| Hotline: 0983.970.780

Tiền Giang - Đà Nẵng thỏa thuận hợp tác cung ứng, tiêu thụ sản phẩm

Thứ Sáu 02/08/2024 , 18:04 (GMT+7)

TIỀN GIANG Doanh nghiệp, hợp tác xã của Tiền Giang và TP Đà Nẵng ký thỏa thuận hợp tác cung ứng, tiêu thụ sản phẩm.

Ngày 1/8, tại Công ty Yến sào Trí Sơn (xã Đạo Thạnh, TP Mỹ Tho, Tiền Giang), Sở NN-PTNT tỉnh Tiền Giang phối hợp với Ban Quản lý An toàn thực phẩm (ATTP) TP Đà Nẵng tổ chức hội nghị sơ kết thỏa thuận hợp tác sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông sản.

Đại biểu tìm hiểu, thưởng thức sản phẩm OCOP của Tiền Giang. Ảnh: Minh Đảm.

Đại biểu tìm hiểu, thưởng thức sản phẩm OCOP của Tiền Giang. Ảnh: Minh Đảm.

Qua 3 năm thực hiện kết nối giai đoạn 2 (2021 - 2024), hai địa phương đã hình thành kênh trao đổi thông tin, phối hợp quản lý ATTP nói chung và quản lý sản phẩm nông, lâm, thủy sản nói riêng. Bên cạnh đó, hai bên còn phối hợp tốt trong việc kiểm soát ATTP đối với nguyên liệu đầu vào và truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Đồng thời, triển khai có hiệu quả việc hỗ trợ quảng bá thương hiệu, tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn, đặc trưng, các sản phẩm được chứng nhận hữu cơ, VietGAP, sản phẩm OCOP.

Cụ thể, đã xây dựng và xác nhận 4 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn do 4 doanh nghiệp, HTX tỉnh Tiền Giang cung cấp cho 3 trung tâm thương mại, cơ sở kinh doanh trên địa bàn TP Đà Nẵng. Sản lượng trái cây Tiền Giang được tiêu thụ tại chợ đầu mối Hòa Cường (TP Đà Nẵng) khoảng 1.750 tấn/tháng, gồm các mặt hàng như cam, bưởi, vú sữa, mận, ổi, xoài, thanh long các loại.

Tuy nhiên, số lượng chuỗi cung ứng an toàn được xác nhận còn hạn chế so với tiềm năng của hai địa phương. Nguyên nhân do địa điểm chợ đầu mối là lựa chọn ưu tiên bởi khách hàng không yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn chất lượng, giữa đơn vị cung ứng và doanh nghiệp tiêu thụ chưa có sự thống nhất tiêu chuẩn về chất lượng, chủng loại, đặc biệt là giá sản phẩm.

Sắp tới, hai địa phương sẽ tiếp tục duy trì và đẩy mạnh hợp tác trong công tác quản lý ATTP, đồng thời tạo điều kiện để các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nông sản an toàn, sản phẩm OCOP tỉnh Tiền Giang được tiếp xúc, làm việc với các đầu mối tiêu thụ lớn, tham gia các hội chợ, hội nghị kết nối cung cầu, điểm trưng bày, quảng bá sản phẩm OCOP trên địa bàn TP Đà Nẵng.

Ký kết hợp tác giữa doanh nghiệp 2 địa phương. Ảnh: Minh Đảm.

Ký kết hợp tác giữa doanh nghiệp 2 địa phương. Ảnh: Minh Đảm.

Tại hội nghị, đại diện các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất 2 địa phương đã đóng góp nhiều ý kiến cho việc kết nối, tiêu thụ sản phẩm.

Phía Đà Nẵng mong muốn đem các sản phẩm chất lượng, giá cả hợp lý của Tiền Giang đến Đà Nẵng và phát triển chuỗi cung ứng được kiểm tra để người tiêu dùng an tâm với sản phẩm, cần thông tin minh bạch để phát triển thương hiệu sản phẩm chất lượng cao.

Hiện TP Đà Nẵng cần sản phẩm sầu riêng chất lượng cao (sầu riêng chín cây) và bột gạo, bột ca cao để sản xuất bánh chất lượng cao không gây béo phì, không ảnh hưởng đến sức khỏe và sản lượng lớn rau sạch ở miền Tây.

Doanh nghiệp, HTX của Tiền Giang cam kết sẽ cung ứng sản phẩm chất lượng cao và mong được kết nối để tìm đầu ra cho sản phẩm như thanh long Chợ Gạo, bưởi da xanh Mỹ Phong (TP Mỹ Tho).

Ông Nguyễn Tấn Hải, Trưởng Ban ATTP TP Đà Nẵng mong muốn có thêm nhiều kết nối để sản phẩm của 2 địa phương ngày càng tăng về số lượng lẫn chất lượng. Người tiêu dùng Đà Nẵng yêu cầu chất lượng nông sản ngày càng cao hơn, mẫu mã tốt hơn. Ông đề nghị các sở, ngành tỉnh Tiền Giang cần hỗ trợ doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất bảo đảm ATTP cho nông sản.

Ông Nguyễn Văn Mẫn, Giám đốc Sở NN-PTNT Tiền Giang đánh giá, qua việc kết nối tiêu thụ với Đà Nẵng mà giá cả, chất lượng nông sản của tỉnh ngày càng được nâng lên, số lượng doanh nghiệp tham gia kết nối ngày càng nhiều hơn, đa dạng hơn, tuy nhiên còn hạn chế so với tiềm năng. Doanh nghiệp Tiền Giang mong muốn cung cấp sản phẩm nông sản cho cả thị trường trong và ngoài nước vì sản lượng nông sản ở Tiền Giang hiện nay rất lớn, đặc biệt là sầu riêng.

Tới đây, Sở NN-PTNT Tiền Giang sẽ tiếp tục mở rộng vùng nguyên liệu an toàn, xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm, đồng thời rà soát, tổng hợp nhu cầu của các cơ sở để kết nối tiêu thụ. Tỉnh sẽ tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất gặp gỡ, liên kết tiêu thụ với doanh nghiệp TP Đà Nẵng và tăng cường kết nối giữa 2 địa phương.

Dịp này, doanh nghiệp ở 2 địa phương đã ký kết thỏa thuận hợp tác cung ứng, tiêu thụ sản phẩm.

Xem thêm
Gần 160 trang trại chăn nuôi được chứng nhận VietGAHP trong khoảng 5 năm qua

Thái Nguyên Tỉnh Thái Nguyên xác định các trang trại, cơ sở chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAHP là nền tảng để địa phương xây dựng các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.

Cảnh giác với dịch tả lợn Châu Phi, bảo đảm nguồn cung thực phẩm dịp Tết

Thái Nguyên tăng cường phòng chống dịch tả lợn Châu Phi, bảo đảm nguồn cung thực phẩm các tháng cuối năm 2024, đầu năm 2025, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

Nông dân Cao Phong chuyển đổi hàng ngàn bể phun thuốc vuông sang tròn

Hầu hết bể phun thuốc hình vuông sau một thời gian sử dụng đều bị nứt nhưng bể hình tròn thì không. Sáng kiến của ông Cường đã được hàng ngàn nhà vườn áp dụng.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.