| Hotline: 0983.970.780

Tích hợp nhiều dữ liệu vào phần mềm PQS để truy xuất nguồn gốc

Thứ Tư 07/12/2022 , 09:27 (GMT+7)

Ngoài chức năng khai báo hồ sơ kiểm dịch thực vật, phần mềm PQS sẽ được Cục Bảo vệ thực vật tích hợp thêm dữ liệu về mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói.

hình 2

Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng II (TP. HCM) đưa vào triển khai thực hiện phần mềm PQS từ năm 2016. Ảnh: Thanh Sơn.

Ưu điểm vượt trội

Khu vực phía Nam là trung tâm xuất khẩu nông sản lớn nhất nước, khối lượng hàng hóa xuất nhập khẩu năm sau thường cao hơn năm trước, đòi hỏi lực lượng kiểm dịch tại Chi cục Kiểm dịch thực vật Vùng II (Cục Bảo vệ thực vật) phải thực hiện khối lượng công việc tăng theo để đáp ứng yêu cầu kiểm tra chuyên ngành, kiểm soát các đối tượng sâu bệnh hại trong hàng hóa xuất nhập khẩu nên vô cùng áp lực.

Nhưng kể từ khi Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) triển khai đưa phần mềm PQS (Plant Quarantine Services) vào hoạt động khai báo hồ sơ kiểm dịch thực vật không chỉ giúp cán bộ làm thủ tục tại bộ phận một cửa giảm tải khối lượng công việc mà còn giúp các doanh nghiệp xuất nhập khẩu tiết kiệm được thời gian, chi phí và công sức.

Theo đó, phần mềm PQS sẽ hỗ trợ khách hàng thực hiện khai báo từ xa các thủ tục kiểm dịch thực vật xuất khẩu và nhập khẩu. Cho tới thời điểm hiện tại, 9 Chi cục vùng trực thuộc Cục Bảo vệ thực vật, đều đã áp dụng phần mềm nay.

Phần mềm PQS phục vụ cho việc xử lý nghiệp vụ về kiểm dịch thực vật nhập khẩu, xuất khẩu, kiểm tra chất lượng thức ăn chăn nuôi và an toàn thực phẩm đối với hàng hóa có nguồn gốc thực vật nhập khẩu.

Là người trực tiếp phụ trách công việc khai báo thủ tục kiểm dịch thực vật xuất khẩu cho công ty tại Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng II, chị Nguyễn Thị Thanh Vân, Công ty TNHH TMDV Thiên Kim cho biết, khá ưng phần mềm PQS bởi độ chính xác cao, thông tin người xuất khẩu, khách nhập khẩu được ghi một cách khoa học.

“Công ty tôi chuyên xuất khẩu rau củ quả tươi đi các nước châu Âu, trong đó mặt hàng chủ yếu là chôm chôm, thanh long. Nhiều lúc làm thủ tục mà tôi nhớ mãi không ra tên cảng của nước nhập khẩu. Nhưng khi khai báo trên phần mềm PQS, tôi chỉ cần “click chuột” tên nước nhập khẩu, sau đó nó sẽ hiện ra tên tất cả các cảng của nước đó và mình chỉ cần lựa chọn cảng hàng mình cần đến”, chị Vân chia sẻ.

Theo chị Vân, với việc thực hiện khai báo trên phần mềm PQS, cùng với sự hỗ trợ của các bộ phận thuộc Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng II, từ khâu đóng phí, khâu kiểm, ra chứng thư hoàn chỉnh giúp doanh nghiệp chị có thể thuận tiện trong quá trình xuất khẩu nông sản ra thế giới.

"Phần mềm PQS có độ bảo mật cao, thông tin khách hàng đã đăng ký không bị lộ ra ngoài. “Tôi cũng có thể copy mẫu đơn đã đăng ký trước để làm cho đơn sau, đỡ tốn thời gian, giúp quá trình làm đơn nhanh hơn. Đặc biệt, ngay sau khi đóng phí, sẽ có ngay hóa đơn điện tử. PQS còn giúp quản lý chặt về vấn đề thu phí, nếu trong trường hợp doanh nghiệp đăng ký đơn mà chưa đóng phí sẽ không được soạn thảo chứng thư. Như vậy, tốt cho cơ quan kiểm dịch và Nhà nước không bị thất thoát phí”, chị Nguyễn Thị Thanh Vân đánh giá.

Phần mềm PQS với giao diện thân thiện, giúp doanh nghiệp dễ sử dụng. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Phần mềm PQS có giao diện thân thiện, giúp doanh nghiệp dễ sử dụng. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Là một trong những doanh nghiệp logistics, Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại dịch vụ logistics Hoàng Long (Hoàng Long LTI) mỗi ngày đều phải thực hiện các thủ tục khai báo kiểm dịch thực vật cho các đối tác xuất khẩu nông sản Việt sang thị trường Pháp, Hà Lan.

“Ngày nào chúng tôi cũng làm thủ tục kiểm dịch thực vật đối với các sản phẩm như chanh dây, thanh long tại Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng II. Từ khi Chi cục đưa phần mềm PQS vào khai báo kiểm dịch thực vật giúp công đoạn khai báo nhanh, chính xác hơn, đỡ mất thời gian phải đi lên đi xuống (nếu sai sót), qua đó giúp doanh nghiệp chủ động hơn trong công việc”, anh Nguyễn Đông Đầy, Công ty TNHH Đầu tư và thương mại dịch vụ logistics Hoàng Long cho hay.

Tương tự, anh Trần Minh Văn, Công ty TNHH Dịch vụ vận chuyển CMU logistics cho biết, trước đây, khi còn làm hồ sơ giấy, anh mất khá nhiều thời gian để chạy lên chạy xuống duyệt hồ sơ, cũng như không theo dõi được tiến độ hồ sơ của mình tới đâu nên "cứ lên xếp hàng đợi tới lượt, xong nếu hồ sơ chưa được giải quyết lại đi về".

"Từ khi triển khai phần mềm PQS giúp doanh nghiệp tiết kiệm được thời gian, công sức trong quá trình thực hiện khai báo thủ tục xuất khẩu nông sản đi nước ngoài. Doanh nghiệp có thể kiểm soát được hồ sơ đã từng khai báo thời gian qua. Ngoài ra, cũng có thể kiểm tra được hồ sơ của mình đang ở trạng thái nào, đã cấp chứng thư hay đã kiểm. Nếu hồ sơ có lỗi, mình cũng có thể dễ dàng chỉnh sửa trên hệ thống để cán bộ kiểm dịch có thể duyệt hồ sơ ngay”, anh Văn chia sẻ.

Qua nhiều năm áp dụng phần mềm PQS trong kiểm dịch thực vật tại Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng II, ông Nguyễn Vũ Phi Long, Phó Chi cục trưởng đánh giá, phần mềm có 3 ưu điểm. Thứ nhất, giao diện thân thiện, giúp doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân dễ dàng sử dụng khai báo trên hệ thống trực tuyến này. Theo phân quyền về tài khoản truy cập thì doanh nghiệp có thể là xem lại lịch sử hồ sơ sau khi đã hoàn tất thủ tục, đồng thời cũng có thể là copy hồ sơ đã từng làm thủ tục để căn cứ trên đó khai báo hồ sơ mới.

Do vậy, những nội dung khai báo không phải lặp lại quá nhiều. Giúp rút ngắn thời gian khai báo hồ sơ của doanh nghiệp. Trước đây do mất thời gian về kiểm soát và thẩm định hồ sơ, không có cơ sở dữ liệu nên trung bình mất hơn 10 phút, sau khi áp dụng PQS chỉ tốn 3 - 5 phút trên một bộ hồ sơ, thậm chí là ngắn hơn đối với các hồ sơ mà trước đây đã từng tiếp nhận đăng ký.

Thứ hai, PQS có một hệ thống tính phí tự động, đảm bảo thống nhất mức thu giữa các Chi cục kiểm dịch Vùng. Sau khi doanh nghiệp khai báo thông tin đăng ký phần mềm sẽ tính phí tự động và đảm bảo mức phí theo đúng quy định pháp luật. Từ tháng 7/2021, phần mềm PQS đã tích hợp hệ thống phát hành biên lai và hóa đơn thu phí điện tử kết hợp với tính phí tự động nên đảm bảo về việc thu ngân cũng như thời gian mà khách hàng chờ đợi, rút ngắn đi rất nhiều.

Thứ ba, giúp quản lý được giấy phép kiểm dịch thực vật nhập khẩu, căn cứ trên trọng lượng, thời hạn của giấy phép, phần mềm sẽ cảnh báo cho cơ quan quản lý về kiểm dịch thực vật cũng như doanh nghiệp biết được việc trọng lượng, thời hạn giấy phép hết hiệu lực, từ đó rút ngắn thời gian thẩm định hồ sơ khi tiếp nhận đăng ký kiểm dịch thực vật.

Bên cạnh đó, phần mềm PQS cũng kiểm soát được việc khai báo các nội dung đối với chứng thư xuất khẩu. Do vậy, giảm thiểu việc khai báo thông tin sai trên chứng từ xuất khẩu, giảm nguy cơ khi lô hàng xuất khẩu qua nước ngoài gặp rủi ro.

ông Nguyễn Vũ Phi Long, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm dịch thực vật Vùng II. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Ông Nguyễn Vũ Phi Long, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng II. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Tích hợp thêm dữ liệu mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói

Cũng theo ông Nguyễn Vũ Phi Long, trong thời gian tới, phần mềm PQS sẽ tích hợp thêm dữ liệu về mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói. Từ đó, cán bộ kiểm dịch thực vật của các Chi cục có thể truy xuất được các thông tin liên quan để từ đó quyết định có tiếp nhận hồ sơ đăng ký đó hay không, cũng như giúp việc thẩm định hồ sơ chính xác hơn, nhanh hơn, tránh vi phạm các quy định của nước nhập khẩu.

Tuy nhiên, theo ông Long, bên cạnh những ưu điểm phần mềm PQS cũng còn nhưng hạn chế càn được rà soát và hoàn thiện trong thời gian tới, như thi thoảng còn chậm, nhất là trong những thời điểm có lượng truy cập cao, lượng dữ liệu lớn, chưa ứng dụng được trên thiết bị di động như smartphone hay máy tính bảng.

“PQS là một phần mềm rất hiệu quả, phục vụ rất tốt cho công tác chuyên môn kiểm dịch thực vật và các kiểm soát thủ tục chất lượng thức ăn chăn nuôi và an toàn thực phẩm có nguồn gốc thực vật mà Cổng Một cửa Quốc gia chưa đáp ứng kịp”, Ông Nguyễn Vũ Phi Long, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm dịch thực vật Vùng II đánh giá.

Cũng theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng II Nguyễn Vũ Phi Long, cùng với phần mềm PQS, đơn vị cũng áp dụng công nghệ thông tin sử dụng Excell, ứng dụng của Google để xử lý thông tin. Do vậy, về cơ bản ở thời điểm hiện tại đã đáp ứng được thời gian cũng như kịp thời hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp khi làm thủ tục kiểm dịch thực vật xuất nhập khẩu.

Theo đó, 9 tháng năm 2022, số lượng hồ sơ kiểm dịch thực vật xuất nhập khẩu được thực hiện tại Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng II là trên 61.000 hồ sơ nhập khẩu và 113.000 hồ sơ xuất khẩu.

Xem thêm
Sắp xếp, tinh gọn bộ máy: Cấp tỉnh không quá 14 Sở

Ban chỉ đạo về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18 yêu cầu tổng số Sở thuộc UBND cấp tỉnh không quá 14 Sở, riêng Hà Nội và TP.HCM không quá 15 Sở.

Khởi tố nghi phạm đốt quán hát khiến 11 người chết ở Phạm Văn Đồng

Vụ cháy trên phố Phạm Văn Đồng (Hà Nội) khiến 11 người tử vong. Cảnh sát điều tra CA TPHN đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can với nghi phạm 51 tuổi.

3 hộ dân Làng Nủ viết đơn xin... nhường nhà cho người khác

Thân nhân của 3 hộ dân thôn Làng Nủ viết đơn xin không nhận nhà tái định cư, nhường ngôi nhà khang trang cho các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn hơn.