiều điểm trình diễn kỹ thuật, nhiều buổi hội thảo chuyên đề, đồng thời ký kết với Trung tâm Khuyến ngư Quốc gia thực hiện nhiều mô hình như nuôi trồng thủy hải sản.

Đơn cử tại huyện Dương Minh Châu, thông qua các hệ thống kênh mương thủy lợi, tổng diện tích nuôi trồng thuỷ sản trên địa bàn huyện là 374 ha, tập trung tại các xã Lộc Ninh, Chà Là, Phước Ninh và Phước Minh. Lợi nhuận từ nuôi trồng thuỷ sản cao gấp 2,5 đến 4 lần so với trồng lúa, giúp nhiều hộ dân ổn định cuộc sống. Còn tại xã Lộc Ninh, những năm gần đây, nhận thấy mô hình nuôi trồng thuỷ sản phát huy hiệu quả kinh tế, nhiều người dân mạnh dạn chuyển đổi những diện tích đất kém hiệu quả sang nuôi trồng thuỷ sản. Ðến nay, xã Lộc Ninh có diện tích nuôi trồng thuỷ sản đạt khoảng 100 ha.

Nhờ nguồn nước ngọt từ hồ thủy lợi và hệ thống kênh mương được đầu tư đồng bộ, thủy sản được xem là hướng đi mới của người dân địa phương. Ảnh: Trần Trung.

Nhờ nguồn nước ngọt từ hồ thủy lợi và hệ thống kênh mương được đầu tư đồng bộ, thủy sản được xem là hướng đi mới của người dân địa phương. Ảnh: Trần Trung.

Bên cạnh đó, Tây Ninh có tiềm năng rất lớn để phát triển vùng nguyên liệu cá tra. Chỉ riêng nuôi cá tra bè, cá tra ao ở các vùng trũng ven sông Vàm Cỏ Đông, thì nguồn nguyên liệu có thể cung ứng cho khoảng 6 nhà máy có tổng công suất thiết kế 500 tấn cá nguyên liệu/ngày. Hiện Tây Ninh đã hình thành một số vùng nuôi chuyên canh, nổi bật là vùng chuyên canh cá tra tại xã Hưng Thuận, thị xã Trảng Bàng sản phẩm được chế biến tại Công ty TNHH công nghệ thực phẩm Miền Đông, xuất khẩu sang thị trường các nước như Trung Quốc, Nga... mang lại hiệu quả cao so với các mô hình nông nghiệp khác. Khi nghề nuôi cá tra phát triển sẽ kéo theo nhiều dịch vụ liên kết phục vụ hoạt động nuôi, chăm sóc cá, tạo nhiều việc làm cho lao động ở địa phương.

Người dân địa phương tận dụng các loại cá tạp từ kênh rạch để phục vụ nuôi thủy sản nâng cao thu nhập. Ảnh: Trần Trung.

Người dân địa phương tận dụng các loại cá tạp từ kênh rạch để phục vụ nuôi thủy sản nâng cao thu nhập. Ảnh: Trần Trung.

Tuy nhiên, ngành thủy sản Tây Ninh cũng tồn tại một số bất cập, theo đó,  trong những năm qua, trên địa bàn tỉnh không có cơ sở sản xuất giống thuỷ sản, nguồn giống chủ yếu là nhập từ các tỉnh miền Tây. Việc không chủ động được con giống làm ảnh hưởng nhiều đến nhu cầu nuôi thuỷ sản. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh không có nhà máy chế biến thức ăn, đa phần các loại thức ăn viên chuyên dùng cho thuỷ sản cũng được nhập từ các Công ty ở Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Đồng Nai, Long An... với nhu cầu ước tính trên 3.000 tấn/năm. Từ đó, khiến chuỗi sản xuất bị lệ thuộc và thường xuyên bị đứt gãy khiến việc duy trì sản xuất gặp khó khăn.

Chú trọng phát triển ngành thủy sản

Năm 2021, mặc dù đối mặt nhiều khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19 nhưng nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh Tây Ninh vẫn duy trì ổn định, ước tổng diện tích nuôi trồng đạt 574 ha, đạt 83,2% so kế hoạch, bằng 99% so với cùng kỳ. Để phát huy kết quả đạt được, UBND tỉnh Tây Ninh đã  ban hành nhiều công văn chỉ đạo các Sở ban ngành và các địa phương.

Hệ thống kênh chuyển nước thuộc Dự án tưới tiêu khu vực phía Tây sông Vàm Cỏ Đông đang hoàn thành theo tiến độ có vai trò quan trọng thúc đẩy ngành thủy sản địa phương. Ảnh: Trần Trung.

Hệ thống kênh chuyển nước thuộc Dự án tưới tiêu khu vực phía Tây sông Vàm Cỏ Đông đang hoàn thành theo tiến độ có vai trò quan trọng thúc đẩy ngành thủy sản địa phương. Ảnh: Trần Trung.

Theo đó, để ngành thuỷ sản phát triển ổn định và bền vững giai đoạn 2021-2025, tỉnh tập trung phát triển vùng nuôi trồng thuỷ sản tập trung, chuyên canh hiện có gồm: vùng nuôi ba ba thương phẩm ở xã Tân Hoà, huyện Tân Châu; vùng nuôi cá lóc (lóc đen, lóc bông) tại các xã Phước Ninh, Phước Minh thuộc huyện Dương Minh Châu; vùng nuôi cá hỗn hợp tại xã Lộc Ninh, huyện Dương Minh Châu; vùng nuôi cá tra tập trung của Công ty TNHH Công nghệ thực phẩm Miền Đông tại xã Hưng Thuận, thị xã Trảng Bàng.

Khoanh vùng và xây dựng vùng nuôi chuyên canh, tập trung thử nghiệm tại xã Lộc Ninh với diện tích 70 ha và xã Truông Mít với diện tích 20 ha và lựa chọn khu vực phù hợp để xây dựng vùng nuôi thuỷ sản chuyên canh, tập trung gắn với hệ thống kênh thuộc Công trình thuỷ lợi Dầu Tiếng.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan kiểm tra, khảo sát các công trình thủy lợi tại Tây Ninh. Ảnh: Trần Trung.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan kiểm tra, khảo sát các công trình thủy lợi tại Tây Ninh. Ảnh: Trần Trung.

Bên cạnh đó, tỉnh tăng cường thu hút, mời gọi các nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm xây dựng nhà máy chế biến thức ăn thuỷ sản, thuốc thuỷ sản, sản phẩm xử lý cải tạo môi trường trong nuôi trồng thuỷ sản, thức ăn bổ sung... nhằm chủ động được nguồn thức ăn, kéo giảm giá thành sản xuất; tạo điều kiện thuận lợi về giao thông, bến bãi để doanh nghiệp vận chuyển nguyên liệu, thức ăn thành phẩm với giá thành rẻ nhất theo tuyến đường thuỷ, đặc biệt là tuyến sông Vàm Cỏ Đông.

Xây dựng các chuỗi liên kết trong sản xuất - sơ chế - tiêu thụ sản phẩm là giải pháp trọng tâm của ngành thủy sản Tây Ninh. Ảnh: Trần Trung.

Xây dựng các chuỗi liên kết trong sản xuất - sơ chế - tiêu thụ sản phẩm là giải pháp trọng tâm của ngành thủy sản Tây Ninh. Ảnh: Trần Trung.

Đồng thời, khuyến khích việc xây dựng, phát triển các trang trại sản xuất giống thuỷ sản, phấn đấu đến năm 2025 đáp ứng được 70% - 80% nhu cầu giống thuỷ sản trên địa bàn tỉnh. Cơ cấu giống thuỷ sản truyền thống là 37,5%, giống thuỷ sản có năng suất và giá trị kinh tế cao là 37,5%, thuỷ sản đặc sản 25%.

"Hiện tỉnh Tây Ninh đặc biệt ưu tiên thu hút, lựa chọn các nhà đầu tư có năng lực phát triển nuôi trồng thuỷ sản chuyên canh tại các vùng nuôi tập trung mới gắn với hệ thống kênh thuộc Công trình thuỷ lợi Dầu Tiếng, thu hút đầu tư nhà máy thu gom, sơ chế, thuỷ sản; xây dựng các chuỗi liên kết trong sản xuất - sơ chế - tiêu thụ sản phẩm", theo ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Tây Ninh.

Xem thêm
Nuôi nhuyễn thể có thể là mũi nhọn lớn thứ 3 sau tôm, cá tra

Người tiêu dùng trong nước và trên thế giới ngày càng nhận thấy nhuyễn thể hai mảnh vỏ là thực phẩm giàu protein, ít béo…, đặc biệt việc nuôi trồng bền vững với môi trường.

Nghiệp đoàn Nghề cá: Điểm tựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi

Từ nhu cầu thực tiễn, Nghiệp đoàn Nghề cá ra đời là nhu cầu cấp thiết và trở thành điểm tựa vững chắc giúp ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ giữ đà tăng trưởng trong năm 2025

Theo Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân, Việt Nam có nhiều ưu điểm vượt trội về năng lực sản xuất các sản phẩm thủy sản so với các quốc gia cạnh tranh khác.

Cứu ngư dân huyện đảo Cồn Cỏ rơi xuống biển

Quảng Trị Ngư dân huyện đảo Cồn Cỏ đi hái rau mứt không may trượt chân, rơi xuống biển đã được thuyền viên tàu cá Bình Định và tổ tự quản đưa lên bờ an toàn.