| Hotline: 0983.970.780

Tiến sỹ Tô Văn Trường góp ý đổi mới nghiên cứu khoa học nông nghiệp

Chủ Nhật 14/04/2019 , 10:49 (GMT+7)

Báo Nông nghiệp Việt Nam mới có loạt 10 bài do các phóng viên khảo sát, lấy ý kiến, về “sức khỏe” giới khoa học, viện nghiên cứu nông nghiệp...

Tôi chia sẻ với quan điểm của GS Nguyễn Tử Siêm, chuyên gia hàng đầu về nông nghiệp, nguyên văn như sau:”Đây là vấn đề lớn tầm quốc gia, chứ không phải chỉ trong ngành. Báo Nông nghiệp VN đã tiên phong nêu vấn đề, không ngại mầu xám. Căn bệnh kinh niên này nếu sửa vặt không ăn thua, trị từ căn nguyên mới được” .

>>  Loạt bài "Sức khỏe" giới khoa học nông nghiệp
 

Tiến sỹ Tô Văn Trường. Ảnh: Văn Ngọ.


Người đọc nhận thấy phóng viên báo Nông nghiệp Việt Nam đã bỏ công sức và thời gian sưu tầm, thu thập thông tin số liệu phân tích đánh giá có loạt 10 bài về khoa học nông nghiệp rất đáng suy ngẫm. Đây là một vấn đề được giới khoa học quan tâm và là một vấn đề có tính thời sự. Tuy nhiên, nội dung chưa toàn diện, mới nói đến một phần của khoa học nông nghiệp, cụ thể mới một phần khối trồng trọt, chưa điển hình của cả hệ thống nông nghiệp.

Ý kiến phản ánh trong các bài báo cũng mới chỉ có của những người "triển khai" mà chưa có ý kiến của những người làm quản lý, tổ chức xã hội nên thông tin một chiều. Do vậy, nếu được, các phóng viên nên trao đổi với các nhà quản lý, các doanh nghiệp khoa học công nghệ (KHCN) và các Hội khoa học để thấy bức tranh toàn diện hơn.

Nhìn chung, các  nhà khoa học kêu về lương, về thủ tục giấy tờ, về cơ chế quản lý. Đây chỉ là phần ngọn. Mục tiêu cuối cùng của (1) Khoa học - Science; (2) Khoa học công nghệ - Science & Technology và (3) Công nghệ - Technology là phải tạo ra sản phẩm phục vụ dân sinh, phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế của đất nước và bảo vệ đất nước, phát triển khoa học, công nghệ.

Mỗi vấn đề trong 3 lĩnh vực nêu trên đều có tính đặc thù thể hiện qua các sản phẩm. Khoa học công nghệ (2) là cầu nối, là mảng trung gian giữa khoa học (1) và công nghệ (3). Mọi cách tổ chức, quản lý, chính sách phải thực sự phù hợp với tính đặc thù của từng lĩnh vực và với tính kế thừa liên kết tự nhiên giữa các lĩnh vực.

Lĩnh vực công nghệ (3) có lẽ là lĩnh vực then chốt, là khâu cuối cùng để biến các sản phẩm của (1) và (2) thành sản phẩm để phục vụ các mục tiêu đã nêu. Hãy suy nghĩ về tên các viện nghiên cứu công nghệ nổi tiếng thế giới như MIT (Hoa Kỳ), KIT (Đức), AIT (Thái Lan)... thì thấy rõ lĩnh vực công nghệ (3) được nhấn mạnh hơn bao giờ hết. Các khái niệm và định nghĩa về  "Nhà khoa học" và "Nhà công nghệ” đều có tầm quan trọng  vì những đặc thù cũng rất riêng của nó.
 

i) Bộ KHCN chỉ nên làm quản lý nhà nước mà không được làm trực tiếp các nhiệm vụ nghiên cứu. Tức là Bộ chỉ làm chiến lược, kế hoạch, thẩm định, giám sát và đánh giá. Các đơn vị sự nghiệp trực thuộc (các viện nghiên cứu, các trường...) và các văn phòng Chương trình trong Bộ KHCN phải xác định rõ vai trò và nhiệm vụ tập trung quản lý của mình để tránh tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi”. Trong trường hợp này, các Viện, Trung tâm nghiên cứu, Phòng nghiên cứu… thuộc Bộ KHCN chuyển giao cho các Bộ ngành tương ứng. Thí dụ: Viện Nghiên cứu và Phát triển vùng chuyển về Bộ NN-PTNT.

Nếu vẫn muốn làm nghiên cứu thì về nguyên tắc các viện nghiên cứu trong Bộ KHCN chỉ có trách nhiệm nghiên cứu để tìm ra phương thức quản lý KHCN tối ưu và đề xuất các chiến lược phát triển KHCN, tư vấn cho lãnh đạo Bộ và các cơ quan chức năng trong Bộ có những quyết sách đúng đắn.

ii) Cũng tương tự như Bộ KHCN, các Sở KHCN địa phương về nguyên tắc chỉ làm công tác quản lý nhà nước về KHCN, quản lý các đề tài nghiên cứu ứng dụng mang tính đặc thù của địa phương mình. Thí dụ: Các cây ăn quả, cây dược liệu, cây rau bản địa, giống gia súc, gia cầm bản địa do yêu cầu phát triển sản xuất đáp ứng nhu cầu của thị trường và làm nhiệm vụ phối hợp nghiên cứu với các nhiệm vụ chung chủ yếu là nhiệm vụ của cấp Bộ.
 

Các nhà khoa học nghiên cứu giống sắn. Ảnh: Văn Ngọ.


Vai trò chức năng của Sở theo ngành dọc là quản lý KHCN dưới Bộ KHCN, theo ngành ngang là tư vấn cho lãnh đạo tỉnh (UBND) đề xuất những vấn đề KHCN cần đầu tư, nghiên cứu, phát triển. “Lỗ hổng” hiện nay là các tỉnh đều được cấp một khoản kinh phí (có thể không nhỏ nhưng không đủ để giải quyết một vấn đề trọn vẹn) cho các hoạt động nghiên cứu KHCN. Thực chất các đơn vị tại Sở không đủ nguồn nhân lực để thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu. Do vậy, họ lại hợp đồng với các Viện, Trường để thực hiện, làm méo mó hệ thống, kết quả khó đạt chất lượng cao, nhiều nội dung trùng lắp. Nếu xem qua danh mục các đề tài do Sở KHCN triển khai thì đủ kiểu cho các sở ban ngành tham gia, mang tính mặt trận, “gõ trống ghi tên”! Trong nhiều trường hợp các hợp đồng nghiên cứu chỉ nhằm mục đích “giải ngân”, chạy đua với thời gian.

Do vậy, cần thiết phải rà soát đánh giá chức năng nhiệm vụ của các Sở địa phương nói chung, Sở KHCN nói riêng. Nếu vẫn duy trì cơ chế phân bổ kinh phí theo kiểu “chia phần” như hiện nay có lẽ phương án tối ưu là thiết lập mỗi tỉnh có đơn vị sự nghiệp là Trung tâm dịch vụ công nghệ, làm nhiệm vụ phối hợp nghiên cứu với các nhiệm vụ chung được Bộ KHCN xác định.

iii) Để có sự thống nhất trong quản lý nhà nước, và quan trọng hơn là để tránh sự trùng lặp trong đầu tư, phương thức xét duyệt, đánh giá đề tài, tất cả các Chương trình cấp Quốc gia như các Chương trình Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, Biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh, Ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý Tài nguyên & Môi trường cần phải đặt dưới sự quản lý của Bộ KHCN, không nên giao cho các Bộ, đơn vị khác chủ trì.

iv) Tại các Bộ, nên giải tán các Vụ KHCN thuộc Tổng cục.

v) Hiện chúng ta có Hội đồng chính sách KHCN Quốc gia, song thực chất tổ chức này hoạt động như thế nào, cần làm rõ đúng với vai trò "Think Tank" của Nhà nước.
 

i) Trong Bộ NN-PTNT hiện nay đang tồn tại 3 Viện Khoa học Việt Nam: Viện Khoa học Nông nghiệp VN, Viện Khoa học Thủy lợi VN và Viện Khoa học Lâm nghiệp VN. Các viện này được tổ chức theo mô hình viện mẹ - viện con (viện thành viên). Mô hình tổ chức này, gây nên nhiều bất cập do sự quản lý chồng chéo giữa Viện Mẹ và Vụ KHCN của Bộ - các Viện Con bị “một cổ 2 tròng” quản lý, làm mất quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các viện con, làm mất tính cạnh tranh, độc lập sáng tạo trong nghiên cứu khoa học dẫn đến biên chế tăng lên mà hiệu quả của nghiên cứu khoa học không tương xứng. Đề nghị sắp xếp lại tổ chức, trả lại quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các viện  con (viện thành viên).

Viện Chính sách và Viện Quy hoạch nên sát nhập thành Viện Kinh tế nông nghiệp và phát triển nông thôn. Chuyển chức năng của Viện Môi trường Nông nghiệp sang Viện Thổ nhưỡng Nông hóa vv... Các Cục là cơ quan quản lý nhà nước, không có chức năng nghiên cứu nhưng có nhiệm vụ tư vấn cho Bộ đặt hàng, tổ chức hội đồng nghiệm thu sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học thành chính sách. Mỗi viện có các trung tâm, phòng, bộ môn thế nào là tùy đặc thù, đảm bảo các sản phẩm/nội dung chủ lực phải có tổ chức chịu trách nhiệm, tránh tình trạng viện trong viện như hiện nay, lắm lãnh đạo, rối việc!

Nhà nước phải duy trì ổn định các viện nghiên cứu thực sự cơ bản, còn các tổ chức nghiên cứu ứng dụng có thể dần chuyển giao cho doanh nghiệp.

ii) Các trường đại học phải kết hợp với nghiên cứu khoa học vì đó là sức sống của nhà trường. Nhìn ra các nước phát triển (Châu Âu, Bắc Mỹ) các giáo sư đều có 2 nhiệm vụ giảng dạy và nghiên cứu, thậm chí kết quả nghiên cứu (số lượng và chất lượng bài báo khoa học được xuất bản) là tiêu chí quan trọng nhất để xét lên bậc của các giáo sư trẻ (Assisstant Professor, Associate Professor đều chưa được coi là tenure, nghĩa là có thể bị chấm dứt hợp đồng trước khi trở thành Full Professor). Ở Bắc Mỹ nếu được tuyển chức danh Lecturer thì chỉ tham gia giảng dạy mà không tham gia nghiên cứu. Trong khi ở Châu Âu thì hình như Lecturer là bước đầu tiên trong hệ thống Professor (tương tự Assisstan Professor ở Bắc Mỹ).

Nếu trường đại học không có nội dung nghiên cứu thì việc thực hiện đề tài luận án/luận văn tốt nghiệp đại học, thạc sỹ, tiến sỹ ở các trường đại học không phải là công việc nghiên cứu? Nếu không tham gia nghiên cứu thì bài giảng của các giáo sư đại học sẽ chỉ mang tính lý thuyết, không gắn với thực tế.

Tuy nhiên, các trường đại học hiện nay thành lập quá nhiều viện. Cần gắn nghiên cứu khoa học với giảng dạy đại học, có cơ chế để các chuyên gia đầu ngành, chuyên gia giỏi của trường đại học tham gia công tác nghiên cứu khoa học của các viện và ngược lại các chuyên gia đầu ngành, các chuyên gia giỏi của các viện tham gia giảng dạy tại các trường đại học để nâng cao chất lượng giảng dạy và nghiên cứu khoa học, đồng thời gắn được giảng dạy và nghiên cứu khoa học với thực tiễn.

Mô hình lý tưởng là trừ một số cơ sở nghiên cứu đặc thù (thuộc bí mật quốc gia) trong các Viện có Trường nên là các trường đào tạo bậc sau đại học và/hoặc trong Trường có Viện là những nơi sản sinh ra các ý tưởng, sản phẩm KHCN mới.

iii) Hiện nay, nước ta có hai Viện Hàn lâm khoa học xã hội và Viện Hàn lâm khoa học tự nhiên. Ngay Bộ NN-PTNT từ năm 2005 có Quyết định của Thủ tướng Chính phủ thành lập 3 Viện:  Khoa học Nông nghiệp VN, Khoa học Thủy lợi VN, Khoa học Lâm nghiệp VN. Song tên giao dịch Quốc tế lại là 3 Viện Hàn lâm khoa học Nông nghiệp, Thủy lợi và Lâm nghiệp. Điều đáng chú ý là 5 Viện Hàn lâm này đều không có nhà khoa học nào mang chức danh Viện sĩ do Chính phủ VN phong chức danh? Nhà nước cần có quy định Tiêu chí của một Viện Hàn lâm Khoa học, kèm theo đó là chức danh Viện sĩ.
 

i) Cốt lõi của hệ thống là nhà khoa học. Hiện chúng ta nhầm lẫn người nghiên cứu đề tài với nhà khoa học. Theo sách “Khoa học và Công nghệ Việt Nam 2015", chúng ta có 128.997 cán bộ nghiên cứu nói chung ở tất cả các ngành, trong đó làm việc tại khối viện nghiên cứu: 29.820 người (23,1%); trong các trường đại học: 63.435 người (49,2%); cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp khác: 15.955 người (12,4%), doanh nghiệp: 18.553 người (14,4%); khác: 1.234 người (1%). Như vậy, những người làm việc trong các viện và một số tại doanh nghiệp mới trực tiếp làm công tác nghiên cứu mà thôi. Còn nếu chỉ tính những người từ tiến sỹ trở lên thì còn ít hơn nhiều (12.261 tiến sỹ - năm 2015). Do vậy, ở đây cần có định nghĩa rõ ràng hơn thế nào là nhà khoa học, đâu là cán bộ nghiên cứu thực hành. Các cán bộ quản lý có trình độ tiến sỹ trở lên có phải là nhà nghiên cứu, nhà khoa học?

ii) Tạo môi trường lao động/nghiên cứu minh bạch, thân thiện... trong đó nhà khoa học được "trọng dụng" chứ không phải sử dụng. Mỗi đơn vị nghiên cứu hạt nhân (các bộ môn, phòng thí nghiệm) phải được coi là sức sống của cả đơn vị, do đó cần chăm lo cho các đối tượng này. Trao cho các viện toàn quyền sử dụng một nguồn ngân sách ổn định hàng năm, được toàn quyền tuyển dụng con người theo hợp đồng tùy theo nhu cầu công việc và chịu trách nhiệm. Hãy bỏ việc qui hoạch lãnh đạo mà là thi tuyển một cách minh bạch, công bằng thông qua một tổ chức tuyển dụng độc lập (hiện chưa làm được). Qua việc này, có thể dần từng bước chuyển toàn bộ nhân lực của hệ thống theo hình thức hợp đồng như các tổ chức khoa học quốc tế đang làm. Có như vậy, mới mong tinh gọn bộ máy và có nguồn để tăng lương mà không cần thêm ngân sách.

Ở đây, cũng cần thảo luận rõ hơn khi phân biệt nhà khoa học với cán bộ nghiên cứu thực hành khoa học. Nói chung, người lãnh đạo nhóm nghiên cứu ít làm thực hành nghiên cứu hơn so với cán bộ thực hành, tuy nhiên nếu "chỉ tay năm ngón" thì có thể gọi là nhà khoa học hay chỉ nên gọi là "nhà quản lý khoa học"?

Mà cán bộ nghiên cứu thực hành thường là những người phải độc lập nghiên cứu thì nên được gọi là nhà khoa học, trừ thực tập sinh hoặc cán bộ tập sự và sinh viên đang làm luận án tốt nghiệp.
 

Đời sống của các nhà khoa học nông nghiệp còn gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Văn Ngọ.


i) Về hình thành nhiệm vụ nghiên cứu: Hiện nay vấn đề này đang là nguyên nhân chính của việc đặt bài tốt hay không tốt. Cần cải tổ triệt để nội dung này. Mỗi cá nhân đơn vị có quyền đề xuất, Hội đồng các Bộ/Ngành rà soát và đưa về Bộ KHCN tư vấn, rà soát, đưa ra công khai trong 3-6 tháng lấy ý kiến để tránh sự trùng lắp. Những nhiệm vụ liên quan đến địa phương, phải có ý kiến đồng thuận của địa phương, những sản phẩm có thể thương mại cần tham khảo doanh nghiệp, nếu doanh nghiệp làm được thì nên giao cho họ hoặc phối hợp.

ii) Kết hợp giữa việc tuyển chọn đề tài và giao trực tiếp khi biết rõ đơn vị, cá nhân làm là tốt nhất.

iii) Đơn giản hóa thủ tục điều chỉnh thuyết minh và dự toán, vì từ khi viết thuyết minh, trình và phê duyệt, khoa học vẫn phát triển, do vậy trong quá trình thực hiện nếu thấy cần thay đổi nội dung, phương pháp thì phải đơn giản tối đa thủ tục.

iv) Đơn giản hóa tối đa tài liệu, chỉ yêu cầu báo cáo với những phương pháp và số liệu cô đọng nhất. Những tài liệu nào số hóa được thì số hóa, tránh mỗi đề tài hàng chồng tài liệu mà người khỏe mạnh cũng khó mang vác nổi, vậy ai đọc?

v) Đánh giá hàng năm và nghiệm thu: Không nên chỉ đánh giá hành chính mà nên học tập phương pháp đánh giá của nước ngoài. Mỗi đề tài/dự án sẽ có 2 người đánh giá độc lập, chủ đề tài/dự án không biết đó là ai. Đây là nguồn đánh giá tin cậy vì Hội đồng khoa học như hiện nay vì thực chất tài liệu nhiều, thành viên nhiều người đọc rất qua quýt, phát biểu chung chung do nhận thức và cũng do cả nể vì mối quan hệ xã hội.
 

i) Nên giành 70% kinh phí cho các nhiệm vụ chủ lực theo đặt hàng của Bộ KHCN, 30% giành chi cho các nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng của các đơn vị nghiên cứu cơ bản như nói ở trên. Chỉ đầu tư thiết bị cho các đơn vị nghiên cứu cơ bản, các đơn vị nghiên cứu ứng dụng. Các thiết bị đắt tiền không nên đầu tư vì sử dụng rất ít, nếu có mẫu phân tích nên đi thuê.

Về nguồn tài chính nghiên cứu khoa học tùy thuộc vào trình độ phát triển kinh tế xã hội nhưng cũng chỉ xoay quanh 3 nguồn: Ngân sách nhà nước, huy động vốn của xã hội và nguồn vốn của doanh nghiệp. Khi phát triển khu vực giao dịch phục vụ thị trường nông nghiệp chẳng hạn như thành lập các quỹ đầu tư “venture capital” đổi mới công nghệ nông nghiệp, hoàn thiện các dịch vụ bảo hiểm, logistic, tín dụng nông nghiệp vv… mà ở Đài Loan, Thụy Điển, Nhật Bản... rất phát triển thì sản phẩm nghiên cứu khoa học nông nghiệp mặc nhiên được khai thông cả về nguồn vốn  ban  đầu lẫn thị trường tiêu thụ.

ii) Giảm tối đa chứng từ giấy. Mọi chi tiêu qua hệ thống điện tử, như vậy sẽ tránh được chứng từ giả. Chủ trì đề tài được hợp đồng người (như đã nói ở trên) cung cấp các vật tư cần qua tổ chức dịch vụ. Việc quyết toán nên tiến hành hàng năm, tránh để đến cuối khi kết thúc mới quyết toàn là rất thiếu khoa học.

Việc tính công, thù lao cho nghiên cứu khoa học theo kiểu lao động giản đơn (ngày công) là một trong những vấn đề bất hợp lý nhất, gây nên những ách tắc trầm trọng. Những tưởng thay thế thông tư (TT) 44 bằng TT-55, TT-27 sẽ tạo môi trường thuận lợi cho các nhà khoa học, bỏ qua được “sự chống chế” bằng các báo cáo chuyên đề dày cộm, vô bổ và thay vào đó là những báo cáo, sản phẩm có chất lượng. Trên thực tế, quá trình giải ngân của các đề tài vẫn cứ phải có các “báo cáo chuyên đề” không để làm gì cả, chỉ gây sự phiền toái và tốn kém. Nên đổi mới là khoán gọn kinh phí cho chủ nhiệm đề tài, nghiệm thu theo kết quả sản phẩm, bỏ hẳn việc đề tài cần một cán bộ đi chạy chứng từ thanh toán theo các khoản chi mà Hội đồng thẩm định kinh phí của đề tài đã thẩm định và phê duyệt.

Thiết nghĩ “nút thắt cổ chai” về tài chính này cần phải được gỡ bỏ càng sớm càng tốt, tạo môi trường cởi mở để các nhà khoa học không phải “nói dối” khi làm công tác giải ngân.
 

Xét trong hoàn cảnh cụ thể của VN hiện nay thì 1/3 động lực thay đổi công tác nghiên cứu khoa học nông nghiệp nằm trong chính hệ thống quản lý đang tỏ ra có nhiều bất cập. 2/3 còn lại vẫn nằm trong chính nền sản xuất nông nghiệp và sự hoàn thiện cơ chế thị trường nông nghiệp Việt Nam.

Đổi mới quản lý nghiên cứu khoa học, trước hết phải thay đổi được tư duy của các vị có chức quyền, đòi hỏi có tri thức và tấm lòng vì sự phát triển bền vững của đất nước.

Cuối cùng và nhìn chung thì các sản phẩm khoa học, sản phẩm khoa học công nghệ và sản phẩm công nghệ chỉ có giá trị thực dụng cho các lợi ích đã nêu ở trên khi chúng biến thành thương phẩm. Ngược lại với điều này thì các sản phẩm đó chỉ xếp xó và nằm vĩnh viễn lãng quên trong các ngăn kéo, chỉ tốn tiền thuế của dân. Vì vậy mọi cố gắng nghiên cứu, kết nối phải đạt được mục tiêu cuối cùng!

-------------------------

>>Khoa học giải quyết vấn đề lớn của đất nước chứ không phải nơi dung dăng dung dẻ

>> 'Sức khỏe' giới khoa học nông nghiệp: Bài 9 - Phải xem khoa học là nội dung đột phá trong thời đại 4.0

>>'Sức khỏe' giới khoa học nông nghiệp: Bài 8 - Gần thế kỷ trước, Pháp xác định mục tiêu cho nông nghiệp Việt Nam thế nào?

>>'Sức khỏe' giới khoa học nông nghiệp: Bài 7 - Đâu rồi những Lương Định Của ngày xưa?

>>'Sức khỏe' giới khoa học nông nghiệp: Bài 6 - Đầu tư xứng đáng cho hiện tại mới có kết quả trong tương lai

>>'Sức khỏe' của giới khoa học nông nghiệp: Bài 5 - Trần tình của một người trong chăn

>>'Sức khỏe' giới khoa học nông nghiệp: Bài 4 - Viện chỉ như một sân ga

>>'Sức khỏe' giới khoa học nông nghiệp: Bài 3 - Chảy máu chất xám ở một Viện lẫy lừng

>>'Sức khỏe' giới khoa học nông nghiệp: Bài 2 - Đời sống nhà khoa học chỉ hơn được mỗi nông dân

>>'Sức khỏe' giới khoa học nông nghiệp: Bài 1 - Thủ tục, giấy tờ cao hơn ông chủ nhiệm đề tài

Xem thêm
Bàn cách tận dụng hết dư địa cho tinh dầu quế

HÀ NỘI Thiếu hụt nhân lực có kỹ năng và chuyên môn, quy trình sản xuất chưa hoàn thiện và chưa có phương pháp tiếp cận thị trường toàn cầu là khó khăn chung của ngành quế.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Năm 2024, Bình Điền đặt mục tiêu sản xuất, tiêu thụ 568.000 tấn phân bón

TP. HCM Trong năm 2024, Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền đặt ra nhiều mục tiêu và nhiệm vụ, trong đó sản lượng và tiêu thụ đạt trên 568.000 tấn phân bón các loại.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm