| Hotline: 0983.970.780

Thủy sản xuất khẩu sang EU và Mỹ lại đối mặt nguy cơ bị 'rút thẻ đỏ'

Thứ Sáu 03/06/2016 , 14:16 (GMT+7)

XK thủy sản một lần nữa lại đang đứng trước nguy cơ hết sức tệ hại, khi mà cả hai thị trường quan trọng là EU và Mỹ đều đã đưa ra những cảnh báo và động thái có thể “rút thẻ đỏ” đối với mặt hàng này của Việt Nam./ Thủy sản Việt Nam liên tiếp bị cảnh báo / Hoa Kỳ cảnh báo hai doanh nghiệp cá da trơn Việt Nam

Cảnh báo nguy hiểm

Tại cuộc họp với Tổng cục Thủy sản ngày2/6, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu (XK) Thủy sản Việt Nam (VASEP) lo lắng cho biết: Cơ quan thẩm quyền của Liên minh Châu Âu (EU) đã có văn bản cảnh báo số tới 28 nước thành viên EU về việc cá chết bất thường tại Việt Nam và đề nghị các nước kiểm soát chặt chẽ các lô hàng thủy sản biển nhập khẩu từ Việt Nam. Theo VASEP, cảnh báo này của EU có trích dẫn nguồn thông tin tham khảo (https://en.wikipedia.org/wiki/2016_Vietnam_fish_kill).

Theo đó, nguồn thông tin này tổng hợp các thông tin về hiện tượng cá chết hàng loạt tại ven biển 4 tỉnh miền Trung (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế) và cũng khẳng định chưa xác định được nguyên nhân. Tuy nhiên, những thông tin này cũng đã gây lo ngại cho các nhà nhập khẩu thủy sản tại EU về chất lượng hải sản xuất khẩu có nguồn gốc từ Việt Nam.

Theo VASEP, ngay sau khi có cảnh báo này, hiện các nhà nhập khẩu thủy sản của EU đã và đang tiến hành xem xét lại các đơn hàng NK thủy sản có nguồn gốc từ Việt Nam để kiểm tra và truy xuất về nguy cơ nguồn gốc.

Cùng với việc phát đi cảnh báo về hiện tượng cá chết bất thường tại miền Trung Việt Nam, trước đó, cơ quan thẩm quyền EU đã có công thư gửi Cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản (Nafiqad, Bộ NN-PTNT) thông báo rằng: Các biện pháp kiểm soát hóa chất kháng sinh đối với sản phẩm thủy sản của Việt Nam vẫn chưa khắc phục thực sự hiệu quả vấn nạn lạm dụng hóa chất kháng sinh trong SX kinh doanh thủy sản XK.

Theo ông Nguyễn Hoài Nam, đây đã là lần thứ 3 kể từ năm 2014, EU có cảnh báo về vấn đề tồn dư kháng sinh đối với thủy sản XK từ Việt Nam.

“Trên thực tế, số lượng các lô hàng vi phạm về dư lượng kháng sinh của Việt Nam XK sang EU trong các năm qua liên tục giảm. Tuy nhiên EU vẫn cho rằng so với các nước khác XK thủy sản vào EU, thì Việt Nam chưa kiểm soát chặt chẽ”, ông Nam nói.

Mặc dù chưa có các hành động cụ thể, song việc EU dồn dập đưa ra các cảnh báo đối với thủy sản Việt Nam là vấn đề không khỏi không lo lắng.

Tại cuộc họp của Tổng cục Thủy sản hôm qua, ông Nguyễn Viết Mạnh, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Hợp tác quốc tế (Tổng cục Thủy sản) ái ngại: EU là thị trường mà mỗi khi đã bị “rút thẻ vàng”, các nước XK thủy sản vào thị trường này sẽ vô cùng khó khăn để mở cửa trở lại. Vì vậy, đây là vấn đề hết sức nguy hiểm, không thể xem thường.

Cùng với các cảnh báo từ EU, Cơ quan Thanh tra về An toàn thực phẩm Hoa Kỳ (FSIS) mới đây cũng đã có thông báo về việc phát hiện 2 lô hàng cá da trơn họ Siluriformes của hai DN Việt Nam XK vào nước này bị phát hiện nhiễm hoá chất, kháng sinh cấm (gồm Malachite Green, Enrofloxacine, Gentian Violet). FSIS yêu cầu phía Việt Nam phải khẩn trương đưa ra biện pháp điều tra truy xuất nguyên nhân tới tận vùng nuôi, đồng thời có các biện pháp kiểm soát tới. 

Đối với DN bị cảnh báo, FSIS sẽ thực hiện lấy mẫu kiểm nghiệm đối với từng lô hàng cá da trơn họ Siluriformes tiếp theo cho đến khi DN có biện pháp khắc phục đạt yêu cầu…

Mới đây, việc Thượng viện Mỹ đã bỏ phiếu thông qua việc bãi bỏ chương trình kiểm soát cá da trơn đang thắp lên hi vọng cho Việt Nam. Tuy nhiên với việc Hoa Kỳ vừa phát đi cảnh báo này, đây có thể là một khó khăn khi việc bãi bỏ đạo luật này còn phải tiếp tục thông qua Hạ viện Mỹ.

VASEP phản hồi

Ngay sau khi EU phát đi cảnh báo, hôm qua (2/6) VASEP đã có thông cáo báo chí khẳng định: Sản phẩm hải sản XK của Việt Nam vẫn đảm bảo chất lượng ổn định.

Thông cáo nêu rõ: Các ngư trường khai thác chính nguyên liệu hải sản phục vụ cho XK của Việt Nam bao gồm các tỉnh từ Đà Nẵng trở vào Nam Trung Bộ (Bình Định, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Thuận…) và các tỉnh Nam Bộ (Kiên Giang, Cà Mau…), được khai thác bằng các tàu công suất lớn, đánh bắt xa bờ. Nguồn nguyên liệu của các địa phương này cung cấp hầu hết nguyên liệu cho  các DN chế biến và XK các mặt hàng hải sản chính như cá ngừ, cua ghẹ, surimi cá khô và cá biển khác…

19-05-37_t
Chất lượng sản phẩm thủy sản Việt Nam vẫn đảm bảo

 

Thời gian qua, Bộ NN-PTNT đã chỉ đạo khảo sát, lấy mẫu và khẳng định các khu vực khai thác xa bờ (vùng biển xa bờ ngoài 20 - 30 hải lý) thuộc 4 tỉnh có hiện tượng cá chết đều an toàn.

Bộ NN-PTNT cũng đã có công văn 3441/BNN-TCTS ngày 2/5/2016, chỉ đạo, hướng dẫn và triển khai các biện pháp để đảm bảo vệ sinh môi trường và ATTP cho tiêu thụ nội địa và XK.

Các cơ quan kiểm soát ATTP tại địa phương (Chi cục ATTP, Chi cục Quản lí Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản…) tăng cường giám sát hoạt động khai thác, tổ chức lấy mẫu sản phẩm hải sản cập cảng  để kiểm tra các chỉ tiêu ATTP theo quy định của Việt Nam và tiêu chuẩn quốc tế. Đồng thời, cơ quan chức năng cũng đã yêu cầu các cơ sở chế biến XK thủy sản tuyệt đối không thu mua cá chết để chế biến XK, chủ động lấy mẫu giám sát tăng cường các chỉ tiêu ô nhiễm (thủy ngân, chì, cadimi, arsen) trong các lô hải sản nguyên liệu.

Cho đến nay, cùng với sự giám sát và kiểm tra chặt chẽ, các DN chế biến và XK đã và đang nghiêm túc thực hiện việc kiểm soát các chỉ tiêu trên cũng như tăng cường các biện pháp truy xuất nguồn gốc để đảm bảo chất lượng sản phẩm XK ổn định.

Do vậy, vụ việc cá chết bất thường tại ven biển 4 tỉnh miền Trung (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế) không gây ảnh hưởng đến nguồn cung và mức độ an toàn cho nguyên liệu hải sản XK... và có thể khẳng định chất lượng các mặt hàng hải sản XK không bị ảnh hưởng bởi hiện tượng cá chết ở ven biển 4 tỉnh miền Trung trong thời gian qua…

Ông Dương Tiến Thể, Phó cục trưởng Cục Thú y cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Bộ NN-PTNT, Cục Thú y phối hợp với Nafiqad cùng cơ quan chức năng đã tiến hành kiểm tra đột xuất đối với 2 DN bị cảnh báo "dính” kháng sinh cấm (gồm Cty TNHH Tân Thành Lợi và Cty CP Nam Sông Hậu), đồng thời tiến hành truy xuất nguồn gốc tới vùng nuôi nguyên liệu.

Kết quả cho thấy, việc các lô hàng XK sang Mỹ bị nhiễm kháng sinh cấm có nguyên nhân do các cơ sở nuôi sử dụng các loại kháng sinh này.

Theo Cục Thú y, các loại kháng sinh cấm mà người nuôi sử dụng bao gồm cả 3 nguyên nhân: Có nguồn gốc mua từ các đơn vị của ngành y tế; có nguồn gốc từ kháng sinh chỉ được sử dụng trên gia súc gia cầm và có cả trường hợp người nuôi mua được từ một đơn vị NK nguyên liệu kháng sinh.

“Theo quy định, đơn vị NK nguyên liệu kháng sinh chỉ được phép cung cấp cho các NM sản xuất thuốc thú y đã đạt chuẩn GMP, tuy nhiên DN này đã bán cả cho người nuôi thủy sản. Hiện Cục đã quyết định xử phạt và đình chỉ DN này 2 tháng”, ông Thể cho biết.

Vị này cũng kêu khó: “Các DN thuộc quản lí của Cục Thú y thì chúng tôi xử phạt rồi, nhưng kháng sinh do người nuôi mua từ đơn vị y tế thì chúng tôi chịu”. Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám lưu ý: Để xẩy ra tình trạng kháng sinh bên y tế tuồn qua sử dụng trên thủy sản, trách nhiệm trước hết vẫn thuộc về Cục Thú y, kể cả việc nếu cần thiết phải đề xuất làm việc với ngành y tế để kiểm tra xử lí.

 

Xem thêm
80% sản lượng dừa sáp Trà Vinh bán dưới hình thức nguyên liệu thô

Doanh nghiệp có nhu cầu mở rộng diện tích dừa hữu cơ gắn với mã số vùng trồng xuất khẩu tại Trà Vinh, cần liên hệ với cơ quan chức năng để được hỗ trợ.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Trung Quốc tiêu thụ 4 tỷ quả dừa mỗi năm và cơ hội cho dừa Việt

BẾN TRE Đại diện Vina T&T Group chia sẻ những thuận lợi, thách thức ngành hàng dừa Việt Nam đối mặt khi chinh phục thị trường tỷ dân Trung Quốc.

Tháp đôi Prime Thái Nguyên mừng tân gia, chào đón giáng sinh và năm mới 2025

Năm 2025 sắp gõ cửa, mang theo những hy vọng và ước mơ mới. Năm 2024, Tháp đôi Prime vui mừng chào đón những cư dân đầu tiên về sinh sống tại toà nhà.