| Hotline: 0983.970.780

Tiền Giang: Sóc hoang "làm cỏ" các vườn ca cao

Thứ Hai 15/03/2010 , 10:06 (GMT+7)

Trên 1.000 ha ca cao của tỉnh Tiền Giang đang bị đàn sóc hoang lên tới hàng nghìn con tấn công khiến sản lượng thu hoạch giảm tới 40%.

Trên 1.000 ha ca cao của tỉnh Tiền Giang đang bị đàn sóc hoang lên tới hàng nghìn con tấn công khiến sản lượng thu hoạch giảm tới 40%. Sự sinh sôi chóng mặt của đàn sóc đang đe doạ nghiêm trọng đến sự sinh tồn của loại trái này…

Đang vào vụ thu hoạch trái ca cao nhưng tại xã Hoà Định (Chợ Gạo, Tiền Giang) nơi có khoảng 400 ha trồng ca cao xen vườn dừa, hầu hết nông dân đều than trời vì sự lộng hành táo tợn của đàn sóc hoang. Dắt PV NNVN đi một vòng quanh xã, ông Châu Ngân Thương - Phó Chủ tịch UBND xã Hoà Định ngao ngán: “Có tới trên 40% trái ca cao bị sóc đục khoét, ăn rỗng ruột rồi”.

Tại vườn ca cao 300 cây rộng 0,65 ha của nông dân Nguyễn Chí Để (ấp Hoà Lạc Trung), chúng tôi bắt gặp ông Để đang hì hục đặt lồng bẫy sóc (giống như lồng bẫy chuột) lên cây ca cao. “Tôi đặt 5 chiếc bẫy nhưng từ đầu năm đến nay mới bắt được có 3 con” – ông Để nói. Quan sát khắp khu vườn, chúng tôi ghi nhận có tới 1/3 vườn ca cao có trái bị đục thủng một lỗ khá lớn trên thân, bên trong ruột rỗng, chỉ còn một lớp vỏ cứng bao bên ngoài đã khô héo.

Ông Để cho biết, cứ vào khoảng 5 – 6 giờ sáng là đàn sóc chừng 3 – 4 con đi thành đàn lại xuất hiện chạy nhảy trên khắp các cây và lựa những trái thơm ngon nhất để “xử lý”. Do cây ca cao trồng xen cây dừa nên đàn sóc sẽ tức tốc leo lên đọt dừa trên cao (đồng thời cũng là tổ của chúng) mỗi khi thấy động. Vườn ca cao rộng 0,5ha của nông dân Hồ Văn Thơm (ấp Hoà Lạc Trung) vụ này bị mất tới 50% sản lượng do sóc tấn công. "Trái già, có kích cỡ lớn, ngon thì chỉ sau một đêm thức dậy là 100% trái trên cây bị chúng ăn sạch.Tôi đặt 3 cái bẫy nhưng từ đầu năm đến nay chẳng bắt được con nào. Sóc khôn hơn chuột rất nhiều, chỉ một hoặc hai con sa bẫy là lần sau không thể bắt được con khác cùng bầy”- anh Thơm cho hay.

Tương tự, 0,6ha ca cao của nông dân Nguyễn Văn Ca (ấp Hoà Thành) cũng bị sóc ăn mất nửa vườn khiến anh phải cất công lấy túi nilon màu đen buộc từng trái để đánh lừa lũ sóc. “Cũng may giá ca cao tươi năm nay đạt 5.500 đồng/kg, cao gần gấp đôi năm ngoái nên phần nào cũng bù được diện tích ca cao bị sóc tàn phá” – anh Ca nói. Đặc biệt, vườn ca cao của hộ nông dân Trần Văn Oanh (ấp Hoà Thành) ban đầu có trên 200 cây thì giờ chỉ còn sót lại 30 cây đang trong tình trạng ngắc ngoải vì “kẻ thù” sóc và sâu bệnh.

Tiền Giang hiện có hơn 1.400 ha ca cao trồng xen vườn dừa, đang cho trái và hơn 10.800 ha dừa, chủ yếu tập trung ở hai huyện Chợ Gạo và Gò Công Tây. Theo tìm hiểu của NNVN, tình hình sóc cắn phá vườn ca cao và dừa gây thiệt hại nặng nề cho nông dân đã diễn ra từ lâu, nhưng đến nay ngành nông nghiệp địa phương vẫn chưa có biện pháp gì giúp nông dân đối phó với loại động vật gây hại này.

Các hộ trồng ca cao cũng cho biết, trước đây ngoài gài bẫy lồng, nhiều hộ còn dùng bả chuột cho vào trái ca cao (sóc ăn dở) để bẫy nhưng chúng cảnh giác dứt khoát không tới gần. Người ta lại nghĩ ra cách dùng dây thắt thòng lọng treo khắp các cây để đón đường sóc nhưng cũng không mấy hiệu quả. Cuối cùng, nhiều người còn ghép lon bia, lon nước ngọt thành từng chùm treo khắp vườn để đánh động xua đuổi chúng, nhưng riết rồi lũ sóc đâm “lì lợm” không sợ nữa khiến nông dân nản chí.

Không chỉ vườn ca cao tại xã Hoà Định gặp nạn, các địa phương nằm trong vùng dự án ca cao của tỉnh Tiền Giang như xã Xuân Đông, Bình Ninh, An Thạnh Thủy, Long Bình Điền (huyện Chợ Gạo), xã Vĩnh Hựu (huyện Gò Công Tây)… cũng đang điêu đứng vì sự gia tăng chóng mặt của đàn sóc hoang. Đặc biệt, do sinh sôi quá nhanh nên lũ sóc còn “làm càn” khi phá phách vườn dừa, vườn trái cây (mít, xoài, nhãn…) khiến nhiều hộ thiệt hại nặng.

Theo Phó chủ tịch UBND xã Hoà Định Châu Ngân Thương, chỉ riêng đàn sóc trong xã ước tính đã lên tới trên 1.000 con, chúng phá phách gây thiệt hại 40% diện tích vườn ca cao và khoảng 20% diện tích vườn dừa. “Trước năm 2008 người dân được dùng súng săn để bắn sóc nên tình hình rất yên ổn. Nhưng sau đó Nhà nước cấm không cho dùng súng nên chỉ trong vòng 2 năm đàn sóc hoang đã phát triển nhanh chóng và gây hại nặng nề cho bà con” – ông Thương nói.

Xem thêm
Chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt cho hộ nghèo ở Thanh Hóa

Tập đoàn Mavin và Tổ chức Tầm nhìn Thế giới Việt Nam (World Vision) vừa tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt tại huyện Thường Xuân, Thanh Hóa.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm