Hơn 100.000 người Thụy Sĩ đã ký vào kiến nghị về việc ban hành lệnh cấm thuốc trừ sâu với tất cả nông dân nước này, bao gồm cả các ngành công nghiệp có liên quan và nông sản nhập khẩu.
Nông dân Thụy Sĩ có thể sẽ đoạn tuyệt các loại thuốc trừ sâu (Ảnh minh họa) |
Nếu kiến nghị được giới chức thông qua, Thụy Sĩ sẽ trở thành quốc gia thứ hai trên thế giới và đầu tiên ở châu Âu thực hiện toàn diện lệnh cấm sử dụng thuốc trừ sâu, sau Bhutan, theo BBC.
Lộ trình 10 năm
Có thể cần ít nhất 3 năm nữa trước khi các ý kiến kêu gọi được biến thành một cuộc trưng cầu dân ý, theo luật pháp Thụy Sĩ.
Tròn một năm trước, tương lai của các loại thuốc trừ sâu đã trở thành chủ đề tranh luận gay gắt ở châu Âu. Trải qua vài tháng bế tắc, Liên minh châu Âu (EU) đã chấp thuận sử dụng rộng rãi thuốc diệt cỏ phổ rộng, glyphosate, trong 5 năm. Tuy vậy, Pháp tuyên bố sẽ cấm chất hóa học này trong 3 năm.
Vài tuần trước, EU đã nhất trí đưa ra lệnh cấm gần như toàn bộ với thuốc trừ sâu họ Neonicotinoid, loại phổ biến nhất trên thế giới.
Sáng kiến của Thụy Sĩ có thể sẽ gây nhiều ảnh hưởng, lớn hơn nhiều so với lệnh cấm tương tự từng được thực thi tại một số làng mạc hay khu vực khác trên thế giới. Nó cũng có thể gây tác động toàn cầu, lớn hơn lệnh cấm được Bhutan thực hiện năm 2013 bởi Thụy Sĩ có nhà máy sản xuất thuốc trừ sâu lớn nhất thế giới.
Kiện nghị cấm thuốc trừ sâu nói trên sẽ được gửi tới trụ sở chính quyền Liên bang Thụy Sĩ tại thủ đô Bern vào ngày 25/5.
“Lúc khởi đầu chương trình, mọi thứ diễn ra khá chậm, song sau đó chúng tôi nhận được sự ủng hộ vô cùng lớn từ các thanh nhiên và điều này trở thành động lực để chúng tôi có nhiều chữ ký”, Antoinette Gilson, người làm việc trong một nhóm công dân Thụy Sĩ có tên Future3, cho biết. Nhóm của Gilson cùng nhiều nhóm khác đang kêu gọi mọi người từ bỏ thuốc trừ sâu.
Chi tiết về các chữ ký này sẽ được kiểm tra và gửi tới chính quyền liên bang. Sau đó, chính quyền sẽ xem xét việc này và có thời gian một năm để chuyển cho quốc hội, nếu cần thiết. Các nhà lập pháp, tức các nghị sĩ, sẽ cần thêm 2 năm để chấp nhận đề xuất cấm thuốc trừ sâu, rồi sau đó đưa ra lấy ý kiến cử tri. Ý kiến đi ngược lại, tức chấp thuận thuốc trừ sâu, cũng có thể được xem xét tại quốc hội.
Trong trường hợp được thông qua, thuốc trừ sâu tổng hợp sẽ bị loại bỏ ở Thụy Sĩ trong thời gian 10 năm.
“Không dùng bất cứ loại thuốc sâu nào có lẽ sẽ tạo ra sự thay đổi hoàn toàn với các quá trình của ngành nông nghiệp. Điều này khó thực hiện, song ở Thụy Sĩ hiện có 13% nông dân canh tác theo mô hình nông nghiệp hữu cơ. Tôi đã trò chuyện cùng họ và chưa từng gặp ai hối hận với việc loại bỏ thuốc trừ sâu”, Gilson cho biết.
Tranh cãi
Ngày 17/5, Tòa án Liên minh châu Âu giữ nguyên lệnh cấm một phần đối với các loại thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu được cho là đe dọa đến loài ong. (Reuters) |
Đạo luật cấm thuốc trừ sâu trên toàn Thụy Sĩ chưa thành hình, song nó gây nhiều tranh cãi ngay tại nước này, bởi có thể ảnh hưởng tới hàng hóa nhập khẩu, thậm chí tới các nước láng giềng. Theo số liệu của chính quyền Thụy Sĩ, mỗi năm, nước này nhập khoảng nửa tấn lương thực, tính trung bình theo đầu người.
Nhiều nông dân và đại diện các ngành công nghiệp liên quan đến nông sản, tỏ ra không đồng ý với lời kêu gọi loại bỏ thuốc trừ sâu, với lý do nó “quá khắc nghiệt” và không được sự ủng hộ của cộng đồng.
“Sáng kiến này khó có thể thành công”, bà Anna Bozzi, thuộc Cơ quan Khoa học Công nghiệp Thụy Sĩ, cho biết.
Ảnh minh họa |
“Các sản phẩm bảo vệ thực vật là thứ không thể thay thế để giúp phòng, diệt trừ sâu bệnh. Lệnh cấm toàn quốc sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới sản lượng và chất lượng nông sản. Nó cũng góp phần khiến giá cả nông sản tăng lên”, bà Bozzi nói.
Trong khi đó, những người ủng hộ việc loại bỏ thuốc trừ sâu, cho rằng nếu tiến hành trưng cầu dân ý, tác động của sáng kiến này sẽ lan tỏa tới các nước khác.
“Tôi tự tin rằng các nước khác sẽ nghiên cứu việc bỏ thuốc trừ sâu”, giáo sư Edward Mitchell, Đại học Neuchatel, Thụy Sĩ, cho biết. Ông Mitchell tin rằng Thụy Sĩ sẽ sớm đạt được điều tương tự Bhutan trong thời gian ngắn. “Đây là ý kiến cá nhân tôi, và tôi tin rằng nhiều công dân Thụy Sĩ khác cũng nghĩ vậy”.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Rừng của Bhutan, ông Pema Gyamtsho, hồi năm 2013 cho biết quốc gia ở dãy Himalaya này có 1,2 triệu nông dân. Lệnh cấm thuốc trừ sâu ở Bhutan có thể khiến sản lượng thấp đi, song chính phủ hy vọng nông dân xuất khẩu được nông sản chất lượng cao sang các nước láng giềng là Ấn Độ, Trung Quốc và các quốc gia khác. Các nhà khoa học Bhutan lập luận rằng do địa hình đồi núi, thuốc trừ sâu sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ sông, suối của quốc gia này. Bhutan chủ trương khuyến khích nông dân làm nông nghiệp hữu cơ. |